Thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch tại TPHCM đến ngày 02/3

20:40 02/03/2023

(HMC) -  Chiều 02/3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp.

Tham dự có: Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng; Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Lê Hồng Nga; Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố, Thượng tá Lê Mạnh Hà; Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Nguyễn Văn Khanh; đại diện Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND quận Gò Vấp… cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Toàn cảnh họp báo .Ảnh: Linh Nhi
Toàn cảnh họp báo .Ảnh: Linh Nhi

TPHCM chưa ghi nhận ca bệnh liên quan Cúm A (H5N1)

Về khả năng đáp ứng của ngành Y tế TP trước tình hình cúm A (H5N1), Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) Lê Hồng Nga cho biết, ngay khi có văn bản cảnh báo của Viện Pasteur vào chiều 24/2, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo cho tất cả các cơ quan, ban ngành chủ động ứng phó.

Đại diện HCDC thông tin về công tác phòng chống H5N1 tại TP. Ảnh: LINH NHI
Đại diện HCDC thông tin về công tác phòng chống H5N1 tại TP. Ảnh: LINH NHI

Tại khu vực cửa khẩu, ngành y tế TP tăng cường giám sát người đến từ các vùng dịch tại nước ngoài, bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế của HCDC tại Sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng hàng hải. Nếu có trường hợp nghi ngờ sẽ thực hiện thăm khám và chẩn đoán. Tại các cửa khẩu này, phối hợp Chi cục thú y vùng VI để kiểm dịch kiểm soát tình trạng gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam.

Ở cửa khẩu nội địa, ngành y tế tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm hô hấp cấp, đặc biệt là người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm, có các triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, tăng cường giám sát để phát hiện các chùm ca bệnh viêm hô hấp cấp trong cộng đồng. Khi phát hiện những trường hợp bệnh viêm hô hấp nặng, chùm ca bệnh sẽ báo cáo và phối hợp với BV Bệnh Nhiệt đới, có chẩn đoán, điều trị kịp thời và báo cáo HCDC để tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý.

Ngoài ra, HCDC cũng tăng cường công tác truyền thông đến cộng đồng dân cư, đặc biệt là đối với nhóm người dân có tiếp xúc nhiều với gia cầm.

Với các bệnh viện, Sở Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát chẩn đoán các trường hợp viêm hô hấp cấp tính nặng, phải hội chẩn với BV Bệnh Nhiệt đới để chẩn đoán ngay, báo cáo HCDC. Đối với các trung tâm y tế quận, huyện và phòng y tế cần phối hợp tham mưu các nhiệm vụ kế hoạch phòng, chống cúm A (H5N1).

Bà Nga cũng thông tin, năm 2004, TP từng ghi nhận 4 ca bệnh cúm A (H5N1). Đến nay, TPHCM chưa ghi nhận thêm ca bệnh liên quan đến loại cúm này.

TPHCM đi đầu trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ

Thông tin tại họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP cho biết, qua tổng kết 01 năm thực hiện, nhìn chung, Đề án 06 tại TPHCM đã được triển khai, tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thượng tá Lê Mạnh Hà trả lời câu hỏi phóng viên. Ảnh: LINH NHI
Thượng tá Lê Mạnh Hà trả lời câu hỏi phóng viên. Ảnh: LINH NHI

TPHCM là một trong những địa phương đi đầu thực hiện tốt, tuy nhiên đây là một dự án lớn góp phần xây dựng Chính phủ số, làm thay đổi toàn diện phương thức giải quyết thủ tục hành chính, quản lý xã hội theo hướng hiện đại, đòi hỏi sự thay đổi về thói quen của toàn xã hội, từ cơ quan quản lý đến người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, đòi hỏi xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, liên thông dữ liệu; cơ sở vật chất, kỹ thuật để khai thác dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính và sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng dẫn thi hành liên quan đến thay đổi phương thức giải quyết thủ tục hành chính.

Do vậy, với thời gian 01 năm thực hiện, TP không tránh khỏi những hạn chế, tồn tại, nhưng nhìn chung đó là thiểu số. Theo đại diện Công an TP, các lực lượng chức năng đang phấn đấu khắc phục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an và UBND Thành phố vừa qua.

Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh dự kiến thông xe vào ngày 5/3

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng, hiện nay tổng dây chuyền đăng kiểm đang hoạt động trên địa bàn là 23/53. Số đăng kiểm viên đang hoạt động tại các đơn vị là 93/197. Công suất kiểm định tối đa là 1.410 xe/ngày, giảm 33% so với thời điểm trước đây.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng tại họp báo. Ảnh: LINH NHI
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng tại họp báo. Ảnh: LINH NHI

Về giải pháp nâng cao tiến độ đăng kiểm, ông Bằng cho biết đã có phần mềm đăng ký trực tuyến, giúp các phương tiện hẹn giờ đăng kiểm. Sở cũng yêu cầu các Trung tâm đăng kiểm tăng cường ứng dụng công nghệ, phối hợp với lực lượng Công an điều phối giao thông trước trung tâm, hạn chế trình trạng ùn ứ. Ông cũng khuyến cáo chủ phương tiện nên kiểm tra chất lượng xe trước khi đăng kiểm, kịp thời sửa chữa hư hỏng, tránh phải di chuyển nhiều lần.

Thông tin về tiến độ sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, ngày 26/2, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP đã hoàn thành khắc phục sự cố. Sáng nay, Sở GTVT đã họp, đánh giá sự cố, ngày 5/3 sẽ cho các phương tiện lưu thông bình thường qua cầu vượt này.

TPHCM linh động để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư

Trả lời câu hỏi về tình hình nhiều bệnh viện tại TPHCM thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, ngành y tế Thành phố đang gặp khó khăn do các nguyên nhân: không xác định được giá dự toán của gói thầu; hết hạn giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị; thực hiện đấu thầu qua mạng.

Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như nêu các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư. Ảnh: LINH NHI
Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như nêu các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư. Ảnh: LINH NHI

“Thực tế, tại các cơ sở y tế Thành phố có khoảng 10% số lượng mặt hàng vật tư y tế, trang thiết bị là hàng đặc thù, riêng biệt… nên cơ sở y tế không thể có được 3 báo giá. Việc thẩm định giá cũng không thực hiện được vì các tổ chức thẩm định giá hiện nay không nhận thực hiện thẩm định giá trang thiết bị y tế, các dịch vụ phi tư vấn. Rất nhiều trang thiết bị, dịch vụ không có giá trúng thầu của các gói thầu tương tự trong thời gian không quá 90 ngày, kể cả dựa vào kết quả được công bố trên cổng công khai kết quả đấu thầu của Bộ Y tế”, bà Như giải thích.

Đặc biệt, với quy định đấu thầu qua mạng, hạ tầng quốc gia chưa đáp ứng được các gói thầu số lượng lớn như tại TPHCM. Chính vì vậy, trong thời gian này, Sở cho phép các cơ sở y tế được thực hiện đấu thầu thông thường (không qua mạng) đối với các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế gồm nhiều phần để đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư được đầy đủ, kịp thời cho công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời, kiến nghị Trung ương một số giải pháp về thủ tục, bổ sung quy định về đấu thầu.

Quận Gò Vấp: Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại hẻm 566, phường 5

Trước phản ánh “phải sống chung với rác” của người dân tại hẻm 566, phường 5, Chánh Văn phòng UBND quận Gò Vấp Bùi Nguyễn Huy Hoàng cho biết, hẻm có vị trí gần chân cầu An Phú Đông, cuối nguồn dòng chảy nối với sông Vàm Thuận, dẫn đến tình trạng rác đổ về ùn ứ. Một nguyên nhân khác khiến khu vực bị ô nhiễm là hiện tượng một số người dân thiếu ý thức, lén lút đổ, vứt rác xuống lòng kênh, rạch.

Đại diện UBND quận Gò Vấp giải đáp vấn đề báo chí quan tâm. Ảnh: LINH NHI
Đại diện UBND quận Gò Vấp giải đáp vấn đề báo chí quan tâm. Ảnh: LINH NHI

Thời gian qua, địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân khu vực lưu ý không vứt rác bừa bãi. Cạnh đó, tổ chức các buổi tổng vệ sinh, phát quang, dọn dẹp rác, khơi thông dòng chảy nhằm cải thiện môi trường khu vực. Từ đầu năm 2022 đến nay, quận đã thu gom trên 20 tấn rác và lục bình các loại. UBND phường 5 cũng vận động các tình nguyện viên thường xuyên gom nhặt rác trên địa bàn, tổ chức đợt phun thuốc diệt muỗi ở vùng ven vào tháng 2/2023.

Về giải pháp lâu dài, theo ông Hoàng, quận đã có các buổi làm việc với nhiều đơn vị liên quan, từ đó khảo sát, nghiên cứu kiến nghị Ban Quản lý hạ tầng đô thị TP có phương án nạo vét khu vực chân cầu An Phú Đông, xem xét lắp đặt ngăn cách, lưới chống rác tại đây. Trước mắt, Đoàn Thanh niên của quận sẽ tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp rác, tổng vệ sinh khu vực, dự kiến vào tháng 3 và tháng 5/2023.

Cục thuế TPHCM phản hồi việc trừ thuế TNCN người lao động nghỉ việc

Trước phản ánh của báo chí về việc trừ thuế trong khoản tiền trợ cấp thôi việc, mất việc của người lao động làm việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, Cục thuế TPHCM đã có văn bản chính thức cung cấp tại họp báo. Cụ thể:

Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính, khoản trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội sẽ không phải tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động để tính thuế thu nhập cá nhân; nếu các khoản trợ cấp trên vượt cao hơn quy định của Bộ Luật Lao động và Luật BHXH thì doanh nghiệp chi trả có trách nhiệm tạm khấu trừ thuế theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC (10%) nếu phần chi trả vượt mức quy định của 2 bộ luật trên từ 2 triệu đồng 1 lần trở lên.

Căn cứ các quy định trên, nếu doanh nghiệp có chi trả các khoản phụ cấp, trợ cấp cho người lao động (làm việc thường xuyên từ đủ một năm trở lên) để chấm dứt hợp đồng lao động thì khoản chi theo quy định hiện hành của Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động.

Đối với khoản chi trả cho người lao động ngoài quy định của 2 bộ luật thì được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ liền lương, tiền công của người lao động, khi chi trả, doanh nghiệp có trách nhiệm khấu trừ, kê khai nộp thuế theo quy định, cụ thể;

Nếu khoản chi trả được chi trước thời điểm kết thúc hợp đồng lao động thì Công ty khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

Nếu khoản chi trả từ 2 triệu đồng 1 lần trở lên và được chi sau thời điểm kết thúc hợp đồng lao dộng (người lao động thực tế đã nghỉ việc) thì Công ty khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 10%.

Doanh nghiệp có trách nhiệm cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho người lao động theo quy định. Cuối năm tính thuế, cá nhân người lao động có trách nhiệm khai quyết toán thuế TNCN (nếu thuộc trường hợp quyết toán thuế) theo biểu thuế lũy tiến từng phần trong toàn bộ thu nhập từ tiền lương, tiền công chịu thuế thu nhập cá nhân nhận được trong năm.

Như vậy Công ty TNHH PouYuen Việt Nam khi chi trả cho người lao động khoản trợ cấp thôi việc mà mức chi cao hơn mức quy định từ 2 triệu đồng 1 lần trở lên thì có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN tỷ lệ 10% đối với khoản tiền trợ cấp thôi việc chi cao hơn mức quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội ( thực hiện theo quy định tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC).

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục