Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 16/10/2024

09:49 16/10/2024

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 16/10/2024

Khẩn trương đưa dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng vào vận hành

Theo báo SGGP, nhằm đảm bảo việc thoát nước, chống ngập trên địa bàn TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án thoát nước tại khu vực thường xuyên ngập, đặc biệt khu vực quận Gò Vấp, Bình Thạnh.

Khẩn trương bàn giao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng vào vận hành giải quyết ngập khu vực trung tâm. Ảnh: QUỐC HÙNG
Khẩn trương bàn giao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng vào vận hành giải quyết ngập khu vực trung tâm. Ảnh: QUỐC HÙNG

Đối với dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1, (còn gọi là công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng) cần hoàn tất các thủ tục để sớm đưa vào vận hành để giải quyết các tuyến đường ngập ở khu vực trung tâm.

Trước mắt, các quận, huyện tăng cường công tác nạo vét hệ thống kênh, rạch theo phân cấp nhằm phát huy hiệu quả thoát nước của hệ thống hiện hữu; tăng cường công tác xử lý, chế tài những trường hợp xả thải chưa qua xử lý làm tắc nghẽn tuyến cống. Về lâu dài, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM xem xét và phân cấp quản lý hệ thống kênh, rạch trên cơ sở đảm bảo đồng bộ từ cửa thu đến sông, kênh, rạch.

Sở Xây dựng cũng kiến nghị, UBND các quận huyện và TP Thủ Đức tăng cường vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt cuộc vận động "Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" theo Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; tăng cường tuần tra, phát hiện và có chế tài đủ sức răn đe đối với những trường hợp cố tình vi phạm...

TP. HCM tăng cường thu hút lao động có tay nghề

Báo Người Lao Động đưa tin, chiều 15/10, HĐND TP. HCM tổ chức buổi giám sát công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025 đối với UBND TP. HCM.

Trường Cao đẳng Cao Thắng là một điểm sáng về giáo dục nghề nghiệp của TP HCM
Trường Cao đẳng Cao Thắng là một điểm sáng về giáo dục nghề nghiệp của TP HCM

Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu bày tỏ chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, thị trường lao động. Bà Đỗ Thị Minh Quân, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP. HCM, cho rằng cần đầu tư mạnh mẽ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và thực hành; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy trong các trường nghề. Theo bà Quân, thành phố có nhiều chính sách, dự án đầu tư cho lĩnh vực GDNN nhưng theo giám sát của HĐND thì thực hiện còn chậm và chưa hiệu quả.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM, cho biết thành phố đã có chủ trương giảm lao động trong các ngành nghề thâm dụng lao động, lao động làm việc có tác động gây ô nhiễm môi trường, lao động giản đơn... Bên cạnh đó là tăng thu hút lao động có tay nghề, trình độ cao hơn. Vì vậy, nâng cao chất lượng GDNN là chủ trương lớn nằm trong kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố đến năm 2030 đã được UBND TP HCM ban hành.

Theo kế hoạch, chủ trương đầu tư cho lĩnh vực GDNN sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Không riêng lĩnh vực GDNN, hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Khu Công nghệ cao TP. HCM thí điểm thành lập quỹ đào tạo nhân lực bán dẫn - ngành được xem là trọng điểm của thành phố trong thời gian tới.

8 ứng viên xuất sắc thi tuyển viên chức, công chức tại TP.HCM

Chiều 15/10, Hội đồng tuyển dụng công chức, viên chức của TP.HCM khai mạc kỳ tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2024. Tin từ báo Tiền Phong.

Các ứng viên trong kỳ tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2024. Ảnh: Nhàn Lê
Các ứng viên trong kỳ tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ năm 2024. Ảnh: Nhàn Lê

Có 8 ứng viên dự tuyển dụng các vị trí ngoại giao nhà nước, quản lý quy hoạch và xây dựng, pháp chế, trợ giảng, giáo viên THPT vào các đơn vị như UBND TP.Thủ Đức, Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp, Sở Giao thông vận tải, Trường đại học Sài Gòn, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, Phó chủ tịch Hội đồng kỳ tuyển dụng thông tin, trong năm nay, UBND TP.HCM thông báo tuyển 19 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nhưng chỉ nhận được 15 hồ sơ và sàng lọc 8 hồ sơ đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

“Điều đó cho thấy tiêu chuẩn của kỳ tuyển chọn rất khắt khe. Thí sinh được lựa chọn là nhân tố thực sự tiêu biểu, chất lượng”, ông Thuận nói và khẳng định UBND TP.HCM sẽ tạo mọi điều kiện để các ứng viên thể hiện hết năng lực, kiến thức và tâm huyết của mình.

Quy trình xét tuyển gồm hai vòng thi. Vòng 1 xét tuyển sẽ xét kết quả học tập và nghiên cứu (nếu có) của người dự tuyển. Vòng 2 là phỏng vấn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển.

Cạnh tranh điểm đến và hút khách từ sản phẩm du lịch đường thủy

Du lịch đường thủy tại TP.HCM ngày càng được đầu tư với nhiều sản phẩm đa dạng, mới lạ như buýt sông 2 tầng, tàu nhà hàng… Đây là một trong những sản phẩm du lịch tạo nên sức hút cho đô thị sông nước. Theo ghi nhận, các sản phẩm này thu hút đông đảo du khách lựa chọn, kể cả khách quốc tế, đặc biệt là vào cuối tuần.

Sở hữu hơn 1.000km đường sông cùng hệ thống các kênh rạch đa dạng, TPHCM có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường thủy. Ảnh: Thanh Chân
Sở hữu hơn 1.000km đường sông cùng hệ thống các kênh rạch đa dạng, TPHCM có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường thủy. Ảnh: Thanh Chân

Sở hữu hệ thống các kênh rạch đa dạng, TP.HCM không chỉ mang ấn tượng của một đô thị sông nước mà còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn và các tuyến kênh nội đô.

Trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty Thường Nhật - đơn vị sở hữu Saigon WaterBus và Saigon WaterGo, du lịch đường thủy ngày càng phát triển không ngừng. Loại hình du lịch này mang lại cảm giác, trải nghiệm du lịch khác biệt so với các loại hình du lịch khác bởi sự độc đáo của sông nước. Điều này sẽ thu hút khách du lịch khi đến TP.HCM.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm du lịch đường thủy triển khai nhiều chương trình, dịch vụ để nâng cao công suất, năng lực phục vụ. Bên cạnh đó, các địa phương như Quận 12, Quận 7 cũng tận dụng lợi thế sông nước để triển khai sản phẩm du lịch này.

Hệ thống cảnh báo tài chính giúp bệnh viện TP.HCM an toàn hơn

Chiều qua, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 diễn ra lễ bàn giao và tiếp nhận hệ thống cảnh báo tình hình tài chính bệnh viện của VietinBank dành cho bệnh viện này. Hệ thống đã được triển khai thử nghiệm 1 năm qua tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - là bệnh viện có hệ thống công nghệ thông tin quản lý bệnh viện (HIS) đủ mạnh. Đây được xem là hệ thống quản lý tài chính bệnh viện đầu tiên của cả nước. Nội dung trên báo Thanh Niên.

ẢNH: DUY TÍNH
ẢNH: DUY TÍNH

Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, hệ thống cảnh báo tình hình tài chính bệnh viện có 7 bộ tiêu chí: Quản trị khách hàng, doanh thu, chi phí, hiệu quả, dòng tiền, công nợ và rủi ro. Hệ thống có 65 chỉ số.

"Với hệ thống cảnh báo tình hình tài chính bệnh viện, chúng tôi biết được các hóa chất, vật tư ai xài, xài bao nhiêu, thừa thiếu ra sao… Trước đây phải mất 1 tuần chúng tôi mới biết được công nợ, còn với hệ thống này thì chỉ cần 1 nốt nhạc là biết được", PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng nói.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh: Hệ thống cảnh báo tình hình tài chính bệnh viện giúp giám đốc bệnh viện quản lý tài chính tốt hơn. Đây được xem là "lưới bọc" cho giám đốc bệnh viện, vì thực tế thời gian qua đã có một số bệnh viện "thủng lưới", quỹ âm và nợ nhiều mà không hay biết.

9 tháng đầu năm, toàn TP.HCM có 30 tuyến đường ngập khi mưa

Theo báo cáo về tình hình thoát nước năm 2024 ở TP.HCM của Sở Xây dựng TP.HCM, qua tổng hợp tình hình mưa, ngập nước do mưa tính đến ngày 30-9, TP.HCM có 30 tuyến đường ngập trong mưa, thời gian nước rút trước 30 phút. Tin trên báo Tuổi Trẻ.

Người dân đẩy xe chết máy trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) sau cơn mưa lớn - Ảnh: CHÂU TUẤN
Người dân đẩy xe chết máy trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) sau cơn mưa lớn - Ảnh: CHÂU TUẤN

Cụ thể, quận 1 có 11 đường ngập trong mưa, gồm Calmette, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Nguyễn Văn Cừ, Lê Lai, Lê Thánh Tôn, Trương Định, Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, Phạm Viết Chánh, Lê Thị Riêng.

Quận Bình Thạnh có 4 đường gồm Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng, Bình Quới.

Quận Gò Vấp có 4 đường gồm Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Phan Huy Ích.

Quận Bình Tân có 3 đường gồm Tân Hòa Đông, Phan Anh, An Dương Vương.

Quận 12 có 2 đường là Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá. Huyện Hóc Môn có 2 đường là Song hành quốc lộ 22 và Bà Triệu.

Các đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), 3 Tháng 2 (quận 10), Trường Sơn (quận Tân Bình) và quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) cũng ngập trong mưa.

Cùng kỳ năm 2023, số tuyến đường bị ngập trong mưa, thời gian rút nước trước 30 phút là 28 tuyến.

Liên hoan nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng 2024

Báo Phụ Nữ TP cho hay, Liên hoan nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng lần VIII - năm 2024 sẽ diễn ra tại nhà hát Quân đội TP.HCM (140 Cộng Hòa, quận Tân Bình) trong các ngày 18, 19, 20 và 21/10.

Phát huy thành công các kỳ liên hoan trước, Liên hoan nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng 2024 quy tụ nhiều tên tuổi của làng múa TPHCM.
Phát huy thành công các kỳ liên hoan trước, Liên hoan nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng 2024 quy tụ nhiều tên tuổi của làng múa TPHCM.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM Lê Nguyên Hiều cho biết, Liên hoan nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng là “thương hiệu” mà Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM nỗ lực xây dựng và khẳng định trong nhiều năm. Tiêu chí lớn nhất đặt ra là: tạo sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ trong lĩnh vực sáng tác, biên đạo và biểu diễn.

Liên hoan lần VIII năm nay là dịp để Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và thực hiện việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần XI (2020 – 2025) đề ra.

Năm nay, Liên hoan có sự tham gia của gần 30 nhóm múa trong và ngoài công lập, dự thi 36 tác phẩm múa đa dạng hình thức (múa tập thể, múa đôi, múa nhóm ba, múa đơn) và thể loại (múa tình tiết, múa dư hứng, múa tự sự, múa tính cách) với chất liệu phong phú (dân gian, đương đại, ballet, hiện đại, hip-hop, dân tộc).

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục