Tham dự có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Hồng Sơn; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc; Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh TP; đại diện lãnh đạo Công an TP; cùng phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.
1. Tinh hình y tế:
Tại cuộc họp, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ 00 ngày 27/9, có 376.337 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 375.853 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 484 trường hợp nhập cảnh.
Hiện đang điều trị 37.897 bệnh nhân, trong đó có 3.703 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.793 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 27/9, có 2.674 bệnh nhân nhập viện, có 3.131 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 196.640), 131 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 14.631).
Ông Phạm Đức Hải cho biết thêm, UBND quận Gò Vấp và quận Phú Nhuận mới đây có báo cáo đánh giá đạt bộ tiêu chí 3979 của Bộ Y tế về kiểm soát dịch. Như vậy, TPHCM có 7 địa bàn đã kiểm soát được dịch, gồm huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, quận 7, Gò Vấp, Phú Nhuận và TP Thủ Đức.
Về vấn đề cấp mã số cho 150.000 F0, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết tại thời điểm tháng 8, thành phố bước vào đỉnh dịch với nhiều diễn biến phức tạp. Bộ phận thường trực của Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho phép những trường hợp xét nghiệm nhanh dương tính là F0 và được điều trị tại nhà.
Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ y tế, trung tâm y tế các quận huyện và HCDC đang tiến hành rà soát để có báo cáo chính xác đến Bộ y tế.
Đối với cách tính ca nhiễm mới, Phó giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho biết, giai đoạn từ ngày 23 đến 30/9, F0 được công bố dựa trên số người có kết quả test nhanh dương tính. Cách tính này khác với giai đoạn trước (công bố dựa trên kết quả PCR dương tính) là bởi test nhanh cho kết quả ngay sau 15 phút, mặc dù độ chính xác không cao bằng xét nghiệm PCR nhưng có thể bóc tách F0 nhanh để ngăn chặn sớm vùng lây.
2. Việc tiêm chủng vắc xin:
Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 27/9/2021: 9.777.840 (tăng 152.032 mũi vắc xin so với ngày 26/09/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 6.824.718 (tăng 8.605 mũi vắc xin so với ngày 26/09/2021), mũi 2 là 2.953.122 (tăng 143.427 mũi vắc xin so với ngày 26/09/2021), số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.122.667.
Liên quan đến thông tin báo chí đưa về việc một số quận, huyện đã ngưng tiêm vắc xin Pfizer sau khi có chỉ đạo khẩn của Sở Y tế ngưng sử dụng vắc xin Pfizer lô FK0112 từ chiều ngày 28/9 cho đến khi có thông báo mới, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định: “Cho đến thời điểm này, Sở Y tế không có văn bản nào chỉ đạo ngưng tiêm vắc xin Pfizer. Thành phố đã nhận được 640.000 liều vắc xin của Bộ Y tế phân bổ và hiện đang phân bổ cho các địa phương để tiếp tục tiêm trong thời gian tới”.
Bà Mai cho biết thêm, trong quá trình quản lý điều hành, khi thấy có một số vấn đề cần chấn chỉnh lại thì Sở Y tế đã cho ngưng vào sáng nay.
Còn theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Phan Nguyễn Như Khuê, đây là vấn đề liên quan đến công tác nội bộ, việc rà soát lại các Trạm y tế lưu động và các điểm tiêm, tăng cường lực lượng cho xét nghiệm là theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19.
Tại họp báo, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) TP Nguyễn Hồng Tâm cũng thông tin về tỷ lệ tiêm chủng cho người trên 50 tuổi tại TP. Theo đó, 100% số người trên 50 tuổi đã được tiêm mũi 1 và số người được tiêm đủ 2 mũi đạt 48,5%.
Về Chương trình “Vắc xin tinh thần”, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết đây là Chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đề xuất, đã được đã được UBND TP chấp thuận triển khai.
Theo đó, chương trình sẽ được triển khai giai đoạn khởi động từ tháng 9 đến tháng 12/2021, giai đoạn này sẽ thực hiện một số mô hình thí điểm để đánh giá và triển khai trong giai đoạn tiếp theo. Sau khi tổng kết hết giai đoạn sẽ thông tin đến báo chí và người dân được rõ.
3. Về giá bộ xét nghiệm nhanh:
Thông tin về bộ xét nghiệm nhanh (kit test) mà TP đang sử dụng, Phó giám đốc HCDC TP Nguyễn Hồng Tâm cho biết, giá kit test theo danh mục công bố của Bộ Y tế, tức là loại được Bộ Y tế cấp phép, cho phép nhập khẩu và công nhận, cụ thể là theo công văn 8929 (danh sách cập nhật lần 7).
Việc mua sắm kit test hoàn toàn theo quy định của Bộ Y tế. Có nhiều loại kit test được Bộ Y tế cho phép, tuy nhiên TP sẽ tùy vào tình hình thực tế, khả năng cung ứng của nhà phân phối để lựa chọn loại kit test để phù hợp từng giai đoạn.
“Các loại kit test được sử dụng trong đợt xét nghiệm diện rộng vừa qua đều nằm trong danh mục Bộ y tế cho phép”, ông Tâm nhấn mạnh.
Phó giám đốc HCDC cho biết thêm, trong đợt xét nghiệm diện rộng vừa qua, TP nhận được nhiều nguồn tài trợ từ cả nước. Theo thống kê, TP đã nhận được tài trợ khoảng 11,5 triệu bộ kit test, sắp tới nhận thêm 2,5 triệu test. Bên cạnh đó, TP cũng đã chủ động mua để kịp thời thực hiện trong trường hợp nguồn tài trợ chưa kịp về.
4. Việc mở cửa lại chợ truyền thống:
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tiến độ mở cửa lại chợ truyền thống, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, UBND TP đã ban hành bộ tiêu chí mở cửa lại các chợ. Sở Công Thương đã triển khai đến các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để tổ chức lại chợ truyền thống.
Hiện tại, các địa phương đang xây dựng phương án để tổ chức lại hoạt động chợ truyền thống, trong đó có một số đơn vị đã gửi phương án về Sở.
Bà Ngọc cho biết thêm, thời gian cụ thể mở cửa trở lại chợ truyền thống phụ thuộc vào dự thảo chỉ thị của UBND TP về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội, dự kiến sẽ được công bố trước ngày 1/10.