Tham dự có: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đinh Minh Hiệp; Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh; Trưởng phòng Báo chí Sở Thông tin và Truyền thông Phạm Đắc Mỵ Trân; Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố, Thượng tá Lê Mạnh Hà; Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Nguyễn Văn Khanh; đại diện Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở Văn hóa Thể thao, Văn phòng Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy… cùng các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố.
Đảm bảo chất lượng VSATTP đối với heo vận chuyển từ các tỉnh về TPHCM tiêu thụ
Xung quanh các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt giết mổ gia súc gia cầm tại cơ sở thủ công, chuyển sang nhà máy sau ngày 31/3, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đinh Minh Hiệp cho biết, mỗi ngày, TPHCM tiêu thụ bình quân khoảng 10.000-11.000 con heo, TP đáp ứng được 5.000-6.000 con (giết mổ thủ công và công nghiệp), khoảng 2.000 là từ các tỉnh chuyển về, số còn lại là heo đông lạnh.
Theo đó, có một lượng heo được chuyển từ các địa phương khác về thành phố tiêu thụ, tuy không phải là con số chủ yếu nhưng lượng heo này vẫn được kiểm soát, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khi chấm dứt hoạt động các nhà máy giết mổ gia súc thủ công, Ban Quản lý An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục phối hợp Cục Quản lý thị trường, các đoàn liên ngành cấp quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra giám sát đối với nguồn thực phẩm được chuyển từ các địa phương khác về thành phố tiêu thụ.
“Không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”
Đó là khẳng định của Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP về vụ việc 4 tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về Việt Nam.
Ông Hà cho biết, tội phạm ma túy gây hậu quả, tác hại rất lớn đối với con người và xã hội. Do đó, bộ luật Hình sự đã quy định những hình phạt nghiêm khắc với các tội danh về ma túy, trong đó, khung hình phạt cao nhất là tử hình. Nhóm tội phạm liên quan đến ma túy thường thu lợi nhuận rất lớn nên bằng mọi cách thức tinh vi, không từ thủ đoạn nào với nhiều để có thể che giấu hành vi phạm tội.
“Dù là thủ đoạn nào thì bản chất khách quan vụ việc, vụ án không thể thay đổi. Do vậy, trách nhiệm của lực lượng công an là điều tra, làm rõ diễn biến, hành vi phạm tội để không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội" - thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Những nguyên tắc tránh bị lừa đảo qua ngân hàng
Trước tình trạng lợi dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để lừa đảo ngày càng phức tạp, Thượng tá Lê Mạnh Hà, đã đưa ra một số khuyến cáo đối với người dân.
Thứ nhất, không chuyển tiền cho bất kỳ ai nếu chưa biết rõ về họ.
Thứ hai, cơ quan nhà nước không làm việc với người dân qua điện thoại, trừ trường hợp đã làm việc trực tiếp và được người dân đồng ý nhận thông báo qua điện thoại.
Thứ ba, người dân tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai.
Thứ tư, khi nhận được yêu cầu chuyển khoản từ người quen, cần gọi điện thoại xác thực lại.
TPHCM ưu tiên quỹ nhà ở cho công tác tái định cư
Trả lời nội dung một số chung cư tại Quận 4 xuống cấp, cần di dời người dân đến nơi ở mới và phương án tái định cư, ông Vũ Anh Dũng, Phó phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng cho biết, Thành phố có chủ trương ưu tiên sử dụng quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (dù quỹ này hiện rất hạn hẹp) để di dời người dân đi tạm cư để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng.
Trong trường hợp người dân không nhận nhà tạm cư, Thành phố cũng có chủ trương sẵn sàng bố trí chi tiền tạm cư cho người dân. “Đây là chính sách nhân văn cần sự đồng thuận của cả người dân, sự tuyên truyền vận động của các cấp chính quyền”, ông Dũng cho hay.
Đại diện Sở Xây dựng cũng thông tin, với địa bàn quận 4, Thành phố đã chấp thuận ưu tiên quỹ nhà ở cho người dân di dời đến các chung cư: 360C Bến Vân Đồn, 1 Tôn Thất Thuyết (Quận 4); Phú Thọ (Quận 11); Tân Mỹ (Quận 7) và chung cư Phan Chu Trinh (Bình Thạnh).
Về cơ chế chính sách đền bù, ông Dũng cho biết việc này được xây dựng trong phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, sẽ được thông qua nếu đa số người dân đồng thuận. Đối với phương án tái định cư tại ch thì xây dựng trên nguyên tắc người dân nhận chỗ ở mới tốt hơn. Điều này được thực hiện theo Nghị định 69 năm 2021 của Chính phủ về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, chủ sở hữu tái định cư nhận lại nhà với số K từ 1-2, tùy vào vị trí, dự án căn hộ.
Lý do UBND TPHCM không ban hành Quy chế mới về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
UBND TPHCM vừa có Quyết định số 15/2023/QĐ-UBND ngày 15/3/2023 quyết định bãi bỏ Quyết định 32/2013/QĐ-UBND ngày 23/08/2013 của UBND TP về ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn TP.
Về vấn đề này, Trưởng Phòng Báo chí - Sở Thông tin và Truyền thông Phạm Đắc Mỵ Trân cho biết, ngày 30/3/2017 Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước chính thức có hiệu lực. Trong Nghị định có đề cập đến việc hết hiệu lực thi hành Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
“Quyết định số 32 trước đây của UBND TPHCM được ban hành căn cứ theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg. Vì Quyết định số 25 đã hết hiệu lực nên TP phải ban hành Quyết định bãi bỏ. Kể từ khi có Nghị định số 09/2017/NĐ-CP, các địa phương đều thực hiện theo Nghị định này. Nghị định số 09 cũng không quy định các địa phương cần thiết phải ban hành quy chế, do đó UBND không ban hành quy chế mới mà thực hiện theo Nghị định trên”, bà Trân nêu rõ.
TPHCM: chấn chỉnh hoạt động ngoại khóa của trường học
Trả lời báo chí về vụ việc mỗi học sinh đi tham quan ngoại khóa, giáo viên chủ nhiệm nhận 10.000 đồng từ công ty du lịch ở Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn), Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hồ Tấn Minh cho biết, Sở đã phối hợp với Phòng giáo dục quận yêu cầu tạm ngưng và chấn chỉnh lại việc tổ chức chương trình ngoại khóa đối với trường này.
Ông Minh cũng khẳng định, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động cần thiết cho hoạt động giáo dục để hình thành và phát triển năng lực phẩm chất của học sinh. Quá trình tổ chức cần được sự đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh.
Với các hoạt động trải nghiệm, nhà trường phải xây dựng kế hoạch và thực hiện theo các hướng dẫn của Sở cũng như của Phòng GD&ĐT đối với các trường từ bậc THCS trở xuống. Để giúp các trường thực hiện việc này, Sở vừa ban hành văn bản hướng dẫn về chuyên môn trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm.