Hơn 2.000 người đi bộ vinh danh doanh nghiệp của quận 5, TP.HCM
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, sáng 13/10, sự kiện Chương trình đi bộ năm 2024 với chủ đề "Cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp quận 5 - Gắn kết, phát triển, nghĩa tình" đã được tổ chức. Đã có tới hơn 2.100 người đến từ 184 đơn vị, doanh nghiệp tham dự sự kiện, hơn gấp đôi so với năm trước. Điều này cho thấy chương trình đi bộ đang có được sự lan tỏa ngày càng tốt hơn.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Trương Minh Kiều - chủ tịch UBND quận 5, cho biết: "Chương trình đi bộ năm 2024 với chủ đề "Cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp quận 5 - Gắn kết, phát triển, nghĩa tình" không chỉ là hoạt động dành riêng cho doanh nhân, người lao động tại các doanh nghiệp.
Năm nay, chương trình mở rộng đối tượng tham gia đến đội ngũ cán bộ, công chức quận 5, viên chức là bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế đang công tác tại các bệnh viện trên địa bàn. Nhằm thể hiện sự trân trọng và tôn vinh những đóng góp của các doanh nghiệp, đơn vị y tế vào các hoạt động kinh tế - xã hội của quận 5, với mong muốn gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền quận với các đơn vị, doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau. Qua đó để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, cùng nhau phát triển và đồng hành với công tác chăm lo an sinh xã hội tại địa phương.
Liên đoàn Lao động TP.HCM hỗ trợ Tây Ninh 36 căn nhà 'Mái ấm công đoàn'
Ngày 13/10, Đoàn công tác của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM đã trao tặng kinh phí xây dựng 36 căn nhà "Mái ấm công đoàn" tại tỉnh Tây Ninh. Tin trên báo Thanh Niên.
Ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh tặng biểu trưng cảm ơn các đơn vị, doanh nghiệp TP.HCM hỗ trợ xây dựng “Mái ấm công đoàn”
Ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cho biết, đơn vị sẽ hỗ trợ tỉnh Tây Ninh 36 căn nhà với trị giá 60 triệu đồng/căn, từ nguồn vận động xã hội hóa. Đồng thời, LĐLĐ TP.HCM mong muốn mở rộng mạng lưới Quỹ CEP tại Tây Ninh, hỗ trợ cho các đoàn viên công đoàn, công nhân và người lao động (CN và NLĐ) tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cải thiện đời sống.
Cũng theo ông Thái, đây là phần việc thiết thực, LĐLĐ TP.HCM thực hiện phân công của Tổng LĐLĐ Việt Nam về hỗ trợ "Mái ấm công đoàn" tại các tỉnh lân cận, vùng kháng chiến, vùng căn cứ cách mạng hưởng ứng phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát". Ngoài Tây Ninh còn có các tỉnh Bình Dương, Bến Tre, Tiền Giang cũng được hỗ trợ.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác LĐLĐ TP.HCM và tỉnh Tây Ninh đã trao đổi về các nhu cầu giáo dục, đào tạo nghề, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh thông qua đề xuất nghiên cứu mở phân hiệu trường đại học tại Tây Ninh.
Tạo sân chơi cho đoàn viên - lao động
Báo Người Lao Động cho biết, vừa qua, tại Nhà Thi đấu đa năng quận 7, gần 500 đoàn viên - lao động đã đến tham dự Ngày hội đoàn viên, người lao động do LĐLĐ quận tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Ông Võ Khắc Bình, Chủ tịch LĐLĐ quận 7, trao học bổng hỗ trợ trẻ mồ côi do dịch COVID-19
Chương trình có nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa như: hội thao CNVC-LĐ với hơn 200 vận động viên tham gia; gian hàng cắt tóc miễn phí, bán giảm giá các mặt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng... Ban tổ chức đã tặng mỗi đoàn viên tham dự ngày hội một phiếu mua hàng trị giá 100.000 đồng để mua sắm.
Dịp này, LĐLĐ quận 7 đã trao biểu trưng 850 triệu đồng hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bão lũ cho Ủy ban MTTQ Việt Nam quận. Ngoài ra, LĐLĐ quận còn trao quà cho 8 đoàn viên mắc bệnh hiểm nghèo (2 triệu đồng/người); hỗ trợ học bổng cho 9 trẻ mồ côi do dịch COVID-19, mỗi em 2-4 triệu đồng. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi thành phố cũng trao 8 suất học bổng cho 8 trẻ em mồ côi do dịch COVID -19 trên địa bàn quận.
Nhà hát Kịch IDECAF đưa kịch lịch sử đến với học sinh
Báo Phụ Nữ TP cho biết, hơn 1.400 học sinh và giáo viên trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú) và trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10) đã đến nhà hát Thanh Niên (quận 1) thưởng thức vở kịch lịch sử "Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử".
Các em học sinh hào hứng xem vở
“2 suất diễn học đường này (hơn 700 học sinh mỗi trường) là thành quả sự kiên trì, nỗ lực tiếp cận khách hàng tiềm năng của nhà hát thời gian qua. Hôm công diễn, chúng tôi đã mời nhiều thầy cô từ các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn TP. HCM đến xem. Từ đó, nhận được nhiều phản hồi tích cực để nâng cao chất lượng vở diễn cũng như tự giới thiệu tác phẩm của mình và đặt vấn đề kết nối tổ chức chương trình Sân khấu Sử Việt học đường” – ông Trầm Thanh Thảo - giám đốc hành chính của nhà hát Kịch IDECAF - cho biết.
Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là sắp xếp lịch diễn phù hợp với kế hoạch ngoại khóa của các trường cũng như lịch học vốn rất dày của các em học sinh, lại phải đảm bảo lịch trình của diễn viên.
“Nhờ nỗ lực kết nối, sắp xếp, cuối cùng, chúng tôi cũng đã triển khai được chương trình. Hiện tại, nhà hát đã nhận được liên hệ từ nhiều trường học và đang sắp xếp lịch diễn. Trong tháng 11 tới, Hội đồng hương tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức cho sinh viên của tỉnh đang theo học tại TPHCM đi xem Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử” – ông Thanh Thảo cho biết thêm.
Đề xuất làm dự án nhà ở khu vực nông thôn 5 huyện ngoại thành TP.HCM
Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP ban hành quyết định quy định các địa điểm, vị trí phát triển nhà ở theo dự án tại các khu vực không phải đô thị trên địa bàn TP (khu vực nông thôn năm huyện ngoại thành). Nội dung trên báo Pháp Luật TP.
Khu vực nông thôn ở huyện Bình Chánh có thể phát triển dự án nhà ở. Ảnh: Nguyệt Nhi
Theo Sở Xây dựng TP, UBND TP cần ban hành văn bản quy định về điều kiện để phát triển nhà ở theo dự án tại các khu vực không phải đô thị trên địa bàn. Cũng theo dự thảo, phạm vi phát triển nhà ở theo dự án tại các khu vực không phải đô thị là các khu vực nông thôn. Vị trí, địa điểm phát triển dự án là khu vực nông thôn trên địa bàn cấp xã trực thuộc UBND các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi.
Đối tượng áp dụng của quyết định này là các tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng dự án phát triển nhà ở, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến nhà ở.
Các địa điểm, vị trí phải phát triển dự án nhà ở phải cần theo định hướng phát triển, xác định vị trí, diện tích xây dựng tại các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000, quy hoạch nông thôn (bao gồm quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn) được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, các địa điểm, vị trí phát triển dự án nhà ở cần phải đảm bảo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội đáp ứng chỉ tiêu quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch và phải bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực thực hiện dự án.
Tìm lối thoát cho chợ truyền thống
Báo SGGP ghi nhận, cuối tuần, lượng khách đến vui chơi tại chợ Bến Thành (quận 1) khá đông, nhưng chủ yếu là khách du lịch. Chị T., chủ sạp bánh mứt, trái cây ở đây, cho biết, sức mua sau dịch Covid-19 đã giảm hơn 50%. Mỗi sạp trong chợ này đều được đầu tư cả tỷ đồng, nhưng nay đúng nghĩa... nhặt bạc lẻ, do khách thưa vắng.
Chợ Bình Tây vắng khách. Ảnh: HẢI NGỌC
Trong chợ Bình Tây (quận 6) có cả chục sạp đóng cửa, treo biển cho thuê hoặc sang nhượng, tập trung ở khu buôn bán quần áo. Bà L., chủ sạp hàng số 895 thông tin, lượng khách tới chợ rất ít, thậm chí những ngày cuối tuần khách còn vắng hơn. “Mở cửa hàng từ sáng đến chiều không có khách. Tình trạng này kéo dài từ đầu năm tới giờ. Bây giờ cố gắng được chừng nào hay chừng đó, nếu tình hình không cải thiện chắc tôi cũng nghỉ bán”, bà L. chia sẻ.
Ngành công thương TPHCM đã có kế hoạch, phương án tối ưu hóa hệ thống các chợ truyền thống trên địa bàn. Cụ thể, định hướng giảm số lượng còn 216 chợ (giảm 17 chợ); trong số này, có 199 chợ giữ nguyên hiện trạng, 34 chợ được giải tỏa, di dời, chuyển công năng…
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho rằng, việc thu hẹp quy mô các chợ truyền thống kinh doanh không hiệu quả là điều tất yếu, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Tuy nhiên, chính người kinh doanh cũng phải nhanh nhạy, nên tiếp cận khách đa nền tảng, phục vụ song song bán trực tiếp lẫn trực tuyến; nâng cao chất lượng dịch vụ; tránh tình trạng nói thách, hét giá, trà trộn hàng kém chất lượng…
TP.HCM và Nam bộ sắp có những đợt mưa to diện rộng
Trên báo Tiền Phong, nhận định tình hình thời tiết TP.HCM trong những ngày giữa tháng 10, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, hiện nay áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định, từ khoảng ngày 14 - 15/10 suy yếu dần.
Trong những ngày giữa tháng 10, khả năng sẽ có những đợt mưa trên diện rộng tại TPHCM và các tỉnh, thành Nam bộ với một vài nơi có mưa vừa, mưa to đến rất to, kéo dài một vài ngày. Ảnh minh họa: Hữu Huy
Rãnh áp thấp xích đạo khoảng ngày 15 - 16/10 có xu hướng hoạt động tốt trở lại và nâng trục chậm lên phía bắc. Nhiễu động gió đông trên cao (gây mưa) hoạt động tốt trên khu vực Nam bộ. Trên các vùng biển Nam bộ gió đông bắc hoạt động với cường độ yếu.
Từ những hình thế thời tiết chính kể trên, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ dự báo, thời tiết TP.HCM trong những ngày giữa tháng 10 phổ biến có mưa, mưa rào rải rác đến nhiều nơi. Khả năng sẽ có những đợt mưa trên diện rộng với một vài nơi có mưa vừa, mưa to đến rất to kéo dài một vài ngày. Tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, từ 90 - 160mm.
“Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Đề phòng khả năng mưa lớn gây ngập cục bộ vùng trũng thấp, vùng kém khả năng tiêu thoát nước”- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ lưu ý.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)