Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 24/3

18:51 24/03/2022

(HMC) - Chiều ngày 24/3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP những ngày qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tham dự có Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở TT&TT Từ Lương; Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai; Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm; Đại diện Bộ Tư lệnh TP; Đại diện Công an TP; Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP; Đại diện Văn phòng Thành ủy; Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP. 

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Huyền Mai.
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Huyền Mai.

Thông tin tại họp báo, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ 00 ngày 23/3/2022, có 587.909 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 586.951 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 958 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 4.274 bệnh nhân, trong đó: có 275 trẻ em dưới 16 tuổi, 84 bệnh nhân nặng đang thở máy, 05 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 23/3: 566 bệnh nhân nhập viện, 697 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 335.440), 02 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 20.476).

Về tiêm vắc xin phòng COVID-19, đến ngày 23/3/2022, đã có 8.124.231 mũi 1, 7.364.771 mũi 2, 679.807 mũi bổ sung và 4.227.817 mũi nhắc lại được tiêm cho người dân TPHCM. 

5 nhóm giải pháp thực hiện Đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM

Thông tin về Đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM, ông Trần Như Quốc Bảo - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP cho hay: TPHCM là 1 trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cao nhất thế giới. Theo dự báo, khi biến đổi khí hậu xảy ra trên diện tích bị ngập của TP đến cuối thế kỷ XXI lần lượt là 128 km2, 204 km2 và 473km2 tương ứng với mực nước biển dâng là 65cm, 75cm và 100cm; khả năng để kiểm soát ngập 100% là điều không thể thực hiện được, kể cả các quốc gia tiên tiến nhất thế giới cần phải tiếp tục nghiên cứu triển khai một chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện với môi trường và ít tốn kém nhất.

Ngày 25/1/2021, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 299/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2020 - 2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nuức thải giai đoạn 2020 – 2030. Đề án này được xây dựng dựa trên các quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt với thời gian quy hoạch đến năm 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, về định hướng về quy hoạch chống ngập và xử lý nuớc thải TPHCM giai đoạn 2020 – 2045, TP đặt chỉ tiêu 80% đô thị được hưởng dịch vụ thoát nước; 80% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom, xử lý đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường trong giai đoạn năm 2020 – 2025. Đồng thời, nghiên cứu, cập nhật và hoạch định cốt nền cho từng khu vực, từng quận huyện… đảm bảo phù hợp quy hoạch xây dựng chung, phù hợp quy hoạch thoát nước. Lập quy hoạch chuyên biệt cho hệ thống thoát nước mưa bao gồm xác định hệ thống thoát nước chính như kênh rạch, hệ thống cống cấp 1, 2… đảm bảo yêu cầu thoát nước khi mưa cũng như ứng phó với các kịch bản của biến đối khí hậu, mực nước biển dâng.

Mặt khác, thực hiện các dự án, hoàn thiện quy hoạch hệ thống thoát nước trong khu vực 581,52km2; đồng thời xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực ngoại vi mở rộng quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, TP Thủ Đức, quận 7, quận 9.

Giai đoạn từ 2026 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có 90% dân số đô thị được hưởng dịch vụ thoát nước; 95% tổng lượng nước thải trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Trần Như Quốc Bảo nêu 05 nhóm giải pháp thực hiện hiệu quả Đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM. Ảnh: Huyền Mai
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Trần Như Quốc Bảo nêu 05 nhóm giải pháp thực hiện hiệu quả Đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM. Ảnh: Huyền Mai

Đối với kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2030, trong giai đoạn 2020 – 2025, TP đặt chỉ tiêu giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết phạm vi 550 km2; Tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm thành phố rộng 106,41 km2; cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của TP.

Từ năm 2026 – 2030, Thực hiện các dự án dự báo, kiểm soát ngập nước nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu. Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước theo quy hoạch tại khu vực ngoại vi, tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án nạo vét trục thoát nước chính; chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch đường sông, xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các lưu vực đông dân cư còn lại.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP thông tin thêm, để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Đề án, UBND TPHCM cũng đề ra 05 nhóm giải pháp bao gồm:

1. Nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

2. Tập trung thực hiện các giải pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập.

3. Rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập.

4. Tăng cường liên kết, hợp tác khoa học công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước.

5. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân. 

Liên quan đến Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (còn gọi là Dự án ngăn triều), Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP) Nguyễn Huy Bình cho biết, Dự án ngăn triều được phê duyệt tại Quyết định số 5967/QĐ-UBND ngày 12/11/2015 của UBND TPHCM, mục tiêu góp phần giải quyết vấn đề ngập do triều cường trên địa bàn TP với diện tích khoảng 570 km2 và khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. 

Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP) Nguyễn Huy Bình cho biết, TP quyết tâm hoàn thành Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM trong năm 2022. Ảnh: Huyền Mai.
Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP) Nguyễn Huy Bình cho biết, TP quyết tâm hoàn thành Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM trong năm 2022. Ảnh: Huyền Mai.

Quy mô chính của dự án là đầu tư xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn gồm các cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, các cống nhỏ và khoảng 6 km đê kè xung yếu khu vực sông Sài Gòn (trên cơ sở nâng cao trình của những vùng trũng thấp). 

Dự án này sau khi hoàn thành có thể điều tiết mực nước khoảng 1 - 1,2m để vừa chống ngập khi triều lên vừa góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án.

Tới thời điểm hiện tại, dự án đang triển khai thi công và hoàn thành khoảng 90% khối lượng ở công trường. TPHCM quyết tâm hoàn thành dự án trong năm 2022 và năm 2023 sẽ hoàn tất các thủ tục quyết toán liên quan.

Người nhiễm COVID-19 vẫn là ca bệnh cần được cách ly và điều trị

Về việc có nên coi dịch COVID-19 là bệnh đặc hữu (hay bệnh lưu hành), Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay, ngày 7/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP: Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2022, theo đó, giao Bộ Y tế rà soát, đánh giá lại các tiêu chí về mức độ dịch, quy chế quản lý người nhiễm SARS-CoV-2, người tiếp xúc gần với người mắc bệnh để kịp thời điều chỉnh tình hình phù hợp với thực tế; đánh giá chính xác tình hình dịch, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, từ đó có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch, coi COVID -19 là bệnh dịch lưu hành. Trường hợp cần tiếp tục triển khai lây nhiễm thì phải rà soát lại trình tự, thủ tục để đảm bảo tính đơn giản, dễ thực hiện, hạn chế tiếp xúc trực tiếp và tính chính xác của dữ liệu. Tiếp tục cập nhật và cải tiến quy trình chăm sóc F0 tại nhà. 

Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, trường hợp này vẫn là người bệnh và cần được cách ly, điều trị. Ngoài ra, số ca nặng tại TPHCM vẫn chưa giảm bền vững nên cần kiểm soát không để số ca nhiễm COVID-19 gia tăng. Ảnh: Huyền Mai.
Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, trường hợp này vẫn là người bệnh và cần được cách ly, điều trị. Ngoài ra, số ca nặng tại TPHCM vẫn chưa giảm bền vững nên cần kiểm soát không để số ca nhiễm COVID-19 gia tăng. Ảnh: Huyền Mai.

Bà Mai cũng thông tin, Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng đã trao đổi với nhiều chuyên gia, đơn vị. Qua đó, đưa ra một số nhận định sau:

Vi-rút SAR-Cov-2 cùng số trường hợp nhiễm vi-rút này đã được báo cáo ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Do đó, có thể nhận định, dịch COVID-19 tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang bệnh lưu hành.

Tỉ lệ mắc COVID-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt là giữa các tỉnh thành từng có tỉ lệ mắc cao với những nơi dịch bệnh gần đây đang gia tăng mạnh. Số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn cao so với các bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong hàng đầu trước đó.

Vi-rút SAR-Cov-2 liên tục biến đổi, ghi nhận những biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron. Không chỉ vậy, trong biến thể cũ cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ. Cụ thể ,Omicron đã ghi nhận biến thể phụ như BA.1 BA.2 BA.3, các biến thể này có thể né miễn dịch gây tái nhiễm. Do đó, tỉ lệ mắc COVID-19 tại các vùng hệ cảm nhiễm là rất khó xác định, chưa có tính ổn định.

“Như vậy, có thể kết luận, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch COVID-19 là bệnh lưu hành và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO, tổ chức quốc tế, quốc gia khác để theo dõi tình hình COVID-19, cập nhật sự biến đổi của vi-rút SAR-Cov-2. Từ đó, tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định xem dịch COVID-19 là bệnh lưu hành hay bệnh đặc hữu khi thời điểm thích hợp”, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết.

Về việc đề xuất cho F0 đi làm, tại TPHCM sau khi đánh giá tình hình ca nhiễm, trường hợp nặng, tử vong, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP ban hành văn bản 882/UBND-VX cho phép F1 đi làm, đi học với một số điều kiện.

Riêng F0, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, trường hợp này vẫn là người bệnh và cần được cách ly, điều trị. Ngoài ra, số ca nặng tại TPHCM vẫn chưa giảm bền vững nên cần kiểm soát không để số ca nhiễm COVID-19 gia tăng. 

Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm thông tin thêm, Bộ Y tế đã có đề xuất cho F0 đi làm, tuy nhiên phải đáp ứng điều kiện: F0 tự nguyện và làm việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh hoặc làm việc ở các cơ sở, nơi chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2.

 

Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm. Ảnh: Huyền Mai.
Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm. Ảnh: Huyền Mai.

 

Vân Anh - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục