Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 29/8

20:28 29/08/2021

(HMC) – Chiều ngày 29/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải và Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh chủ trì họp báo.

Tham dự có Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng; Phó Giám đốc Sở GTVT Phan Công Bằng; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh TP; đại diện lãnh đạo Công an TP.

Toàn cảnh họp báo chiều ngày 29/8. Ảnh: Khang Minh
Toàn cảnh họp báo chiều ngày 29/8. Ảnh: Khang Minh

1. Kết quả đạt được sau 7 ngày thực hiện Chỉ thị 11:

Tại họp báo, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, 7 ngày qua TP đã thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp chưa thực hiện tốt, phải xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, TP đã lập biên bản 6296 trường hợp với tổng số tiền phạt là hơn 8,8 tỷ đồng.

TP đã triển khai việc xét nghiệm diện rộng trên toàn TP, đồng thời ở khu vực có nguy cơ cao và rất cao, yêu cầu người dân tự lấy mẫu xét nghiệp. Do đó, số ca phát hiện mới trong 7 ngày tăng cao, bình quân mỗi ngày phát hiện 4740 ca nhiễm mới.

Xét nghiệm kháng nguyên nhanh toàn bộ người dân trong vùng đỏ, vùng cam với tổng số 1.677.154 mẫu, phát hiện 64.299 F0, chiếm tỷ lệ 3,8% số mẫu xét nghiệm. Hiện TP đang tiếp tục triển khai xét nghiệm lần 2

Với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cơ quan Trung ương và các tỉnh thành, TP đã tiếp nhận 4.666 nhân sự thuộc các bệnh viện của Bộ Y tế điều động, 786 cán bộ chiến sĩ của Bộ Công an và 11.177 chiến sĩ, y, bác sĩ, bộ đội thuộc Bộ quốc phòng và các quân khu.

Tại 321 phường xã thị trấn, Tổ công tác đặc biệt đã phối hợp Tổ Covid cộng đồng và các lực lượng khác triển khai công tác “đi chợ hộ” với tần suất 1 tuần/1 lần và phân phối trực tiếp đến người dân.Từ ngày 23/8 tới 28/8, TP đã đi chợ hộ cho 411.922 hộ/ 508.666 hộ đăng ký, đạt tỷ lệ 81%.

2. Các chỉ đạo mới của TP trong phòng chống dịch:

Thông tin về các chỉ đạo mới của TP, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến hết ngày 27/8, hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc xét nghiệm đối với vùng cam, vùng đỏ. Riêng đối với vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng, công tác xét nghiệm vẫn chưa đạt tiến độ với kết quả lần lượt là 35%, 19% và 37%. Nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung triển khai các nội dung cụ thể như sau:

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, xác định công tác phòng, chống dịch hiện nay là lấy phường, xã, thị trấn làm pháo đài chống dịch, trong đó công tác xét nghiệm đóng vai trò then chốt. Vì vậy, trong thời gian tới, giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm chủ trì, triển khai công tác xét nghiệm trên địa bàn phụ trách với phương châm thần tốc, hiệu quả, an toàn, đảm bảo mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin về các chỉ đạo mới của TP. Ảnh: Khang Minh
Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải thông tin về các chỉ đạo mới của TP. Ảnh: Khang Minh

UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các phường, xã, thị trấn chủ động tăng cường nguồn nhân lực tại chỗ tham gia lấy mẫu và khuyến khích người dân tự lấy mẫu (đối với test nhanh), đảm bảo tiến độ như sau: Các vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng: đến hết ngày 30/8 phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 1 (thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, trong đó mẫu gộp 10 đối với vùng xanh, vùng cận xanh và mẫu gộp 5 đối với vùng vàng), do các đội lấy mẫu được tập huấn thực hiện. Sau khi kết thúc đợt 1, thực hiện tiếp đợt thứ 2, hoàn thành trước ngày 06/9 để phân loại lại các vùng nguy cơ.

Các vùng đỏ, vùng cam: đến hết ngày 01/9 phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 2, kết hợp việc triển khai, hướng dẫn rộng rãi để tăng tỷ lệ người dân tham gia tự lấy mẫu (test nhanh mẫu đơn).

Các địa phương rà soát lại nguồn lực nhân lực lấy mẫu xét nghiệm; tổ chức huy động lực lượng tại chỗ, kể cả đối với người đã khỏi bệnh tham gia thực hiện. Nếu cần bổ sung nhân sự lấy mẫu, khẩn trương đề xuất cụ thể gửi về Tổ điều phối nguồn nhân lực Thành phố (Sở Nội vụ) để hỗ trợ.

Bên cạnh đó, TP đề nghị mỗi phường, xã, thị trấn, quận, huyện, thành phố Thủ Đức phải phân công nhân sự chịu trách nhiệm làm công tác thống kê, báo cáo (không giao cán bộ, nhân viên y tế thực hiện báo cáo số liệu để tập trung công tác chuyên môn), đảm bảo báo cáo đầy đủ nội dung và thời gian theo yêu cầu của Thành phố; tiến hành đánh giá lại vùng nguy cơ sau khi kết thúc các đợt xét nghiệm vào ngày 06/9.

Về việc cử Đoàn công tác gồm 754 nhân sự tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Thủ Đức và 21 Quận huyện, phân bổ về mỗi phường 2 người, riêng với quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Chánh cử 3 người/phường.

Theo đó, UBND TP giao trách nhiệm cho Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn và Thư ký đoàn phụ trách tiếp nhận, tổng hợp thông tin do các Tổ trưởng báo cáo vào lúc 17g00 hàng ngày để trước 18g00 cùng ngày báo cáo về Tổ Điều phối nguồn nhân lực. Đồng thời, trực tiếp phản ánh, đề xuất giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; những mặt còn hạn chế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Đối với thành viên Tổ công tác, hỗ trợ Ủy ban nhân dân xã thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bản xã, nắm chắc số hộ gia đình, số người cần chăm lo và duy trì việc chăm lo cho thật tốt, không để sót hay trùng lặp trong việc chăm lo cho các đối tượng khó khăn.

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phân công và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật. Nắm bắt tình hình thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn phụ trách; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ trong ngày với Tổ trưởng vào 17g00 hàng ngày.

3. Thông tin về tình hình y tế:

Báo cáo về tình hình y tế trong ngày, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 06 giờ ngày 29/8/2021, có 205.466 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 205.023 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 443 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 40.259 bệnh nhân, trong đó: có 2.415 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.736 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 28/8: có 2.246 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 104.844), 256 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 8.624). 

Về kết quả xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 27/8/2021 đến 18 giờ 28/8/2021, TP đã lấy 366.423 mẫu, trong đó có 8.586 mẫu đơn và 9.304 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 290.093 mẫu.

Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 28/8/2021 là 5.865.276 mũi (tăng 58.286 mũi vắc xin so với ngày 27/8/2021). Trong đó, tổng số mũi 1 là 5.577.285, mũi 2 là 287.991, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 632.073.

4. Về tình hình an sinh xã hội:

Trong ngày 28/8, Trung tâm An sinh Thành phố đã chuyển 115.973 túi an sinh đến các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức để hỗ trợ người dân khó khăn. Lũy kế từ ngày 15/8/2021 đến 29/8/2021, tổng số túi an sinh đã chuyển tới các quận, huyện, thành phố Thủ Đức là 960.210 túi

Chương trình SOS của Trung tâm an sinh Thành phố đã hỗ trợ 941 phần quà và 394 lốc sữa cho các trường hợp cứu trợ khẩn cấp.

Đại diện UB Mặt trận Tổ quốc VN TPHCM trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo. Ảnh: Khang Minh
Đại diện UB Mặt trận Tổ quốc VN TPHCM trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo. Ảnh: Khang Minh

Đã có hơn 20.000 chủ nhà trọ đã miễn, giảm giá thuê cho 273.728 phòng trọ với số tiền 158.099.971.000 đồng.

Ngoài ra, TP đã hỗ trợ cấp 4.650 giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân để tham gia công tác thiện nguyện, hỗ trợ các khu cách ly, bệnh viện và người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Lý giải việc gói hỗ trợ tới người dân chậm ở một số nơi, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết, để đưa gói hỗ trợ tới người dân, Trung tâm An sinh phối hợp với nhà tài trợ và đơn vị cung ứng hàng hóa để phân bổ về địa phương. Song trong quá trình thực hiện một số đơn vị cung ứng hàng do nhân sự thiếu hụt vì có người mắc Covid-19, dẫn đến tình trạng hàng không đủ theo combo làm ảnh hưởng đến tiến độ giao Túi an sinh tới người dân.

“Để khắc phục vấn đề này, Trung tâm An sinh đã hình thành đội shipper tình nguyện, chia xuống phường xã để cùng lực lượng quân sự trao quà kịp thời tới người dân. Cùng đó, tổ chức lực lượng SOS để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp từ người dân thông qua các Tổng đài. Tới nay, đã có 6000 Túi an sinh được gửi qua kênh này”, đại diện Ủy ban MMTTQ Việt Nam TPHCM cho biết thêm.

5. Thông tin về công tác “Đi chợ hộ”

Tại cuộc họp, trả lời báo chí liên quan đến việc “Đi chợ hộ” còn nhiều bất cập, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, thời gian đầu công tác triển khai còn lúng túng do việc triển khai một công việc mới, không có sự chuẩn bị từ trước và phải huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau.

“Vì thực hiện trên một quy mô lớn nên sẽ có những vấn đề bất cập xảy ra. Việc duy trì được nguồn hàng phong phú, dồi dào và đáp ứng yêu cầu như bình thường sẽ rất khó khăn trong lúc này”, ông Phương bày tỏ.

Phó Giám đốc Sở Công Thương cũng khẳng định, việc cung ứng hàng hóa tuy gấp rút nhưng các hệ thống phân phối, tổ công tác đã nỗ lực hết sức để đưa hàng hóa tới cho người dân. Nhằm khắc phục trong thời gian tới, Sở đã có phương án thiết lập các đường dây nóng, đầu mối cung ứng, bà con có thể liên hệ, phản ánh trực tiếp để được đáp ứng hàng hóa kịp thời.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên thông tin về công tác “Đi chợ hộ”. Ảnh: Khang Minh
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên thông tin về công tác “Đi chợ hộ”. Ảnh: Khang Minh

Chia sẻ thêm về công tác “Đi chợ hộ” trong thời gian qua, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho rằng việc “đi chợ hộ” là việc chưa có tiền lệ, đây là giải pháp mới, là một bài toán đa biến. Với một TP có hơn 2 triệu hộ dân, việc đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người cùng một lúc là rất khó khăn. TP sẽ nỗ lực tối đa để đáp ứng phục vụ người dân. Nếu chưa đáp ứng được mong người dân bình tĩnh, chia sẻ khó khăn với TP lúc này.

Ông Hải cũng thông tin thêm về 5 nhiệm vụ chính của quận đội trong giai đoạn hiện nay, bao gồm: Tuyên truyền vận động người dân; Phối hợp cùng tham gia chốt chặn tuần tra; Phối hợp tham gia công tác xét nghiệm, tiêm chủng, sơ cấp cứu; Tham gia cùng các lực lượng vận chuyển các túi an sinh và một số nhiệm vụ khác, trong đó có “đi chợ hộ”

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải khẳng định, việc “đi chợ hộ” không phải là nhiệm vụ chính của của lực lượng vũ trang, công tác này chủ yếu vẫn do đoàn thanh niên, hội phụ nữ…đảm nhiệm.

6. Định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới:

Tại họp báo, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đã truyền đạt lại ý kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng về định hướng công tác tuyên truyền thời gian tới. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tăng cường trao đổi giữa chính quyền và báo chí theo hình thức họp báo. Bên cạnh đó, chính quyền cần chủ động cung cấp thông tin cho người dân liên tục, tổ chức đối thoại để lắng nghe ý kiến của người dân. Chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” là một cách làm hay của TPHCM trong thời gian qua.

Người làm báo cần cân nhắc trong việc đưa thông tin để đảm bảo thực hiện đúng quy định về Luật tiếp cận thông tin. Không đưa thông tin chưa rõ ràng, thông tin mang tính nội bộ không được công khai…

Thời gian qua, thông tin giả, lừa đảo lan truyền trên không gian mạng đã làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch của cả nước. Khi các sở, ngành phát hiện tin giả liên quan thì cần thông báo ngay cho Sở Thông tin và Truyền thông để kịp thời xử lý vi phạm.  

Bên cạnh đó, các cơ quan báo đài cần hết sức lưu ý việc sử dụng từ ngữ, khai thác hình ảnh trên không gian mạng. Cần coi việc phản bác đấu tranh với tin giả là một trong những nhiệm vụ gắn chặt với cơ quan báo chí.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông đặc biệt lưu ý, Tổng biên tập là người chịu trách nhiệm duyệt tin tức liên quan đến COVID-19  tại các tòa soạn, tránh phân cấp phân quyền sâu dẫn đến không kiểm soát được nội dung.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình phát biểu tại họp báo. Ảnh: Khang Minh
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình phát biểu tại họp báo. Ảnh: Khang Minh

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho rằng, giai đoạn dịch bệnh là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho người làm báo phát huy vai trò, khẳng định vị thế dẫn dắt thông tin. Với sự “tự hào, tự trọng, tự ái”, người làm báo ít nhiều đều băn khoăn về những thách thức của mạng xã hội, của công nghệ truyền thông hiện đại.

“Hơn lúc nào hết, đây là cơ hội để người làm báo có những sản phẩm để đời. Mỗi bài viết, mỗi câu viết góp phần củng cố hơn, đoàn kết hơn giữa chính quyền và người dân. Bằng việc khai thác chất liệu khác nhau để người dân hiểu, người dân tin. Thông qua các phản ánh, phát hiện của báo chí nhằm nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo sở ngành.

Tất cả những nỗ lực đó giúp chính bản thân người làm báo có thêm bản lĩnh, thêm kinh nghiệm, thêm nhiệt huyết sau khi đại dịch đi qua. Và rồi chúng ta sẽ rất đỗi tự hào vì đã dùng ngòi bút, hình ảnh để cùng người dân TP chiến thắng đại dịch.”, ông Lê Hải Bình bày tỏ.

Khang Minh

Tin cùng chuyên mục