Cùng sự tham dự của: Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng; Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm; Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh; Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao Lâm Ngô Hoàng Anh; Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Bùi Văn Hiếu; Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên Môi trường Trần Nguyên Hiền; Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP, Thượng tá Lê Mạnh Hà; Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam; Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí Nguyễn Văn Khanh;… cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.
TPHCM: 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 2 và quý I/2023
Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhận định, năm 2023 - năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025).
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại họp báo. Ảnh: LINH NHI
Trên tinh thần tập trung khắc phục các khó khăn, thách thức, nâng cao khả năng dự báo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; tiếp thu tinh thần khẩn trương, quyết liệt, chủ động của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03 về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết, TPHCM tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể:
Theo dõi sát diễn biến tình hình trong và ngoài nước, nâng cao năng lực dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, thương mại, dịch vụ, và đời sống nhân dân. Đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chuẩn bị công tác tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chương trình, đề án của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, kịp thời phục vụ Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ TP. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác lập Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060; Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040 và Chiến lược quản lý phát triển hành lang Sông Sài Gòn; triển khai thủ tục xây dựng đề án “Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ”.
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo, kế hoạch của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP về điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trung ương để hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP (thay thế Nghị quyết số 54) tại kỳ họp thứ 5, khóa XV.
Bên cạnh đó, tiếp tục quán triệt, triển khai Chương trình công tác của UBND TP về giao nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tập trung triển khai thực hiện hiệu quả đến từng cơ quan, đơn vị về chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.
Đồng thời, tập trung huy động và khai thác mạnh mẽ tiềm năng các nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển TP. Thu hút và đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa đầu tư; huy động tối đa nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội ngay từ những tháng đầu năm. Tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đảm bảo cung lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu chung; tháo gỡ khó khăn cho các thị trường.
TPHCM cần hơn 14.000 lao động trong quý I/2023
Thông tin về tình hình lao động sau Tết Nguyên Đán Quý Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm cho biết, hiện TPHCM có hơn 94% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với số lượng lao động trên 96%. Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, hơn 267.000/281.000 lao động đã quay lại làm việc. Ở khu công nghệ cao, ghi nhận 100% doanh nghiệp hoạt động trở lại với số lượng lao động là 49.000/52.000 người.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm chia sẻ thông tin về thị trường lao động sau Tết. Ảnh: LINH NHI
Về nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết, theo ông Lâm, khảo sát hơn 500 doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, trong quý 1/2023, nhu cầu sử dụng lao động tại TPHCM là hơn 14.300, trong đó lĩnh vực may mặc, da giày chiếm tỉ lệ cao.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội liên tục tổ chức những các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến và trực tiếp. Sắp tới, TP sẽ mở sàn giao dịch việc làm chuyên đề cho bộ đội xuất ngũ, sàn giao dịch kết nối doanh nghiệp TPHCM với người lao động ở các địa phương khác.
Tiếp tục kiểm soát thị trường giá cả sau Tết
Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa của tháng Giêng năm nay xấp xỉ 57.000 tỷ đồng, doanh số cao nhất trong năm.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương phân tích hình hình sức mua dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Ảnh: LINH NHI
Như vậy, hoàn toàn không chuyện sức mua giảm. Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, đến thời điểm hiện tại, giá cả hàng hóa vẫn ổn định, không có tình trạng tăng giá đột biến. Hiện cơ quan quản lý thị trường đang thiết thiết lập các đội quản lý ở quận, huyện theo dõi tình hình giá cả cũng như hàng gian, hàng giả, hàng lậu.
“Ngoài đoàn kiểm tra liên ngành của quận, huyện, còn có thanh tra Sở Tài chính. Sở Công Thương đã thiết lập hệ thống báo cáo trực tuyến của các kênh phân phối, trong đó các siêu thị, các chợ, trong trường hợp phát hiện có biến động hoặc là có những dấu hiệu bất thường là sẽ báo cáo ngay để can thiệp kịp thời”, ông Phương nói.
Tổ chức giới thiệu sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11
Về hoạt động của ngành giáo dục trong tuần đầu tiên hoạt động sau Tết Nguyên Đán, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh cho biết, hiện tại, công tác dạy và học tại các trường đã ổn định.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: LINH NHI
“Tuần này và tuần sau, Sở tập trung vào Hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 của chương trình giáo dục phổ thông mới cho toàn thể giáo viên, cán bộ quản lý trên toàn Thành phố. Qua đó, đảm bảo giáo viên tiếp cận được tất cả đầu sách được Bộ Giáo dục phê duyệt, phục vụ công tác lựa chọn và tham vấn cho Hội đồng TP đưa ra bộ sách phù hợp, đáp ứng chương trình giáo dục trên địa bàn”, ông Minh chia sẻ.
Cũng theo ông Minh, ngày 4/2 tới đây, Sở Giáo dục Đào tạo sẽ tổ chức vòng chung kết Hội thi Khoa học kĩ thuật cấp Thành phố. Năm nay, Hội thi nhận được 1.226 dự án của 131 đơn vị. Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 52 dự án vào chung kết.
Đối với công tác tuyển dụng giáo viên, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin, hiện nay chỉ còn TP Thủ Đức và 9 quận, huyện đang tổ chức tuyển dụng viên chức của ngành. Ông khẳng định, việc tuyển dụng không ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của các trường.
Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi