Công trình này được thực hiện nhằm đảm bảo phương án kiến trúc đặc biệt, tạo điểm nhấn cảnh quan tại vị trí khu vực giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ, cũng như đảm bảo yêu cầu về tầm nhìn thông thoáng xuyên suốt cho cả hai trục đường sau khi hoàn thiện.
Theo đó, trên nền hiện trạng hiện hữu (khoảng 1.300m2), khu vực công viên trước Nhà hát Thành phố sẽ được tái lập lại mảng xanh, lối dạo và không gian đa năng cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật theo hướng hiện đại, hài hòa không gian cảnh quan, tôn tạo giá trị kiến trúc đặc sắc của Nhà hát Thành phố với bố cục mảng xanh tập trung phía trước Nhà hát và điểm nhấn trục Công viên (kết nối giao thông bộ và khoảng đệm ra đường Nguyễn Huệ).
Hệ thống mảng xanh sẽ được bố trí thành 03 lớp cây tầm cao, cây tầm trung và thảm thực vật tầm thấp theo thứ tự, ưu tiên giữ lại tối đa hệ thống cây hiện trạng, đồng thời tiếp tục bổ sung thêm về số lượng và đa dạng các chủng loại cây kiểng trang trí để tạo màu sắc, điểm nhấn cho khu vực công viên.
Cùng với đó, toàn bộ khu vực sẽ được trang bị các tiện ích đường phố, hệ thống tưới nước tự động, chiếu sáng công cộng có tính mỹ thuật hứa hẹn sẽ là điểm nhấn về cảnh quan công viên và góp phần bổ sung cho mảng xanh đô thị.
Thời gian qua, một số dự án triển khai thực tế theo định hướng thiết kế về không gian công cộng trong khu vực trung tâm như: công trình nâng cấp cải tạo Nhà Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh (1,5ha); công trình cải tạo Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước UBND Thành phố; dự án cải tạo nâng cấp đường đi bộ Nguyễn Huệ (4,0 ha) cùng với ý tưởng thiết kế chi tiết Công viên 23 tháng 9, nhà ga ngầm Khu trung tâm và khu thương mại ngầm Bến Thành trải dài dọc đường Lê Lợi… đã từng bước khái quát toàn cảnh bức tranh không gian công cộng mới, đa chức năng đáp ứng cho nhiều loại hình lễ hội thường niên, sinh hoạt giải trí đường phố, góp phần thay đổi và cải thiện thói quen đi bộ cho người dân Thành phố.
Bên cạnh việc quản lý rà soát quy hoạch, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền Thành phố quyết tâm đẩy mạnh công tác xây dựng hoàn chỉnh bộ mặt đô thị các khu vực lõi trung tâm, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Nam thành phố, khu đô thị cảng Hiệp Phước, khu đô thị Tây Bắc… với mục tiêu phấn đấu từng bước đưa ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị đến gần hơn với thực tiễn.
Trong đó, không gian, cảnh quan công cộng phải được tổ chức, định hướng quy hoạch, khai thác và phát huy được tính thương mại trong khu lõi trung tâm; đồng thời giữ được ý nghĩa lịch sử, văn hóa của những cảnh quan đường phố; giữ được đặc trưng nhộn nhịp và sự gần gũi thân thiện vốn có của đô thị Sài Gòn.