Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/01/2020

10:26 15/01/2020

Trung tâm Báo chí TP. Hồ Chí Minh tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP trên các báo ra ngày 15/01/2020:

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao quà cho bà con nghèo ở tỉnh Trà Vinh - Ảnh: Báo SGGP
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao quà cho bà con nghèo ở tỉnh Trà Vinh - Ảnh: Báo SGGP

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao quà cho bà con nghèo tỉnh Trà Vinh

Ngày 14/1, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đến thăm, tặng quà cho đồng bào nghèo trên địa bàn huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh nhân dịp Xuân Canh Tý 2020.

Tại đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã trao 100 phần quà, mỗi phần trị giá 1 triệu đồng, được trích từ quỹ “Vì người nghèo” của TP. Hồ Chí Minh cho bà con các xã: An Trường, An Trường An, Tân Bình; đồng thời đồng chí Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã trao bảng tượng trưng 500 triệu đồng cho UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh để hỗ trợ kinh phí, chăm lo quà tết cho đồng bào nghèo của tỉnh. .

Đây là hoạt động thường niên, thể hiện tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo, đồng bào TP đến với bà con nghèo đang sống, làm việc trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: "Tôi rất vui mừng và xúc động khi trở lại Trà Vinh trong mỗi dịp tết đến xuân về. Với mong muốn giản dị, mỗi cái tết đến với bà con sẽ được ấm cúng đủ đầy hơn ngày thường, bằng sự hỗ trợ của đồng bào thành phố, thông qua Hội Chữ thập đỏ TP, UBMTTQ Việt Nam TP, Giáo hội Phật giáo, mang đến cho bà con những phần quà xuân ấm áp. Mong rằng, năm sau gặp lại bà con nơi đây, mọi người, mọi nhà sẽ giảm nghèo, gia đình làm ăn phát đạt".

(Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng).

Lãnh đạo Thành phố thăm, chúc Tết các đơn vị, cá nhân

Cũng thông tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng, hôm qua, các đoàn công tác do lãnh đạo TP dẫn đầu đã tới thăm, chúc Tết các đơn vị, gia đình, cá nhân trên địa bàn TP trước thềm năm mới Canh Tý 2020.

Đoàn do đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dẫn đầu thăm Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP; thăm trung đội cảnh sát bảo vệ trụ sở Thành ủy - Công an TP.

Đồng chí Trần Lưu Quang cùng đoàn cán bộ thăm, chúc Tết Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TPHCM - Ảnh: Báo SGGP
Đồng chí Trần Lưu Quang cùng đoàn cán bộ thăm, chúc Tết Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TPHCM - Ảnh: Báo SGGP

Tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP, đồng chí Trần Lưu Quang ghi nhận những đóng góp của bộ đội biên phòng vào sự phát triển chung của TP, gửi lời chúc mừng năm mới đến cán bộ chiến sĩ và gia đình. Thăm trung đội cảnh sát bảo vệ trụ sở Thành ủy, đồng chí Trần Lưu Quang bày tỏ tin tưởng của lãnh đạo Thành ủy đối với đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và các nhiệm vụ khác.

Đoàn cán bộ TPHCM do đồng chí Lê Thanh Liêm dẫn đầu thăm, chúc Tết cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 10 - Ảnh: Báo SGGP
Đoàn cán bộ TPHCM do đồng chí Lê Thanh Liêm dẫn đầu thăm, chúc Tết cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 10 - Ảnh: Báo SGGP

Cùng ngày, đoàn do đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP dẫn đầu cũng đã tới thăm các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn huyện Nhà Bè, thăm các gia đình chính sách và hộ nghèo tại Quận 7. Thay mặt đoàn, đồng chí Lê Thanh Liêm gửi lời chúc cán bộ, chiến sĩ các đơn vị dồi dào sức khỏe, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc nền hòa bình, ổn định của đất nước.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ chúc tết Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Công an TP) - Ảnh: Báo SGGP
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ chúc tết Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Công an TP) - Ảnh: Báo SGGP

Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP do đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc mừng các đơn vị, cá nhân nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Tại Lữ đoàn 23 trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Công an TP), Thay mặt lãnh đạo TP, đồng chí Nguyễn Thị Lệ chúc tập thể cán bộ, chiến sĩ cùng gia đình một năm mới nhiều sức khoẻ, hạnh phúc; chúc đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đặc biệt là trong công tác đảm bảo an ninh trật tự cho người dân TP vui xuân đón Tết. Cũng trong buổi sáng, đoàn đã ghé thăm gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Trong, Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Nho và ông Trần Kiện, cán bộ Hoa Vận T4.

Xuân nghĩa tình của học sinh thành phố

Với thông điệp đồng hành và tiếp nối truyền thống nghĩa tình, rất nhiều sáng kiến hay, cách làm đẹp đã được các trường học trên địa bàn Thành phố thực hiện nhằm san sẻ niềm vui đến học sinh và người dân khó khăn để hưởng một cái Tết ấm áp.

Trường THPT Nguyễn Huệ (quận 9) tổ chức hội xuân với chủ đề “Mừng Đảng, mừng xuân Canh Tý năm 2020” dành cho học sinh trong trường với nhiều hoạt động đặc sắc như: Thi trang trí cây mai, đào; thi viết thư pháp; thi gói bánh chưng, bánh tét cùng một gian hàng hội chợ ẩm thực có tên “Tuổi trẻ Nguyễn Huệ bảo vệ môi trường”.

Tương tự, Trường THPT Thủ Đức (quận Thủ Đức) cũng tổ chức hội xuân với chủ đề “Chia sẻ yêu thương” với nhiều hoạt động truyền thống như gian hàng chia sẻ yêu thương, vé số yêu thương.

Trong khi đó, chủ đề du xuân của thầy trò Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) năm nay là “Hội làng xuân” bao gồm nhiều hoạt động không chỉ gắn với phong tục, văn hóa ngày Tết cổ truyền mà còn gửi gắm thông điệp nghĩa tình, mang Tết đến cho học sinh khó khăn, các gia đình nghèo và trẻ em cơ nhỡ.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân vẽ tranh trên túi vải chuẩn bị cho “Hội xuân yêu thương” - Ảnh: Báo Giáo Dục TPHCM
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân vẽ tranh trên túi vải chuẩn bị cho “Hội xuân yêu thương” - Ảnh: Báo Giáo Dục TPHCM

Thầy trò Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1) cũng đang tất bật với các công đoạn hoàn thành sản phẩm như vẽ dù, làm tranh từ nút áo, vẽ tranh trên túi vải… Các sản phẩm trên sẽ được bán gây quỹ trong ngày “Hội xuân yêu thương”. Theo đó, toàn bộ số tiền thu được dùng cho các hoạt động thiện nguyện, hướng về cộng đồng.

(Theo báo Giáo Dục TP. Hồ Chí Minh).

“Chuyến xe mùa Xuân - Tết sum vầy” đưa 2.500 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về quê

Thông tin trên báo Quân Đội Nhân Dân: Sáng sớm 15/1, tại Nhà Văn hóa Thanh niên (số 04 Phạm Ngọc Thạch, quận 1) diễn ra Lễ tiễn sinh viên hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết trong chương trình “Chuyến xe mùa Xuân - Tết sum vầy”. Chương trình do Thành đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố phối hợp cùng Báo Thanh niên, Acecook Việt Nam tổ chức thực hiện.

Lãnh đạo các cấp cùng người dân thành phố vẫy chào các sinh viên về quê - Ảnh: Báo QĐND
Lãnh đạo các cấp cùng người dân thành phố vẫy chào các sinh viên về quê - Ảnh: Báo QĐND

Năm nay, chương trình “Chuyến xe mùa Xuân - Tết sum vầy” đưa 2.500 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về quê , tập trung chủ yếu khu vực miền Trung.  Chương trình như một thông điệp lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống, lan tỏa lòng sẻ chia, yêu thương để làm nên một mùa Xuân ấm áp, một mùa Tết sum vầy, hạnh phúc...

Đây là hoạt động được Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố khởi xướng và thực hiện thường niên từ năm 2002. Đã có 52.100 sinh viên khó khăn đã được về quê đón Tết từ ngày đầu tổ chức chương trình đến nay thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể thành phố và sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc xã hội hóa hoạt động.

Đường phố giáp Tết kẹt cứng

Kẹt xe kéo dài từ đường Cộng Hòa đến đường Hoàng Văn Thụ, TP.HCM tối 14/1 - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Kẹt xe kéo dài từ đường Cộng Hòa đến đường Hoàng Văn Thụ, TP.HCM tối 14/1 - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Ngày 14/1 (20 tháng Chạp), hầu hết các con đường kết nối bến xe, sân bay ở TP. Hồ Chí Minh... đều kẹt cứng. Ở trung tâm Thành phố, các tuyến đường tập trung nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, khu mua sắm... cũng ùn tắc. Chỉ mới hơn 7h sáng 14/1, dọc các đường Đồng Khởi, Hai Bà Trưng... (quận 1, quận 3), Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) ... xe cộ đông đúc nhích từng chút một trên đường. Nhiều người đi xe máy buộc phải leo lên lề chạy để thoát khỏi dòng xe đông đúc.

Tương tự ở các đường cửa ngõ sân bay như Cộng Hòa, Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Kiệm... hay đường ra vào bến xe Miền Đông như Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Lê Quang Định... xe cộ cũng chen chúc, di chuyển rất chậm. Chiều cùng ngày, cả đường Cộng Hòa kẹt dài cả đường, khu vực Lăng Cha Cả kẹt cứng các hướng quanh cầu vượt. Không chỉ nội thành, trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây trong chiều 14/1 cũng đã xảy ra ùn ứ kéo dài.

Theo ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thành phố, để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông những ngày trước và sau tết, sở cùng các đơn vị liên quan đã đưa ra nhiều kế hoạch xử lý. Cụ thể từ hôm qua, lực lượng liên ngành gồm Sở GTVT, Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Thành phố, công an các quận, huyện, lực lượng thanh niên xung phong... tăng cường 100% quân số túc trực 24/7 ở các điểm nóng giao thông, những điểm có nguy cơ ùn tắc. Các lực lượng có trách nhiệm điều tiết giao thông, phát hiện và xử lý các sự cố giao thông.

Đối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Cát Lái, có tổ phản ứng nhanh tác chiến trực tiếp thông qua các nhóm trên Viber, Facebook, Zalo.  Khi xảy ra các sự cố giao thông, các nhóm này sẽ cập nhật hình ảnh nhanh nhất từ camera, lập tức họp bàn đưa ra phương án xử lý không để xảy ra ùn tắc, ảnh hưởng lịch trình đi lại của người dân. Bất cứ sự cố giao thông nào xảy ra ở hai khu vực này phải được giám sát qua camera phát hiện trong vòng 1 phút đến 4 phút, xử lý xong trong khoảng thời gian từ 20 phút đến 30 phút.

(Theo báo Tuổi Trẻ).

Từ người bán dạo vỉa hè tới ông chủ cà phê 100 cửa hàng

Báo Thanh Niên số ra hôm nay có bài viết về gương thanh niên điển hình lập nghiệp:

Hoàng Việt (31 tuổi), quê ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, là cử nhân ngành thẩm định giá, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. 6 tháng trước khi tốt nghiệp đại học, anh được mời về làm việc tại một ngân hàng. Công việc đúng chuyên ngành, môi trường làm việc thu nhập là ước mơ của nhiều bạn trẻ, nhưng chưa đầy 1 năm, Việt xin nghỉ. Yêu thích kinh doanh, muốn cuộc sống sôi động hơn, anh từng ngồi lì trong nhiều tiệm cà phê ở Thành phố và suy nghĩ về đời mình.

Từ người bán dạo vỉa hè tới ông chủ cà phê 100 cửa hàng - Ảnh: Báo Thanh Niên
Từ người bán dạo vỉa hè tới ông chủ cà phê 100 cửa hàng - Ảnh: Báo Thanh Niên

Năm 2012, một ngày đi trên đường, thấy cậu sinh viên bán cà phê dạo, một ý tưởng lóe lên, anh lân la tìm hiểu mô hình cà phê mang đi. Chỉ một tuần sau, Việt bắt đầu nghỉ việc ra đứng trên đường với chiếc thùng xốp và tấm mành tre tự trang trí, vài chiếc ghế nhựa, bắt đầu sự nghiệp bán cà phê dạo. Mới được vài ngày bán thì đám giang hồ kéo tới, đạp đổ hết đồ nghề khiến Việt bỏ của chạy lấy người. Việt phải chuyển chỗ bán qua nơi khác.

Rồi lượng khách sụt giảm vì “chê” cà phê dở hơn ngày mới bán rất nhiều, Việt hiểu ra kinh doanh sẽ không thành công nếu không làm chủ được nguồn nguyên liệu. Nghĩ là làm, anh về quê mình tìm nguồn cung cấp cà phê ngon, sạch, tử tế. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay anh có 100 cửa hàng cà phê nhượng quyền, ở TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đắk Lắk; trở thành gương sáng trong việc khởi nghiệp cho mọi thanh niên.

TP. Hồ Chí Minh tiếp sức phát triển công nghiệp nông thôn

Đầu tháng 1, TP. Hồ Chí Minh trao chứng nhận "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố năm 2019" cho 40 sản phẩm của 11 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố, cho biết chứng nhận này cấp cho những sản phẩm đăng ký tham gia chương trình bình chọn do Sở Công Thương phát động năm 2019 với các tiêu chí: giá cả hợp lý, doanh thu cao, mẫu mã đẹp được người tiêu dùng tại địa phương tín nhiệm. Bên cạnh đó, sản phẩm sử dụng nguyên liệu trong nước, thu hút nhiều lao động, đạt chất lượng, phù hợp tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường; có tính văn hóa, thẩm mỹ, kỹ thuật cao, phù hợp với định hướng phát trển kinh tế - xã hội của Thành phố và có khả năng đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường.

Công ty TNHH Thực phẩm Ô Ngon - một trong những doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu - giới thiệu sản phẩm cho khách dùng thử tại siêu thị/ Ảnh: Báo Người Lao Động
Công ty TNHH Thực phẩm Ô Ngon - một trong những doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu - giới thiệu sản phẩm cho khách dùng thử tại siêu thị/ Ảnh: Báo Người Lao Động

Mục đích của chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thuộc chương trình khuyến công trên địa bàn Thành phố, nhằm góp phần tạo cầu nối hiệu quả lẫn tôn vinh, liên kết các hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp cùng phát triển.

(Theo báo Người Lao Động).

Sắm tết ở phiên chợ nghĩa tình

Những ngày giáp Tết Canh Tý này, tại TP. Hồ Chí Minh có nhiều phiên chợ rất lạ. Lạ ở chỗ người bán vui vẻ mời chào, còn người mua luôn trong tâm thế chắc chắn sẽ mua được món hàng ưng ý với giá rẻ, thậm chí là 0 đồng. 

Ở các phiên chợ ấy, người mua thường mặc trên người chiếc áo sờn vai, có người còn mặc áo bệnh nhân, trên tay lủng lẳng chai dịch truyền... Chính sự khác biệt một cách nhân văn và đậm chất nghĩa tình ấy đã tạo nên những phiên chợ tết vô cùng ấm áp. 

Niềm vui của người bán và người mua tại phiên chợ tết 0 đồng - Ảnh: Báo SGGP
Niềm vui của người bán và người mua tại phiên chợ tết 0 đồng - Ảnh: Báo SGGP

Ở khoảng sân phía sau Bệnh viện quận Thủ Đức tấp nập với “Phiên chợ Tết 0 đồng”. Cầm trên tay xấp phiếu mua hàng, bà Hải, hộ nghèo ngụ phường Tam Bình, nói với chúng tôi: “Mỗi người được phát 7 phiếu nhận hàng mà món nào cũng thích. Mì Colusa thì ngon rồi, nhưng 1 thùng mì ăn mấy ngày là hết, còn nhận 10kg gạo cả nhà ăn được nửa tháng”. “Dì để phiếu đó nhận gạo, qua đây con biếu thùng mì, tặng dì cái áo mới nữa”, chị Loan -  mạnh thường quân gian hàng 18, nói nhỏ với bà Hải. Bà Nga, bệnh nhân mắc bệnh ung thư, ngồi cạnh nói: “Hai cái tết rồi không về nhà, ở lại bệnh viện, nhưng ấm lòng lắm từ những phần quà chia sẻ của nơi đây”.

TS-BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức, cho biết: “Phiên chợ Tết 0 đồng năm nay ngoài những gian hàng miễn phí, bệnh viện còn tổ chức khám bệnh, phát thuốc, tư vấn phòng tránh bệnh tật miễn phí cho người dân trên địa bàn, vẽ tranh thư pháp và bán đấu giá 2 bức tranh để góp vào quỹ hoạt động của “Nồi cháo tình thương” tại bệnh viện”. 

Nếu tại phiên chợ 0 đồng, người mua là những bệnh nhân, người khuyết tật thì tại phiên chợ 10.000 đồng vừa diễn ra vào cuối tuần qua, khách hàng là các bác xe ôm, bà lượm ve chai, cô công nhân vệ sinh. Họ phấn khởi khi mua được những món hàng thiết yếu cho gia đình trong ngày tết chỉ với giá 10.000 đồng.

Nhằm tạo điều kiện cho công nhân, người lao động trên địa bàn TP có một cái tết vui và đầm ấm, những ngày qua, nhiều phiên chợ nghĩa tình, phiên chợ dành cho công nhân cũng được các cấp công đoàn đồng loạt tổ chức.

(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng).

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục