Sáng 23-7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, báo Nhân Dân và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024 kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2024).
Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh xác định thông tin liệt sĩ
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hội nghị tri ân người có công diễn ra trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào cả nước trước sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người luôn đặc biệt quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định ngày 27-7 là dịp để toàn dân, toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
"Chúng ta tri ân gần 1,2 triệu người con ưu tú đã dũng cảm, xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình, trong đó rất nhiều người ở lại với tuổi 18, đôi mươi, để lại phía sau bao ước mơ, hoài bão còn dang dở, những trang sách giảng đường, gia đình, người thân nơi hậu phương lên đường thực hiện nhiệm vụ vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân", Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không ngừng được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Đời sống của người có công và gia đình không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Đúng với lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, "không hy sinh môi trường, xã hội, công bằng xã hội vì sự phát triển kinh tế đơn thuần".
Nói về ngân hàng gene liệt sĩ và thân nhân, Thủ tướng nêu mục tiêu giám định hơn 20.000 hài cốt liệt sĩ, phấn đấu xác định danh tính 60% liệt sĩ trong các nghĩa trang.
Bày tỏ đau đáu khi thăm nghĩa trang đồi A1 tại Điện Biên Phủ, người đứng đầu Chính phủ còn thấy nhiều mộ liệt sĩ vẫn đề những dòng chữ mộ liệt sĩ chưa xác định được tên, mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Cả nước còn khoảng 180.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, còn 300.000 hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang chưa xác định được danh tính.
Việc hình thành ngân hàng gene giúp xác định danh tính của các mộ liệt sĩ còn "khuyết danh".
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác minh, kết luận thông tin bằng phương pháp thực chứng với mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tất cả mọi người hãy luôn luôn ghi nhớ, tri ân và tâm niệm "Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân!", như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu, đại diện người có công thực hiện nghi thức ra mắt ngân hàng gene (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Giám định ADN khoảng 13.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và thân nhân
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung bày tỏ trăn trở: "Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương, gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người mẹ; những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình… ở đâu là những câu hỏi day dứt đối với chúng ta".
Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.
Kết quả đã đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong ngân hàng gene là bước tiến trong tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
"Chúng tôi cho rằng đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất thiêng liêng, phải chạy đua với thời gian, làm càng nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài, song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan, chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ", Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.