Tình hình dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội tại TPHCM đến ngày 13/10

19:45 13/10/2022

(HMC) - Chiều 13/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp.

Cùng tham dự có Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm; Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh; Chánh Văn phòng Sở Xây Dựng Bùi Văn Hiếu; Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông vận tải Đỗ Ngọc Hải; Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí Nguyễn Văn Khanh; Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như; Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi Trường Nguyễn Tiến Dũng; Giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Khu vực II Phạm Anh Tuấn cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.  

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Linh Nhi
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Linh Nhi

Petrolimex Sài Gòn đảm bảo cung ứng xăng, dầu cho người dân

Thông tin tại họp báo về tình hình kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn, Giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Khu vực II Phạm Anh Tuấn cho biết, Petrolimex Sài Gòn có 70 cửa hàng xăng dầu và 52 cửa hàng nhượng quyền bán lẻ, chiếm tỷ lệ khoảng 20% trong tổng số 550 cửa hàng xăng dầu tại TPHCM và chiếm 35% thị phần cung cấp.

Khi một số cửa hàng dừng bán hoặc bán nhỏ giọt, số lượng người dân đổ dồn về Petrolimex rất lớn. Nhu cầu đổ xăng tại các cửa hàng thuộc Petrolimex tăng bình quân 135% so với thường ngày. Có ngày tăng đỉnh điểm, từ 200 - 240%.

Những ngày qua, bình quân mỗi ngày Petrolimex cung cấp tới 1.300 - 1.500 m3 lượng xăng dầu/ngày. Ngày 10/10 là 3.200 m3, ngày 11/10 là 2.900 m3 và ngày 12/10, lượng cung cấp hạ nhiệt, giảm còn 2.000 m3. 

Giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Khu vực II Phạm Anh Tuấn khẳng định, Petrolimex Sài Gòn vẫn đảm bảo cung ứng cho người dân. Ảnh: Thành Nhân
Giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Khu vực II Phạm Anh Tuấn khẳng định, Petrolimex Sài Gòn vẫn đảm bảo cung ứng cho người dân. Ảnh: Thành Nhân

Trước áp lực đó, Petrolimex Sài Gòn vẫn đảm bảo cung ứng cho người dân. Đặc biệt, trên toàn hệ thống Petrolimex không có cửa hàng nào đóng cửa vì thiếu nguồn cung. Mọi người dân đều được bán không giới hạn.

Ông Tuấn cũng cho biết, từ nay đến ngày 17/10, đơn vị tiếp tục nhập về Tổng kho xăng dầu Nhà Bè tổng cộng 100.000 m3 xăng dầu. Trong đó có 80.000 m3 xăng RON 95 nhập khẩu và 20.000 m3 xăng E5 RON 92 từ các nhà máy trong nước. Dự kiến những ngày còn lại của tháng 10, nhập tiếp 30.000-40.000 m3 xăng từ trong nước và nhập khẩu 80.000 m3 dầu.

“Với lượng bổ sung này chúng tôi hoàn toàn có khả năng đáp ứng cho hệ thống cửa hàng trực thuộc và nhượng quyền. Đồng thời, chúng tôi cũng đã có kế hoạch nhập thêm về Tổng kho Nhà Bè từ đầu tháng 11 nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng không bị gián đoạn. Kế hoạch không chỉ cho TPHCM mà cho tất cả tỉnh thành phía nam" - ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh. 

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương, tính đến 14h chiều nay (13/10), số cửa hàng xăng dầu bị gián đoạn cung ứng trên địa bàn đã giảm còn khoảng một nửa so với ngày 12/10. Qua theo dõi, thấy rằng lượng khách hàng, đặc biệt ở các hệ thống lớn như Petrolimex, đã giảm rất nhiều, gần như không còn tình trạng xếp hàng, khách vào là được đáp ứng ngay.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 85,6 tỷ USD

Liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu trên địa bàn, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 85,6 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 36,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 48,7 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. 

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố 9 tháng đầu năm ước đạt 85,6 tỷ USD. Ảnh: Thành Nhân
Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố 9 tháng đầu năm ước đạt 85,6 tỷ USD. Ảnh: Thành Nhân

Dự kiến vào tháng 11, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị kết nối hàng Việt Nam xuất khẩu, kết nối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của vùng, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp trong vùng tăng cường hoạt động, sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên sản phẩm, từng bước hình thành chuỗi giá trị.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương tăng cường cập nhật thông tin thị trường các nước, phổ biến các quy định, chính sách, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa mới để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Đảm bảo tất cả các dự án phải được giải ngân hoàn tất trong năm 2022

Trả lời câu hỏi vì sao các dự án có sử dụng đất tại TPHCM triển khai rất chậm, Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Tiến Dũng cho biết, nguyên nhân chủ quan là do công tác lập, triển khai và quản lý quy hoạch kế hoạch sử dụng đất chưa được lãnh đạo các cấp, các ngành chú trọng, thường tiến hành chậm; nội dung của các đồ án quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất chưa chú trọng nhiều đến việc xem xét khả năng tài chính để thực hiện.

Cùng với đó, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của người dân về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế, mang tính hình thức, chưa cung cấp đầy đủ thông tin và phổ biến rộng rãi về các nội dung, bản chất của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân tìm hiểu và tham gia góp ý kiến.

Về nguyên nhân khách quan, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và đầu tư xây dựng công trình còn hạn chế. Mặc dù quy định giá bồi thường theo giá thị trường nhưng đối với các dự án không nhằm mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì chủ đầu tư phải thỏa thuận với người đang sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, dẫn đến thời gian thực hiện thường bị kéo dài. 

Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi Trường Nguyễn Tiến Dũng thông tin tại họp báo. Ảnh: Thành Nhân
Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi Trường Nguyễn Tiến Dũng thông tin tại họp báo. Ảnh: Thành Nhân

Một số dự án lớn, thực hiện trên địa bàn nhiều quận nên chủ đầu tư phải chờ hoàn thành toàn bộ dự án để thực hiện công tác giao đất hoặc cho thuê đất, dẫn đến việc phải chuyển tiếp qua nhiều năm. Một số dự án có nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước nên phải xem xét, xử lý theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, dẫn đến việc thực hiện thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất bị kéo dài.

Bên cạnh đó, một số dự án lớn, quy trình thủ tục để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trải qua nhiều bước, cần có sự thống nhất giữa các Sở, ngành có liên quan của thành phố nên thời gian thực hiện khá dài. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư còn liên quan tới nhiều Luật khác nhau nên thời gian giải quyết các thủ tục kéo dài gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, hiện vẫn chưa có cơ chế, chính sách và các biện pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện đi kèm với quy hoạch, kế hoạch được duyệt nhằm đảm bảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khả thi. Các biện pháp xử lý vi phạm chưa hiệu quả, còn thiếu những chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm, bên cạnh đó lãnh đạo các quận huyện thiếu kiên quyết trong việc xử lý các sai phạm.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, đơn vị đã ban hành, tham mưu UBND TP ban hành các văn bản giúp đẩy nhanh việc thẩm định giá, tạo điều kiện thuận lợi rút gọn thủ tục hành chính trong công tác thu hồi đất, nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, giảm bớt tình trạng khiếu kiện, khiếu nại, tiết kiệm chi phí đầu tư,…

Cùng với đó, Sở thường xuyên triển khai, quán triệt, tập huấn các quy định mới của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tham mưu xử lý về chính sách phù hợp với tình hình thực tế của Thành phố để tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Từ đó, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo yêu cầu, đảm bảo tất cả các dự án phải được giải ngân hoàn tất trong năm 2022.

Linh Nhi - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục