Tình hình dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội tại TPHCM đến ngày 8/12

18:49 08/12/2022

(HMC) - Chiều 8/12, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp.

Cùng tham dự có: Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú; Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng; Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) Vũ Văn Điệp; Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh; Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như; Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí Nguyễn Văn Khanh; đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường, Văn phòng Thành ủy… cùng các phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Quang cảnh họp báo. Ảnh: LINH NHI 
Quang cảnh họp báo. Ảnh: LINH NHI 

TPHCM cần khoảng 23.000-25.000 lao động trong tháng 12/2022

Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm cho biết, trong những tháng cuối năm 2022, có 328 doanh nghiệp với 53.638 người lao động ảnh hưởng do việc sụt giảm đơn hàng, dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu việc làm, giảm giờ làm việc, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm chia sẻ về tình hình lao động giai đoạn tới. Ảnh: LINH NHI 
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm chia sẻ về tình hình lao động giai đoạn tới. Ảnh: LINH NHI 

“Bên cạnh các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu, thì vẫn có doanh nghiệp trong khu vực thương mại dịch vụ, chế biến công nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động cho các hoạt động sản xuất kinh doanh dịp cuối năm và đầu năm 2023. Trong tháng 12 này, nhu cầu nhân lực cần khoảng 23.000 - 25.000 chỗ làm, tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chế biến công nghiệp. Riêng nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao trong tháng 12 và quý 1 năm 2023 khoảng 2.400 người”, ông Lâm nói.

Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết thêm, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động, Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp, Ban quản lý Khu Công nghệ cao, Bảo hiểm xã hội Thành phố theo dõi tình hình, kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến quan hệ lao động, trả lương, thưởng dịp Tết; nhanh chóng tiếp cận doanh nghiệp cho nhiều lao động nghỉ việc để nắm nguyện vọng, cũng như hướng dẫn người lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện các hồ sơ.

Đảm bảo công tác điều tiết giao thông dịp Tết Nguyên Đán 2023

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng, hằng năm, Sở đều có kế hoạch phối hợp với Công an TP, các địa phương và đơn vị quản lý cảng bến để thực hiện công tác điều phối, đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết tại các khu vực điểm nóng như: bến cảng, sân bay và các bến xe,..

Lãnh đạo Sở GT-VT khẳng định, các sở, ngành TPHCM đã có kế hoạch đảm bảo giao thông dịp Tết. Ảnh: LINH NHI 
Lãnh đạo Sở GT-VT khẳng định, các sở, ngành TPHCM đã có kế hoạch đảm bảo giao thông dịp Tết. Ảnh: LINH NHI 

Đối với cảng hàng không Tân Sơn Nhất, dự báo trong dịp Tết, lượng khách sẽ tăng khoảng 5% so với ngày thường. Trước tình hình trên, Sở đã cùng các lực lượng của Cảng vụ để xây dựng kế hoạch điều phối.

Ông Bằng cũng thông tin, thời gian vừa qua, khi các phương tiện đưa đón hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất gặp khó khăn, Sở đã phối hợp với các lực lượng của cảng để điều phối tăng thêm các tuyến tuyến xe buýt, tổ chức lại giao thông ở các khu vực đưa đón. Đến nay, công tác này đã được thực hiện cơ bản tốt.

“Trong dịp Tết, Sở tiếp tục có kế hoạch điều tiết giao thông, nếu cần thiết sẽ tăng cường thêm các xe buýt cũng như có những giải pháp để điều phối ở các làn xe”, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho hay.

Hệ số điều chỉnh giá đất mới không ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất

Thông tin về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023, Phó Trưởng phòng Kinh tế đất, Sở Tài nguyên môi trường Nguyễn Hiếu Hòa cho biết, theo quy định pháp luật thì hàng năm UBND cấp tỉnh, thành phố phải xem xét ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn.

Đại diện Sở Tài nguyên môi trường giải đáp một số thông tin về việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất. Ảnh: LINH NHI 
Đại diện Sở Tài nguyên môi trường giải đáp một số thông tin về việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất. Ảnh: LINH NHI 

Trước tác động của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn nên TP đã quyết định giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn liên tục từ năm 2020 đến 2022.

Cụ thể, hệ số điều chỉnh giá đất trong 3 năm qua của TPHCM tương ứng hệ số từ 1,5 đến 2,5 so với Bảng giá đất tùy theo nhóm và khu vực. Trong khi đó, giá đất trên thị trường liên tục biến động theo chiều hướng tăng trong suốt thời gian qua.

Đến nay, tuy vẫn còn khó khăn nhất định nhưng tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, kinh tế đã hồi phục và tăng trưởng tích cực hơn, do vậy, UBND TPHCM dự kiến sẽ tăng hệ số điều chỉnh giá đất trong năm 2023.

Quá trình dự thảo văn bản đã lấy ý kiến góp ý, phản biện của các cơ quan, tổ chức theo quy định. Theo đó, đa số ý kiến đề xuất mức tăng hệ số là 1.0, bên cạnh đó có nhiều ý kiến đề nghị tăng từ 1.0 đến 3.0, một số ý kiến đề nghị tăng ở mức 0.5. Qua xem xét, đánh giá tác động nhiều mặt, UBND thành phố dự kiến sẽ quy định hệ số điều chỉnh giá đất đất năm 2023 tăng 1.0 so vói năm 2022 (tương ứng hệ số từ 2,5 đến 3,5 so với Bảng giá đất).

Về mức độ ảnh hưởng khi Thành phố ban hành hệ số điều chỉnh giá đất mới, ông Hòa khẳng định, việc điều chỉnh tăng hệ số điều chỉnh giá đất không ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích trong hạn mức, mà chỉ ảnh hưởng đối với hộ gia đình, cá nhân có phần diện tích đất vượt hạn mức theo quy định pháp luật.

“Đối với trường hợp thuê đất hoặc giao đất không thông qua hình thức đấu giá có giá (theo Bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên, thì nghĩa vụ tài chính về đất đai được xác định thông qua việc thẩm định giá đất cụ thể theo giá thị trường, mà không áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất. Trường hợp khu đất có giá dưới 30 tỷ đồng thì mới áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất. Như vậy, giá đất theo hệ số dự kiến áp dụng trong năm 2023 sẽ thấp hơn rất nhiều so với giá đất xác định theo giá thị trường”, ông Hòa cho biết.

Việc dự kiến tăng hệ số giá đất năm 2023 lên 1.0 so với hệ số giá đất năm 2022 có ảnh hưởng nhất định đối với người dân và doanh nghiệp, nhưng không ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong hạn mức. Ngoài ra, có ảnh hưởng gián tiếp nhưng không đáng kể đối với doanh nghiệp và thị trường bất động sản cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.

Chấm dứt hợp đồng thuê dịch vụ chống ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh

Về việc kết thúc thực hiện hợp đồng thuê dịch vụ chống ngập tại đuờng Nguyễn Hữu Cảnh đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quang Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) Vũ Văn Điệp cho biết, sau buổi đàm phán ngày 20/7/2022, hai bên đi đến thống nhất bằng biên bản, nội dung như sau:

“Hai bên thống nhất chấm dứt Hợp đồng và tiến hành thanh lý Hợp đồng số 44/HĐKT-TTCN ngày 19/4/2018 mà không áp dụng điều khoản bồi thường và phạt Hợp đồng theo khoản 14.3 Điều 14 của Hợp đồng sau khi được Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM báo cáo đề xuất với Sở Xây dựng và UBND TPHCM trên cơ sở đề xuất thực hiện dịch vụ chống ngập của Công ty cổ phần Tập đoàn Quang Trung tại khu vực đường Nguyễn Văn Quá hoặc đường Phan Huy Ích được UBND TPHCM phê duyệt thực hiện Hợp đồng dịch vụ chống ngập kiểu mới”.

Ông Vũ Văn Điệp trả lời về việc chấm dứt hợp đồng thuê dịch vụ chống ngập với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quang Trung.  Ảnh: LINH NHI 
Ông Vũ Văn Điệp trả lời về việc chấm dứt hợp đồng thuê dịch vụ chống ngập với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quang Trung.  Ảnh: LINH NHI 

Ngày 28/10, Sở Xây dựng đã có văn bản số 439/SXD-HTKT báo cáo kết quả đàm phán kết thúc hợp đồng và báo cáo UBND TP các kiến nghị của Công ty Quang Trung về việc đặt hàng cung cấp dịch vụ chống ngập. Văn bản nêu rõ, việc đặt hàng dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh áp dụng công nghệ kiểu mới là trường hợp đặc thù, chưa có tiền lệ và được thực hiện trên cơ sở chủ trương thí điểm của Thành ủy, UBND TP.

Việc đề xuất thực hiện cung cấp dịch vụ bơm chống ngập kiểu mới tại 3 khu vực ngập: đường Phan Huy Ích, đường Nguyễn Văn Quá và khu vực Thảo Điền chưa có các quy định và hướng dẫn để thực hiện loại hình dịch vụ này và không có cơ sở pháp lý. Hơn nữa, trong trường hợp đề xuất thực hiện cung cấp dịch vụ bơm chống ngập đảm bảo được các yêu cầu kinh tế - kỹ thuật đối với từng vị trí và các quy định pháp luật thì phải thực hiện bằng Hợp đồng cung cấp dịch vụ mới, chứ không phải dựa trên căn cứ vào điều kiện đưa ra khi đàm phán chấm dứt một Hợp đồng cũ.

Theo đánh giá, hiện trạng thoát nước tại 3 khu vực đường Phan Huy ích, đường Nguyễn Văn Quá và khu vực Thảo Điền đã được theo dõi và thực hiện nhiều giải pháp giảm ngập và các khu vực này đều đang có các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, việc cung cấp dịch vụ bơm chống ngập kiểu mới tại 3 khu vực ngập nêu trên là không cần thiết.

Gần 78% người cao tuổi mắc bệnh không lây muốn điều trị tại trạm y tế

Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như tại buổi họp báo. Ảnh: LINH NHI 
Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như tại buổi họp báo. Ảnh: LINH NHI 

Trả lời về việc nhiều bệnh nhân lớn tuổi có hoàn cảnh đặc biệt hoặc di chuyển khó khăn mong muốn được thông tuyến, quay về khám tại trạm y tế để thuận tiện hơn, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, điều này phù hợp với khảo sát của Sở thực hiện vào ngày 26/8 vừa qua. Khảo sát nhanh 36 người dân chờ khám tại các bệnh viện quận, huyện cho thấy, có 77,8% người cao tuổi mắc bệnh không lây muốn được tái khám và điều trị ngoại trú tại trạm y tế nếu trạm có đủ thuốc như bệnh viện tuyến huyện.

Khảo sát này giúp Sở Y tế củng cố thêm kiến nghị của các trạm y tế được bổ sung thêm các loại thuốc giống như các thuốc đang được sử dụng tại các bệnh viện cho điều trị các bệnh không lây là phù hợp.

Đại diện Sở Y tế thông tin thêm, Sở đang trình UBND Thành phố, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cho phép Thành phố được triển khai thí điểm mở rộng danh mục cho y tế cơ sở, cụ thể là mở rộng danh mục thuốc trong gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở. Song song đó, sớm trình UBND Thành phố và Bộ Y tế cho phép Thành phố thí điểm mở rộng danh mục đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương, đặc biệt là các loại thuốc điều trị các bệnh không lây đang được BHXH thanh toán.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục