Thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch tại TPHCM đến ngày 23/3

20:22 23/03/2023

(HMC) - Chiều 23/3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp.

Tham dự có: Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Bùi Văn Hiếu; Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh; Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam; Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố, Thượng tá Lê Mạnh Hà; Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM Lê Hồng Nga; Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Nguyễn Văn Khanh; đại diện Sở Công Thương, Sở GTVT, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Chi cục Thủy sản (Sở NNPT-NT), Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố… cùng các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trên địa bàn TP.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: LINH NHI
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: LINH NHI

Cúm A (H1N1) là loại bệnh có thể dự phòng được

Tại họp báo, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) Lê Hồng Nga cho biết, sau khi phát hiện 20 ca bệnh cúm A (H1N1) tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận 10), đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp mới.

Bà Lê Hồng Nga nêu các giải pháp dự phòng cúm A (H1N1). Ảnh: LINH NHI
Bà Lê Hồng Nga nêu các giải pháp dự phòng cúm A (H1N1). Ảnh: LINH NHI

Cúm A/H1N1 là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây bệnh cúm mùa trên thế giới, có biểu hiện lâm sàng khá nhẹ, sốt, mệt mỏi hoặc các biểu hiện của viêm đường hô hấp. Nhóm đối tượng có nguy cơ chuyển biến nặng là những người lớn tuổi, thai phụ, người có bệnh lý nền, bệnh lý mãn tính. Còn các đối tượng khác hầu hết lành tính, tự khỏi sau vài ngày.

Với đặc điểm của virus cúm rất dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người. Tuy nhiên, đại diện HCDC nhận định, đây là loại bệnh có thể dự phòng được.

Để phòng, chống các loại bệnh liên quan đến hô hấp, ngành y tế TP khuyến cáo người dân cần chú trọng vệ sinh cá nhân. Đối với người có triệu chứng, cần đeo khẩu trang ở nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với người khác. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm hàng năm.

Để kiểm soát lây nhiễm, lãnh đạo HCDC đề nghị thực hiện nghiêm các quy định kiểm soát dịch bệnh trong trường học. Cụ thể, theo dõi và tìm hiểu nguyên nhân trẻ nghỉ học. Nếu có trẻ nghỉ học bất thường và tăng so với những ngày trước đó, cần báo cáo ngay cơ sở y tế nơi trường học trú đóng, qua đó, ngành y tế có hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ kịp thời.

Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn học sinh thực hiện các biện pháp phòng bệnh không dùng thuốc (rửa tay thường xuyên) và khuyến khích học sinh tiêm chủng phòng bệnh.

Đảm bảo tất cả học sinh đều có mã định danh để tuyển sinh

Đó là khẳng định của cả đại diện Công an TP và Sở GD-ĐT TPHCM xung quanh nội dung cấp mã định danh cho học sinh trong công tác tuyển sinh. Hiện hai đơn vị đang tích cực hợp tác để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Ông Hồ Tấn Minh thông tin về tình hình phối hợp với Công an TP cấp mã định danh cho học sinh. Ảnh: LINH NHI
Ông Hồ Tấn Minh thông tin về tình hình phối hợp với Công an TP cấp mã định danh cho học sinh. Ảnh: LINH NHI

Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hồ Tấn Minh cho rằng, trách nhiệm cấp mã định danh cho học sinh để phục vụ tuyển sinh đầu cấp thuộc về ngành giáo dục và công an. “Đến trường hợp bất khả kháng không thể cấp được, ngành giáo dục sẽ cấp mã tạm để cho học sinh được tham gia vào công tác tuyển sinh. Chứ không phải không có mã thì không thể cấp được”, ông Minh nói.

Đại diện Sở GD-ĐT cũng cho biết, từ nay đến hết tháng 4, cơ quan chức năng phải hoàn tất việc làm sạch dữ liệu cũng như cấp mã định danh cho toàn bộ trẻ em trong độ tuổi đến trường, đặc biệt là trẻ từ 3-18 tuổi. “Chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên cho lớp lá, lớp 5, và lớp 9 để các em thực hiện đầy đủ dữ liệu công dân. Hiện tại còn khoảng 0,95% số liệu chưa xác thực được mã định danh do sai ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ chưa có sự đồng bộ…”, ông Minh thông tin.

Dù vậy, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT khẳng định sẽ hoàn tất dữ liệu trẻ đầu cấp trước ngày 5/4 để đưa vào dữ liệu tuyển sinh. Nhà trường cũng sẽ thực hiện công tác tập huấn cho phụ huynh kiểm tra thông tin, tham gia công tác tuyển sinh trực tuyến cho học sinh.

Cầu vượt Hoàng Hoa Thám lưu thông một chiều theo giờ

Để giải quyết ùn tắc giao thông, từ ngày 24/2, cầu vượt Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) chỉ cho phép lưu thông một chiều theo khung giờ nhất định. Về vấn đề này, Trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT Đỗ Ngọc Hải đã thông tin cụ thể khung giờ đóng cầu vượt.

Đại diện Sở GTVT nêu các khung giờ đóng cầu vượt Hoàng Hoa Thám. Ảnh: LINH NHI
Đại diện Sở GTVT nêu các khung giờ đóng cầu vượt Hoàng Hoa Thám. Ảnh: LINH NHI

Theo đó, từ 6h30 - 8h00, cầu vượt Hoàng Hoa Thám sẽ bị đóng 1 chiều, người dân cần lưu thông theo hướng từ đường Trường Chinh về vòng xoay Lăng Cha Cả. Vào buổi chiều, cầu đóng ở chiều ngược lại vào lúc 16h45 - 18h00. Đây là những khung giờ cao điểm, thường xuyên xảy ra kẹt xe, ùn tắc tại khu vực.

Ông Hiếu khuyến cáo, để không ảnh hưởng đến công việc, người dân cần sắp xếp, chủ động thời gian di chuyển, lựa chọn tuyến đường thích hợp khi cầu vượt bị đóng.

Dự án Vành đai 3 TPHCM dự kiến khởi công đúng kế hoạch

Tại họp báo, ông Lê Xuân Bắc - Phó Trưởng Ban điều hành dự án đường Vành đai 3, Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố, đã cung cấp thông tin chính thức về các dự án thành phần. Theo đó, trên địa bàn TPHCM có 2 dự án gồm: Dự án thành phần 1 “Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc)”; Dự án thành phần 2 “Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh”.

Đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố thông tin về tiến độ đường Vành đai 3. Ảnh: LINH NHI
Đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố thông tin về tiến độ đường Vành đai 3. Ảnh: LINH NHI

Dự án có tổng chiều dài 47,3 km, gồm 02 đoạn đi qua địa phận 4 địa phương: TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, với mức đầu tư là 22.411 tỷ đồng cho dự án thành phần 1 và 18.906 tỷ đồng cho dự án thành phần 2. Nguồn vốn theo tỷ lệ góp vốn 50% ngân sách Trung ương và 50% ngân sách Thành phố.

Theo đại diện Ban điều hành dự án đường Vành đai 3, đến nay, toàn bộ công tác của Dự án Thành phần 1 và Thành phần 2 đang triển khai đúng theo tiến độ đề ra và sẽ khởi công đúng tiến độ vào 30/6/2023.

Kể từ ngày 23/3/2023, tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vào thứ 5 hằng tuần tại Trung tâm Báo chí Thành phố sẽ có thêm nội dung về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm Báo chí Thành phố là đầu mối cung cấp thông tin chính thống từ cơ quan chức năng; kết nối, hỗ trợ các cơ quan báo chí tuyên truyền về dự án này.

Nguyên nhân khiến sức mua tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại giảm sút

Trước thông tin sức mua tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại giảm sâu trong những tuần qua, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính - Sở Công Thương Lê Đình Hiếu đã đưa ra một số lý do.

Đại diện Sở Công Thương phân tích tình hình kinh tế tại TP. Ảnh: LINH NHI
Đại diện Sở Công Thương phân tích tình hình kinh tế tại TP. Ảnh: LINH NHI

Theo đó, việc giao thương giữa các nước hiện gặp nhiều khó khăn do tình hình chiến sự, khủng khoảng tài chính. Điều này làm cho đơn hàng của các doanh nghiệp có phần suy giảm.

Riêng tại Việt Nam, những vi phạm về trái phiếu đã dẫn đến sự thay đổi trong các chính sách điều hành tài chính, khiến lãi suất vay ngân hàng tăng khá cao, đặc biệt là ở các khoản vay tiêu dùng, tín chấp. Với những yếu tố trên, người dân trong nước có xu hướng cắt giảm chi tiêu, ưu tiên cho những sản phẩm tiêu dùng cơ bản, thiết yếu.

Theo đại diện Sở Công Thương, do người dân đã dồn sức cho kì mua sắm dịp Tết Nguyên Đán nên khoảng thời gian này là thấp điểm tiêu dùng của cả nước và TPHCM. Ngoài ra, sự gia tăng của xu hướng mua hàng trực tuyến cũng là nguyên nhân khiến người dân mua sắm tại chợ truyền thống, trung tâm thương mại giảm.

TPHCM tổ chức thả cá quy mô lớn vào ngày 01/4/2023

Đây là hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959 - 01/4/2023) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, UBMTTQ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các sở, ngành có liên quan tại TPHCM thực hiện.

Đại diện Sở NNPTNT thông tin về sự kiện của ngành thời gian tới.  Ảnh: LINH NHI
Đại diện Sở NNPTNT thông tin về sự kiện của ngành thời gian tới.  Ảnh: LINH NHI

Ông Vũ Đình Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thông tin, hoạt động thả cá sẽ diễn ra lúc 7h30 tại Ga tàu thủy Bạch Đằng, số 10 B, đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1. Ban tổ chức sẽ thả 44.000 con cá Lăng giống xuống lưu vực sông Sài Gòn và một số loài thủy sản nước ngọt như tôm cành xanh,... do các tổ chức, cá nhân, tăng ni, phật tử, giáo dân, tín hữu đóng góp.

Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo TP, các tổ chức, cá nhân ngành thủy sản, ngư dân huyện Cần Giờ, người dân phường Bến Nghé...

Thông qua hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, Sở NNPTNN phát động phong trào toàn dân tham gia công tác bảo vệ, bảo tồn, phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái; tuyên truyền người dân không khai thác thủy sản bằng xung điện, chất nổ, chât độc, ngư cụ có kích thước măt lưới nhỏ hơn quy định, các nghê bị cấm khai thác; tuyên truyền tăng ni, phật tử, giáo dân, tổ chức, cá nhân các loài thủy sản bản địa, khuyến khích thả phóng sinh và tác hại của các loài ngoại lai xâm hại khi thả phóng sinh vào môi trường tự nhiên…

31.511 phương tiện vi phạm giao thông bị tạm giữ

Liên quan đến việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm giao thông ở các đơn vị, kho bãi của Công an TP, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, thống kê ngày 28/2, lực lượng chức năng đang tạm giữ 31.511 phương tiện (34 ô tô, 1.252 xe ba bánh, 30.219 mô tô xe máy, 6 xe đạp). Số lượng trên đã giảm so với đợt thống kê vào tháng 7/2021. Đa số các phương tiện bị tạm giữ đang chờ xử lý tịch thu, bán đấu giá.

Thượng tá Lê Mạnh Hà tại họp báo. Ảnh: LINH NHI
Thượng tá Lê Mạnh Hà tại họp báo. Ảnh: LINH NHI

Để giải quyết tình trạng nhiều kho giữ tang vật, vi phạm giao thông đang quá tải, theo ông Hà, Công an TP thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát công tác bảo quản, xử lý tang vật, phương tiện. Từ đó chấn chỉnh, đề xuất phương án thành lập các tổ chuyên xử lý tang vật, phương tiện tồn đọng.

Công an TP đã ban hành hướng dẫn mới về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm giao thông, bổ sung nhân lực giám định để rút ngắn thời gian. Cùng với đó, tận dụng nguồn kinh phí, đôn đốc giải quyết kinh phí thuê kho bãi đảm bảo cho công tác bảo quản. Quán triệt, chỉ đạo các đơn vị áp dụng các biện pháp tạm giữ giấy tờ, đặt tiền tài sản đảm bảo đối với trường hợp cá nhân có yêu cầu thay cho biện pháp tạm giữ phương tiện.

Nhiều nguyên nhân khiến hơn 6.800 liều vắc-xin Pfizer hết hạn

Liên quan đến trường hợp hơn 6.800 liều vắc-xin Pfizer hết hạn sử dụng tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam cho biết, qua công tác điều phối, giám sát việc điều chuyển vắc xin phòng COVID-19, Sở Y tế đã rút ra một số lý do dẫn đến tình trạng này.

Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế trả lời nội dung phóng viên quan tâm. Ảnh: LINH NHI
Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế trả lời nội dung phóng viên quan tâm. Ảnh: LINH NHI

Cụ thể, năm 2022 xuất hiện chủng mới là Omicron có tốc độ lây lan nhanh, theo đó số người mắc bệnh cũng tăng cao. Đến thời điểm tiêm mũi nhắc lại thì người dân chưa đảm bảo tiêu chí “khỏi bệnh sau 3 tháng”.

Bên cạnh đó, sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin cơ bản, khi người dân mắc bệnh cũng có triệu chứng nhẹ, do vậy, có sự cân nhắc về việc tiêm mũi nhắc lại.

Một nguyên nhân nữa là có một số thông tin sai lệch gây lo sợ nhất định về phản ứng sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Ngoài ra, vắc xin khi về tới Việt Nam hạn sử dụng còn ngắn. Khi phân phối cho địa phương phải rã đông và hạn sử dụng tối đa chỉ được 31 ngày. Việc này dẫn đến tồn đọng và hết hạn sử dụng vào ngày 30/6/2022.

Bỏ yêu cầu xuất trình xác nhận cư trú: Kiên quyết không gây khó khăn, phiền hà cho người dân

Thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch tại TPHCM đến ngày 23/3 - Ảnh 1

Trả lời phản ánh của phóng viên về việc vẫn còn một số cơ quan hành chính (bộ phận một cửa) đòi giấy xác nhận cư trú khi làm thủ tục, gây phiền hà cho người dân, UBND TPHCM có văn bản cho biết: Thành phố rất quan tâm và đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, trong đó chỉ đạo các đơn vị tập trung, thực hiện nghiêm quy định bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Luật Cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP.

Đồng thời, rà soát, tham mưu sửa đổi các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của Thành phố có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú (phải chứng minh thông tin nơi cư trú trước khi xác nhận).

Công bố, công khai thủ tục hành chính; hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận nơi cư trú theo Luật cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ- CP.

Song với đó, Thành phố tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú.

Thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Văn phòng, Công an tham mưu kiểm tra việc thực hiện tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố; kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục