Cùng dự có các Phó Thủ tướng ở điểm cầu trụ sở Chính phủ và lãnh đạo các Thành phố trực thuộc Trung ương ở 5 điểm cầu địa phương và tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn.
Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có: đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố cùng các đồng chí trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố và đại diện các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn.
Theo số liệu của Bộ Y tế: Tính đến 6 giờ 30 phút ngày 29/3/2020, trên thế giới có 667.413 người mắc tại 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó: Trung Quốc: 81.394 người và ngoài Trung Quốc: 586.019 người; 30.840 người tử vong(Trung Quốc: 3.295 người, ngoài Trung Quốc: 27.545 người).
Tại Việt Nam có 179 trường hợp dương tính (đã điều trị khỏi 21 trường hợp); 3.215 trường hợp nghi ngờ đang cách ly theo dõi; 75.085 trường hợp tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang theo dõi. Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đang bước vào giai đoạn 3 của dịch bệnh, diễn biến phức tạp, có nguy cơ cao lây lan trong cộng đồng.
TP. Hồ Chí Minh chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch Covid-19
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên điạ bàn, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: TP. Hồ Chí Minh có 45 ca đã được Bộ Y tế công bố: có 03 ca đã điều trị khỏi, 42 ca đang tiếp tục điều trị (chiều nay và ngày mai sẽ có 07 ca xuất viện sau 3 lần âm tính với Covid-19 và sức khỏe ổn định); Số trường hợp đang cách ly tập trung 9.739 trường hợp; Tổng số trường hợp tiếp xúc hoặc có liên quan với ca bệnh mới đến ngày 28/3/2020: xác định được 4.786 trường hợp.
Trong số 45 trường hợp mắc bệnh, có 31 trường hợp là xâm nhập từ nước ngoài (69%); 14 trường hợp do lây nhiễm trong cộng đồng (31%), trong đó có 01 địa điểm phát sinh nhiều ca bệnh là quán bar Buddha và hai tình huống nguy cơ là nhóm tham gia sự kiện tôn giáo ở Malaysia (Quận 8) và nhóm đông người tham gia một lễ tang ở Bình Chánh (có nhiều nhân viên y tế tham gia).
Quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngay sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên trên địa bàn TP, Thành phố đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản ứng phó với các tình huống xảy ra.
Trong đó, xem công tác thông tin, truyền truyền là giải pháp hàng đầu. Giai đoạn 1 và 2, Thành phố phát hành 5 triệu tờ rơi, 5 triệu cuốn Cẩm nang “Hỏi đáp về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Cô-rô-na (COVID-19)” (có bản tiếng Hoa, tiếng Anh) đến từng người dân và hộ gia đình. Bước vào Giai đoạn 3, Thành phố tiếp tục in 5 triệu tờ rơi với nội dung “12 việc cần làm ngay để phòng chống dịch COVID-19, trong đó bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020.
Đặc biệt từ ngày 6/3/2020 đến nay, Thành phố chuyển từ họp giao ban định kỳ sang giao ban trực tuyến hàng ngày để kịp thời chỉ đạo. Duy trì nguyên tắc chống dịch, ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và nguyên tắc “5 tại chỗ”: (1) Lực lượng chống dịch tại chỗ; (2) Chỉ huy tại chỗ; (3) Vật tư, trang thiết bị tại chỗ; (4) Thuốc men, sinh thiết tại chỗ; (5) Nhiệm vụ tại chỗ.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh: Thực hiện nghiêm công tác giám sát phát hiện ca bệnh, ca nghi ngờ tại sân bay; rà soát người nhập cảnh để phát hiện kịp thời người đến từ vùng dịch. Thành phố cũng chuẩn bị sẵn sàng 36 khu cách ly tập trung với tổng số hơn 12.000 giường; đang triển khai thêm hơn 12.000 giường; tổng cộng các khu cách ly tập trung có thể đáp ứng hơn 24.000 giường.
Bên cạnh đó, Thành phố thiết lập hệ thống 04 cơ sở chuyên sâu điều trị COVID-19 với tổng quy mô 2.300 giường bệnh và 47 bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận bênh nhân Covid-19 với hơn 700 giường, cần thiết có thể tăng đến 1.000 giường bệnh.
Chủ động trang bị 10.000 bộ xét nghiệm có độ nhạy cao để sàng lọc, tầm soát rộng những trường hợp nghi ngờ, trường hợp tiếp xúc gần; trong tháng 4 và tháng 5 tới sẽ trang bị thêm 50.000 bộ xét nghiệm để tăng cường tầm soát trên diện rộng.
Để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho hơn 600.000 sinh viên và 1,7 triệu học sinh các cấp trên địa bàn, Thành phố đã cân nhắc và là địa phương đầu tiên đề xuất cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 03 năm 2020, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh khung thời gian năm học 2019 - 2020 cho phù hợp tình hình thực tế.
Hạn chế đến mức tối đa có thể các lễ hội, sự kiện, hoạt động tập trung đông người; yêu cầu tạm ngừng hoạt động các rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu kể từ 18 giờ, ngày 15/3/2020; tạm dừng hoạt động các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ từ 30 người trở lên), câu lạc bộ bida, Phòng tập thể hình (Gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn thành phố kể từ 18 giờ, ngày 24/3/2020.
Chỉ đạo việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe… đến từng người dân. Đồng thời, cung ứng 7 triệu khẩu trang y tế, 40 triệu khẩu trang vải, đảm bảo không thiếu khẩu trang vải cho nhu cầu của người dân, khẩu trang y tế được tập trung dành cho đội ngũ cán bộ y tế.
Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đã ban hành Công văn khẩn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn với những chính sách thiết thực.
Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thêm: Trong thời gian tới, Thành phố sẽ quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp như: Yêu cầu người dân không ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết; những người trên 60 tuổi cần ở nhà toàn bộ thời gian; người dân phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng; cấm tụ tập trên 20 người, riêng bên ngoài các công sở và trường học, bệnh viện cấm tụ tập trên 10 người; thực hiện đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh; tổ chức lại rất ít các phương tiện giao thông công cộng sức chở lớn…
Ngoài ra, bảo đảm cân đối nguồn hàng phòng chống dịch và phục vụ nhu cầu người dân; Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm kích cầu kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh
Tập trung xử lý, giải quyết khó khăn vướng mắc về lao động; hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Thành phố cũng sẽ điều chỉnh hệ số tính tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức năm 2020 nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong cuộc chiến chống dịch Covid -19.
Trên cơ sở thực tiễn công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và những đặc điểm, tình hình riêng của Thành phố, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xem xét hạn chế tối đa các chuyến bay quốc nội đến và đi từ Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, chỉ xem xét cấp phép cho một số chuyến bay đến và đi thật sự cần thiết trong giai đoạn cao điểm hiện nay.
Đồng thời, sớm ban hành Nghị quyết về các chế độ chính sách đặc thù trong công tác phòng chống dịch COVID-19 để các địa phương triển khai thực hiện. Chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên, thống nhất chung trong cả nước.
Hiện nay, dịch vụ “chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng AIRBNB” thông qua các trang mạng, ứng dụng điện thoại đang diễn biến phức tạp, khó quản lý được người đến thuê mà phần lớn là người nước ngoài. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp tạm dừng hoặc hạn chế dịch vụ nêu trên trong thời điểm hiện nay.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, các Hãng hàng không quốc tế, bố trí các tổ bay vào ở khu lưu trú tạm thời, tuân thủ đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; không được ở các khu chung cư trong TP, không được ra khỏi vị trí lưu trú tạm thời trong thời gian lưu trú; thông báo địa điểm lưu trú cho Sở Y tế và chính quyền địa phương để giám sát.