Thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch tại TPHCM đến ngày 16/02

19:43 16/02/2023

(HMC) -  Chiều 16/02, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP tuần qua. Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê và Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp.

Cùng tham dự có: Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bùi Hòa An; Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Anh Tuấn; Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như; Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao Lâm Ngô Hoàng Anh; Chánh văn phòng Sở Xây dựng Bùi Văn Hiếu; Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố, Thượng tá Lê Mạnh Hà; Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Nguyễn Văn Khanh; đại diện Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an Quận 7…. cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: LINH NHI 
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: LINH NHI 

Khánh thành 2 công trình chào mừng 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam

Tại họp báo, Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Huỳnh Như thông tin, nhằm chào mừng 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2023), trong tháng 2 này, ngành y tế TP khánh thành 2 công trình trọng điểm. Cụ thể là công trình Bệnh viện Nhân dân 115 với khu chẩn đoán kỹ thuật cao (khánh thành ngày 15/2), Bệnh viện Nguyễn Trãi với khu điều trị ngoại khoa 9 tầng, 250 giường (dự kiến khánh thành ngày 21/2).

Chánh Văn phòng Sở Y tế  Lê Thiện Huỳnh Như tại họp báo. Ảnh: LINH NHI 
Chánh Văn phòng Sở Y tế  Lê Thiện Huỳnh Như tại họp báo. Ảnh: LINH NHI 

Bà Như cũng thông tin thêm, trong năm 2023, ngành y tế TPHCM xác định 4 nhóm hoạt động chính gồm: nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh; củng cố y tế cơ sở, phát triển y tế cộng đồng; chuyên nghiệp hóa hoạt động cấp cứu bệnh viện; hình thành trung tâm y tế chuyên sâu, khu vực Đông Nam Á.

“Hiện tại, Sở Y tế đang xây dựng và hoàn thiện Đề án phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn 2023 và những năm tiếp theo. Trong đó, phát triển mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp, mô hình Paramedic, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoài bệnh viện bao phủ khắp địa bàn TP, kịp thời phục vụ người dân khi có yêu cầu”, Chánh văn phòng Sở Y tế cho hay.

Nhiều giải pháp khắc phục hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Anh Tuấn cho biết, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM năm 2022 đạt 71,3% tổng số vốn được giao. Tuy có cao hơn so với năm 2021, nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu phấn đấu đã đặt ra.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Anh Tuấn nêu các giải pháp khắc phục giải ngân vốn đầu tư công trong tình hình hiện nay. Ảnh: LINH NHI 
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Anh Tuấn nêu các giải pháp khắc phục giải ngân vốn đầu tư công trong tình hình hiện nay. Ảnh: LINH NHI 

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn cho TP là hơn 70.000 tỷ đồng. Theo ông Tuấn, đây là một thách thức rất lớn đối với công tác điều hành và thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản và chủ đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để TP phát huy tính năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm để có thể thực hiện được kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP đã đề ra.

Với vai trò là cơ quan đầu mối về công tác đầu tư công trên địa bàn, Sở KH-ĐT tiếp tục đề xuất và kiến nghị nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, quyết tâm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Đồng thời, kiến nghị HĐND TP phân cấp cho UBND TP quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương.

Về công tác điều hành quản lý Nhà nước, tiếp tục ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện linh hoạt điều hành Kế hoạch vốn, điều hòa nội bộ và bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ nhanh, hấp thụ vốn tốt. Kiểm tra, giám sát tiến độ tại hiện trường, giao cả hệ thống chính trị của từng đơn vị phải chịu trách nhiệm công tác triển khai, giải ngân. Bố trí toàn bộ vốn cho cấu phần bồi thường của tất cả các dự án đã có trong danh mục kế hoạch trung hạn làm cơ sở để các dự án xây lắp có thể triển khai, hoàn thành trong năm 2024, 2025.

Cùng với đó, tập trung rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư công, phấn đấu giảm ít nhất 30% so với quy định; UBND TP ủy quyền cho Chủ tịch UBND các quận điều chỉnh quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm C trước đây sử dụng nguồn vốn ngân sách quận/vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP….

Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư đối với từng nhóm dự án cụ thể gồm: (1) Nhóm đã hoàn thành và hiện đang thực hiện thủ tục quyết toán, (2) Nhóm đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, (3) Nhóm khởi công mới, (4) Nhóm chuyển tiếp sang năm 2023 tiếp tục thi công, thực hiện.

Ông Tuấn tin tưởng, với định hướng và quyết tâm thực hiện hiệu quả từng các giải pháp được đề ra, nguồn vốn đầu tư công năm 2023 sẽ được giải ngân hiệu quả, cao hơn năm 2022 về cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ.

Sẽ lắp đặt rào chắn đối với các gầm cầu thường xuyên bị lấn chiếm

Về việc lấn chiếm các gầm cầu trên địa bàn TPHCM mà báo chí phản ánh những ngày qua, Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An cho biết, theo các thông tư của Bộ GTVT (Thông tư 35 năm 2017, sửa đổi Thông tư 50 năm 2015) quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác.

Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hoà An trả lời các vấn đề báo chí quan tâm. Ảnh: LINH NHI 
Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hoà An trả lời các vấn đề báo chí quan tâm. Ảnh: LINH NHI 

Sở GTVT trên cơ sở quy định đã phối hợp với các đơn vị, đơn vị, cơ quan thu hồi các bãi đậu xe dưới gầm cầu; phối hợp Sở Xây dựng tăng cường mảng xanh nhằm đảm bảo mỹ quan, hạn chế tình trạng lấn chiến phần đất dưới gầm cầu.

Hiện nay, theo phản ánh của các báo chí có một số gầm cầu đang bị người dân lấn chiếm, buôn bán, làm bãi đỗ xe... Sở đã có nhiều văn bản đề nghị chính quyền địa phương (xã, phường, quận, huyện và thành phố Thủ Đức) xử lý.

Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức kiểm tra, xử lý các trường hợp buôn bán, lấn chiếm không đúng nơi quy định. “Đối với các gầm cầu thường xuyên bị lấn chiếm, Sở GTVT sẽ lắp đặt hàng rào toàn bộ phần đất dưới lòng cầu”, ông An cho hay.

Tại họp báo, lãnh đạo Sở GTVT cũng cho biết, dự kiến cầu Nguyễn Hữu Cảnh sẽ hoàn thành công tác sửa chữa và tổ chức giao thông bình thường vào cuối tháng 2 này.

TPHCM chưa có khu vực cấp phép vui chơi, giải trí dưới nước

Liên quan đến việc xử lý mô tô nước hoạt động trái phép trên sông Sài Gòn, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay, hiện trên địa bàn đường thủy TP chưa có khu vực nào được cấp phép và quy hoạch vùng nước phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Do đó, hầu hết phương tiện mô tô nước mà phóng viên phản ánh là vi phạm.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Công an TP đã nắm và đang xử lý những vấn đề báo chí nêu ra. Ảnh: LINH NHI 
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Công an TP đã nắm và đang xử lý những vấn đề báo chí nêu ra. Ảnh: LINH NHI 

Qua theo dõi và tuần tra, kiểm soát, lực lượng Công an thành phố đã lập danh sách quản lý 33 phương tiện mô tô nước các loại trên địa bàn, trong đó có 16/33 chiếc có đăng kiểm, 17/33 chiếc có đăng ký.

Trong năm 2022 và đầu năm 2023, Công an thành phố đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý 05 trường hợp vi phạm, với số tiền gần 70 triệu đồng và đang xác minh, xử lý 06 trường hợp. Điển hình vụ gần đây nhất xảy ra ngày 31/1/2023, phòng PC08B đã truy đuổi hơn 10 phương tiện mô tô nước hoạt động tại vị trí sông Lòng Tàu, sông Ngã Bảy Thiềng Liềng thuộc huyện Cần Giờ. Qua đó, bắt giữ 03 phương tiện và 06 phương tiện chạy vào vị trí cầu tạo tại đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, Thành phố Thủ Đức.

“Công an thành phố đang xác minh để xử lý. Theo quy định của Nghị định 139 năm 2021, các hành vi xử phạt này cũng khá nặng. Đối với hành vi không đăng kiểm thì phạt từ 10 đến 15 triệu đồng; hành vi khai thác không đúng vùng hoạt động phạt từ 7 đến 10 triệu đồng” ông Hà thông tin.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy đốt rác phát điện

Về tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện, theo ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường), năm 2019, công ty Việt Star và công ty Tâm Sinh Nghĩa đã nghiên cứu công nghệ đốt phát điện phù hợp để chuyển đổi nhà máy hiện hữu tại Khu liên hợp Xử lý chất thải (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi). Cuối năm 2019, hai công ty đã tổ chức lễ khởi công nhà máy. Năm 2020, Công ty Tasco đã có văn bản gửi UBND TPHCM về tổ chức lễ thi công nhưng gặp vướng mắc trong việc lựa chọn công nghệ.

Đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường trả lời câu hỏi phóng viên. Ảnh: LINH NHI 
Đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường trả lời câu hỏi phóng viên. Ảnh: LINH NHI 

Đến nay, các thủ tục pháp lý xây dựng nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Việt Star và Công ty Tâm Sinh Nghĩa gặp khó khăn do dự án đốt rác phát điện của 2 công ty chưa được đưa vào quy hoạch quốc gia về phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn. Hai đơn vị đang tiến hành các thủ tục xin Bộ Xây dựng cấp phép, thực hiện một số công tác chuẩn bị tại địa điểm xây dựng nhà máy. Cụ thể, Công ty Tâm Sinh Nghĩa chuẩn bị mặt bằng, tập kết đóng cọc để tiến hành xây dựng; Công ty Tâm Sinh Nghĩa đầu tư, nâng cấp hệ thống dây chuyền phân loại tại nhà xưởng hiện hữu với công suất 2.000 tấn/ngày.

Thời gian qua, các Sở, ngành TPHCM đã hỗ trợ 2 công ty xác định phương án đấu nối về hệ thống điện lưới quốc gia để hoàn thành các hồ sơ pháp lý liên quan. Tại cuộc họp ngày 20/9/2022, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã chỉ đạo Sở Công Thương tiếp tục làm việc, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch điện vào quy hoạch lưới điện quốc gia.

Ngoài 2 dự án trên, lãnh đạo TPHCM cũng chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ thực hiện thủ tục pháp lý dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải, đốt phát điện tại Công ty xử lý chất thải Việt Nam (Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước), Công ty Môi trường đô thị (Công ty Tasco) để đẩy nhanh việc xây dựng dự án, đưa vào vận hành.

Việc thay đổi tên đường hạn chế ảnh hưởng đến người dân

Liên quan đến vấn đề đặt tên đường trên địa bàn, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Lâm Ngô Hoàng Anh cho biết, căn cứ theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Thông tư số 36 hướng dẫn về thực hiện một số điều quy chế đặt, đổi tên đường.

Ông Lâm Ngô Hoàng Anh thông tin về tiến độ đề án chỉnh sửa tên đường. Ảnh: LINH NHI 
Ông Lâm Ngô Hoàng Anh thông tin về tiến độ đề án chỉnh sửa tên đường. Ảnh: LINH NHI 

Theo đó, đến nay, TPHCM đang có hơn 2000 tuyến đường đã được đặt tên. Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện bổ sung địa danh, tên nhân vật lịch sử, tên Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào ngân hàng tên đường và các công trình công cộng trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của đô thị hiện nay, một số khu đô thị, khu dân cư vùng ven được thành lập, các chủ dự án, chủ đầu tư và người dân địa phương thường đặt đường nội bộ là đường số hay có những tên đường địa danh được đặt theo số thứ tự, cộng thêm địa danh.

Ông Hoàng Anh cũng cho biết, hiện có 38 tên đường không chính xác. Qua phân tích, các đường này thuộc ba nhóm: (1) 05 tên đường sai với quyết định của UBND TP; (2) 17 tên đường có quyết định của UBND các cấp công bố sai với tên của của nhân vật; (3) Tên các nhân vật lịch sử theo từ ngữ địa phương.

Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định, việc thay đổi tên đường phải theo đúng quy định và hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết thêm, UBND TP đã có đề án chỉnh sửa và đang khẩn trương để hoàn tất việc này. Tuy nhiên, không thể sửa hết cùng một lúc các tên đường mà phải làm từng bước, bởi còn nhiều vấn đề còn liên quan như hộ khẩu, giấy khai sinh,….

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục