Mong sớm triển khai
Là cửa ngõ nối khu vực ngoại thành vào trung tâm TPHCM, tuyến đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) kéo dài từ cổng Bệnh viện Quân y 175 đến cầu An Phú Đông (nối quận 12) luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất đông. Vỉa hè hai bên đường cũng được người dân tận dụng để xe, kinh doanh. Bày bàn ghế bán đồ ăn sáng trên vỉa hè đường Nguyễn Thái Sơn (đoạn ngã tư Phan Văn Trị), bà Nguyễn Thị Lan (52 tuổi) chia sẻ, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Dù đã trừ ra một phần vỉa hè cho người đi bộ, nhưng việc buôn bán trên vỉa hè của bà Lan vẫn là lấn chiếm vỉa hè nên thường xuyên bị lực lượng chức năng xử phạt. Khi biết TPHCM dự kiến cho sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, bà Lan bày tỏ rất đồng tình và sẵn sàng đóng phí để an tâm buôn bán.
Cũng như bà Lan, rất nhiều người dân có nhu cầu sử dụng vỉa hè để xe, kinh doanh đều ủng hộ và mong muốn việc cho sử dụng lòng đường, vỉa hè có thu phí sớm được triển khai. Ông Nguyễn Văn Tài (phường Bến Nghé, quận 1) cho rằng, vỉa hè là tài sản chung nhưng hiện nay nhiều hộ gia đình, chủ hàng quán, đơn vị kinh doanh sử dụng để thu lợi. Do đó, việc thu phí là chủ trương đúng và tạo thêm ngân sách cho địa phương để tái đầu tư hạ tầng, chăm lo cho an sinh xã hội là điều cần thiết.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh thông tin, ngay sau kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 11, quận 1 sẽ tổ chức triển khai Quyết định 32/2023/QĐ-UBND của UBND TPHCM ban hành quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố. Hiện nay, quận 1 có 75 tuyến đường đủ điều kiện làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; 44 tuyến đường đủ điều kiện bố trí làm điểm trông giữ xe 2 bánh có thu phí; 76 tuyến đường đủ điều kiện bố trí làm điểm trông giữ xe 2 bánh không thu phí.
Khai thác hiệu quả lòng đường, hè phố
Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Vũ Chí Kiên thông tin: Quận Bình Tân có 3 tuyến đường (đường Vành Đai Trong, Tên Lửa, đường
số 7) được đề xuất sử dụng tạm thời một phần vỉa hè cho các điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa và điểm để xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ trông giữ xe. Ngoài ra, quận Bình Tân đề xuất thêm 352 tuyến đường được sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình, trong đó có 19 tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý của Sở GTVT TPHCM.
* 3 trường hợp được phép sử dụng tạm thời lòng đường:
- Tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa.
- Làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị.
- Bố trí điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
* 5 trường hợp được phép sử dụng tạm thời hè phố:
- Tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa.
- Làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa.
- Làm điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng (có thu tiền người sử dụng), lắp đặt các công trình tạm trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông.
- Làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình.
- Bố trí điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông, giữ xe.
Ông Phan Thế Huy, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3, cho biết, từ năm 2021, quận 3 đã thực hiện sắp xếp các hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè. Theo đó, tùy tình hình thực tế ở địa phương, UBND 12 phường sẽ xây dựng phương án, đề xuất các tuyến đường có vỉa hè đủ rộng để kẻ vạch cho người dân sử dụng tạm một phần nhưng vẫn đảm bảo không gian cho người đi bộ, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3 nhận định, tình hình trật tự vỉa hè, lòng đường trên địa bàn quận 3 có chuyển biến rất tốt sau khi sắp xếp. Nguồn phí thu được có thể sử dụng để tái đầu tư vào chính những khu vực vỉa hè đang được sử dụng cũng như đóng góp một phần cho ngân sách nhà nước để nâng cấp, sửa chữa các tuyến vỉa hè khác.
Tại tờ trình gửi HĐND TPHCM về đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố, UBND TPHCM đánh giá, nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố của các tổ chức, cá nhân rất lớn nhưng hệ thống hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng một phần. Do đó, việc ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố là phù hợp và cần thiết. Việc thu phí nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý; đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Đồng thời công khai, minh bạch trong công tác thu, nộp, quản lý và sử dụng nguồn thu phí, góp phần đảm bảo giao thông an toàn, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, cũng như khai thác hiệu quả và có thêm kinh phí để bảo trì lòng đường, hè phố.
Theo Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND của UBND TPHCM có hiệu lực từ ngày 1-9-2023, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải dành tối thiểu 1,5m cho người đi bộ; phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn ô tô cho một chiều lưu thông. Các tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
UBND TPHCM đề xuất mức thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè để kinh doanh từ 20.000-100.000 đồng/m2/tháng; phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe từ 50.000-350.000 đồng/m2/tháng, tùy khu vực. Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, hiện toàn thành phố có hơn 600 tuyến đường rộng trên 9m; 1.143 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m trở lên có thể cho thuê để trông giữ xe và phục vụ kinh doanh. Nếu TPHCM cho thuê hết các điểm này thì sẽ thu được hơn 1.500 tỷ đồng mỗi năm, nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố nhằm mục đích duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.
- Ông NGUYỄN NGỌC ANH, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp:
Nâng cao ý thức người sử dụng vỉa hè
Thực hiện Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND của UBND TPHCM về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố, quận Gò Vấp đang rà soát, thống kê các tuyến đường có thể sử dụng tạm một phần vỉa hè có thu phí. Qua rà soát, quận Gò Vấp không có tuyến đường nào phù hợp để sử dụng tạm một phần lòng đường. Một số tuyến đường có thể sử dụng tạm một phần vỉa hè có thu phí ở những đoạn vỉa hè đủ rộng. Sau khi triển khai việc thu phí, quận tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cũng như xử lý các trường hợp vi phạm trật tự lòng lề đường.
- Ông ĐẶNG HOÀNG PHƯƠNG, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 10:
Xác định mục đích sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè
Qua rà soát, thống kê các tuyến đường, dự kiến quận có 25 tuyến đường đủ điều kiện xem xét để thu phí. Hiện có 10 tuyến đường trọng điểm đã được kẻ vạch giới hạn sử dụng tạm thời vỉa hè, phần còn lại chừa tối thiểu 1,5m của vỉa hè đảm bảo hành lang dành cho người đi bộ. Vỉa hè, lòng đường do Nhà nước quản lý nên khi tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời thì phải được cấp giấy phép và có nghĩa vụ đóng phí. Tuy nhiên, có 2 vấn đề khó khăn khi tổ chức thực hiện nên cần quy định rõ ràng, đó là việc xác định mục đích sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để áp đơn giá và việc quản lý tài sản công.