Sáng 10/10 tại Hà Nội đã diễn ra chương trình Ngày Chuyển đổi số Quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số, thông qua các nền tảng số Make in Vietnam. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phát động Tháng 10 là "Tháng Tiêu dùng số."
Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đánh giá và công bố 16 nhóm nền tảng số phục vụ nhu cầu của người dân. Mạng lưới Tổ Công nghệ số cộng đồng đã được tiếp cận trên toàn quốc.
Hơn 100.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp xã đã được bồi dưỡng, tập huấn cơ bản về chuyển đổi số, hơn 5 triệu lượt người dân được tiếp cận, phổ biến kỹ năng số cơ bản thông qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà. Vì vậy, Ngày Chuyển đổi số Quốc gia là ngày toàn dân, toàn quốc cùng nhau học tập, cùng nhau nỗ lực hành động.
Bày tỏ vui mừng tham dự Chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia, phát biểu tại sự kiện, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đây là sự kiện quan trọng, được tổ chức lần đầu tiên, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cùng với xu thế Chuyển đổi xanh, Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hàng ngày. Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả.
Thời gian qua, việc chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đã đạt được các kết quả tích cực: Nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến. Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo. Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục phát triển. Cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy. Dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng. Nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho chuyển đổi số được tăng cường. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.
"Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và những kết quả đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia."
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thông điệp của Chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, kết quả ngày hôm nay mới chỉ là bước đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước. Để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi, phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.
"Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực và là nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển," Thủ tướng nêu rõ.
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ đã gửi thông điệp Nhân Ngày Chuyển đổi số Quốc gia về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ chương trình cũng đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Quốc gia Viet Solutions" năm 2022./.