Loạt dự án giao thông ở TPHCM bứt tốc về đích cuối năm nay
Theo kế hoạch của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông, chủ đầu tư), trong hai tháng còn lại của năm 2024, sẽ có 11 gói thầu, dự án giao thông trên địa bàn thành phố được hoàn thành. Tin trên báo Tiền Phong.
Cụ thể, cuối tháng 11/2024 sẽ thông xe công trình xây dựng cầu Bà Hom và công trình mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân).
Đến cuối tháng 12 tới, sẽ hoàn thành một loạt công trình gồm cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân), cầu Phước Long, cầu Rạch Đỉa (nối quận 7 và huyện Nhà Bè); hầm HC1 và toàn bộ nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); đường nối giữa đường Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa (quận Tân Bình); đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp); cầu Tăng Long (TP. Thủ Đức); 4,3km đường song hành Quốc lộ 50 thuộc dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); hầm chui HC1 dự án xây dựng nút giao thông An Phú (TP. Thủ Đức).
Theo ghi nhận, trong số các gói thầu, dự án giao thông kể trên, những công trình xây dựng cầu, nút giao thông ở khu vực phía Nam TPHCM có tiến độ khả quan và kịp về đích đúng hẹn.
'Tết sum vầy' chăm lo cho hơn 26,2 triệu đoàn viên, người lao động
Báo Pháp Luật TP cho hay, mgày 13-11, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá 10 năm (2015-2024) triển khai chương trình “Tết sum vầy”.
Báo cáo tại hội nghị, ông Ngô Quang Khánh, chuyên viên Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết đến tháng 2-2024, có 186.944 chương trình “Tết sum vầy” được tổ chức ở các cấp công đoàn, thu hút trên 33 triệu đoàn viên, người lao động (NLĐ) tham gia. Qua một thập kỷ, chương trình đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho hàng triệu lao động trên khắp cả nước, mang lại niềm vui sum họp và hỗ trợ thiết thực cho những hoàn cảnh khó khăn.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, cho biết LĐLĐ TP.HCM đã phối hợp với các doanh nghiệp, các chủ nhà trọ để tổ chức các hoạt động thiết thực, giúp người lao động xa quê cảm nhận được tình cảm ấm áp trong mỗi dịp Tết. Các doanh nghiệp đã không chỉ hỗ trợ người lao động bằng các hình thức quà tặng mà còn tổ chức bữa cơm thân mật, đưa công nhân về quê ăn Tết.
Chia sẻ thêm về kế hoạch tổ chức chương trình “Tết Sum Vầy” năm nay, ông Tâm cho biết LĐLĐ TP.HCM sẽ chỉ đạo phân bổ, tổ chức chăm lo Tết cho khoảng 15.000 hộ gia đình công nhân, giúp nhiều người lao động tiếp cận được các hoạt động phúc lợi. Số lượng các hộ được tham gia, các tiêu chí về mức hỗ trợ đều sẽ được xây dựng kỹ lưỡng, đảm bảo chương trình thực sự đến được với những người cần thiết nhất.
Bán lẻ tăng tốc mùa cuối năm
Báo Lao Động ghi nhận, không chỉ khai trương nhiều điểm bán mới trong quý cuối năm, các nhà bán lẻ còn chuẩn bị kỹ hơn kế hoạch kinh doanh Tết nhằm gia tăng doanh thu tốt nhất có thể.
Đơn cử, WinCommerce đã tung chiến lược "giá tốt" trên toàn chuỗi thông qua việc hợp tác với các nhà cung cấp uy tín, để bảo đảm chiến lược cạnh tranh về giá nhằm duy trì chỉ số giá ngang bằng hoặc cạnh tranh so với thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho hay Saigon Co.op đã chuẩn bị hàng Tết kỹ và chặt chẽ hơn những năm trước. Hệ thống này đã làm việc với nhà cung cấp, nhà vườn để bảo đảm chất lượng hàng hóa, ổn định giá cả thị trường. "Saigon Co.op có lợi thế lớn là mạng lưới trải dài từ Bắc chí Nam nên sẽ tận dụng lợi thế này để bảo đảm nguồn hàng đầy đủ hơn, giá tốt hơn. Chúng tôi cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi sâu, phối hợp với nhà cung cấp giảm lợi nhuận để hàng hóa không chỉ bình ổn giá mà còn rẻ hơn ngày thường" - ông Thắng nói.
Hệ thống Satra dự trữ hàng hóa phục vụ Tết tăng khoảng 15% - 20% so với Tết Giáp Thìn 2024. Trong đó, tập trung vào nhóm hàng lương thực thực phẩm, hàng bình ổn thị trường. Satra cũng chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống bán lẻ phối hợp với các đơn vị thành viên gồm: Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) để có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng rau củ quả, thủy hải sản và thịt gia súc… nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa cho các đơn vị trong hệ thống.
TP. HCM có số ca mắc sởi tăng nhanh, do đâu?
Thông tin trên báo SGGP, Sở Y tế TP. HCM cho biết, tuần qua thành phố ghi nhận 167 ca mắc sởi (tăng 29% so trung bình 4 tuần trước), trong đó có 99 ca điều trị nội trú (tăng 7,6%) và 68 ca điều trị ngoại trú (tăng 81%). Bên cạnh đó, số ca bệnh từ các tỉnh khác đến khám và điều trị tại 3 bệnh viện nhi đồng và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng gia tăng 44% so với trung bình 4 tuần trước, bao gồm 366 ca, trong đó có 229 ca điều trị nội trú.
Trước diễn biến gia tăng số ca sởi mới, Sở Y tế TP. HCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC) tiến hành khảo sát trên 51 trẻ từ 1-10 tuổi mắc bệnh sởi trong tuần 44 và ghi nhận có đến 32 trẻ (chiếm tỷ lệ 64%) hoàn toàn chưa được tiêm vaccine sởi trước khi mắc bệnh.
Có nhiều lý do khiến trẻ không được tiêm chủng như cha mẹ đi làm xa, sống với ông bà; thường xuyên thay đổi chỗ ở; trẻ thường bị bệnh… nhưng đáng lưu ý là có đến 14 trẻ (chiếm 27% tổng số trẻ bệnh được khảo sát) không được cha mẹ, người thân cho tiêm chủng dù đã được mời nhiều lần và trẻ cũng hoàn toàn không có chống chỉ định. Những trẻ này có thể sẽ không bị bệnh sởi nếu cha mẹ, người thân đưa trẻ đi tiêm chủng trong chiến dịch tiêm vaccine của TP. HCM.
Trường chuyên đầu tiên tại TP. HCM cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học
Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM vừa ra quy định về việc không sử dụng điện thoại trong giờ học. Nhà trường trang bị các tủ điện thoại cho mỗi lớp, gồm nhiều ngăn và đánh số thứ tự để học sinh bỏ điện thoại vào trong giờ học, và chỉ được lấy ra sau khi tiết học kết thúc.
Theo đó, bắt đầu từ giữa học kỳ 1 năm học 2024-2025, gần 2.000 học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu sẽ không được sử dụng điện thoại trong giờ học nếu không có sự cho phép của giáo viên.
Trao đổi với Tạp chí Giáo dục TP.HCM, TS. Trần Nam Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu cho hay, quy định này được áp dụng đối với học sinh ở cả 2 cơ sở. Nhà trường đã trang bị ở mỗi phòng học một tủ đựng điện thoại di động gồm nhiều ngăn và được đánh số thứ tự. Học sinh tự bỏ điện thoại vào đúng ngăn theo số thứ tự của mình trong giờ học và được lấy lại khi kết thúc tiết/buổi học.
Theo ông, quy định này chỉ áp dụng trong giờ học khi giáo viên không cho phép học sinh sử dụng điện thoại. Còn với các tiết học giáo viên cho phép sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin, phục vụ việc học tập và bài dạy của thầy cô thì các em vẫn được sử dụng. Ngoài ra, các em vẫn được sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi theo nhu cầu.
Công an TP. HCM bắt kẻ chống phá Nhà nước
Báo Thanh Niên cho biết, ngày 13.11, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét khẩn cấp đối với Huỳnh Nhật Phương (42 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Đây là động thái của cơ quan công an sau khi mở rộng điều tra vụ chống phá Nhà nước do Trần Văn Linh và Nguyễn Thị Hường thực hiện.
Nhóm này hoạt động theo chỉ đạo của tổ chức khủng bố Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, với âm mưu rải truyền đơn có nội dung kích động tuần hành, gây rối an ninh trật tự trong dịp Lễ Quốc khánh 2.9 vừa qua.
Phương được một số đối tượng cầm đầu tổ chức khủng bố móc nối, phong chức Trưởng phòng chiến tranh chính trị thuộc Bộ tư lệnh chiến thuật vùng Sài Gòn - Gia Định. Với bản tính ngoan cố, hám danh, hám lợi, ảo tưởng, mù quáng tin tưởng vào lời hứa hẹn hão huyền, lừa bịp của tổ chức khủng bố trên, Phương đã thực hiện nhiều hoạt động âm mưu chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Việt Nam.
Đoàn bác sĩ TP. HCM khám miễn phí cho bệnh nhân Cà Mau
Hơn 1.000 người dân tại xã Trí Phải, Trí Lực, huyện Thới Bình, và người dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau được đoàn bác sĩ từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Lê Văn Việt, Bệnh viện Trưng Vương, cơ sở nha khoa tại TPHCM thăm khám, phát thuốc miễn phí vào cuối tuần qua.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - thông tin, chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người dân có sự phối hợp giữa các đơn vị y tế ở TPHCM với Sở Y tế tỉnh Cà Mau, ban liên lạc đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau tại TPHCM, nhân kỷ niệm sự kiện 70 năm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc.
Ngoài khám chữa bệnh, đoàn bác sĩ còn thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Đoàn cũng tặng 2 máy thở, cùng nhiều vật tư y tế cho Trạm Y tế xã Trí Phải và xã Trí Lực kịp thời cấp cứu, điều trị. Trong chuyến đi này, đoàn còn khởi công xây 1 cây cầu, nhà tình thương cho người dân nơi đây.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Bình - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thới Bình - chia sẻ, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động khám, chữa bệnh, quản lý bệnh, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn nhân lực biến động, các trang thiết bị y tế, máy móc đã cũ, nên địa phương gặp một số khó khăn. Các đoàn bác sĩ TPHCM về đây khám, chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật rất cần thiết và ý nghĩa. Qua đó, bác sĩ địa phương có cơ hội giao lưu, học hỏi.
HẢI NHI/Báo Pháp Luật TP.HCM