Thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch tại TPHCM đến ngày 5/1/2023

18:02 05/01/2023

(HMC) - Chiều 5/1, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp.

Cùng tham dự có: Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Văn Lâm; Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP, Thượng tá Lê Mạnh Hà; Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) Lê Hồng Nga; Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh; Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao Lâm Ngô Hoàng Anh; Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Trương Công Nam; Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí Nguyễn Văn Khanh; đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Co.op mart) … cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: LINH NHI
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: LINH NHI

 Nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tập trung các mặt hàng Tết

Thông tin về kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Nguyên Phương cho biết, nguồn vốn doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị phục vụ 02 tháng Tết là 20.000 tỷ đồng; trong đó 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Riêng tháng cao điểm Tết (từ ngày 01 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị 12.000 tỷ đồng, trong đó 4.200 tỷ đồng hàng bình ổn thị trường.

Lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định, nguồn hàng Tết ổn định về nguồn cung và bình ổn về giá cả. Ảnh: LINH NHI
Lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định, nguồn hàng Tết ổn định về nguồn cung và bình ổn về giá cả. Ảnh: LINH NHI

Với lượng hàng, nguồn vốn như trên, doanh nghiệp đảm bảo lượng hàng dự trữ, cung ứng đáp ứng kế hoạch Thành phố giao, nhiều nhóm hàng đủ sức chi phối thị trường, chiếm từ 22% – 54,5% nhu cầu như: thịt gia cầm (chiếm 54,3%), trứng gia cầm (46,7%), thực phẩm chế biến (22,1%), thịt gia súc (20,2%), dầu ăn (21,4%)...

Liên quan đến các chương trình khuyến mại, giảm giá, tập trung các mặt hàng Tết của các doanh nghiệp, ông Phương cũng cho biết, tại hệ thống Saigon Co.op triển khai Chương trình “Khai Tết xanh – Gieo lộc Lành”, tổ chức “Chuyến xe hạnh phúc” đưa người lao động về quê đón Tết, chiết khấu 15% cho hơn 3 triệu giỏ quà Tết; đồng loạt giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt heo, gà ta, thịt bò, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây…

Hệ thống Satra chuẩn bị nguồn hàng Tết, chung tay bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với tổng giá trị lượng hàng hóa lương thực thực phẩm khoảng 500 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Nhâm Dần 2022, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩn  thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến: dầu ăn, đường,…các mặt hàng thực phẩm ngọt như bánh kẹo, trà, cà phê, bia, nước giải khát…; thực hiện chương trình khuyến mại “Tết sum vầy – Tri ân đong đầy” với nhiều sản phẩm giảm giá lên đến 49% cùng nhiều chương trình hấp dẫn.

Các hệ thống khác như Go/Top Market; Bách Hóa Xanh; MM Mega Market; Emart; Satra; Wincommerce; Gigamall; FPT, Nguyễn Kim,… cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại Tết, tập trung các mặt hàng phục vụ Tết.

Thông tin thêm về công tác cung ứng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, Giám đốc Khối vận hành hoạt động Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, Saigon Co.op tăng lượng thực phẩm tươi sống gấp đôi lượng thông thường để hệ thống bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile, … phục vụ tốt mùa mua sắm cao điểm tết.

Các mặt hàng bình ổn giá, các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng tùy ngành hàng cũng được tăng dự trữ từ 10-50% so với ngày thường, tăng trung bình 20% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời tiến hành giảm giá khuyến mãi liên tục hàng ngày từ nay đến Tết nguyên đán.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, hệ thống Co.opmart sẽ tăng thời gian phục vụ người dân cao điểm Tết Nguyên đán. Ảnh: LINH NHI 
Ông Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, hệ thống Co.opmart sẽ tăng thời gian phục vụ người dân cao điểm Tết Nguyên đán. Ảnh: LINH NHI 

Bên cạnh chương trình khuyến mãi, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op còn tăng giờ mở cửa phục vụ Tết, cụ thể từ 14 – 16/01/2023 (tức 23-25 Tết) phục vụ khách hàng từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Từ 17-20/01/2023 (tức 26 - 28 Tết) phục vụ từ 6 giờ sáng đến 22 giờ. Ngày 21/01 (tức 30 Tết) từ 6 giờ đến 12 giờ trưa. Mùng 1 hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op tạm dừng phục vụ. Từ Mùng 2 đến mùng 5 Tết phục vụ trong buổi sáng, mùng 6 Tết hoạt động bình thường. Hệ thống Co.opmart, Co.opXtra tại các tỉnh thành sẽ linh hoạt theo điều kiện thực tế từng địa phương.

Ông Thắng cho biết thêm, từ cuối tuần qua, sức mua của hệ thống đã tăng gấp đôi so với ngày thường, có những nơi tăng gấp 3 trở lên. Khách hàng chủ yếu lựa chọn những sản phẩm Tết như thịt heo, thịt gà, gạo nếp, đậu xanh, bánh mứt, nước ngọt, nước yến, bia, các loại hạt khô, chocolate … và các mặt hàng tẩy rửa, trang trí nhà cửa. Dự đoán sức mua tiếp tục ở mức cao từ nay đến cận Tết do siêu thị bắt đầu tung những chương trình khuyến mãi trọng điểm.

Cảnh báo lây lan biến thể mới của Omicron trong dịp Tết

Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, ngày 4/1/2023, Sở nhận được thông báo giải trình tự gen của tổ chức OUCRU (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford). Theo đó, OUCRU đã phát hiện 3/52 mẫu phết họng từ người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP có biến thể XBB trong tháng 12/2022. Theo kết quả này, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như thông tin về biến chủng mới của Omicron. Ảnh: LINH NHI 
Bà Lê Thiện Quỳnh Như thông tin về biến chủng mới của Omicron. Ảnh: LINH NHI 

Hệ thống giám sát biến thể SARS-CoV-2 từ cộng đồng trên địa bàn thành phố do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM phối hợp với Viện Pasteur TP thực hiện cũng ghi nhận 3 mẫu là biến thể XBB, xuất hiện vào trung tuần tháng 11. Tuy nhiên, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75. Cả 2 hệ thống giám sát tại bệnh viện và tại cộng đồng của TPHCM đều chưa phát hiện biến thể XBB.1.5.

Thông tin về biến thể XBB, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, đây là biến thể thuộc chủng Omicron đã lưu hành tại 35 quốc gia trên thế giới từ tháng 10/2022. Tại châu Á, biến thể này đã xuất hiện ở Singapore, Ấn Độ.

Biến thể phụ XBB.1.5 là một nhóm phụ của XBB đang lưu hành tại Mỹ từ tháng 10/2022. Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 25 quốc gia trên thế giới. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ XBB và XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron.

“Sự xuất hiện nhiều biến thể mới của Omicron không ngoài dự báo của các chuyên gia dịch tễ học”, bà Như nhận định.

Đại diện Sở Y tế cũng dự báo, thời gian tới, do sự gia tăng, giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết nên việc xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 tại Việt Nam là khó tránh khỏi. Việc quan trọng là cần tăng cường tiêm vắc xin phòng COVID-19 để bảo vệ cơ thể, tránh bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong do biến thể mới của Omicron.

Do đó, ngành y tế kêu gọi người dân TPHCM cùng bảo vệ và duy trì miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 bằng cách cho người thân trong gia đình và trẻ em từ 5 tuổi trở lên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nếu chưa tiêm. Đồng thời tiêm bổ sung, nhắc lại vắc xin theo quy định.

TPHCM xử lý nghiêm vi phạm an toàn lao động tại các công trình

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình các công trình xây dựng ở TPHCM hiện nay, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Trương Công Nam cho biết, lĩnh vực xây dựng cầu đường thuộc thẩm quyền Sở GTVT quản lý; Sở Xây dựng quản lý các công trình cao tầng.

Ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng trả lời câu hỏi của phóng viên về an toàn lao động dịp Tết. Ảnh: LINH NHI 
Ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng trả lời câu hỏi của phóng viên về an toàn lao động dịp Tết. Ảnh: LINH NHI 

Với mức độ xây dựng quy mô lớn, Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm sao quá trình thi công xây dựng đảm bảo an toàn. Vấn đề là các đơn vị, từ chủ đầu tư cho đến các nhà thầu có thực hiện đúng hay không.

Đại diện Sở Xây Dựng nhận định, các hoạt động xây dựng trên địa bàn TP có thể nói là lớn nhất cả nước. Lực lượng thanh tra trực thuộc Sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức kiểm tra, kiểm soát rất nghiêm ngặt, từ khi công trình khởi công cho đến khi nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng.

“Trong quá trình thi công xây dựng, các cái nhà thầu, chủ đầu tư không chấp hành các quy định về an toàn lao động thì lực lượng thanh tra xây dựng của chúng tôi cũng như là UBND các quận, huyện cương quyết xử lý nghiêm. Chỉ có vậy mới hạn chế được tình trạng vi phạm”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, từ sự cố tại công trình xây dựng ở Đồng Tháp, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND TP tiếp tục chấn chỉnh, có những quy định để hoạt động an toàn lao động trên công trình phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và chấp hành triệt để.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục