Thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch tại TPHCM đến ngày 14/9

19:15 14/09/2023

(HMC) - Chiều 14/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải và Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND TPHCM Đặng Quốc Toàn chủ trì cuộc họp.

Tham dự họp báo có: Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh; Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội Huỳnh Lê Như Trang; Phó phòng Quản lý đô thị Văn phòng UBND TP Nguyễn Đình Nguyện; Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP, Thượng tá Lê Mạnh Hà; Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh; Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Lý Thanh Long; Trưởng Phòng cấp phép xây dựng Sở Xây dựng Tống Đức Tiến; Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam; Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm;  Phó Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội Trần Quốc Dũng; Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Nguyễn Văn Khanh; đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Bình Chánh… cùng gần 50 phóng viên, biên tập viên của 35 cơ quan báo chí trên địa bàn TPHCM.

Toàn cảnh họp báo. 
Toàn cảnh họp báo. 

Nhà trọ tiềm ẩn nguy cơ gây cháy

Thông tin về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, qua thống kê, rà soát trên địa bàn TP hiện có 42.256 cơ sở là cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC và CNCH (Theo phụ lục I - Nghị định 136/2020/NĐ-CP). Đa số các nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê đều được trang bị, lắp đặt hệ thống PCCC theo quy định của pháp luật.

Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, quy định hiện hành chưa có khái niệm chung cư mini. Ảnh: LINH NHI
Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, quy định hiện hành chưa có khái niệm chung cư mini. Ảnh: LINH NHI

Tuy nhiên, Đại diện Công an TP cũng nêu một số nguyên nhân khiến căn hộ cho thuê nói chung, nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy và cháy lan.

Cụ thể, do quá trình sinh hoạt sử dụng nhiều thiết bị điện không đúng cách, không an toàn, việc câu mắc, lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện không đảm bảo dễ dẫn đến các sự cố cháy, nổ phát sinh.

Căn hộ không được trang bị đầy đủ các phương tiện, hệ thống chữa cháy ban đầu hoặc có trang bị nhưng không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ như: bình chữa cháy, hệ thống báo cháy, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống chống sét, đèn chiếu sáng sự cố từng phòng ở, hành lang dẫn đến hư hỏng, không hoạt động.

Các chung cư thông thường được lực lượng phòng cháy cơ sở tập huấn đầy đủ và bài bản. Ngược lại, người dân cư trú tại các khu nhà trọ không được trang bị kiến thức, kỹ năng do không có lực lượng tập huấn nghiệp vụ PCCC túc trực thường xuyên nên không kịp thời xử lý tình huống ban đầu.

“Nguy hiểm nhất là hiện nay là các nhà cho thuê cao tầng có hầm giữ xe và không được thiết kế lắp đặt hệ thống PCCC và giải pháp an toàn khi có cháy xảy ra dễ xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người khi cháy hầm giữ xe” - ông Lê Mạnh Hà chia sẻ.

Đối với những chung cư chưa được nghiệm thu PCCC nhưng vẫn đưa vào sử dụng, các đơn vị Công an quận, huyện trực thuộc Công an Thành phố đã tiến hành các hình thức gồm: xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động với phần nhà hoặc toàn bộ nhà vi phạm quy định pháp luật về PCCC, chưa nghiệm thu về PCCC đã đi vào hoạt động. Đồng thời liên hệ phối hợp với chính quyền địa phương đưa ra những biện pháp cưỡng chế đối với những chung cư nên trên…

Trưởng phòng Cấp phép Xây dựng, Sở Xây dựng Tống Đức Tiến trả lời vấn đề nóng tại họp báo. Ảnh: LINH NHI
Trưởng phòng Cấp phép Xây dựng, Sở Xây dựng Tống Đức Tiến trả lời vấn đề nóng tại họp báo. Ảnh: LINH NHI

Về vấn đề này, Trưởng phòng Cấp phép Xây dựng, Sở Xây dựng TP Tống Đức Tiến cho biết, năm 2020, Sở Xây dựng đã có Công văn số 3979, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân về trình tự xây dụng nhà ở cho công nhân, người lao động thuê đế ở trên địa bàn và Công văn số 14598, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân về thẩm định thiết kế xây dựng công trình nhà ở cho công nhân, người lao động thuê đế ở trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, đối với các công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế PCCC thì cơ quan cấp phép xây dựng (theo phân cấp) kiểm tra sự phù hợp của bản vẽ thiết kế xây dựng tại hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng với bản vẽ thiết kế xây dựng được thẩm duyệt về PCCC theo quy định.

Đối với các công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế PCCC (quy mô nhỏ, khối tích dưới 5.000m3) chủ đầu tư phải tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC trong xây dựng, đặc biệt là hành lang, lối thoát hiểm để đảm bảo vấn đề thoát hiểm của cho công trình, an toàn cho người dân.

Ngành ngân hàng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế

Trả lời nội dung phóng viên quan tâm, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như tăng trưởng chung 3 tháng cuối năm là tập trung tăng trưởng kinh tế để hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và kinh tế. Hiện ngành ngân hàng TP với vai trò là cơ quan quản lý sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy các nhóm ngành động lực phát triển kinh tế.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh nêu các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thời gian tới. Ảnh: LINH NHI
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh nêu các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thời gian tới. Ảnh: LINH NHI

Để thực hiện mục tiêu này, ông Lệnh nêu ra 3 nhóm giải pháp chính mà NHNN Việt Nam chi nhánh TPHCM tập trung trong thời điểm này:

Một là triển khai tốt chính sách tiền tệ và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Trung ương, đặc biệt là chính sách lãi suất, tín dụng.

Thứ hai là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp qua việc tăng cường kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, với nội hàm gắn liền các chương trình tín dụng của Chính phủ, Trung ương. Đặc biệt, thực hiện gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 và Thông tư 03 của Ngân hàng Trung ương cho 11 nhóm ngành thuộc đối tượng hỗ trợ; thực hiện cho vay ngắn hạn với doanh nghiệp nhỏ vừa thuộc 5 ngành hàng hỗ trợ, với mức trần lãi suất cho vay không quá 4,5%.

“Thứ ba là tăng cường cải cách hành chính, cung ứng dịch vụ ngân hàng để nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp”, ông Lệnh nói.

Đánh giá sơ bộ 9 tháng đầu năm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng, cơ chế chính sách được sử dụng đồng bộ nhưng khó khăn về thị trường, khó khăn về doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế có tác động trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh các cơ chế, chính sách, tính chu kỳ (thị trường cận Tết) sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trường tín dụng thời điểm từ nay đến cuối năm.

TPHCM sẽ trình HĐND TP một số nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế xã hội

Ảnh: LINH NHI
Ảnh: LINH NHI

Theo Chánh văn phòng UBND TP Đặng Quốc Toàn, tại kỳ họp HĐND TPHCM chuyên đề vào sáng ngày 19/9 tới đây, UBND TP dự kiến trình 10 nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 98. Trong đó, có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư.

Các nội dung gồm: đối tượng, điều kiện, mức, thủ tục hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư theo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của TP; quy mô, tổng mức đầu tư tối thiểu các dự án đầu tư theo hình thức công tư trong lĩnh vực y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục; thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Bên cạnh 10 nội dung nêu trên, UBND TP sẽ trình 13 tờ trình liên quan đến thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội cũng tại kỳ họp này.

Ngành y tế TPHCM đang dõi sát diễn tiến bệnh đau mắt đỏ

Thông tin về tình hình dịch đau mắt đỏ trên địa bàn, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế cho biết, hai tác nhân chính gây bệnh viêm kết mạc hiện nay là adenovirus (chiếm số ít 14%) và enterovirus (chiếm ưu thế 86%). Theo ghi nhận của Sở Y tế trong ngày 13/9, tổng số ca đau mắt đỏ tại TP là 3.840 ca, giảm 114 ca so với ngày 12/9 (ca có địa chỉ tại TPHCM chiếm 86,9%), trong đó có 2.238 trẻ em dưới 16 tuổi.

Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế thông tin về tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: LINH NHI
Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế thông tin về tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: LINH NHI

Sở Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp truyền thông, tăng cường các hoạt động phòng và chữa bệnh viêm kết mạc. Hiện đơn vị vẫn đang theo dõi sát diễn tiến dịch bệnh để đưa ra các chỉ đạo kịp thời.

Đại diện Sở Y tế khẳng định, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường rất lớn và không có tình trạng khan hiếm thuốc. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ nên dùng khi được bác sĩ chỉ định trong trường hợp có dấu hiện bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng,…), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc. Người mắc bệnh có thể sử dụng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất vô khuẩn để rửa mắt, tuyệt đối không được sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid.

Phóng viên dự họp báo. Ảnh: LINH NHI
Phóng viên dự họp báo. Ảnh: LINH NHI

Tiếp nhận 797 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn

Trả lời báo chí về việc vẫn còn xuất hiện tình trạng trẻ em, người ăn xin đứng tại khu vực trên địa bàn các phường thuộc quận 7, quận 4 để xin ăn và chờ nhận đồ từ thiện, ông Trần Quốc Dũng, Phó Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội cho hay, UBND TP đã ban hành Quyết định số 812/QĐ-UBND về quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn TPHCM. Gần 6 tháng triển khai và thực hiện, công tác tập trung các đối tượng này có nhiều chuyển biến tích cực.

Đại diện Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội cho rằng, việc quản lý tình trạng trẻ em, người ăn xin còn nhiều khó khăn. Ảnh: LINH NHI
Đại diện Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội cho rằng, việc quản lý tình trạng trẻ em, người ăn xin còn nhiều khó khăn. Ảnh: LINH NHI

Thống kê từ ngày 16/3-10/9, Sở đã tiếp nhận 797 trường hợp, trong đó có 694 người tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội, 103 trường hợp tại Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần. Sở cũng phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý triệt để theo quy định các đối tượng có hành vi tổ chức, xúi giục, ép buộc, lợi dụng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, nhất là các nhóm chăn dắt chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, để đối phó, gần đây, các đối tượng này chủ yếu hoạt động dưới hình thức bán vé số, tăm bông tại các giao lộ đông người, khu vực giáp ranh với khung giờ vào giữa trưa, tối muộn. Điều này khiến công tác phát hiện, xử lý tình trạng này gặp nhiều khó khăn.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục