Thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch tại TPHCM từ ngày 2/6 đến 8/6
(HMC) - Chiều 8/6, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp.
Tham dự họp báo có: Giám đốc Sở NN&PTNN Đinh Minh Hiệp; Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Văn Lâm; Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh; Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP, Thượng tá Lê Mạnh Hà; Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam; Phó Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Mỹ Hạnh; Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm; Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Nguyễn Văn Khanh; đại diện các đơn vị: Sở Nội vụ, Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, UBND Quận Gò Vấp… cùng các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trên địa bàn TPHCM.

TPHCM có kế hoạch tuyển nhân lực trình độ cao từ tháng 6/2023
Trả lời câu hỏi về việc Thành phố chưa có trường hợp được thu hút theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP (về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ), Phó phòng Công chức Viên chức - Sở Nội vụ - Nguyễn Sỹ Long cho biết, điều này xuất phát bởi một số nguyên nhân: Các đối tượng đủ điều kiện theo nghị định này rất ít; việc phát hiện, bồi dưỡng và tuyển chọn đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực, đồng thời tỉ lệ được thu hút không cao.

Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định số 140 là những cá nhân có thành tích học tập, nghiên cứu khoa học xuất sắc nên có rất nhiều cơ hội nhận học bổng, thường ưu tiên tập trung học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Đây cũng là nhóm đối tượng thường được các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công tìm kiếm và mời gọi về làm việc với mức thu nhập hấp dẫn và nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
Do đó, các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố hiện rất khó khăn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và giữ chân được đội ngũ này do các quy định về chế độ, chính sách về tiền lương, thu nhập…
Mặt khác, một số cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố chưa có nhu cầu thu hút do e ngại về nguồn tuyển dụng còn hạn chế; đồng thời, do cơ chế, chính sách về tiền lương và thu nhập cũng như môi trường làm việc của khu vực công chưa đủ sức hấp dẫn nên khó giữ chân được đội ngũ này.
Để tạo bước chuyển biến tích cực trong thu hút nhân lực chất lượng cao, Sở Nội vụ đang triển khai cho các cơ quan, đơn vị đăng ký nhu cầu thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2023; dự kiến trình UBND TP ban hành Kế hoạch tuyển chọn vào tháng 6 này và thực hiện quy trình tuyển chọn vào Quý 3.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả thu hút và giữ chân nhân tài khi Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 được Quốc hội thông qua, Sở Nội vụ cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách tuyển dụng, sử dụng sinh viên xuất sắc, người có trình độ cao để trình HĐND TP xem xét, ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Sở Y tế thông tin về tình trạng cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Về nguồn cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam thông tin, TP đang sử dụng 2 loại thuốc là Immunoglobulin và Phenobarbital (truyền tĩnh mạch). Sau khi ghi nhận tình trạng thiếu thuốc của các đơn vị, Sở đã có công văn báo cáo Cục Quản lý Dược, đề nghị hỗ trợ tìm nguồn cung cấp. Ngày 5/6, Cục đã có công văn hướng dẫn về nguồn cung ứng của hai loại thuốc này.

Cụ thể, thuốc Immunoglobulin hiện còn 2.344 hộp loại 250ml, 215 hộp loại 50ml. Số lượng còn tồn kho tại các bệnh viện TPHCM là 1.371 lọ. Dự kiến nhà sản xuất sẽ tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250ml vào giữa tháng 8/2023, 56.000 lọ thuốc dạng khác sẽ được cung ứng vào cuối tháng 7. Đối với thuốc Phenobarbital, theo báo cáo của công ty, dự kiến vào tháng 7, 21.000 ống thuốc sẽ được vận chuyển đến Việt Nam.
“Sở đã đề nghị các đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp thực tế, đảm bảo sẵn sàng thuốc cung ứng, đảm bảo công tác khám chữa bệnh. Các bệnh viện cũng cần chủ động liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để đặt hàng, mua sắm, dự trữ thuốc”, ông Nam cho biết.
Tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm trong dịp hè
Trả lời nội dung quan tâm của báo chí về hoạt động dạy học trong dịp hè, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh cho biết, Sở đã phối hợp với Thành Đoàn ban hành kế hoạch hướng dẫn tổ chức hoạt động hè trong nhà trường.

Theo đó, các hoạt động hè bắt đầu từ ngày 28/5 đến ngày 20/8/2023. Trong trường hợp các cơ sở giáo dục chưa nghỉ hè vào thời điểm khai mạc hè thì các hoạt động hè vẫn được tổ chức, tập trung trong không gian trường học.
Tổ chức các hoạt động hè tập trung rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho học sinh; xây dựng kế hoạch hoạt động của các CLB đa dạng hình thức, thu hút học sinh tham gia; không tổ chức dạy kiến thức văn hóa trong dịp hè; việc ôn tập văn hóa trong hè chỉ dành cho học sinh có học lực yếu, kém.
Sở sẽ giám sát và xử phạt những cơ sở giáo dục, giáo viên tổ chức dạy thêm không đúng quy định.
Nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp vẫn chưa đạt yêu cầu về công suất thiết kế
TP đã chấm dứt hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc thủ công kể từ ngày 1/4/2023 để chuyển về giết mổ tại các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn. Đánh giá bước đầu kết quả thực hiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đinh Minh Hiệp cho biết, sau 2 tháng triển khai, nhìn chung các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp đảm bảo chặt chẽ các điều kiện kiểm soát về vệ sinh thú y với số lượng giết mổ ổn định.

Tuy nhiên, các nhà máy vẫn chưa đạt yêu cầu về công suất thiết kế. Theo ông Hiệp, nếu tìm được thêm đối tác giết mổ gia súc công nghiệp thì các nhà máy sẽ nâng suất theo thiết kế. Từ đó, đảm bảo nguồn cung thịt heo nóng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng TPHCM.
Kể từ ngày 1/4/2023, 8 các cơ sở, khu vực giết mổ gia súc thủ công trên địa bàn TP đã ngưng hoạt động. Riêng cơ sở giết mổ Trung Tuyến (huyện Cần Giờ) được phép hoạt động với số lượng giết mổ heo bình quân 20 - 30 con/ngày để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân của huyện theo Quyết định số 231/QĐ-UBND.
TP hiện có 5 nhà máy giết mổ gia súc đang hoạt động theo dây chuyền giết mổ công nghiệp và 1 cơ sở giết mổ. Từ ngày 1/4 - 8/6/2023, tổng công suất giết mổ bình quân của các điểm trên khoảng 5.200 - 6.000 con/ngày, chiếm 60% tổng nguồn cung thịt heo trên thị trường TPHCM.
Tại sao TPHCM nâng mức thu phí giao dịch nhà đất từ 1/6?
Liên quan đến việc tăng phí thực hiện thủ tục hành chính giao dịch nhà đất, Văn phòng Đăng ký đất đai cho biết, từ 1/6/2023, TP bắt đầu áp dụng thu theo mức mới, đối với 02 loại: phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TPHCM và phí thẩm định cấp giấy chứng nhận trên địa bàn TP.

Theo Văn phòng Đăng ký đất đai TP, các mức phí mới này đều thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 85/2019/TT-BTC có hiệu lực từ năm 2020. Tuy nhiên, do thực hiện theo chính sách của Bộ Tài chính để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên giai đoạn 2020-2021 TPHCM chưa nâng mức thu.
Đến năm 2022, ngành TN&MT bắt đầu xây dựng đề án thu theo quy định của Bộ Tài chính và được HĐND Thành phố thông qua ngày 18/4/2023, quy định hiệu lực áp dụng từ 1/6/2023.
Về phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, mức thu từ 1/6/2023 tăng 20 lần so với trước đây (dao động khoảng 1 triệu đồng/lần, trong khi trước đây là 80.000 đồng/thế chấp, 20.000 đồng/xóa).
Lý giải về mức thu này, Văn phòng Đăng ký đất đai TP cho hay, mức thu trước 1/6/2023 thực hiện theo quy định cũ của Bộ Tài chính là áp theo mức trần của hoạt động thế chấp động sản, chưa phân biệt 2 hoạt động đăng ký động sản và đăng ký bất động sản.
Bộ Tài chính đã sửa đổi điểm bất cập này, quy định mức thu của hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm bất động sản tính theo đúng chi phí cơ bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quy định, do đó mức thu tăng lên để bảo đảm chi phí này.
Đề xuất phạt đơn vị tổ chức show diễn thời trang phản cảm 85 triệu đồng
Liên quan đến việc xử phạt show diễn thời trang phản cảm, Sở Văn hóa và Thể thao có văn bản cho biết, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, đơn vị đã tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật “Sự kiện âm nhạc - Werk In Progress” có người mẫu trình diễn thời trang phản cảm là Công ty TNHH Objoff (trụ sở 73 đường số 4, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức).
Sở đã tham mưu và trình UBND TP ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Objoff với số tiền là 85.000.000 đồng về hành vi tổ chức biểu diễn, thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn có sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.