Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 17/10/2024

09:45 17/10/2024

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 17/10/2024

TP.HCM cấp bằng công nhận cho 2 làng nghề trồng mai vàng và nghề làm bánh tráng

Báo Pháp Luật TP cho biết, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định công nhận làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh.

Theo quyết định, làng nghề có tên làng nghề trồng mai vàng. Làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh được UBND TP.HCM cấp bằng công nhận, được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định 52/2018 của Chính phủ và các quy định hiện hành.

UBND huyện Bình Chánh có trách nhiệm tổ chức công bố Quyết định công nhận làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh. Đồng thời, quản lý hoạt động đầu tư phát triển làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nghề truyền thống sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Ảnh: VÕ THƠ
Nghề truyền thống sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Ảnh: VÕ THƠ

Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng ký quyết định công nhận nghề truyền thống sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi.

Theo quyết định, nghề truyền thống có tên là nghề sản xuất bánh tráng. Nghề truyền thống sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi được UBND TP cấp bằng công nhận, được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định 52/2018 của Chính phủ và các quy định hiện hành.

UBND huyện Củ Chi có trách nhiệm tổ chức công bố quyết định công nhận nghề truyền thống sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Đồng thời, quản lý hoạt động đầu tư phát triển nghề truyền thống sản xuất bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

TP. HCM tiếp tục là địa phương nhận nhiều kiều hối nhất cả nước

Thông tin trên báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM cho biết,  trong 9 tháng đầu năm nay, lượng kiều hối chuyển về TP. HCM đạt gần 7,4 tỉ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước và là mức kỷ lục từ trước tới nay.

Kiều hối chảy về TP HCM lập đỉnh lịch sử mới
Kiều hối chảy về TP HCM lập đỉnh lịch sử mới

Dù kiều hối những quý gần đây giảm, chẳng hạn quý III/2024 giảm 4,1% so với quý trước, song lượng kiều hối chuyển về trong 9 tháng đầu năm 2024 vẫn bằng 78,1% so với cả năm 2023. Trước đó, năm 2023 từng ghi nhận lượng kiều hối chuyển về kỷ lục, đạt 9,4 tỉ USD.

Phân tích của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM cho thấy kiều hối chuyển về thông qua tổ chức kinh tế (các công ty kiều hối) đạt hơn 5,4 tỉ USD, chiếm 74,2%; còn lại là chuyển qua các tổ chức tín dụng đạt 1,9 tỉ USD, chiếm 25,8% tổng lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn.

Kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất (53,8%) và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt nhất, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong quý III, kiều hối chuyển về từ các khu vực đều giảm, song từ khu vực châu Âu tăng 22,8% so với quý trước.

Hơn 100.000 lượt dự thi trực tuyến tìm hiểu Luật Căn cước, Liên đoàn Lao động TP. HCM "về nhất toàn đoàn"

Sở Tư pháp TP. HCM cho biết, kết thúc Cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về Luật Căn cước - Định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến" năm 2024 trên địa bàn TP, ban tổ chức ghi nhận toàn thành phố có 86.768 tài khoản đăng ký với 104.924 lượt tham gia dự thi. Tin trên báo SGGP.

Người dân TPHCM tích cực hưởng ứng cuộc thi
Người dân TPHCM tích cực hưởng ứng cuộc thi

Ban tổ chức cũng công bố danh sách 10 tập thể và 30 cá nhân đạt điểm thi cao nhất. Từ nay đến hết ngày 21/10, các tổ chức và cá nhân nhanh chóng liên hệ với ban tổ chức để cung cấp bản chính Căn cước/Căn cước công dân/Định danh cá nhân/CMND còn hạn sử dụng hoặc thông tin Căn cước/Căn cước công dân trên nền tảng ứng dụng VnelD cho cán bộ Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp, để xác thực thông tin cá nhân dự thi. Sau thời gian này, cá nhân không cung cấp thông tin đối chiếu, ban tổ chức sẽ không công nhận kết quả thi.

Theo danh sách đạt điểm thi cao nhất, trong thời gian sớm nhất với thứ tự từ cao xuống thấp, Liên đoàn Lao động TP. HCM đứng thứ nhất trong tổng số 10 tập thể. Một cá nhân thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo TP. HCM đứng đầu trong tổng số 30 cá nhân.

Tất cả trường mầm non ở quận 1 công khai bữa ăn bán trú, trưng bày thức ăn thực tế

Theo báo Tuổi Trẻ, năm học 2024-2025, tất cả trường mầm non ở quận 1 đều thực hiện công khai bữa ăn bán trú. Không chỉ công khai định lượng các loại thực phẩm mà nhà trường còn trưng bày thức ăn thực tế của học sinh mỗi ngày. 

Học sinh lớp lá 2, Trường mầm non Tân Định tập làm cơm bento tại Ngày hội dinh dưỡng và phát triển do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1, TP.HCM tổ chức - Ảnh: T.T
Học sinh lớp lá 2, Trường mầm non Tân Định tập làm cơm bento tại Ngày hội dinh dưỡng và phát triển do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1, TP.HCM tổ chức - Ảnh: T.T

"Năm nay, phụ huynh ở quận 1, TP.HCM đóng tiền ăn 40.000 đồng/trẻ/ngày cho bữa ăn bán trú, bao gồm bữa trưa và bữa xế. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh luôn thắc mắc và băn khoăn về bữa ăn bán trú. Họ muốn biết con em mình sẽ được ăn những gì, khẩu phần ăn mỗi học sinh nhiều hay ít, món ăn được nấu xong thì ra thành phẩm như thế nào. Do đó, năm học 2024-2025, tất cả các trường mầm non trên địa bàn quận 1 đều thực hiện công khai bữa ăn bán trú", bà Trương Thị Thanh Trang - chuyên viên phụ trách bậc mầm non Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1, TP.HCM cho biết.

Theo đó, các trường công khai thực đơn bữa ăn bán trú trong tuần cho phụ huynh biết. Bên cạnh đó, nhà trường còn công khai định lượng các loại thực phẩm được sử dụng để chế biến trong một bữa ăn của trẻ và số tiền thực tế nhà trường đã chi. Đặc biệt, các trường mầm non còn trưng bày tủ thức ăn thực tế của học sinh ở mỗi ngày.

"Đây cũng là tủ lưu mẫu thức ăn của nhà trường. Trước đây tủ này thường để trong góc khuất cho gọn gàng thì nay các trường mang ra ngoài để phụ huynh cùng giám sát. Mỗi bữa ăn, sau khi nấu xong, nhà bếp sẽ múc một phần tương đương với khẩu phần ăn của một trẻ bình thường để đưa vào tủ này. Đến chiều khi đến đón con, phụ huynh có thể xem hôm nay con mình đã ăn sáng, ăn trưa, ăn xế ra sao", bà Trang thông tin thêm.

Trồng lại 100 cây xanh, xây cầu đi bộ cho công viên cửa ngõ Tân Sơn Nhất

Trao đổi với VietNamNet, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM cho biết, các nhà thầu đang triển khai công tác tái lập, hoàn trả mặt bằng cho công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình.

Hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, công trình trị giá 200 tỷ đồng, vừa thông xe hồi đầu tháng 9. Ảnh: Tuấn Kiệt
Hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, công trình trị giá 200 tỷ đồng, vừa thông xe hồi đầu tháng 9. Ảnh: Tuấn Kiệt

Công việc được thực hiện sau khi công trình hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa được đưa vào khai thác.

Trước đó, để triển khai gói thầu xây dựng hầm chui ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, chủ đầu tư đã tháo dỡ cầu đi bộ kết nối hai khu A và B của công viên Hoàng Văn Thụ. Đồng thời, hơn 3.400m2 đất nằm trên đường Phan Thúc Duyện và đường Trần Quốc Hoàn được giải tỏa để tổ chức đường giao thông phục vụ rào chắn thi công hầm chui.

Hiện nay, phần diện tích được hoàn trả có gần 700m2 đất trong công viên, phần còn lại sẽ được chỉnh trang và làm vỉa hè cho người đi bộ. Sau khi tái lập mặt bằng, gần 100 cây xanh được trồng lại tại đây, gồm giáng hương, kèn hồng kết hợp với thảm cỏ lá gừng phía dưới.

TPHCM tổ chức trại sáng tác nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ

Báo Phụ Nữ TP đưa tin, vừa qua, tại huyện Cần Giờ, Trung tâm Văn hóa TPHCM tổ chức khai mạc Trại sáng tác nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam bộ - TPHCM năm 2024.

Ban cố vấn gồm: soạn giả Đức Hiền, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nhạc sĩ - nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm viết vọng cổ, bài bản tài tử tại trại sáng tác
Ban cố vấn gồm: soạn giả Đức Hiền, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nhạc sĩ - nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm viết vọng cổ, bài bản tài tử tại trại sáng tác

Đây là hoạt động trọng tâm của Trung tâm Văn hóa TPHCM trong năm 2024 nhằm phát huy tinh thần sáng tạo trong đội ngũ nghệ nhân đang thực hành nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn TPHCM. Đồng thời, góp phần làm giàu thêm nguồn tác phẩm phục vụ phong trào văn nghệ tại cơ sở.

Tham gia trại sáng tác có 25 thành viên là những tác giả chuyên nghiệp lẫn không chuyên gắn bó với lĩnh vực đờn ca tài tử - cải lương. Cùng dự có ban cố vấn chuyên môn gồm những chuyên gia, nghệ sĩ, soạn giả danh tiếng, như: tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, soạn giả Đức Hiền, nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải…

Trại diễn ra trong 3 ngày 16, 17 và 18/10 tại huyện đảo Cần Giờ với các hoạt động: giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác vọng cổ, bài bản Tổ nghệ thuật Đờn ca tài tử với các thành viên ban cố vấn; thảo luận về thực tế sáng tác của các đại biểu; giao lưu biểu diễn đờn ca tài tử tại địa phương; tham quan một số địa danh, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục