Công đoàn TP.HCM hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ miền Bắc hơn 13 tỉ đồng
Báo Pháp Luật TP cho biết, theo báo cáo nhanh từ Liên đoàn Lao động TP.HCM, tính đến 17 giờ ngày 15/9, tổng số tiền vận động từ các cấp công đoàn và người lao động TP.HCM để hỗ trợ đồng bào vùng bão đã đạt hơn 13 tỉ đồng.
Cạnh đó, tổng số nhân lực tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn tại các tỉnh miền Bắc là 49 người, gồm: cán bộ, công nhân viên của Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM, hoạt động chủ yếu tại các khu vực TP Hải Phòng và Hà Nội.
Bên cạnh đó, 49 đơn vị y tế từ TP.HCM cũng đang chuẩn bị lên đường hỗ trợ công tác cứu trợ tại 9 tỉnh bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, công tác vận động hàng hóa cứu trợ đồng bào vùng bão, lũ đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các cấp công đoàn và người lao động. Cụ thể, các đơn vị đã vận động được tổng cộng: 2 tấn sữa, 2 tấn nước, 2 tấn bánh mì ăn nhanh, 2 tấn xúc xích, 1 tấn băng vệ sinh phụ nữ, 2 tấn thuốc chuyên dùng, 2 tấn bánh ngọt, 2 tấn quần áo, sách vở, tập viết; 10.255 thùng mì gói, 10.110 thùng nước, 4 thùng bánh, 3.000 áo len, 2.000 phần thuốc, 2.000 hộp sữa, 700 bộ quần áo mới; 30.000 túi thuốc gia đình, 300 túi chứa nước lưu động (dung tích 5 lít), 260 bộ nệm gối cũ cho trẻ em.
Con công nhân vui hội trăng rằm
Báo Người Lao Động cho hay, hơn 100 thiếu nhi là con công nhân (CN) khó khăn tại các khu lưu trú đã trải qua khoảng thời gian thật vui vẻ, ý nghĩa trong "Đêm hội trăng rằm" do LĐLĐ quận 6, TP HCM tổ chức. Dù trời mưa song các bé rất háo hức đến sớm để được xem múa lân, ca nhạc; giao lưu cùng chị Hằng, chú Cuội; thưởng thức bánh kẹo…
Chương trình "Đêm hội trăng rằm" do LĐLĐ quận Gò Vấp, TP. HCM tổ chức mới đây cũng lan tỏa niềm vui đến gần 100 thiếu nhi là con đoàn viên - lao động khó khăn. Tại đêm hội, các bé đã thỏa thích tham dự nhiều hoạt động bổ ích như: đố vui có thưởng, trò chơi, thưởng thức văn nghệ, ảo thuật, giao lưu với chú Cuội - chị Hằng, xem múa lân; được rước đèn, phá cỗ, nhận quà Trung thu…
Hơn 300 con CN Công ty TNNH E.land Việt Nam (đóng tại huyện Củ Chi) cũng đã có một đêm vui chơi trọn vẹn tại chương trình "Vui hội trăng rằm" do LĐLĐ quận 1 tổ chức tối 12/9. Tham gia chương trình, ngoài việc giao lưu cùng chú Cuội, chị Hằng và xem văn nghệ, trẻ cũng rất háo hức khi được rước đèn trung thu.
Ngoài ra, chương trình "Đêm hội trăng rằm" do Công đoàn các KCX-CN tổ chức diễn ra tại 7 địa điểm chính, gồm: KCN Tân Bình, KCN Tây Bắc Củ Chi, KCN Tân Tạo, KCN Tân Thới Hiệp, KCX Linh Trung 1, KCX Tân Thuận và KCN Hiệp Phước. Bên cạnh đó, các hoạt động còn diễn ra tại 9 Công đoàn cơ sở có đông CN. Chương trình đã chăm lo cho hơn 6.400 thiếu nhi là con CN có hoàn cảnh khó khăn được vui hội trăng rằm.
Đưa hơn 2.350 trẻ em, người lang thang vào cơ sở trợ giúp xã hội
Thông tin trên VietNamPlus, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP. HCM cho biết, sau 1 năm thực hiện quy định cơ chế phối hợp thực hiện tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác, Thành phố đã lập hồ sơ đưa hơn 2.350 đối tượng vào cơ sở trợ giúp xã hội, tăng 49% so với năm 2023.
Trong số đó có 145 trẻ em lang thang xin ăn, chiếm 6%; 336 người cao tuổi lang thang xin ăn, chiếm 14%; 96 người khuyết tật lang thang xin ăn, chiếm 4%; 92 người thuộc hộ gia đình, lang thang xin ăn, chiếm 4%; 368 người bệnh tâm thần, chiếm 16%.
Có 37 người thuộc diện trợ giúp khẩn cấp, chiếm 2%; hơn 1.000 người trong độ tuổi lao động (từ đủ 16 tuổi-60 tuổi) lang thang xin ăn, chiếm 45%; có 220 người thuộc diện khác, chiếm 9%.
Trong số này có 557 người có đăng ký thường trú ở Thành phố nhưng không sống thường xuyên (chiếm 24%); hơn 1.000 người có đăng ký thường trú ở tỉnh và các thành phố khác (chiếm 45%); hơn 500 người không nơi cư trú (chiếm 22%) và có 220 người thuộc các trường hợp khác (chiếm 9%).
Nhiều trường công, tư thục ở TP.HCM cấm học sinh dùng điện thoại, phụ huynh ủng hộ
Theo báo Thanh Niên, đại đa số ý phụ huynh đều ủng hộ nên cấm học sinh dùng điện thoại di động trong trường. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng giáo viên cần làm gương, thầy cô giáo cũng không được dùng điện thoại di động khi đang trong tiết dạy.
Trước đó, khảo sát cho thấy đa số các trường tiểu học, THCS ở TP.HCM đều không cho học sinh mang điện thoại di động vào trường và cấm học sinh dùng điện thoại trong trường, kể cả giờ ra chơi.
Trường THCS Nguyễn Văn Phú, Q.11 yêu cầu học sinh không được mang điện thoại di động vào trường. Trừ khi nào giáo viên dặn trước học sinh là hôm nay có môn nào dùng điện thoại di động để phục vụ việc học thì các em học sinh được mang vào trường, và chỉ được dùng khi giáo viên cho phép, dưới sự quản lý của giáo viên.
Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8, học sinh không được dùng điện thoại di động trong trường, kể cả đầu giờ vào học hay giờ ra chơi. Hết giờ học, ra khỏi cổng trường thì học sinh có thể sử dụng thoải mái. Học sinh nếu mang điện thoại di động vào trường thì sẽ gửi cho thầy cô giám thị, cuối buổi nhận lại. Khi cần liên lạc với gia đình thì đã có phòng gọi điện thoại trong trường để sử dụng…
Tìm ra quán quân cuộc thi Hướng dẫn viên du lịch tiềm năng
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, vòng chung kết Hướng dẫn viên du lịch tiềm năng, cuộc thi học thuật cấp thành phố về ngành học hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM với sự đồng hành của các trường đại học, cao đẳng và Hội Sinh viên TP.HCM, diễn ra tại Trường đại học Tài chính - Marketing chiều tối 15/9.
Trước đó, vòng sơ loại diễn ra vào ngày 28/7 với sự tham gia của gần 300 thí sinh. 36 thí sinh vào vòng bán kết, tranh tài theo từng đội thi tại Bảo tàng Áo dài vào ngày 25/8, chọn ra được 10 thí sinh nổi trội nhất vào vòng chung kết.
Vòng chung kết là cuộc tranh tài của 10 thí sinh từ 7 trường đại học, bao gồm Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Trường đại học Tôn Đức Thắng, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, Trường đại học Sài Gòn, Trường đại học Mở TP.HCM, Trường đại học Hùng Vương TP.HCM và Trường đại học Tài chính - Marketing.
Kết quả, giải nhất hội thi thuộc về thí sinh Trần Anh Phúc - sinh viên Trường đại học Tài chính - Marketing. Á quân thuộc về thí sinh Ngô Nguyễn Minh Thái - sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Bánh trung thu giá rẻ ồ ạt xả hàng
Ghi nhận trên báo Phụ Nữ TP, nhiều điểm treo bảng "Đồng Khánh mua 1 thành 4", "Kinh Đô giảm giá 50%" nhưng hỏi ra thì lại là sản phẩm có tên na ná các thương hiệu nổi tiếng.
Trên đường Lý Thái Tổ (quận 10) có điểm bán treo bảng "Bánh trung thu Đồng Khánh mua 1 thành 4" nên liên tục có khách ghé vào mua. Phía bên trong gian hàng, người bán treo bảng giá các loại bánh trung thu Đồng Khánh. Với loại có trọng lượng 170gam, nếu là bánh có 2 trứng loại ngọt có giá 45.000 đồng/cái, loại mặn có giá 50.000 đồng/cái. Loại 1 trứng ngọt có giá 30.000 đồng/cái, 1 trứng mặn có giá 35.000 đồng/cái. Nhưng theo ghi nhận thì loại bánh giảm giá lại có tên là "Thanh Thanh Đồng Khánh 2", có trụ sở tại huyện Bình Chánh, TPHCM.
Ngay khu vực vòng xoay Nguyễn Văn Cừ (quận 1), nhiều điểm bán cũng treo bảng giảm giá sâu như "bánh 20K", "bánh 40K", "1 hộp 130K"...
Có điểm còn treo bảng "Kinh Đô giảm 10%", "Kinh Đô giảm 50%". Thế nhưng khi hỏi ra thì điểm bán này cho biết, ghi giảm giá 50% để câu khách chứ bánh trung thu Kinh Đô chỉ giảm giá có 10%. Theo đó, nếu bánh trung thu Kinh Đô loại 150g sẽ có giá từ 60.000 - 95.000 đồng/cái chứ không có giá rẻ hơn. Loại giảm giá 50% có thương hiệu là Tân Đồng Khánh, có nhà máy sản xuất tại huyện Bình Chánh, TPHCM.
Trao giải Liên hoan “Em yêu đàn tranh” lần thứ 4 năm 2024
Cung Văn hóa Lao động TPHCM vừa phối hợp CLB Tiếng hát Quê hương tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Liên hoan " Em yêu đàn tranh" lần thứ 4, năm 2024. Tin trên báo SGGP.
Các thí sinh đoạt giải vui mừng nhận phần thưởng giá trị và ý nghĩa. Ảnh: THÚY BÌNH
Liên hoan được tổ chức dành cho các em dưới 15 tuổi, cùng tham gia thi diễn, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, nền âm nhạc truyền thống và niềm đam mê với đàn tranh nói riêng; đồng thời, góp phần phổ biến cách sử dụng và biểu diễn nghệ thuật đàn tranh rộng rãi trong thiếu niên, nhi đồng.
Kết quả, ban tổ chức đã trao giải Nhất bảng A cho em Lê Minh Thụy (Trường Tiểu học Đặng Văn Ngữ) với bài thi diễn Đăng đàn cung và Giấc mơ thần tiên; giải Nhất bảng B trao cho Nguyễn Hoàng Khánh Anh (Trường THCS Hai Bà Trưng) với Long nhâm, Xuân tình chấn, Mùa thu quê hương.
Giải thưởng của hai bảng thi còn có 4 giải Nhì, 1 giải Ba, 11 giải Tư, giải Thí sinh nhỏ tuổi nhất thuộc về em Đỗ Hải Linh (Trường Tiểu học Trưng Trắc); giải Thí sinh ấn tượng nhất trao cho em Nguyễn Phùng Nhã Uyên (Trường THCS Nguyễn Du).
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)