Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: TPHCM có thể áp dụng hạn chế tụ tập đông người theo phạm vi phù hợp

17:58 08/02/2021

(HMC) – Chiều 08/02, Thường trực Chính phủ tổ chức họp giao ban trực tuyến với các Bộ, ngành và các địa phương về công tác phòng, chống Covid-19. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ - ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố.

Tại điểm cầu TPHCM có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cùng đại diện lãnh đạo các Sở - ban - ngành, các thành viên Ban chỉ đạo Thành phố phòng, chống dịch Covid-19.

Quang cảnh cuộc họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Quang cảnh cuộc họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cần áp dụng các biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh

Phát biểu mở đầu cuộc họp, trước tình hình TPHCM phát hiện nhiều ca nghi mắc trong cộng đồng,và đã lây lan ra nhiều quận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế báo cáo các biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh. Thủ tướng cho rằng, trước tình hình diễn biến phức tạp thì càng phải bình tĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm và xử lý kiên quyết.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ 25/1/2021 đến nay đã ghi nhận 451 trường hợp mắc trong cộng đồng tại 12 tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cập nhật tình hình dịch bệnh trong cả nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cập nhật tình hình dịch bệnh trong cả nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngày 8/2/2021, đã ghi nhận tổng số 33 trường hợp, trong đó 2 trường hợp mắc mới tại Hà Nội, 3 trường hợp tại Quảng Ninh đều có liên quan đến ổ dịch tại Công ty POYUN (Chí Linh, Hải Dương) và sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh); 28 trường hợp mắc tại TPHCM liên quan ổ dịch phát hiện tại khu bốc dỡ hàng hóa thuộc sân bay Tân Sơn Nhất.

Tính đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát tại 2 địa bàn bùng phát dịch là Quảng Ninh, Hải Dương và hầu hết các tỉnh, thành phố. Trong 4 ngày gần đây đã ghi nhận số ca mắc mới có xu hướng giảm, hầu hết các trường hợp mắc là các trường hợp đã được cách ly tập trung. Ngoài 2 tỉnh (Hải Dương, Quảng Ninh) hằng ngày vẫn ghi nhận ca mắc mới là các trường hợp đã được cách ly tập trung, các tỉnh Hòa Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh trong 1 tuần qua không ghi nhận ca mắc mới; Điện Biên, Hà Giang hiện chưa ghi nhận thêm ca mắc mới từ 5/2/2021 đến nay. Hà Nội, Bình Dương, Gia Lai đang thực hiện truy vết, khoanh vùng triệt để và vẫn ghi nhận các ca mắc mới rải rác.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM khi vẫn còn nguồn lây trong cộng đồng chưa được phát hiện, đặc biệt ổ dịch phát hiện tại khu vực bốc dỡ hàng hóa của sân bay Tân Sơn Nhất chưa rõ nguồn lây.Trước tình hình đó, cần thực hiện truy vết thần tốc, xét nghiệm rộng nhưng phong tỏa hẹp, xác định các khu vực nguy cơ lây lan dịch bệnh cao để áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người (Chỉ thị 15) hoặc giãn cách xã hội (Chỉ thị 16) theo phạm vi phù hợp. Bộ Y tế sẽ dồn lực và sát cánh cùng TPHCM thực hiện các biện pháp quyết liệt để nhanh chóng dập dịch.

Trong thời gian qua, các cấp các ngành đã phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên Đán đã cận kề, các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch đều trên tinh thần quyết liệt và sẵn sàng hy sinh bản thân cho công tác phòng chống dịch, điều này đáng biểu dương khen thưởng. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất Thủ tướng chính phủ động viên khen thưởng đối với lực lượng trên.

Ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất khá phức tạp, chưa tìm được nguồn lây

Thay mặt Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức báo cáo tình hình dịch bện tại TPHCM. Theo đó, ổ dịch được phát hiện trong nhóm 5 nhân viên bốc xếp hàng hoá tại sân bay Tân Sơn Nhất trong khoảng từ ngày 5/2/2021 - 7/2/2021. Các trường hợp nhiễm mới gồm 25 ca là F1 của các bệnh nhân trên cũng như là F1 của nhóm trường hợp nhóm bốc xếp của 5 công nhân. Tại sân bay, có 6 nhân viên xét nghiệm âm tính nhưng có người nhà là dương tính, đây là trường hợp khá phức tạp.

Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Ảnh: Quang Hiếu
Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Ảnh: Quang Hiếu

Do đó TP nhận định đây là ổ lây nhiễm đã có từ trước của các công nhân ở công ty bốc xếp này. Các ca bệnh sinh sống tại 7 quận tại TPHCM gồm quận 1, 9, 12, Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp.

Mặc dù chưa phát hiện lây nhiễm ở nhân viên trong tiếp xúc với hành khách nhưng có thể xác định đây là ổ dịch khá phức tạp, chưa tìm được nguồn lây nhiễm cũng như thời điểm khởi đầu. Do đó, ổ dịch này có thể còn lây nhiễm trong cộng đồng trong thời gian tới nếu không có các biện pháp khẩn trương, quyết liệt.

Đến nay, TPHCM đã và đang thực hiện một số biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cụ thể, TP đã kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị trong toàn bộ hệ thống y tế; Nâng cao khuyến cáo trong phòng chống dịch; Nhanh chóng, thần tốc truy vết các ca lây nhiễm F1, F2; Khoang vùng dịch tễ, điều tra truy vết, F1 được cách ly tập trung, F2 được cách ly nghiêm ngặt tại nơi cư trú. Hiện đã tiếp cận 324 F1 336 F2 của 29 ca bệnh trên. Khoanh vùng phong toả tạm thời các ổ lây nhiễm để tiêu độc khử trùng, khoanh vùng những ngừoi tiếp xúc và lấy mẫu đơn các ca tiếp xúc gần với F1, mẫu gộp các gia đình trong khu vực lây nhiễm, xét nghiệm toàn bộ nhân viên công nhân viên BV 175

Ngành Y tế TP đã phối hợp với Cảng vụ hàng không Việt Nam kiểm tra lại hoạt động của sân bay, đánh giá lại các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và có nhiệm vụ chấn chỉnh. Thực hiện xét nghiệm lại lần 2 đối với 1600 nhân viên bốc xếp. Để đảm bảo an toàn cho các hành khách đến và đi sân bay Tân Sơn Nhất, tiến hành xét nghiệm lần 2 các nhân viên làm việc trong nhà ga có tiếp xúc với hành khách, thực hiện trước 24 giờ cách ly tạm.

TPHCM cần vào cuộc quyết liệt, vận động nhân dân thực hiện thông điệp 5K 

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, biểu dương ngành y tế các địa phương có dịch đã kịp thời áp dụng các biện pháp mạnh mẽ, tổng lực và quyết liệt trong phòng chống dịch. Với cách làm sáng tạo đồng bồ, truy vết thần tốc, hiện tại các ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tuy nhiên xuất hiện mối lo ngại từ việc phát hiện ổ dịch ở nhiều quận tại TPHCM và nguy cơ lây nhiễm cao từ các ca nhiễm này trên địa bàn TP. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu hệ thống y tế, hệ thống chính trị và chính quyền thành phố cần vào cuộc quyết liệt, vận động nhân dân thực hiện chủ trương 5k của ngành Y tế. Trước hết, hai việc phải làm ngay là đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người, kể cả các hoạt động văn hóa, tôn giáo...trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, có thể áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người (Chỉ thị 15) hoặc giãn cách xã hội (Chỉ thị 16) theo kiến nghị của Bộ Y tế.

Không chỉ riêng TPHCM, các TP lớn đang có ca nhiễm đều có thể áp dụng các biện pháp mạnh để tránh lây nhiễm một cách triệt để. Đồng thời, cần xét nghiệm diện rộng ở những khu vực dễ lây nhiễm để truy vết triệt để và phát hiện sớm ổ dịch trong cộng đồng.

Ngoài ra, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ quyết định dừng bắn pháo hoa của 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM, bởi đây là biện pháp tốt để phòng tránh việc tụ tập đông người. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại các trung tâm lớn của cả nước, Thủ tướng đề nghị mọi tổ chức, hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp phải làm hết sức mình để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lây lan này, với những biện pháp cụ thể ở từng địa phương một cách phù hợp.

Đối với chủ trương khuyến khích người lao động và các chủ doanh nghiệp tổ chức sản xuất và sinh hoạt tại chỗ để hạn chế tối đa việc đi lại, tránh lây nhiễm trong dịp Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây cũng là một biện pháp hiệu quả trong phòng chống dịch mà một số nước đã áp dụng. Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đồng ý chủ tương Bộ Y tế mua vaccine của Tập đoàn AstraZeneca để người dân được tiếp cận ngay trong quý I/2021, bảo đảm phù hợp với các điều kiện của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vaccine, đối tượng cần tiêm chủng do ngân sách Nhà nước chi trả, trong đó, đồng ý phương thức xã hội hóa một cách cụ thể

Ngành y tế theo dõi, giao ban thường xuyên để hỗ trợ các tỉnh thành trong mọi tình huống; tham mưu thành lập bệnh viện dã chiến một số nơi đề phòng tình huống xấu xảy ra.

Ngành công thương dự trữ sẵn sàng hàng hóa cần thiết để đáp ứng đủ cho người dân, đặc biệt là các sản phẩm trong phòng chống dịch như khẩu trang…

Hệ thống chính trị làm hết sức mình ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lây lan với biện pháp cụ thể. Các lực lượng chức năng, nhất là ngành công an, quân đội và các lực lượng quản lý thị trường… tăng cường những biện pháp để bảo đảm an ninh trật tự, không để tình huống xấu xảy ra.

Ngay sau cuộc họp trực tuyến với Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong triệu tập cuộc họp gấp về tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo:

- Người dân bình tĩnh và thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.

- Người dân nên ở nhà, hạn  chế tối đa việc đi lại, không tập trung đông người.

 ⁃ Không chia sẻ những thông tin chưa kiểm chứng về tình hình dịch bệnh.

- Chủ động, tự giác khai báo với cơ quan y tế khi trở về từ các địa phương, khu vực có ổ dịch và các trường hợp tiếp xúc F0, F1 (theo thông báo của Bộ Y tế) để giám sát và cách ly kịp thời.

- UBND các địa phương sẽ xử lý nghiêm hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng và không khai báo y tế.

 

Khang Minh - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục