Tình hình dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội tại TPHCM đến ngày 27/10

19:38 27/10/2022

(HMC) - Chiều 27/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp.

Cùng tham dự có: Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc; Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm; Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh; Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao Lâm Ngô Hoàng Anh; Phó Chánh thanh tra Sở TN&MT Thái Hoàng Vũ; Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như; Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP, Thượng tá Lê Mạnh Hà; Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí Nguyễn Văn Khanh; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM Lê Hồng Nga; Phó Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng, Sở Xây dựng Đỗ Tấn Long;… cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Toàn cảnh họp báo. 
Toàn cảnh họp báo. 

Hệ thống kinh doanh xăng dầu lớn chia sẻ với các đơn vị nhỏ, lẻ

Thông tin tại họp báo, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, trên địa bàn hiện có 03/550 cửa hàng xăng dầu đang tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa cửa hàng; 01/550 cửa hàng ngưng kinh doanh xăng dầu. Trong thời gian qua (đặc biệt từ ngày 01/10 đến nay), TP ghi nhận có tình trạng một số cửa hàng gián đoạn do tạm hết hàng. Từ ngày 23- 27/10, trung bình có 9-10% cửa hàng tạm hết xăng dầu.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc thông tin về tình hình xăng dầu tuần qua. 
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc thông tin về tình hình xăng dầu tuần qua. 

Qua kiểm tra, nắm tình hình, lãnh đạo Sở Công Thương nhận định, nguyên nhân là do một số doanh nghiệp đầu mối, thương nhân chưa đảm bảo việc cung cấp đủ số lượng xăng, dầu hoặc cung cấp thiếu hụt ở một số thời điểm, dẫn đến một số cửa hàng thiếu cục bộ, chưa cung ứng đủ nhu cầu thị trường.

Về tình trạng thiếu xăng ở các quận, huyện vùng ven, bà Ngọc lý giải, đơn vị cung ứng tại khu vực này đa phần là các cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nhỏ, không kinh doanh theo chuỗi. Các đơn vị trên cũng có những hạn chế nhất định về năng lực bồn, bể chứa, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển… Do đó, trong điều kiện nguồn cung xăng dầu còn khó khăn, có những thời điểm các cửa hàng chưa tiếp hàng kịp thời.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Công Thương đã đề nghị các hệ thống kinh doanh xăng dầu quy mô lớn, có năng lực cung ứng dồi dào trên địa bàn TP tăng thời gian hoạt động cửa hàng, chia sẻ với những hệ thống, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ. Sở cũng đưa ra nhiều biện pháp đảm bảo nguồn cung từ nay tới Tết.

Nước đỏ sau mưa tại quận Tân Phú là hiện tượng cục bộ

Về nguyên nhân khiến nước ở khu vực đường Phan Anh và Tô Hiệu (quận Tân Phú) có màu đỏ bất thường sau mưa lớn mà báo chí phản ánh vừa qua, Phó Chánh Thanh tra Sở TM-MT Thái Hoàng Vũ cho biết, sự việc chỉ xảy ra vào tối 23/10 và đến đêm là nước đã rút. Đến tối 24/10, tuyến đường trên tiếp tục ngập do mưa lớn nhưng không có nước màu đỏ.

Phó Chánh Thanh tra Sở TM-MT Thái Hoàng Vũ trả lời câu hỏi của các phóng viên. 
Phó Chánh Thanh tra Sở TM-MT Thái Hoàng Vũ trả lời câu hỏi của các phóng viên. 

“Qua kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở kinh doanh ở đường Phan Anh và Tô Hiệu, ghi nhận có 02 cơ sở hoạt động in bông trên vải, có sử dụng màu đỏ, có thể là nguyên nhân gây ra nước màu đỏ. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, 02 cơ sở không hoạt động sản xuất, kiểm tra cống xả nước thải không có tồn dư màu đỏ nên cơ quan chức năng không lấy mẫu phân tích và xử lý”, ông Vũ thông tin.

Đại diện Sở TM-MT cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng TM-MT quận Tân Phú và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát khu vực này. Trường hợp còn xảy ra hiện tượng tương tự, các cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu tiến hành phân tích và xử lý theo quy định.

TPHCM điều chỉnh giờ vào học cụ thể ở các cấp

Liên quan đến vấn đề lùi giờ vào học của học sinh trên địa bàn TP, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và đào tạo Hồ Tấn Minh cho biết, trước đây Sở đã có quy định khung giờ vào học cho các cấp học, tuy vậy việc quy định giờ giấc cụ thể do các trường chủ động quyết định.

Chánh văn phòng Sở Giáo dục và đào tạo Hồ Tấn Minh cho biết, ngành giáo dục thành phố có sự điều chỉnh giờ vào học ở các cấp. 
Chánh văn phòng Sở Giáo dục và đào tạo Hồ Tấn Minh cho biết, ngành giáo dục thành phố có sự điều chỉnh giờ vào học ở các cấp. 

Trước phản ánh của phụ huynh, học sinh trong thời gian qua, Sở đã rà soát và có điều chỉnh. Theo chỉ đạo mới của Giám đốc Sở GD-ĐT, các sơ sở giáo dục mở cửa đón học sinh từ 6g30. Đối với khối mầm non và học sinh tiểu học, giờ bắt đầu vào học sớm nhất là 7 giờ 30; khối THCS là 7 giờ 15 và khối THPT là 7 giờ.

Đại diện Sở GD-ĐT cũng cho biết, tùy tình hình giao thông trên địa bàn, các cơ sở giáo dục có thể sắp xếp, bố trí giờ học đảm bảo giao thông trước trường học thông thoáng và hài hòa các yếu tố như điều kiện đưa đón của phụ huynh.

Khan hiếm 02 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

Về tình hình cung ứng vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng khi có thông tin vắc-xin Sởi và DPT đã hơn 5 tháng đứt hàng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) Lê Hồng Nga cho biết, nguồn vắc-xin này trên toàn quốc đều do một nguồn cung cấp là Bộ Y tế thông qua Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

“Từ tháng 5 đến nay, TP đã nhiều lần có báo cáo gửi ra Viện cũng như Bộ Y tế thông báo nhu cầu vắc xin, cũng như tình trạng khan hiếm, thiếu hụt vắc xin sởi đơn và DPT tại TP. Tuy nhiên, đến hiện nay TP vẫn chưa nhận được 2 loại vắc xin này”, bà Nga chia sẻ.

Về diễn biến bệnh đậu mùa khỉ sau khi xuất hiện ca thứ 2, đại diện HCDC khẳng định, đến thời điểm hiện tại, tình hình vẫn được kiểm soát tốt, hệ thống giám sát vẫn chưa ghi nhận thêm ca nghi ngờ mắc mới. 

Công an Thành phố đẩy mạnh xử lý tội phạm công nghệ cao

Thông tin tại cuộc họp, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP cho biết, liên quan đến hoạt động cho vay tín chấp theo kiểu “tín dụng đen” núp bóng các công ty tài chính, mới đây Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) đã phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự (C02) – Bộ Công an và Công an tỉnh Lào Cai bắt đường dây cho vay lãi nặng, hoạt động xuyên quốc gia do người nước ngoài cầm đầu. Đường dây đã sử dụng gần 300 ứng dụng vay tiền như vndong, zdong,… liên kết với 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính để cho vay với lãi suất 200%/năm. Qua điều tra, có 159.000 khách hàng vay với số tiền 1.802 tỷ đồng; vụ án có 41 nghi phạm và tại TPHCM có 2 đối tượng tham gia đường dây.

Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP, Thượng tá Lê Mạnh Hà trao đổi với phóng viên tại cuộc họp báo.
Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP, Thượng tá Lê Mạnh Hà trao đổi với phóng viên tại cuộc họp báo.

Đối với tình trạng nhiều người lại liên tục bị các đối tượng nhắn tin khủng bố, đòi nợ vô cớ, ông Lê Mạnh Hà cho biết, thời gian tới, Công an TP sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: điều tra, tập hợp các thông tin, dữ liệu về các đối tượng có khả năng vi phạm. Cạnh đó, tập trung chỉ đạo xử lý các hành vi mua bán trao đổi thông tin, dữ liệu cá nhân trái phép, hành vi mua bán, thuê sim không chính chủ, xử lý hành vi mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng “rác”, tài khoản giả.

Đại diện Công an TP cũng cho biết thêm, hiện Bộ Công an đã liên thông với các nhà mạng về số thuê bao di động với dữ liệu quốc gia dân cư. Theo báo cáo đến ngày 10/10, có 9.363.422/16.272.163 thuê bao được xác thực, chiếm 57,54%. Điều này cho thấy lượng thuê bao rác, không xác định là nguyên nhân của tình trạng khủng bố đòi nợ, đưa các thông tin ảnh hưởng đến người dân.

Các tuyến đường quận 7 sắp hết ngập do triều

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng, Sở Xây Dựng Hồ Tấn Long thông tin về tình hình ngập tại một số tuyến đường
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng, Sở Xây Dựng Hồ Tấn Long thông tin về tình hình ngập tại một số tuyến đường

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình ngập tại một số tuyến đường Quận 7, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng, Sở Xây Dựng Hồ Tấn Long phân tích, các tuyến đường này nằm gần sông Sài Gòn. “Đường Trần Xuân Soạn nằm dọc sát Kênh Tẻ, đường Huỳnh Tấn Phát nằm gần sông Sài Gòn và một số tuyến khác nằm ở trong khu dân cư, không nằm gần sông nhưng vị trí thấp, do đó khi triều cao 1,5m trở lên thì có hiện tượng ngập do triều”, ông Long nói.

Để giải quyết vấn đề này, TPHCM đang triển khai Dự án giải quyết ngập do triều có xét yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1. Tại khu vực đường Trần Xuân Soạn có cống Tân Thuận và Huỳnh Tấn Phát có cống Phú Xuân. “Hiện dự án nơi đây đã hoàn thành hơn 90%, khi 02 cống này đưa vào hoạt động sẽ giải quyết được vấn đề ngập do triều”, đại diện Sở Xây dựng cho biết.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Hương Thảo

Tin cùng chuyên mục