Tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa hướng về biên giới, biển đảo Tổ quốc
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2024, do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM phối hợp Đài Truyền hình Thành phố tổ chức sẽ diễn ra tối 22/10, tại Nhà hát Đài Truyền hình Thành phố. Tin trên VietNamPlus.
Đây là sự kiện thiết thực nhằm tiếp tục tuyên truyền, vận động ủng hộ Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc." Thông tin được Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM Phạm Minh Tuấn cho biết tại buổi họp báo diễn ra chiều 14/10.
Ông Phạm Minh Tuấn thông tin, chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2024 là một trong 8 hoạt động chính kỷ niệm 15 năm thành lập Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” của Thành phố.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” năm 2024 sẽ điểm lại các hoạt động nổi bật hiệu quả trong 15 năm qua của Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” Thành phố, nhất là việc chăm lo cho cán bộ, chiến sỹ đang công tác, nhân dân đang sinh sống tại các vùng biên giới, biển, đảo của Tổ quốc với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú.
TP. HCM có thêm 3 đường sách
Trên báo Tiền Phong, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP. HCM cho biết, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), trong thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng thêm 3 đường sách mới nhằm phát triển văn hoá đọc ngày càng sâu rộng.
3 đường sách mới sẽ được xây dựng trên địa bàn quận 7, quận Bình Tân và huyện Củ Chi. Sau khi hoàn thành, các Đường sách này sẽ tạo thêm nhiều không gian đọc sách, kết nối với những đường sách hiện hữu như Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1) và Đường sách TP Thủ Đức tạo thành "hệ sinh thái" về văn hoá đọc, góp phần đưa TPHCM trở thành địa chỉ đặc trưng, tiêu biểu cho hoạt động văn hóa, du lịch và hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc.
Các Đường sách mới dự kiến được xây dựng vào cuối năm 2024 và đi vào hoạt động trước tháng 4/2025.
Ngoài xây dựng các đường sách mới, Sở TT&TT sẽ huy động nguồn xã hội hóa, phấn đấu đến hết năm 2025 có 5 triệu quyển sách sẽ đến tay mỗi người dân trên địa bàn, bao gồm: thư viện các trường học, các trung tâm giáo dục thường xuyên và thư viện thuộc 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
TP.HCM dùng dữ liệu thay hồ sơ giấy
TP.HCM tái cấu trúc quy trình nội bộ, đơn giản hóa thành phần hồ sơ dựa trên dữ liệu là "chìa khóa" cho mục tiêu xử lý 80% hồ sơ hành chính hoàn toàn qua mạng. Nội dung trên báo Thanh Niên.
Đầu tháng 10.2024, anh Thành Nam (ở P.An Lạc, Q.Bình Tân) nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng (GPXD) theo hình thức trực tuyến. Sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID đăng nhập vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) TP.HCM, anh Nam điền các thông tin theo biểu mẫu, đính kèm file chụp hình sổ đỏ, bản vẽ công trình và đơn đề nghị cấp GPXD theo mẫu rồi gửi đi. Ngày hôm sau, hệ thống gửi tin nhắn hồ sơ của anh hợp lệ, hướng dẫn cách thức nộp lệ phí và hẹn 2 tuần sau trả kết quả. "Nộp trực tuyến có thể tranh thủ ngồi ở nhà làm thay vì lên bộ phận một cửa bốc số thứ tự rồi ngồi chờ", anh Nam chia sẻ.
Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, UBND TP đã ban hành kế hoạch khắc phục các điểm nghẽn nêu trên, đến nay đạt được những kết quả nhất định. Đối với 28 lĩnh vực TTHC chậm công bố, đến nay TP đã công bố 25/28 lĩnh vực, 3 lĩnh vực còn lại dự kiến công bố trong tháng 10.2024.
Về dịch vụ công trực tuyến, TP.HCM đang áp dụng 966/1.966 TTHC đủ điều kiện, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Để khuyến khích người dân nộp hồ sơ trực tuyến, TP.HCM miễn phí 121 thủ tục ở 5 nhóm: hộ tịch; cấp giấy phép cho người nước ngoài làm việc tại VN; cấp GPXD; đăng ký kinh doanh; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất. Trong 9 tháng đầu năm 2024, TP.HCM tiếp nhận hơn 15 triệu hồ sơ, trong đó hơn 8,8 triệu hồ sơ nộp trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn gần 98%.
Người dân bị lừa đảo qua mạng cần tố giác ngay để công an chặn dòng tiền của kẻ xấu
Báo Tuổi Trẻ ghi nhận, chiều 14-10, tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, đại tá Nguyễn Đình Dương - phó giám đốc Công an TP.HCM - đã thông tin về tình hình tội phạm công nghệ cao.
Theo đại tá Dương, tội phạm sử dụng công nghệ cao thường xuyên thay đổi phương thức thủ đoạn. Trong đó có thủ đoạn chính là tạo tâm lý lo sợ, khống chế tâm lý nạn nhân, đồng thời dẫn dụ trong việc tạo lợi nhuận cho nạn nhân để đánh vào tâm lý lòng tham.
Thời gian qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao và lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng chiếm tỉ lệ cao, diễn biến hết sức phức tạp. Việc này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn là vấn nạn của nhiều nước trên thế giới.
Công an TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó đã thành lập tổ phản ứng nhanh, phối hợp với các ngân hàng, nhà mạng để khi phát hiện vụ việc có thể chặn ngay dòng tiền chuyển khoản. Khi số tiền chuyển vào tài khoản của đối tượng này được phân vào các tài khoản nhỏ và dòng tiền sẽ đến nước ngoài.
Đại tá Dương cho biết thêm, Công an TP.HCM còn xác minh các tài khoản IP để đấu tranh làm rõ; tuyên truyền đến người dân các phương thức lừa đảo. Nếu nạn nhân lỡ chuyển khoản thì phải cung cấp thông tin, báo tin tố giác ngay cho lực lượng công an để ngăn chặn dòng tiền đối tượng.
Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngân hàng để chấn chỉnh tình trạng sim rác, công ty "ma", tài khoản ngân hàng rác, pháp nhân công ty…
Phát hiện hàng loạt sai phạm về công trình PCCC tại các bến xe buýt TP.HCM
Báo Pháp Luật TP cho hay, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM vừa ban hành kết luận thanh tra công trình sửa chữa, bổ sung hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các bến xe buýt. Cụ thể là các bến xe buýt Sài Gòn (quận 1), Chợ Lớn (quận 5), quận 8, Đầm Sen (quận 11), Tân Phú (quận Tân Phú), Tân Quy và An Nhơn Tây (huyện Củ Chi).
Qua kết quả kiểm tra, xác minh tại các bến xe buýt trên, Thanh tra Sở cho biết, đã phát hiện hàng loạt thiếu sót trong công tác sửa chữa, bổ sung hệ thống PCCC của các bến xe buýt trên. Chủ đầu tư công trình là Trung tâm Quản lý giao thông công cộng; Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, lắp đặt Thái Bình là đơn vị đảm nhận công tác lập báo cáo kinh tế kỹ thuật…
Qua thanh tra cũng nhận thấy chủ đầu tư (Trung tâm Quản lý giao thông công cộng) thiếu kiểm tra, hướng dẫn nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, dẫn đến các thiếu sót, tồn tại như trên.
Vì vậy, Thanh tra Sở yêu cầu chủ đầu tư chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các tập thể, cá nhân của chủ đầu tư do thiếu kiểm tra, rà soát, hướng dẫn việc thực hiện của đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra đã để xảy ra các vi phạm trong quá trình thực hiện công trình đã được nêu tại phần kết luận thanh tra.
Hàng không được tăng chuyến bay Tết tại Tân Sơn Nhất
Theo ZNews, Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành quyết định công bố điều chỉnh tham số điều phối giờ hạ, cất cánh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong giai đoạn ngày 14/1-12/2/2025 để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2025.
Cụ thể, sân bay này sẽ tăng từ 42 chuyến/giờ lên 46 chuyến/giờ cho các khung giờ từ 6h đến 23h55. Trong khung giờ từ 0h đến 5h55 hàng ngày, số chuyến bay được tăng từ 32 chuyến/giờ lên 42 chuyến/giờ.
Tại khu vực nhà ga nội địa, số chuyến bay cất cánh tại sảnh A sẽ tăng từ 13 chuyến bay/giờ lên 15 chuyến bay/giờ, cất cánh sảnh B tăng từ 11 chuyến bay/giờ lên 13 chuyến bay/giờ, hạ cánh nội địa tăng từ 21 chuyến bay/giờ lên 22 chuyến bay/giờ.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc sớm ban hành quyết định này sẽ giúp các hãng hàng không và các đơn vị trong ngành chủ động triển khai xây dựng kế hoạch khai thác, phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2025, đồng thời thông tin kịp thời cho hành khách, giúp hành khách chủ động, bố trí hành trình phù hợp với nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Viêm hô hấp đang tấn công trẻ em
Chia sẻ với báo Người Lao Động, BSCK2 Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng Khoa Hô hấp 1 - Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết trong vòng hai tuần trở lại, lượng bệnh nhi nội trú tăng khoảng 25% so với tháng trước, số bệnh nhi ngoại trú cũng dần tăng đáng kể ở các phòng khám. Hiện khoa đang điều trị cho khoảng 200-210 trẻ nội trú, trong đó có khoảng 10%-15% trong tình trạng nặng phải điều trị tích cực. "Dự báo số ca bệnh có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 11" - BS Phong cảnh báo.
Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, những ngày gần đây, số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp đến khám, điều trị tăng chưa từng có. Ghi nhận đến thời điểm hiện tại, số bệnh nhi bị viêm tiểu phế quản là hơn 4.693 ca, viêm phổi là 8.176 ca. Trước tình hình trên, để giải quyết tình trạng quá tải, bệnh viện đã phải tăng cường một số phòng khám, tăng cường điều trị theo dõi ngoại trú, trưng dụng mở rộng một số khoa liên quan bệnh hô hấp để tiếp nhận và điều trị bệnh nhi.
Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm ở trẻ gia tăng. Trong đó, thời tiết chuyển mùa, trẻ quay trở lại trường học là điều kiện thuận lợi để bệnh lây lan, đặc biệt là các bệnh về hô hấp. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do các siêu vi thông thường như Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV), Adeno, cúm mùa…
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)