TP.HCM mở rộng quản lý đèn giao thông bằng AI, điều khiển giao thông tự động
Báo Tuổi Trẻ cho biết, thông tin trên do Sở Giao thông vận tải TP.HCM đưa ra tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM ngày 9/1.
Theo đó, thời gian qua TP thí điểm một số giải pháp trong hoạt động của hệ thống đèn giao thông phục vụ tổ chức giao thông. Đáng chú ý là việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) quản lý hoạt động của hệ thống đèn giao thông tại các khu vực gồm: nút giao thông Hàng Xanh; ngã năm Đài Liệt sĩ; giao lộ Ung Văn Khiêm - Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Gia Trí - D5 (quận Bình Thạnh). Qua theo dõi, kể từ khi thí điểm, tình hình giao thông tại các khu vực này cơ bản ổn định.
Bên cạnh đó, sở đang triển khai các dự án về điều khiển giao thông tự động cho các trục đường gồm Phạm Văn Đồng; Võ Văn Kiệt; Mai Chí Thọ bằng giải pháp kỹ thuật số song sinh Digital Twin có ứng dụng AI thế hệ mới. Công nghệ này sẽ thu thập, phân tích, báo cáo lưu trữ thống kê các dữ liệu mô tả tình trạng và hiệu suất khai thác của hệ thống đường bộ theo thời gian thực. Từ đó phát hiện tắc nghẽn hay các sự cố giao thông để tự động đưa ra cảnh báo cho người vận hành.
Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tiếp tục xem xét mở rộng việc ứng dụng công nghệ AI trong điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, trung tâm TP.HCM, các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông.
Sức mua hàng tết tăng dần
Báo SGGP ghi nhận, mãi lực tại một số siêu thị, trung tâm thương mại, chợ lẻ… trên địa bàn TP. HCM đã cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, kinh doanh trực tuyến cũng khởi sắc hơn khi nhu cầu mua sắm dịp tết tăng dần.
Tính đến chiều 9/1, sức mua tại chuỗi siêu thị bán lẻ trực thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam (GO, BigC, Tops Market…) tăng từ 20%-30% so với ngày bình thường và tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm mặt hàng quà biếu, tặng dịp tết gồm trà, bánh kẹo, bia, nước ngọt… được khách quan tâm nhiều.
Theo Saigon Co.op, chương trình “Đến Co.op chở tết về” đã thu hút hàng triệu lượt khách hàng đến tham quan, mua sắm. Ngoài nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng nhanh (bánh chưng, bánh tét, giò chả, lạp xưởng…), người mua cũng quan tâm đến các mặt hàng quần áo, thời trang, mỹ phẩm… Bên cạnh đó, giỏ quà tết với mức giá phải chăng, gồm nhiều đặc sản vùng miền cũng được khách đặt mua.
Thông tin từ hệ thống MM Mega Market, sức mua đang diễn ra đúng dự đoán với mức tăng từ 10%-15% so với cùng kỳ và tăng 20%-25% so với ngày bình thường. Nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu tiếp tục được khách mua nhiều. Ở một số chợ như Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5)… cũng đón lượng khách tăng hơn so với ngày bình thường, bao gồm cả bạn hàng ở tỉnh cũng như nhóm khách lẻ, du khách quốc tế tham quan kết hợp mua sắm. Phản ánh từ một số tiểu thương, mặc dù sức mua chưa được như kỳ vọng, nhưng đã có không khí mua sắm tết.
Dòng kênh ô nhiễm hàng chục năm ở TP.HCM đã hồi sinh
Kênh Hàng Bàng chảy qua địa bàn Quận 5, 6 vốn là một trong những tuyến đường thủy huyết mạch của khu vực Chợ Lớn, tuy nhiên lâu nay, dòng kênh thường xuyên bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Do đó, dự án nâng cấp, cải tạo tuyến kênh có vai trò quan trọng với người dân trên địa bàn.
Theo báo Lao Động ngày 9/1, tại khu vực kênh Hàng Bàng, đoạn qua Quận 5, kéo dài từ đường Ngô Nhân Tịnh đến kênh Vạn Tượng thuộc một phần giai đoạn 2 dự án nâng cấp, cải tạo kênh Hàng Bàng (Quận 5), sau hơn một năm khởi công hiện tại cơ bản hoàn thành, nhiều hộ dân đang chỉnh trang lại nhà cửa, di dời các hạ tầng điện, nước.
Tại công trình, các công nhân đang khẩn trương lát đá vỉa hè, trồng cây xanh để chuẩn bị khánh thành công trình nâng cấp, cải tạo đoạn kênh Hàng Bàng (Quận 5) vào ngày 17/1/2025.
Sống cạnh con kênh này hàng chục năm, bà Hứa Ngọc (60 tuổi, ngụ Quận 5) cho biết, bà rất vui khi dự án thoát nước, cải tạo kênh sắp hoàn tất và đưa vào sử dụng. "Con kênh này vốn dĩ đã bị ô nhiễm nhiều năm về trước, bao nhiêu nước thải sinh hoạt đều đổ về đây. Vì vậy, khi thấy dự án hoàn thành, người dân có môi trường sống tốt hơn, tôi rất vui mừng và mong việc kinh doanh của người dân thuận lợi hơn”, bà Ngọc vui mừng nói.
Hơn 200 tình nguyện viên tham gia hiến những "Giọt máu nghĩa tình"
Báo Người Lao Động cho hay, LĐLĐ TP. HCM, Công đoàn Viên chức TP. HCM phối hợp cùng Bệnh viện Truyền máu học TP. HCM đã phát động chương trình hiến máu tình nguyện năm 2025.
Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025) được tổ chức với chủ đề “Giọt máu nghĩa tình”. Ngay ngày đầu tiên phát động đã thu hút hơn 200 cán bộ, đoàn viên và người lao động tham gia. Trước khi hiến máu, tất cả đoàn viên, người lao động đều được kiểm tra sức khỏe tại chỗ. Bên cạnh đó, các tình nguyện viên còn được nhận những phần quà xuân sau khi hiến máu.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. HCM, cho biết chương trình hiến máu tình nguyện năm 2025 được thực hiện với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên và người lao động tích cực tham gia, khắc phục tình trạng thiếu nguồn người hiến máu trong thành phố. Đồng thời phát huy truyền thống nhân ái tốt đẹp, đưa phong trào hiến máu tình nguyện trở thành việc làm thường xuyên lâu dài, bền vững trong hoạt động phong trào của các cấp Công đoàn Thành phố.
Chương trình hiến máu tình nguyện năm 2025 được chia thành 25 đợt, dự kiến có hơn 5.000 người là cán bộ, đoàn viên và người lao động tham gia.
TP.HCM mở rộng lớp học số ra nhiều tỉnh, thành
Báo Pháp Luật TP đưa tin, Sở GD-ĐT TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện mô hình lớp học số. Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết năm học 2022-2023, lần đầu tiên TP.HCM tổ chức thí điểm lớp học số môn Tin học, tiếng Anh ở lớp 3 để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên (GV) khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ và Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi là hai trường được chọn để thực hiện thí điểm từ học kỳ I năm học 2022-2023. Từ học kỳ II năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TP.HCM mở rộng phạm vi lớp học số ra các trường tiểu học trên toàn TP, mở rộng ra nhiều môn học khác ở bậc tiểu học, đồng thời mở rộng đối tượng học sinh (HS) tham gia tiết học - gồm HS của 2 huyện Mường Khương và Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai).
Theo đó, lớp học số được tổ chức bằng hai hình thức. Đối với lớp học số được thực hiện với sự hỗ trợ của trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số TP, GV sẽ dạy tại trường quay, kết nối trực tuyến với các Trường Tiểu học Thạnh An, Trung Lập Thượng và một trường tại tỉnh Lào Cai. Còn lớp học số được thực hiện theo hình thức 1-1, GV một trường học tại TP.HCM dạy qua máy tính có kết nối trực tuyến hỗ trợ trường ở địa phương khác.
Hiện, đã có 6 trường học tại TP.HCM tham gia mô hình này và 8 trường tiểu học ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Lào Cai, Điện Biên được hỗ trợ.
Khu ẩm thực Hòa Hảo: Hướng đi mới ổn định sinh kế người dân
Ngày 9.1, UBND Q.10 (TP.HCM) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2025. Theo báo Thanh Niên, một trong những nội dung đáng chú ý là Q.10 đã xây dựng khu ẩm thực và mua sắm Hòa Hảo tại P.2 nhằm giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế địa phương.
Ngày 18.12, khu ẩm thực và mua sắm Hòa Hảo được ra mắt và đi vào hoạt động với hơn 75 gian hàng ẩm thực và các gian hàng sản phẩm lưu niệm, sản phẩm bình ổn giá chất lượng cao. Khu ẩm thực và mua sắm này là phương án vừa đảm bảo cuộc sống mưu sinh của người dân, vừa góp phần cải thiện mỹ quan đô thị, đảm bảo trật tự lòng lề đường và vệ sinh môi trường tại khu vực.
Bí thư Quận ủy Q.10 Lê Văn Minh đánh giá, công tác thực hiện nhiệm vụ năm 2024 đã được toàn thể chính quyền và người dân Q.10 cùng phấn đấu để đạt được các kết quả khả quan. Trong thời gian từ giờ cho đến tết, ông Minh đề nghị Q.10 cùng nhau tiếp tục đảm bảo công việc, có nhiều hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân.
“Đồng chí” và “San hô đỏ” đạt giải A giải thưởng Hội Sân khấu TP.HCM 2024
Báo Phụ Nữ TP thông tin, Hội Sân khấu TP.HCM đã tổ chức tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 và trao giải thưởng Hội Sân khấu TPHCM 2024.
Theo đó, có 2 tác phẩm đạt giải A là vở kịch nói Đồng chí (tác giả Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) của Hội Sân khấu TPHCM và vở cải lương San hô đỏ (tác giả: Bích Ngân, chuyển thể: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) của nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Đây đều là 2 tác phẩm đã đạt huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu TPHCM lần I và Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024.
Có 3 tác phẩm đạt giải B thuộc về 3 vở kịch nói là: Khát vọng hòa bình (kịch bản: Ngọc Trúc, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) của Nhà hát Kịch TPHCM; Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử (tác giả: Phạm Văn Quý, chỉnh lý kịch bản: Võ Tử Uyên, đạo diễn: NSƯT Hoàng Duẩn) của Nhà hát Kịch IDECAF; và Đứt dây tơ chùng (tác giả Lê Hoàng Long, đạo diễn: Hoàng Hải) của sân khấu kịch Hồng Vân.
Hội cũng trao giấy khen cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác Hội Sân khấu năm 2024, gồm: chi hội Tác giả, chi hội Lý luận phê bình, Văn phòng Hội Sân khấu TPHCM và NSND Phượng Loan.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)