Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 29/11

19:44 29/11/2021

(HMC) - Chiều ngày 29/11, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP trong những ngày qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tham dự có Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ -TB&XH) Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc; Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hòa An; Phó Chủ tịch UBND quận 7 Nguyễn Thị Bé Ngoan; Trưởng ban Tuyên giáo - Đối ngoại, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Lê Văn Thu; Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai; Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở Giáo dục và Đào tạo Trịnh Duy Trọng; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nguyễn Hồng Tâm; Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP; đại diện Bộ Tư Lệnh TP; cùng 34 phóng viên, biên tập viên đến từ 29 cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hyền Mai
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hyền Mai

Đề nghị người dân không hoang mang, lơ là trước biến chủng mới

Thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho hay, tính đến 18 giờ 00 ngày 28/11/2021, có 468.013 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 467.448 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 565 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 14.580 bệnh nhân, trong đó: có 574 trẻ em dưới 16 tuổi, 374 bệnh nhân nặng đang thở máy, 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 28/11, có 1.094 bệnh nhân nhập viện, 1.047 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 277.431), 62 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 17.968).

Về tiêm chủng, đến ngày 28/11/2021, đã có 7.907.595 mũi 1 và 6.667.714 mũi 2 được tiêm cho người dân TPHCM.

Tại họp báo, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cũng cho hay, trong những ngày qua, diễn biễn dịch COVID-19 tại TPHCM có 4 điều đặt ra gồm: số ca mắc mới vẫn còn cao; số ca tử vong còn nhiều; số bệnh nhân nhập viện luôn cao hơn số xuất viện; sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải khẳng định, TP đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao. Ảnh: Huyền Mai
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải khẳng định, TP đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao. Ảnh: Huyền Mai

“Dù đặt ra 4 vấn đề như thế nhưng TP vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Trong nhiều tuần liên tiếp, TP của chúng ta luôn ở cấp độ dịch là 2, đó là màu vàng. TP đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao.”, ông Hải khẳng định.

Trước tình hình trên, TP đề nghị người dân không hoang mang cũng như không được chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh. Mọi người cần thực hiện tốt nhất các quy định của ngành y tế, đặc biệt là 5K, cố gắng thay đổi nhiều nhất, nhanh nhất các thói quen, sở thích của mình. Cụ thể, nên đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên hơn, giảm bớt thói quen tụ tập, ngồi với khoảng cách gần để tránh dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh.

Thông tin ban đầu về biến thể Omicron

Thông tin về biến thể COVID-19 B.1.1.529 (Omicron), Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, đây là chủng mới, được phát hiện vào ngày 9/11 tại Nam Phi. Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang phối hợp với các nhà nghiên cứu trên thế giới để hiểu rõ hơn về biến chủng Omicron thông qua việc đánh giá khả năng lây truyền, các triệu chứng, mức độ nặng khi mắc bệnh, hiệu quả của vắc xin,…

“Về khả năng lây truyền, vẫn chưa rõ liệu Omicron có dễ lây truyền hơn hay không so với các biến thể khác. Số người có kết quả xét nghiệm dương tính đã tăng lên ở các khu vực của Nam Phi bị ảnh hưởng bởi biến thể này, và các nghiên cứu dịch tễ học đang được tiến hành để tìm hiểu xem liệu đó có phải là do Omicron hay các yếu tố khác hay không. Vẫn chưa rõ liệu nhiễm trùng do Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với nhiễm trùng với các biến thể khác, bao gồm cả Delta hay không. Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh ngày càng tăng, chứ chưa chắc chắn rằng là do nhiễm trùng cụ thể với Omicron”, đại diện Sở Y tế thông tin.

Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin về biến thể COVID-19 B.1.1.529 (Omicron). Ảnh: Huyền Mai
Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin về biến thể COVID-19 B.1.1.529 (Omicron). Ảnh: Huyền Mai

Cũng theo bà Huỳnh Mai, hiện tại chưa có thông tin nào cho thấy các triệu chứng liên quan đến Omicron khác với các triệu chứng ở các biến thể khác. Các trường hợp nhiễm trùng được báo cáo ban đầu là ở các sinh viên đại học - những người trẻ hơn có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn - nhưng việc hiểu được mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron sẽ mất vài ngày đến vài tuần. Tất cả các biến thể của COVID-19, bao gồm cả biến thể Delta đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới, đều có thể gây ra bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt với những người dễ tổn thương nhất.

Để đối phó với biến chủng mới nêu trên, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải nêu rõ: “Dù là biến chủng gì đi nữa thì cũng lây qua đường hô hấp. Vì vậy, một trong số những điều chúng ta phải thực hiện đầu tiên là đeo khẩu trang, mở rộng hơn là 5K, trong đó giảm tối đa hơn nữa việc tụ tập”.

Sở Y tế đã được giao thường xuyên theo dõi việc thực hiện chỉ đạo về biến chủng Omicron của Bộ Y tế và báo ngay cho Ban chỉ đạo. Nhằm ứng phó với biến chủng trên, TP cũng chuẩn bị các kịch bản như xây dựng bệnh viện dã chiến, trạm y tế lưu động, củng cố y tế phường, xã, tăng cường tiêm vắc xin,… Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn ở 3 nhóm gồm: Y tế công - tư; Đông y - Tây y và Quân y - Dân y.

Chuẩn bị kịch bản, phương án cụ thể để đảm bảo an toàn nhất cho học sinh

Thông tin tại họp báo, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP cho biết, Sở đã có hướng dẫn các cơ sở giáo dục chuẩn bị các biện pháp để đảm bảo an toàn nhất cho học sinh khi học trực tiếp trở lại.

Theo đó, sau khi tiếp nhận, các cơ sở giáo dục có kế hoạch sửa chữa, chuẩn bị các trang thiết bị, cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở giáo dục được trưng dụng làm cơ sở phòng chống dịch. 

Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở đã xây dựng phương án phòng, chống dịch để tổ chức đón học sinh trở lại trường. Trong đó, lưu ý các cơ sở chuẩn bị kịch bản, phương án cụ thể và tổ chức diễn tập xử lý nếu xuất hiện F0, F1. Mỗi trường cũng phải có phân công cán bộ phụ trách, thực hiện nhiệm vụ cụ thể phục vụ công tác phòng, chống dịch từ khi đón học sinh đầu giờ đến cuối giờ.

Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở Giáo dục và Đào tạo Trịnh Duy Trọng cho biết, đến nay (29/11), các quận, huyện, TP Thủ Đức đã cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho học sinh. Ảnh: Huyền Mai
Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở Giáo dục và Đào tạo Trịnh Duy Trọng cho biết, đến nay (29/11), các quận, huyện, TP Thủ Đức đã cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho học sinh. Ảnh: Huyền Mai

Tiêm vắc xin cũng là một trong những biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh. Theo thống kê, khảo sát ban đầu có 93% phụ huynh đồng thuận tiêm, thực tế khi tổ chức tiêm mũi 1 thì tỷ lệ đồng thuận lên tới 98%.

Đến nay (29/11), các quận, huyện, TP Thủ Đức đã cơ bản hoàn thành tiêm mũi 2 cho học sinh và tiêm mũi 1 bổ sung cho một số trường hợp chưa tiêm.

“Trước khi đi học trở lại, các cơ sở giáo dục sẽ triển khai tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch cho cả thầy cô và học sinh, phụ huynh để tất cả cùng chung tay thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn nhất cho các em”, ông Trọng cho biết.

Quận 7: Quan tâm kiện toàn, nâng cao hệ thống y tế cơ sở

Liên quan đến hoạt động chăm sóc F0 thông qua hệ thống trạm y tế lưu động, trạm y tế phường, hoạt chăm sóc, cấp phát thuốc,… trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND quận 7 Nguyễn Thị Bé Ngoan cho hay, xác định công tác chăm sóc F0 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quận đã quan tâm kiện toàn, nâng cao hệ thống y tế cơ sở, dựa vào y tế cộng đồng, đảm bảo đầy đủ nguồn nhân lực, đội ngũ y tế, các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Hiện nay, quận 7 đã thành lập 21 trạm y tế lưu động, trong đó có 12 phòng khám đa khoa, 2 trạm y tế từ bệnh viện tư nhân, 1 phòng khám đa khoa phụ trách khu chế xuất Tân Thuận. Trong tuần này, quận sẽ sắp xếp, bố trí 2 trạm y tế lưu động tại mỗi phường, đảm bảo phân bố ít nhất 1 trạm y tế trên 10.000 dân.

Phó Chủ tịch UBND quận 7 Nguyễn Thị Bé Ngoan thông tin, quận này đã quan tâm kiện toàn, nâng cao hệ thống y tế cơ sở, dựa vào y tế cộng đồng, đảm bảo đầy đủ nguồn nhân lực, đội ngũ y tế, các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế. Ảnh: Hyền Mai
Phó Chủ tịch UBND quận 7 Nguyễn Thị Bé Ngoan thông tin, quận này đã quan tâm kiện toàn, nâng cao hệ thống y tế cơ sở, dựa vào y tế cộng đồng, đảm bảo đầy đủ nguồn nhân lực, đội ngũ y tế, các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế. Ảnh: Hyền Mai

Để đảm bảo khả năng đáp ứng, quận đã tăng cường nhân sự từ trung tâm y tế, huy động tình nguyện viên sẵn sàng hỗ trợ. Tổng số nhân sự vận động từ y tế tư nhân là 25 bác sĩ, 33 điều dưỡng, 42 tình nguyện viên các phường. Ngoài ra, 50 bác sĩ tại các phòng khám chuyên khoa cũng được vận động tham gia vào hệ thống trạm y tế lưu động.

Quận còn kiện toàn 828 tổ y tế tự quản để hình thành tổ chăm sóc F0 theo hướng dẫn của Sở Y tế. Từ đó, vận hành 828 tổ chăm sóc F0 nhằm phối hợp với các trạm y tế lưu động, y tế địa phương; duy trì 12 xe cấp cứu với các thiết bị y tế cần thiết; 10 tổ phản ứng nhanh của phường để tiếp ứng, xử lý thông tin kịp thời.

Đến nay, quận đã và đang đảm bảo việc cấp, phát thuốc cho F0 trên địa bàn. Theo đó, duy trì và đảm bảo liên lạc thông suốt đường dây nóng của hệ thống hệ thống y tế 24/7, qua đó kịp thời nắm bắt thông tin và chăm sóc F0.

Về năng lực tiếp nhận, cách ly, thu dung, điều trị, quận 7 duy trì Bệnh viện Dã chiến với 150 giường ICU cũng như sẵn sàng 500 giường để tiếp nhận cách ly tập trung, thu dung và 01 khu cách ly 300 giường.

Phó Chủ tịch UBND quận 7 cũng cho biết, trên địa bàn quận có khu chế xuất Tân Thuận nên quận cũng đã có phương án sẵn sàng để tiếp nhận các trường hợp F0 của khu chế xuất cũng như lao động trên địa bàn không có điều kiện cách ly tại nhà.

Gần 40.000 lao động đã trở lại làm việc

Liên quan đến số lượng lao động trở lại làm việc và các chính sách hỗ trợ người lao động, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho biết, tính đến nay số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động trở lại là 39.752 người. Trong đó, lao động từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ khoảng hơn 16.500 người; Tây Nguyên 478 người và các tỉnh Đông Nam Bộ hơn 22.700 người.

Đối với người lao động tại TPHCM bị mất việc làm do dịch bệnh COVID-19, có 127 doanh nghiệp giới thiệu việc làm với 02 doanh nghiệp nòng cốt là Trung tâm giới thiệu việc làm TP và Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên đã tổ chức kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn TP. Đồng thời tổ chức nhiều phiên, nhiều sàn giao dịch việc làm để tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động gặp gỡ, phỏng vấn, tìm kiếm công việc phù hợp.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho biết, tính đến nay số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động trở lại là 39.752 người. Ảnh: Huyền Mai
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho biết, tính đến nay số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động trở lại là 39.752 người. Ảnh: Huyền Mai

Từ ngày 1/11/2021 đến nay, 02 Trung tâm đã tư vấn việc làm cho 63.164 lượt người và giới thiệu 26.543 người tới các doanh nghiệp làm việc. Các lĩnh vực thu hút lao động tập trung ở thương mại dịch vụ, sản xuất chế tạo (may mặc, da giày, lắp ráp linh kiện điện tử…).

Dự báo thị trường lao động từ nay đến cuối năm sẽ gia tăng nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất kinh doanh và chuẩn bị lao động cho những tháng đầu của năm 2022 để thực hiện các đơn hàng. Dự kiến cần khoảng hơn 33.000 – 42.000 lao động.

Tập trung 09 giải pháp kéo giảm các loại tội phạm

Trao đổi về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an TP) cho hay, thống kê đến từ ngày 1/10/2021 – 28/11/2021, trên địa bàn TP xảy ra 548 vụ phạm pháp hình sự về trật tự xã hội, so với cùng kỳ giảm 283 vụ (tương ứng 34,05%), so với thời gian liền kề tăng 272 vụ (tương ứng 98,55%).

Riêng trộm cắp tài sản có 233 vụ, trong đó 156 vụ trộm cắp mô tô – xe máy (chiếm 66,95%). Nhìn chung, so với cùng kỳ có giảm nhưng so với thời gian liền kề lại gia tăng.

Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an TP) thông tin về các nhóm giải pháp kéo giảm các loại tội phạm. Ảnh: Huyền Mai
Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an TP) thông tin về các nhóm giải pháp kéo giảm các loại tội phạm. Ảnh: Huyền Mai

Vì vậy, Công an TP đã chỉ đạo các lực lượng tiếp tục các giải pháp kéo giảm các loại tội phạm, trong đó có tội phạm trộm cắp tài sản.

Tập trung vào 09 giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác với các cách thức, đối tượng trộm cắp; Tham gia tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm; Điều chỉnh cách thức bố trí lực lượng, phương thức hoạt động, cơ chế tạo lập thông tin phối hợp giữa các lực lượng… nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý tội phạm kịp thời; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; Triển khai rà soát, thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn TP nhằm đánh giá đúng thực trạng, đề ra biện pháp hiệu quả; Triển khai các hệ thống về kỹ thuật, camera giám sát nhằm đảm bảo kiểm soát tình hình an ninh trật tự công cộng; Phát động các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm; Tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở kinh doanh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ nắm tình hình, địa bàn, các băng nhóm tội phạm… trên địa bàn.

Vân Anh - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục