Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 11/7/2025
Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 11/7:
TP HCM tìm lời giải cho kẹt xe bằng công nghệ Úc
Báo Người Lao Động đưa tin, chiều qua, Sở Xây dựng TP. HCM và Trường Đại học Monash (Úc) đã ký kết Kế hoạch Hợp tác Nghiên cứu, đánh dấu bước tiến mới trong mối quan hệ hợp tác khoa học – công nghệ nhằm hướng đến phát triển hệ thống giao thông thông minh và bền vững cho đô thị mở rộng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, buổi ký kết diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi TP HCM đã mở rộng quy mô sau sáp nhập với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu theo Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12-4-2025. Với tầm nhìn chiến lược trở thành trung tâm tăng trưởng đa cực, thành phố kỳ vọng kết nối được 3 trụ cột: trí tuệ nhân tạo (AI – TP. HCM), công nghiệp 4.0 (Bình Dương) và chuyển đổi số (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Theo đó, Kế hoạch Hợp tác Nghiên cứu được ký kết là bước triển khai cụ thể Biên bản ghi nhớ giữa 2 bên ký tại Melbourne hồi tháng 5/2024, hướng đến xây dựng mô hình giao thông thông minh, bền vững và hiệu quả. Các nội dung chính của hợp tác gồm: Đổi mới hệ thống giao thông thông minh (ITS); giao thông bền vững; đào tạo và nâng cao năng lực; thí điểm và ứng dụng công nghệ mới.
Tại lễ ký kết, ông Ngân gửi lời cảm ơn đến Đại học Monash, đặc biệt là Giáo sư Yiannis Ventikos và Khoa Kỹ thuật, vì sự đồng hành và chuyên môn sâu sắc trong phát triển hệ thống giao thông thông minh.
TP.HCM dự báo cần đến 90.000 lao động sau sáp nhập
Chiều 10/7, tại buổi họp báo cung cấp các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó giám đốc Sở Nội Vụ TP.HCM thông tin về tình hình thị trường lao động trên địa bàn và các chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức không chuyên trách sau sáp nhập. Tin trên báo Thanh Niên.

Theo bà Hằng, trong 6 tháng đầu năm 2025, TP.HCM mới ghi nhận có 96.795 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp. So với cùng kỳ năm 2024, tình hình lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm 25.205 người. Cùng với đó, có 3.523 người có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo nghề nhằm thích ứng với yêu cầu mới của thị trường.
Trong nửa đầu năm 2025, nhu cầu tuyển dụng và cung ứng lao động tại TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũ có nhiều chuyển biến tích cực. Các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao gồm: bán hàng, marketing, may mặc, giày da, chế biến gỗ, cơ khí và lắp ráp điện tử.
Dự báo từ Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở Nội vụ TP.HCM), trong quý 3/2025, các doanh nghiệp sẽ cần khoảng 85.000 - 90.000 lao động. Đáng chú ý, lao động phổ thông vẫn chiếm đến 58% tổng nhu cầu, chủ yếu tập trung vào các công việc sản xuất như dệt may, da giày và lắp ráp.
Khoảng 300 lượt cán bộ đã đi xe đưa đón đến trung tâm TP.HCM làm việc
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, chương trình "xe đưa đón cán bộ đến TP.HCM làm việc" được triển khai từ ngày 1/7/2025 với sự chấp thuận của UBND TP.HCM, do Sở Xây dựng tổ chức.

Mấy ngày đầu, nhu cầu đi lại bằng xe đưa đón còn thấp do nhiều cán bộ chưa ổn định nơi làm hoặc vẫn đi bằng xe cá nhân. Tuy nhiên từ đầu tuần này (ngày 7/7), lượng người đăng ký đi xe tăng đáng kể. Ghi nhận trong ngày đầu tuần, có khoảng 300 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đưa đón từ Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) đến trung tâm hành chính TP.HCM và ngược lại.
Hiện có tổng cộng 12 xe 16 chỗ và 4 xe 45 chỗ đang hoạt động, trang bị WiFi. Trung bình mỗi ngày có khoảng 32 chuyến xe đưa đón. Sau khi hoạt động dần ổn định, một số cơ quan chuyên ngành cũng có thêm nhu cầu đưa đón. Trong đó Chi cục Thuế Bình Dương có 160 cán bộ, Chi cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) có 13 cán bộ đến Chi cục Thuế TP.HCM.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng) đã phối hợp với Công ty Phương Trang điều động thêm xe phục vụ riêng cho các đơn vị này. Đơn vị dự báo nhu cầu đi lại bằng xe đưa rước sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hầu hết các bệnh viện ở TP.HCM đã kê đơn thuốc điện tử
Ngày 10/7, Sở Y tế TP. HCM cho biết, hầu hết bệnh viện công lập trên địa bàn đã hoàn tất tích hợp hệ thống kê đơn điện tử vào phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), thực hiện nghiêm túc Thông tư số 26/2025/TT-BYT của Bộ Y tế về kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm điều trị ngoại trú. Tin trên báo SGGP.
Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM, các cơ sở y tế đã triển khai thống nhất biểu mẫu đơn thuốc, kiểm soát chặt kê đơn thuốc gây nghiện, hướng thần, đồng thời đảm bảo mỗi lượt khám chỉ kê một đơn thuốc và tuân thủ đúng thời hạn sử dụng.
Đáng chú ý, quy định mới cho phép bệnh nhân mắc bệnh mạn tính được kê đơn tối đa 90 ngày nếu sức khỏe ổn định cũng được áp dụng đồng loạt. Điều này không chỉ giúp giảm số lần tái khám, tiết kiệm chi phí, mà còn tạo thuận lợi cho người cao tuổi, người khuyết tật, người dân vùng sâu - vùng xa duy trì điều trị liên tục, đúng phác đồ, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.
Sở Y tế TP. HCM đã phối hợp với các bệnh viện, BHXH Thành phố và các đơn vị liên quan giám sát chặt triển khai, đảm bảo hiệu quả chuyên môn, an toàn cho người bệnh và đúng quy định thanh toán BHYT. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị hoàn tất lộ trình kê đơn điện tử trước ngày 1-10-2025 (đối với bệnh viện) và trước 1/1/2026 (đối với các cơ sở khác).
TP. HCM dự kiến cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường
Theo báo Tiền Phong, thông tin này vừa được ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. HCM cho biết trong cuộc họp giao ban, sau khi sáp nhập Sở GD-ĐT của 3 tỉnh, thành là TP. HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Hiếu yêu cầu Phòng Học sinh - Sinh viên nghiên cứu tham mưu phương án đề xuất không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ ra chơi cũng như trong hoạt động giáo dục tại trường (trừ trường hợp được giáo viên bộ môn cho phép để thực hiện nhiệm vụ phục vụ học tập).
Cùng với việc không cho học sinh sử dụng điện thoại di động, Phòng Học sinh - Sinh viên được yêu cầu tham mưu kế hoạch tổ chức các hoạt động tại giờ ra chơi nhằm tạo điều kiện để học sinh gắn kết và rèn luyện các hoạt động thể dục thể thao vào năm học 2025 - 2026.
Theo đề xuất đang được xây dựng, học sinh chỉ được phép sử dụng điện thoại di động khi có yêu cầu phục vụ bài học từ giáo viên bộ môn, và việc sử dụng phải diễn ra dưới sự giám sát của giáo viên tại lớp. Ngoài những tình huống học tập đặc biệt này, học sinh sẽ không được sử dụng điện thoại trong bất kỳ không gian hay thời điểm nào trong khuôn viên trường.
Năm học trước, một số trường trên địa bàn TP. HCM đã chủ động cấm học sinh sử dụng điện thoại và nhận được phản hồi tích cực từ học sinh, phụ huynh lẫn giáo viên.
Sốt xuất huyết tấn công người lớn
Báo Phụ Nữ TP cho hay, không chỉ trẻ em, bệnh sốt xuất huyết cũng đang tấn công mạnh vào người lớn, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh nền và phụ nữ mang thai. Không ít trường hợp tiến triển nặng, nhiều biến chứng phải nhập viện.

Thống kê từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM cho thấy, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) đang tăng nhanh. Nếu cả tháng Sáu có 766 bệnh nhân ngoại trú, 367 người nhập viện điều trị, 2 trường hợp xin về, tử vong, thì chỉ trong tuần đầu tháng Bảy, đã có 341 người đến khám vì SXH, 272 bệnh nhân nhập viện do bệnh tiến triển nhanh, 1 trường hợp quá nặng gia đình xin về. Trong đó, ca tử vong gần nhất là bệnh nhân nữ, mắc SXH trên nền thừa cân, béo phì, biến chứng suy đa tạng. Tuy đã được bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng bệnh tiến triển quá nhanh, không qua khỏi.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hường - Trưởng khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - cho biết, khoa có 50 giường bệnh, số bệnh nhân mắc SXH hiện chiếm 2/3. Bệnh nhân ở nhiều độ tuổi, có cả người cao tuổi, người mắc bệnh nền, thai phụ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong tuần 26 (từ ngày 23/6 đến ngày 29/6), TPHCM ghi nhận 645 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 60% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca SXH tích lũy đến tuần 26 là hơn 10.260 ca. Số ca mắc SXH gia tăng kéo theo các ca nặng cũng tăng theo.
Hơn 70 đội tranh tài giải Bóng rổ học sinh THPT TPHCM 2025
Báo SGGP cho hay, từ 10-7 đến 15-8, giải Bóng rổ học sinh trung học phổ thông (THPT) TPHCM năm 2025 diễn ra với các trận tranh tài sôi nổi của hơn 70 đội bóng đến từ 59 đơn vị trường học trên địa bàn thành phố.

Giải Bóng rổ học sinh THPT TPHCM 2025 do Sở GD-ĐT thành phố phối hợp Công ty thể thao Phong Sơn tổ chức. Sự kiện diễn ra nhằm đẩy mạnh các hoạt động thể thao học đường, nâng cao thể lực, sức khỏe, hình thành thói quen vận động và góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.
Với những lợi ích thiết thực, giải đấu năm nay đã nhận nhiều sự quan tâm và đăng ký tham dự của 59 đơn vị trường học trên địa bàn TPHCM, phân thành 54 đội nam và 17 đội nữ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết, giải đấu còn là môi trường rèn luyện, cọ xát và đánh giá hiệu quả dạy và học môn Giáo dục thể chất theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời thúc đẩy việc xây dựng, duy trì và phát triển các câu lạc bộ bóng rổ trong trường học.
Thông qua giải, những người làm công tác chuyên môn mong muốn thúc đẩy phong trào tập luyện môn bóng rổ rộng khắp, nâng cao chất lượng chuyên môn, kỹ thuật; đồng thời tăng cường kỹ năng tổ chức, điều hành cho đội ngũ cán bộ, trọng tài, giám sát và nhân viên phục vụ giải đấu.