Nhiều cá nhân, tổ chức xuyên mưa chuẩn bị đồ viện trợ các tỉnh, thành phía Bắc
Báo Pháp Luật TP ghi nhận, với tinh thần tương thân tương ái, ngày 10/9, nhiều cá nhân, tổ chức ở TP. HCM đã lên kế hoạch, triển khai quyên góp, thu gom, tập kết nhiều nhu yếu phẩm cùng xuồng máy, áo phao để gửi viện trợ các tỉnh, thành phía Bắc bằng đường hàng không và chuyển bằng đường bộ.
Có mặt tại Kho nội địa (sân bay Tân Sơn Nhất) từ 14 giờ 30 phút chiều 10/9 để đón các xe vận chuyển hàng, chị Nghiêm Thụy Kim Xuân, thành viên nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn cho biết nhóm vừa lên kế hoạch sáng nay và tranh thủ triển khai ngay để kịp thời viện trợ ra Bắc.
“Nhóm chúng tôi đã phải liên hệ rất nhiều nơi ở khắp TP.HCM để thu gom đủ khối lượng và số lượng vật dụng, bao gồm: 500 áo phao, 300 đèn pin và 1.500kg lương khô để có thể tranh thủ vận chuyển bằng đường không và đường bộ”- chị Kim Xuân nói và cho biết thêm rằng hiện tại có rất nhiều nhóm, đơn vị ở TP.HCM cũng đang thực hiện công tác tương tự nên số lượng vật dụng, nhu yếu phẩm khan hiếm.
Một số công ty cho biết đang tổ chức quyên góp, tập kết bao gồm các nhu yếu phẩm cấp bách như mì tôm, sữa, lương khô quân đội, bánh gạo, nước suối,...cùng các loại thuốc, dầu gió để gửi đến người dân vùng bão.
Tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm đối với các cơ sở ngoài công lập
Sáng 10/9, tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập do Sở GD-ĐT TP. HCM tổ chức, yêu cầu tách biệt hoạt động doanh nghiệp và trường học một lần nữa được cơ quan quản lý nhấn mạnh. Nội dung trên báo SGGP.
Theo bà Tạ Thị Minh Thư, Trưởng Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập Sở GD-ĐT, hiện nay, tình trạng chuyển nhượng, thay đổi vốn góp đầu tư xuất hiện ngày càng nhiều đối với các cơ sở ngoài công lập nhưng chưa có quy định pháp lý rõ ràng, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Trong đó, nhiều đơn vị chưa tách bạch hoạt động của doanh nghiệp và trường học, thể hiện qua các hợp đồng góp vốn đầu tư, hoạt động công đoàn cơ sở, chưa thực hiện hồ sơ công nhận hội đồng trường theo quy định.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP. HCM Lê Thụy Mỵ Châu mong muốn có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn giữa các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và 21 quận huyện, các phòng GD-ĐT trong công tác quản lý hoạt động các cơ sở giáo dục ngoài công lập để đảm bảo tính khách quan, đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời đề nghị các phòng ban của Sở GD-ĐT tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục ngoài công lập một cách kịp thời, hỗ trợ những cơ sở còn khó khăn, đặc biệt xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
Đã có gần 20.000 trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm bổ sung vaccine sởi
Trên VietNamPlus, Sở Y tế TP. HCM thông tin, sau 10 ngày triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi, tính đến ngày 10/9, đã có 19.821 trẻ từ được tiêm.
Theo dữ liệu từ Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, tổng số trẻ từ 1-5 tuổi sinh sống tại TP. HCM được quản lý trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là 437.412 trẻ.
Qua rà soát, số trẻ trong diện chưa được tiêm đủ mũi vaccine sởi ở Thành phố là 60.733 trẻ. Đối với trẻ từ 6-10 tuổi, theo thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo, số trẻ đi học từ lớp 1 đến lớp 5 là 633.036 trẻ (số liệu năm học 2023-2024).
Nếu ước tính số trẻ chưa được tiêm đủ mũi chiếm 10% thì số trẻ từ 6-10 tuổi phải tiêm trong Chiến dịch dự kiến khoảng 63.303 trẻ. Như vậy, số trẻ từ 1-10 tuổi cần tiêm vaccine sởi trong Chiến dịch ước tính khoảng gần 125.000 trẻ (bao gồm 60.733 trẻ từ 1-5 tuổi và 63.303 trẻ từ 6-10 tuổi).
Sở LĐ-TB-XH TP. HCM yêu cầu tăng cường giám sát Mái ấm Chúc Từ, xử lý nếu có vi phạm
Theo nguồn tin của báo Thanh Niên, Sở LĐ-TB-XH TP. HCM đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh tăng cường kiểm tra, giám sát Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em Chúc Từ (Mái ấm Chúc Từ, địa chỉ 57/8 đường Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh) và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định.
Cụ thể, Sở LĐ-TB-XH đề nghị UBND Q.Bình Thạnh khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp UBND P.15 tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về hoạt động và chăm sóc đối tượng đối với Mái ấm Chúc Từ theo quy định tại Nghị định 103 năm 2017 của Chính phủ về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; Nghị định 20 năm 2021 về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Thông tư 33 năm 2017 của Bộ LĐ-TB-XH về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội, cũng như các quy định về công tác phòng ngừa bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ em.
Đồng thời, UBND Q.Bình Thạnh cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn cho cán bộ, giáo viên và người lao động về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; triển khai hướng dẫn kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội; thực hiện nghiêm quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp và xử lý các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo Quyết định 2017 năm 2020 của UBND TP. HCM.
Xuất hiện món ăn từ so biển, TP. HCM cảnh báo nguy cơ ngộ độc
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, Sở An toàn thực phẩm TP. HCM cho biết, hiện nay tại một số chợ, quán ăn, phố ẩm thực xuất hiện các món ăn chế biến từ con so (so biển), con sam. Để phòng chống nguy cơ ngộ độc do ăn so biển, cá nóc, cá hồng dâu, ốc lạ…, Sở An toàn thực phẩm TP. HCM đề nghị các địa phương truyền thông cho người bán thức ăn và người tiêu dùng các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm từ độc tố tự nhiên gây ra.
Đồng thời tuyên truyền cách phân biệt thủy sản có độc tố tự nhiên (con sam và con so...), khuyến cáo ngư dân loại bỏ ngay khi đánh bắt; tuyệt đối không dùng thủy hải sản có độc tố tự nhiên làm nguyên liệu chế biến thực phẩm dưới mọi hình thức.
Sở An toàn thực phẩm TP. HCM cũng lưu ý trong quá trình thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cần lưu ý nguồn nguyên liệu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Giải Lân - Sư - Rồng thổi bừng không khí Tết Trung thu
Báo Người Lao Động cho biết, tối qua, tại công viên bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức đã diễn ra lễ khai mạc giải Lân - Sư - Rồng lần thứ 2, thổi bừng không khí trung thu sắp đến.
Múa lân chào mừng lễ khai mạc giải Lân - Sư - Rồng nhân dịp Tết trung thu 2024
Giải Lân - Sư Rồng mở rộng lần 2 và các hoạt động Tết trung thu năm 2024 là sự kiện do UBND TP Thủ Đức tổ chức phối hợp cùng công ty TNHH Công nghiệp Văn hóa (CIC) tổ chức, với sự hỗ trợ công nghệ từ công ty cổ phần FADO GLOBAL. Giải diễn ra trong 2 ngày 10/9 và 11/9, còn các hoạt động, sự kiện chào đón tết trung thu sẽ tiếp tục diễn ra đến ngày 16/9.
Giải đấu Lân - Sư - Rồng được tổ chức nhằm chào mừng những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, cũng như hướng đến việc mang lại không gian vui chơi, giải trí đầy sắc màu cho trẻ em và người dân TP Thủ Đức, TP. HCM và du khách dịp Tết trung thu. Đây cũng là cơ hội để các đoàn Lân - Sư - Rồng khắp nước giao lưu, học hỏi và tranh tài, đồng thời tôn vinh nghệ thuật múa truyền thống, qua đó góp phần lan tỏa tinh thần thể thao và khuyến khích sức khỏe cộng đồng.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)