Thông tin nổi bật về phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM ngày 4/9

19:06 04/09/2021

(HMC) – Chiều ngày 4/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Phan Nguyễn Như Khuê và Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tham dự có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh; Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh TP; đại diện lãnh đạo Công an TP; cùng phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Toàn cảnh họp báo chiều 4/9. Ảnh: Khang Minh
Toàn cảnh họp báo chiều 4/9. Ảnh: Khang Minh

1. Tinh hình y tế:

Tại cuộc họp, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ 00 ngày 03/9 có 241.603 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 241.143 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 460 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 42.862 bệnh nhân, trong đó có 3.106 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.770 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 03/9, có 2.266 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 122.775), 256 trường hợp tử vong (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 10.230).

Về xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 02/9 đến 18 giờ 03/9, TP đã lấy 294.804 mẫu, trong đó có 5.743 mẫu đơn và 10.175 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 200.129 mẫu.

Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 03/9 là 6.321.049 (tăng 52.722 mũi vắc xin so với ngày 02/09) trong đó tổng số mũi 1 là 5.923.063, mũi 2 là 397.986, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 691.358.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Khang Minh
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Khang Minh

Lý giải về việc số ca F0 tăng kỷ lục trong ngày 3/9, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm cho biết, nguyên tắc công bố của Bộ Y tế là F0 phải có xét nghiệm PCR dương tính để khẳng định nhiễm SARS-CoV-2.

Thời gian qua TPHCM thực hiện chiến dịch test nhanh để bóc tách F0, test nhanh mặc dù có tính chính xác khá cao nhưng không bằng PCR, test nhanh cho kết quả nghi ngờ còn PCR cho kết quả khẳng định.

Theo ông Tâm, những ngày gần đây, số lượng test PCR dương từ 4000-5000 ca/ngày, còn test nhanh từ 7000 – 8000 ca/ngày. Việc ngày 3/9 số ca xét nghiệm PCR tăng vọt là do nhiều địa phương khi thấy test nhanh dương thì làm lại xét nghiệm PCR để cho kết quả khẳng định ngay, bởi vậy số ca nhiễm khẳng định được công bố tăng vọt trong ngày.

“Số ca nhiếm F0 tăng trong ngày 3/9 không có sự đột biến. Người dân không nên hoang mang, về tính chất vẫn như những ngày trước”, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm khẳng định.

2. Giải pháp hỗ trợ học sinh học tập trong học kỳ I năm học 2021-2022:

Thông tin về tình hình giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho biết do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên TP không tổ chức tựu trường và khai giảng trong năm học mới 2021-2022.

Từ 6/9, học sinh THCS, THPT bắt đầu vào năm học mới, làm quen với lớp và tiếp tục củng cố sĩ số lớp, rà soát điều kiện lớp học trong 1 tuần. Lớp nào đủ điều kiện thì vào học, lớp nào chưa đủ điều kiện thì sẽ vào học trong tuần thứ 2.

Riêng cấp tiểu học tập trung ngày 8/9, sau đó có gần 2 tuần để làm quen bạn bè, lớp học, ôn tập củng cố, hướng dẫn học sinh lớp 1 làm quen môi trường mới.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu nêu 3 nhóm giải pháp giải pháp hỗ trợ học sinh học tập trong học kỳ I năm học 2021-2022. Ảnh: Khang Minh
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu nêu 3 nhóm giải pháp giải pháp hỗ trợ học sinh học tập trong học kỳ I năm học 2021-2022. Ảnh: Khang Minh

Theo thống kê của Sở, số lượng học sinh ở các cấp không đủ điều kiện học tập trên internet là 75.000 em (chiếm khoảng 4% học sinh toàn TP). Trong đó, tiểu học nhiều nhất với 31.000 em; trung học cơ sở 22.000 em, trung học phổ thông 15.000 em.

Để khắc phục vấn đề này, Sở đề xuất thực hiện các nhóm giải pháp cụ thể như sau:

Nhóm giải pháp thứ 1, Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố triển khai sớm nhất việc dạy – học trên truyền hình. Trong tháng 9/2021, sẽ ưu tiên các nội dung dạy cho học sinh kỹ năng tự học, hướng dẫn phụ huynh cùng tham gia, hỗ trợ con em mình học trên internet. Về nội dung theo chương trình, sẽ có ưu tiên thời lượng cho các khối lớp nhỏ, các lớp theo Chương trình GDPT 2018 và các lớp cuối cấp.

Đồng thời, kho tài liệu trực tuyến đã được Sở xây dựng từ năm 2020 tiếp tục được bổ sung, cập nhật, đảm bảo cung cấp tài liệu học tập cho học sinh và phụ huynh các cấp.

Nhóm giải pháp thứ 2 là hỗ trợ điều kiện học trực tuyến cho học sinh (đường truyền, thiết bị, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…). Các trường đã chủ động vận động các mạnh thường quân đóng góp, hỗ trợ cung cấp các trang thiết bị phục vụ việc dạy-học trực tuyến trong nhà trường.

Trong thời gian sắp tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị viễn thông; các nhà cung cấp nhằm hỗ trợ các gói đường truyền, gói mua giảm giá hoặc trả góp các thiết bị nhằm đảm bảo đủ thiết bị, đường truyền phục vụ dạy – học trực tuyến cho học sinh.

Trong trường hợp học sinh quá khó khăn, không thể tiếp cận việc học trực tuyến bằng các hình thức trên; các trường sẽ thực hiện các phiếu học tập. Trong tuần

Giáo viên sử dụng hệ thống của ngành để tiếp cận, đưa các phiếu học tập đến cho học sinh, đảm bảo các em nắm bắt được bài học, đảm bảo tiến độ học tập. Những học sinh này sẽ được đánh giá, kiểm tra và tạo điều kiện quan tâm, kèm cặp riêng ngay khi có điều kiện học trực tiếp để bù đắp những hạn chế gặp phải.

Nhóm giải pháp thứ 3 là chuẩn bị kế hoạch đảm bảo chất lượng giảng dạy khi học sinh nhập học trở lại.

Khi Thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, các cơ sở giáo dục dần được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng, chống dịch, Ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, tranh thủ “khoảng thời gian vàng”, ưu tiên các khối lớp 1, 2, đầu và cuối cấp chia nhỏ lớp để học trực tiếp, các khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lại. Trường hợp việc học trực tuyến kéo dài, Sở Giáo dục và đào tạo sẽ nghiên cứu tham mưu sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài thêm năm học, nhất là cho các lớp 1, 2 và đầu cấp để đảm bảo chương trình và kết quả học tập.

Thành phố chỉ đạo việc triển khai dạy - học không được gây áp lực, quá tải cho học sinh; phải triển khai linh hoạt, chậm, chắc, bám sát thực tiễn của từng địa phương, từng cơ sở giáo dục, không nóng vội, không chủ quan, không cào bằng; thường xuyên giám sát, kiểm tra, điều chỉnh kế hoạch, tiến độ một cách phù hợp.

Liên quan đến việc có nên rời khai giảng đến ngày 15/9 mà báo chí nêu, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho rằng trên tinh thần bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, là ưu tiên. Nhưng cần phải tuyên truyền cho giáo viên, học sinh nắm rõ dù khó khăn đến đâu cũng tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt. Việc khai giảng sẽ triển khai theo đúng kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo TP đã nêu.

“Thực tiễn cho thấy trong hoàn cảnh chiến tranh đất nước vẫn duy trì việc học tập. Lịch sử chứng minh không có thách thức nào vượt qua hơn tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí quyết tâm mài dùi kinh sử, chinh phục tri thức”, ông Hải nhấn mạnh.

3. Việc cung ứng hàng hóa:

Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, tổng nhu cầu đăng ký đi chợ hộ trong ngày 3/9 là 78.893 hộ, giảm 24,3% so với ngày hôm trước. Trong đó, 87.828 hộ gia đình đã được cung ứng hàng hóa, đạt tỷ lệ 111,3% số hộ đăng ký; tỷ lệ “đi chợ hộ” theo ngày luôn đạt ở mức cao (trên 80%). Đặc biệt đã không còn đơn hàng tồn đọng trong ngày.

Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa. Ảnh: Khang Minh
Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa. Ảnh: Khang Minh

Thông tin về gói combo 100k từ đề xuất của Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, mỗi combo đảm bảo tối thiểu có 10kg rau, củ, quả cơ bạn hoặc các loại lương thực thiết yếu như gạo, thủy hải sản, thịt…phục vụ nhu cầu của người dân theo nhiều mức khác nhau.

Tại TP đã có 2 địa phương là  TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh triển khai combo nông sản này. Trong đó, TP Thủ Đức triển khai bán được 3.400 combo, quận Bình Thạnh bán được 452 combo.

Ông Phương cho biết thêm, việc mua hàng combo có dấu hiệu giảm trong vài ngày gần đây là do người dân đã tiếp cận hàng hóa thuận lợi hơn từ việc hoạt động trở lại của lực lượng shipper, siêu thị mở ứng dụng đặt hàng online và các sàn thương mại đã hoạt động trở lại.

Theo thống kê, Thành phố hiện có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa đang hoạt động; bao gồm 92 siêu thị, 2.100 cửa hàng tiện ích và 522 cửa hàng tạp hóa, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

4. Tình hình an ninh trật tự:

Cung cấp về tình hình an ninh trật tự, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TPHCM cho biết, từ ngày 23/8 đến ngày 4/9 TP đã xảy ra 19 vụ phạm pháp hình sự (giảm khoảng 85% so với trung bình của năm 2020). Qua thống kê cho thấy, số vụ trộm cắp tài sản chiếm phần lớn.

Ngoài ra, Thượng tá Lê Mạnh Hà cảnh báo người dân cần đề cao cảnh giác với một số hình thức phạm tội phổ biến trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay như lừa đảo bán hàng qua mạng, tổ chức đánh bạc, tham gia cá cược online, lừa đảo ngân hàng…

Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn TP. Ảnh: Khang Minh
Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn TP. Ảnh: Khang Minh

Về tình hình giao thông, theo thống kê từ 23/8 đến 4/9, tại TP xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông, giảm 2 vụ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc giảm tai nạn giao thông nghiêm trọng chưa tương xứng với tình hình chung.

Do đó, Thượng tá Lê Mạnh Hà cảnh báo người dân đặc biệt lưu tâm khi lưu thông trên đường vắng, không chạy quá tốc độ, thiếu quan sát để giảm thiểu gây tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Việc hỗ trợ người dân TP về quê, đại diện Công an TP cho biết, từ khi bùng phát dịch đến nay Công an TP đã nhận hỗ trợ 21 tỉnh thành, đưa 76 lượt người dân về quê.

“Trường hợp di chuyển về quê phải liên hệ tổ chức cơ quan, được sự đồng ý của địa phương để địa phương có văn bản trao đổi với UBND TPHCM. Người dân nên tránh tự di chuyển sẽ không đảm bảo an toàn”, Thượng tá Lê Mạnh Hà lưu ý thêm thông tin tại cuộc họp.

Về tình hình quét mã QR tại chốt kiểm soát, đại diện Công an TP cho biết, sau khi thí điểm sử dụng cho thấy việc quét mã QR có nhiều ưu điểm như việc xử lý thông tin và kiểm tra nhanh, giữ được khoảng cách an toàn và giảm thiểu tiếp xúc giữa cán bộ chiến sĩ với người dân, dễ dàng xác thực thông tin cá nhân di chuyển với kho lưu trữ.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại vài điểm hạn chế như gây bất tiện cho người lái xe ô tô do cabin xe có chiều cao khác nhau, ngoài ra việc triển khai cần đầu tư máy tính để kết nối. Thời gian tới Công an TP sẽ mở rộng mô hình này tại các chốt kiểm soát trên địa bàn TP.

5. Về an sinh:

Trong ngày 04/9, Trung tâm an sinh tại các kho của MTTQ Thành phố đã tiếp nhận nhiều loại mặt hàng như rau và nhu yếu phẩm các loại, sữa rửa mặt, kem đánh răng…vv của các tỉnh Lâm Đồng và các doanh nghiệp, mạnh thường quân trị giá hơn 3,519,016,375,000đ. Hàng rau củ được phân phối đến các quận  1, 3, 4, 6, Bình Thạnh, Nhà bè, Bình Tân, Tân Phú, Bộ Tư lệnh Thành phố; 15 bếp ăn từ thiện, bệnh viện Bình Thạnh trị giá 2,150,000,000đ. Hoàn thành 1000 phần quà phân phối về UBMTTQ Quận 11 trị giá 303,000,000 đồng.

Như vậy, lũy kế từ ngày 15/8 đến 04/09, tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, thành phố Thủ Đức là 1.620.718 túi (tăng 146.035 túi so với ngày 03/09/2021).

Bên cạnh đó, từ 23/8/2021 đến 04/9/2021, TP đã tiếp nhận 873 đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội trong ngày và 141 đối tượng cai nghiện ma túy đưa vào cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy và Trung tâm Hỗ trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động- Thương Binh và Xã Hội

Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đã đưa ra đề xuất về công tác truyền thông trong thời gian tới. Theo đó, báo chí cần đẩy mạnh thông tin truyền thông chia sẻ về kinh nghiệm, mô hình hay trong công tác phòng chống dịch của TPHCM.

Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại họp báo. Ảnh: Khang Minh
Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại họp báo. Ảnh: Khang Minh

“Lúc này chúng ta không chỉ phản ánh vấn đề mà cần tập trung chia sẻ các bài học kinh nghiệm của TP cho các địa phương khác. Cần có cái nhìn bao quát việc gì TPHCM đã làm tốt, việc gì làm chưa tốt để lại bài học kinh nghiệm cho công cuộc phòng chống dịch chung của cả nước”, ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

 

Khang Minh

Tin cùng chuyên mục