Thành phố 24G

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 18/7/2025

Nhóm BTV (Tổng hợp) 18/07/2025 09:50

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 18/7:

TP.HCM đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt 20-21 tỉ USD

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 17-7, ông Trần Việt Hà - Phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM - cho biết, sau sáp nhập, TP.HCM có số lượng các khu công nghiệp rất lớn, lên đến 66 khu chế xuất và khu công nghiệp với tổng diện tích 27.000ha.

thu hút đầu tư - Ảnh 1.
Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ có 105 khu chế xuất, khu công nghiệp với diện tích lên đến 49.000ha, trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Giai đoạn 2025-2030, các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP.HCM đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt từ 20-21 tỉ USD với suất đầu tư bình quân đạt từ 8-10 triệu USD/ha, giải ngân 70% trên tổng số vốn đăng ký.

Ông Hà cho hay TP.HCM sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các ngành chủ lực, có hàm lượng công nghệ cao và giá trị tăng trưởng lớn, thân thiện môi trường như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn…

Nhằm hướng đến mô hình phát triển bền vững, TP đang triển khai đề án thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động một số khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có chuyển đổi Khu công nghiệp Hiệp Phước sang mô hình sinh thái, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi cộng sinh, từng bước tiếp cận kinh tế tuần hoàn.

Người nước ngoài ở TP. HCM hào hứng đi đăng ký định danh điện tử

Sáng 17/7, hàng chục người nước ngoài đang cư trú tại TPHCM đã đến Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA08) Công an TPHCM để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử.

dinh-danh-dien-tu-nguoi-nuoc-ngoai-2-909.jpg
Cán bộ PA08 thực hiện thao tác lấy dấu vân tay của ông Paulin Jeremy Jean Elie. Ảnh: Hoàng Thuận

Chia sẻ với báo Tiền Phong, Trung tá Nguyễn Mạnh Trường - Phó Đội trưởng đội 3, Đội Quản lý người nước ngoài thuộc PA08 cho biết, ngày 20/6, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch mở đợt cao điểm 50 ngày đêm cấp định danh điện tử cho người nước ngoài và thời gian thực hiện từ ngày 1/7 đến hết ngày 19/8.

Trong lúc đợi tới lượt cấp định danh, ông Paulin Jeremy Jean Elie (quốc tịch Pháp) cho biết, ông cùng vợ là người Việt Nam biết thông tin người nước ngoài được cấp tài khoản định danh thông qua các kênh truyền thông nên đến PA08 để làm thủ tục. “Tôi sinh sống tại Việt Nam hơn 20 năm. Tài khoản định danh sẽ giúp tôi thuận lợi hơn trong công việc”, ông Paulin Jeremy Jean Elie cho hay.

Thông qua phiên dịch, ông Yeon Jedong (quốc tịch Hàn Quốc) cho biết, công ty của ông hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam và app VNeID giúp hoàn thiện thủ tục của công ty một cách nhanh chóng, thuận tiện. “Chính phủ Việt Nam thực hiện đăng ký định danh cho người nước ngoài là rất quan trọng và rất tốt vì sẽ hỗ trợ cho việc quản lý chung. Tôi thấy rất dễ dàng sử dụng app VNeID để làm các thủ tục”, ông Yeon Jedong nói và cho biết đã có hơn 2 năm sinh sống, làm việc tại TP. HCM.

TP.HCM tích hợp đồng bộ bản đồ địa chính sau sáp nhập

Sở NN&MT TP.HCM vừa đưa ra đề xuất phương án xử lý bản đồ địa chính cho các đơn vị hành chính cấp xã, phường (mới) khi thực hiện đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, phường (trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ) sau khi tổng hợp các vướng mắc đã xảy ra trong thời gian qua. Tin trên báo Pháp Luật TP.

TP.HCM tích hợp đồng bộ bản đồ địa chính sau sáp nhập
TP.HCM sẽ điều chỉnh thư mục quản lý dữ liệu bản đồ địa chính dùng chung các xã, phường sau sáp nhập. Ảnh: THUẬN VĂN

Theo đó, để thực hiện việc tích hợp đồng bộ cơ sở dữ liệu địa chính và bản đồ địa chính sau sáp nhập, Sở NN&MT thống nhất với đề xuất của Văn phòng Đăng ký đất đai TP và Trung tâm Công nghệ Thông tin Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, thống nhất về tên gọi và số thứ tự của tờ bản đồ ở xã giữ nguyên mã số đơn vị hành chính được giữ lại, số thứ tự của các tờ bản đồ ở phần đơn vị hành chính còn lại được đánh số tiếp theo số thứ tự tờ bản đồ lớn nhất của xã giữ nguyên mã số đơn vị hành chính theo thứ tự, đánh số theo nguyên tắc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, các tờ bản đồ tỉ lệ nhỏ đánh số trước, các tờ bản đồ tỉ lệ lớn đánh số sau.

Ông Nguyễn Thái Sinh - Phó Giám đốc Sở NN&MT giao Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (Vũng Tàu và Bình Dương cũ) chủ trì phối hợp Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường kịp thời điều chỉnh thư mục quản lý dữ liệu bản đồ địa chính dùng chung (SVN) các xã, phường (mới) khi thực hiện đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Chấn chỉnh an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đường sắt

Theo báo Phụ Nữ TP, tình trạng vượt rào chắn, băng qua đường ray khi tàu sắp đến vẫn xảy ra thường xuyên tại nhiều điểm giao cắt ở trung tâm TPHCM. Trước nguy cơ mất an toàn giao thông, cơ quan chức năng thành phố đang đồng loạt triển khai nhiều giải pháp.

Người đi đường vô tư di chuyển ngược chiều tại điểm giao cắt đường sắt với đường Hoàng Văn Thụ
Người đi đường vô tư di chuyển ngược chiều tại điểm giao cắt đường sắt với đường Hoàng Văn Thụ

Ông Nguyễn Kiên Giang - Phó trưởng phòng Quản lý bảo trì và Khai thác công trình giao thông, Sở Xây dựng TP. HCM - cho biết, đoạn đường sắt Bắc - Nam đi qua TP. HCM dài khoảng 14km, với 24 điểm giao cắt đồng mức. Trong đó có 21 vị trí có người gác, 3 vị trí không có người gác nhưng được trang bị cần chắn tự động.

Ngoài ra, tất cả các vị trí đều được lắp đặt hệ thống tín hiệu giao thông đúng quy định. Riêng 3 điểm không có người gác, lực lượng thanh niên xung phong đã bố trí túc trực từ 6g đến 22g hằng ngày. Do toàn bộ giao cắt đều đồng mức, khi tàu chạy qua các vị trí như Đỗ Thị Lời, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Kiệm, Tô Ngọc Vân… tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm và dịp lễ, tết.

Để giảm thiểu tình trạng này, Sở Xây dựng TP. HCM đã chủ động phối hợp ngành đường sắt và các lực lượng chức năng triển khai nhiều giải pháp như: nhận kế hoạch chạy tàu để bố trí lực lượng điều tiết tại các địa phương; thiết lập nhóm liên lạc nhanh qua các ứng dụng như Zalo, Viber để kịp thời xử lý khi xảy ra ùn tắc; rà soát thời gian đóng/mở chắn tàu, tránh đóng quá sớm gây ùn tắc không cần thiết; đồng bộ hóa hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại một số giao lộ như Tô Ngọc Vân, Hiệp Bình, trại cá sấu Hoa Cà, chùa Ưu Đàm...

Khen thưởng y bác sĩ khám sức khỏe cho quân dân tại quần đảo Trường Sa

Báo Thanh Niên đưa tin, chiều qua, tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM diễn ra lễ gặp mặt tri ân các y bác sĩ của các bệnh viện phía nam tham gia đoàn khám sức khỏe cho quân dân tại quần đảo Trường Sa.

Khen y bác sĩ tham gia khám sức khỏe cho quân dân tại quần đảo Trường Sa - Ảnh 2.
Khen thưởng các bệnh viện tham gia chương trình khám sức khỏe cho quân dân tại quần đảo Trường Sa

Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đoàn công tác y tế đặc biệt gồm các bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên đầu ngành từ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, Bệnh viện Thống Nhất và Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đã hoàn thành xuất sắc chuyến công tác thiện nguyện tại quần đảo Trường Sa từ ngày 14/6 – 4/7 vừa qua. Đoàn công tác đã thăm hỏi, khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí và tư vấn chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên 9 đảo thuộc quần đảo Trường Sa: Đá Nam, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Núi Le, Tốc Tan, An Bang, Trường Sa Đông, Đá Lát.

PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho rằng chương trình đã lan tỏa tình quân dân y; giúp y bác sĩ có thêm ý chí, nghị lực từ các chiến sĩ ngày đêm gìn giữ đất nước; càng thấy yêu quê hương đất nước hơn - từ đó y bác sĩ có thêm những hành động, hành nghề ngày càng tốt hơn.

Dịp này, Bộ Tư lệnh Hải quân khen thưởng cho 3 tập thể và 43 cá nhân khám sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên quần đảo Trường Sa năm 2025, trong đó có Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM và Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Biến ký ức thành vở diễn tri ân

Báo Người Lao Động cho hay, sàn diễn TP. HCM đã dàn dựng nhiều vở kịch, cải lương dịp 27/7 thu hút đông đảo khán giả. Trong đó, lòng biết ơn hóa thành chất liệu nghệ thuật; những giọt mồ hôi luyện tập hóa thành nén nhang dâng lên những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do, hạnh phúc và nhiều thương binh vẫn là điểm tựa vững vàng cho thế hệ trẻ.

Biến ký ức thành vở diễn tri ân- Ảnh 1.
Một cảnh trong vở “Khát vọng hòa bình” của Nhà hát Kịch TP HCM

NSND Trần Minh Ngọc nhận xét: "Đây là "cú chạm" đầy sáng tạo mà lực lượng nghệ sĩ TP. HCM đang miệt mài gìn giữ và làm mới nghệ thuật sân khấu".

Các đơn vị nghệ thuật như: Sân khấu Kịch Hồng Vân, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP. HCM, Sân khấu Kịch Quốc Thảo, Sân khấu Trịnh Kim Chi, Sân khấu Hồng Hạc, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang… nhiều năm qua đã dàn dựng những vở diễn tưởng niệm nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Những tác phẩm như: "Ngày ấy cổng trời", "Hai người mẹ", "Đồng chí", "San hô đỏ", "Tình yêu thời chiến", "Chiến binh", "Câu hò đất mẹ", "Khát vọng hòa bình"… không chỉ để tưởng niệm mà còn kể lại những ký ức bằng ngôn ngữ nghệ thuật.

Nhiều nghệ sĩ khẳng định những vở diễn mang màu sắc cách mạng, tưởng niệm nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ cần được đầu tư dài hơi hơn; tổ chức biểu diễn thường xuyên tại các trường học, đơn vị quân đội, khu lưu niệm… để thế hệ trẻ không quên những người đã xả thân cho Tổ quốc.

TPHCM tăng cường ứng phó sự cố môi trường trong mùa mưa bão

Theo báo SGGP, UBND TP. HCM vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong mùa mưa bão năm 2025.

TPHCM chủ động ứng phó thiên tai mùa mưa bão | BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
Ảnh minh họa.

Chủ tịch UBND TP. HCM yêu cầu Sở Nông nghiệp - Môi trường (NN-MT) kiểm tra, giám sát các cơ sở xử lý chất thải, đặc biệt là việc khống chế mùi hôi tại các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, chủ trì đánh giá, phân loại sự cố môi trường trên địa bàn, tham mưu phương án xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Sở Xây dựng được giao chủ trì kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến xây dựng trái phép tại khu vực thu gom nước thải, bờ kênh, bờ sông; rà soát các tuyến thoát nước, công trình ngăn triều, phát hiện kịp thời nguy cơ sạt lở, vỡ đê để chủ động ứng phó.

UBND các xã, phường, đặc khu phải phối hợp thông tin, tiếp nhận phản ánh của người dân về mùi hôi từ Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh (nay là xã: Vĩnh Lộc, Tân Vĩnh Lộc, Bình Lợi, Tân Nhựt, Bình Chánh, Hưng Long, Bình Hưng) và Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc huyện Củ Chi (nay là xã: Củ Chi, Tân An Hội, Thái Mỹ, An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Phú Hòa Đông, Bình Mỹ); tổng hợp và chuyển thông tin kịp thời đến Sở TN-MT và các đơn vị liên quan để xử lý.

Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 18/7/2025
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO