Tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, lãnh đạo các Bộ - ngành Trung ương, các cơ quan của Đảng, Hội đồng Dân tộc Quốc hội và các Ủy ban Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, các Văn phòng Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND TP. Hà Nội.
Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan và Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan.
Kinh tế cả nước có nhiều chuyển biến tích cực
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các cấp, các ngành đã lo Tết Nguyên đán Tân Sửu cho người dân chu đáo trong bối cảnh dịch COVID-19, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, vùng khó khăn, vùng thiên tai, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết. Ngay sau Tết, chúng ta đã phát động ra quân làm việc đầu năm, phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ với tinh thần trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Nhiều địa phương trong cả nước đã hưởng ứng.
Về đợt bùng phát dịch lần thứ 3 tác động tới vùng kinh tế trong điểm phía bắc gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thủ tướng cho rằng, với nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid - 19, đến nay căn bản đã kiểm soát được tình hình, trừ huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, vẫn còn xuất hiện một số ca nhiễm mới, những địa phương trọng điểm đã được kiểm soát tốt, nhất là những thành phố lớn.
Trong tháng 2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc xuất ngân sách Nhà nước để nhập vaccine. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm vắcxin cùng với Thông điệp 5K là biện pháp quan trọng hàng đầu để ngăn chặn một cách hiệu quả dịch bệnh COVID-19 cho gần 100 triệu người dân Việt Nam.
Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thảo luận các nội dung sau: Tiếp tục phòng chống dịch bệnh COVID-19 “với tinh thần vaccine + 5K, không được chủ quan”. Thực hiện đồng thời các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, truy vết, khoanh vùng thần tốc cùng với đẩy mạnh tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân cả nước; Tiếp tục khoanh vùng ổ dịch Kim Thành (Hải Dương) mạnh mẽ hơn để không làm lây lan.
Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép để thúc đẩy tăng trưởng. “Trong quý I này, phải có kết quả tích cực, trong đó, các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 06 ngày 19/2/2021 của Thủ tướng về đôn tốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021”. Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dung cho biết mặc dù trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng kinh tế cả nước có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 7,1%). Nhiều sản phẩm tăng mạnh như tivi các loại tăng 61,5%; linh kiện điện thoại tăng 55,7%; thép cán tăng 47,3%...Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng 2/2021 diễn biến tương đối thuận lợi.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,64%.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cả nước có 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký.
TPHCM: Các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đều có mức tăng trưởng khả quan hơn cùng kỳ
Từ điểm cầu trực tuyến tại trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh, báo cáo với Chính phủ về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội và quốc phòng - an ninh tháng 2/2021 trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, TP đã tổ chức chu đáo Tết Tân sửu 2021 cho người dân, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh. TP đã chi 1.025 tỷ đồng chăm lo cho Tết. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, người lao động, công nhân, sinh viên ở lại TP dịp Tết đông hơn mọi năm, TP đã dự báo sớm và chỉ đạo vận động nguồn xã hội hóa để chăm lo cho người dân. Tổng ngân sách từ nguồn xã hội hóa mà TP đã vận động được là 239 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 38 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đều có mức tăng trưởng khả quan hơn cùng kỳ. Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 110.675 tỷ đồng, tăng 4,7 % so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,9 %). Tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đều tăng so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8 tỷ USD (tăng 25,1% so với cùng kỳ), kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,9 tỷ USD (tăng 53,1% so với cùng kỳ). 3 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng là phân bón, chất dẻo nguyên liệu, linh kiện phụ tùng ô tô đều nhằm phục vụ cho sản xuất trong nước.
Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp nên đã ảnh hưởng đến các ngành dịch vụ, đặc biệt là ngành du lịch. Trong tháng, không có lượt khách quốc tế mới đến TPHCM. Doanh thu du lịch trong tháng ước đạt 6.600 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.
Thu chi ngân sách TP có dấu hiệu khả quan, tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 74.482,075 tỷ đồng, đạt 20,41% dự toán, tăng 10,51% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 9.533,161 tỷ đồng, đạt 9,83% dự toán.
Trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TPHCM trong 2 tháng đầu năm ước tăng 6% so với cùng kỳ. Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu trong 2 tháng đầu năm ước tăng 7,8% so với cùng kỳ, cao hơn 1,8 điểm phần trăm so với mức tăng chung của toàn ngành.
Về lĩnh vực nông nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trong tháng ước đạt 982,5 tỷ đồng, lũy kế 2 tháng ước đạt 1.966,3 tỷ đồng (tăng 1,7% so với cùng kỳ).
Với tinh thần “Khẩn trương, thần tốc, quyết liệt, đồng bộ và chủ động”, kiên trì nguyên tắc chống dịch “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch”, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế và Ban Thường vụ Thành ủy, TPHCM đã kiểm soát tốt được dịch bệnh. Kết quả là 20 ngày qua TP không ghi nhận ca nhiễm mới. Nhiều hoạt động kinh doanh trên địa bàn TP được mở cửa trở lại. Học sinh TP cũng được đi học trở lại từ ngày 1/3.
Về nhiệm vụ sắp tới, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết TP sẽ tăng cường rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, trên tất cả các lĩnh vực, góp phần hỗ trợ thiết thực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để xảy ra tình trạng người dân, DN phải chờ đợi; Ứng dụng trao đổi trực tuyến để duy trì mối quan hệ hợp tác với nước ngoài, giúp kinh tế TP không bị gián đoạn trong giai đoạn dịch bệnh; Triển khai kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để xảy ra tình huống phưc tạp về an ninh trật tự. Trong mọi tình huống phải giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế xã hội của TP.