Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 20/9/2024

10:02 20/09/2024

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 20/9/2024

TP. HCM sẽ mở rộng lắp đặt đèn giao thông tự chỉnh thời gian theo lưu lượng xe

Theo báo Tuổi Trẻ, thông tin được ông Võ Khánh Hưng, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. HCM nêu tại tọa đàm "Chuyển đổi số trong quản lý đô thị: Xu hướng và giải pháp cho TP. HCM" do báo Người Lao Động tổ chức ngày 19/9.

Ở các giao lộ sẽ có hệ thống camera quét lưu lượng giao thông, từ đó tự điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu.
Ở các giao lộ sẽ có hệ thống camera quét lưu lượng giao thông, từ đó tự điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu.

Tại tọa đàm, ông Hưng cho biết, thời gian qua sở đã tích cực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải. Trước hết, sở đã thực hiện số hóa hồ sơ giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Trong quản lý điều hành giao thông, sở đã lắp bổ sung 198 camera giám sát giao thông tại các nút giao (nâng tổng số camera lên hơn 1.000). Các camera này có chức năng kết nối tích hợp và chia sẻ dữ liệu qua hệ thống màn hình, có nhân viên theo dõi 24/24 giờ. Qua đó các thông tin được chia sẻ, cung cấp cho cảnh sát giao thông, công an địa phương...

Đặc biệt, ngoài việc theo dõi đèn tín hiệu giao thông, sở đang phối hợp với một số đơn vị để đưa vào lắp đặt thí điểm đèn tín hiệu giao thông thông minh. Cụ thể, ở các giao lộ sẽ có hệ thống camera quét lưu lượng giao thông, từ đó tự điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu.

Hơn 3.000 vị trí việc làm đợi người lao động

Báo Pháp Luật TP cho hay, ngày 19/9, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã tổ chức "Sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến lần 5 năm 2024” và “Phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và các tỉnh, thành phố lân cận quý III năm 2024".

Người lao động được tiếp cận vị trí việc làm từ nhiều cấp độ từ chuyên viên đến quản lý, nhưng chủ yếu nhất vẫn là lao động phổ thông.
Người lao động được tiếp cận vị trí việc làm từ nhiều cấp độ từ chuyên viên đến quản lý, nhưng chủ yếu nhất vẫn là lao động phổ thông.

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, sàn giao dịch lần này quy tụ 46 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với hơn 3.000 vị trí việc làm, đa dạng ngành nghề như kinh doanh, sản xuất, dịch vụ, thương mại và kỹ thuật.

"Sàn giao dịch việc làm lần này là một phần trong chuỗi hoạt động của trung tâm nhằm đẩy mạnh kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp, góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm tại TP.HCM. Trung tâm dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện tương tự trong thời gian tới nhằm hỗ trợ người lao động tiếp cận cơ hội việc làm một cách hiệu quả nhất" - bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM cho hay.

M.T (25 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức) cho biết em đã tìm kiếm việc làm qua các nền tảng tuyển dụng trực tuyến như TopCV và VietnamWorks nhưng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với mong muốn. Đây là lần đầu M.T tham gia sàn giao dịch việc làm.

Đoàn y-bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường hỗ trợ người dân miền Bắc

Báo Người Lao Động cho biết, sáng 19/9, đoàn công tác y-bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) đã lên đường tham gia khắc phục hậu quả và hỗ trợ nhân dân các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do bão, lũ.

Đoàn y-bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường hỗ trợ người dân bị thiên tai
Đoàn y-bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường hỗ trợ người dân bị thiên tai

Theo lịch trình hoạt động, từ ngày 19 đến 23/9, đoàn y - bác sĩ trẻ sẽ thực hiện nhiệm vụ khám, phát thuốc cho bà con tại các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên-tỉnh Lào Cai và huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Ngoài ra, đoàn còn hỗ trợ bà con dọn dẹp vệ sinh môi trường, tặng quà, sửa chữa nhà cho người dân bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng bão.

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy chúc các bác sĩ trẻ sẽ có một chuyến công tác thuận lợi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng chung tay, góp sức và xoa dịu phần nào sự mất mát mà cơn bão Yagi đã gây ra cho đồng bào miền Bắc.

TP. HCM đốn hạ, thay thế gần 2.800 cây xanh mất an toàn

Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. HCM đã thay thế 2.765 cây xanh hư hại, khiếm khuyết, chết khô để đảm bảo an toàn cho người dân.

https://thanhnien.vn/tphcm-don-han-thay-the-gan-2800-cay-xanh-mat-an-toan-185240919172128389.htm#:~:text=C%C3%B4ng%20nh%C3%A2n%20c%C3%A2y%20xanh%20c%E1%BA%AFt%20t%E1%BB%89a%20c%C3%A0nh%20nh%C3%A1nh%20c%C3%A2y%20m%E1%BA%A5t%20an%20to%C3%A0n%20trong%20c%C3%B4ng%20vi%C3%AAn%20Tao%20%C4%90%C3%A0n%20(Q.1%2C%20TP.HCM)
Công nhân cây xanh cắt tỉa cành nhánh cây mất an toàn trong công viên Tao Đàn (Q.1, TP.HCM)

Thông tin trên được ông Hồ Hữu Hải, Phó trưởng phòng Công viên cây xanh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP. HCM), cho biết tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ chiều 19/9. Nội dung trên báo Thanh Niên.

Ông Hải cho hay, công tác quản lý, chăm sóc bảo dưỡng công viên cây xanh được đơn vị thực hiện thường xuyên và liên tục. Trước mùa mưa bão, trung tâm xây dựng kế hoạch và tiến hành cắt tỉa cành nhánh, rà soát cây xanh có cành nhánh phát triển mạnh, các cành sam mục, nguy cơ gãy nhánh, xử lý nhánh khô, hạ thấp chiều cao cây và rà soát xử lý cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn.

Về công tác cắt tỉa, xử lý nhánh khô, mỗi năm thực hiện 2 lần, đến nay, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật cắt tỉa xong đợt 1 và đang tiến hành cắt tỉa đợt 2. Bên cạnh đó, trung tâm cũng hạ thấp chiều cao 193 cây, thay thế 2.765 cây xanh hư hại, khiếm khuyết, chết khô.

Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học giáo dục nghề nghiệp đạt 26%/năm

Báo Phụ Nữ TP đưa tin, Sở GD-ĐT đã phối hợp Sở LĐ-TB&XH tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023-2025.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) tham gia ngày hội hướng nghiệp, tuyển sinh sau THCS - Ảnh: T.T.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) tham gia ngày hội hướng nghiệp, tuyển sinh sau THCS - Ảnh: T.T.

Kết quả này dự báo nhiều thách thức đối với 2 ngành trong việc thực hiện Đề án phân luồng học sinh, đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay tích cực hơn của các cơ quan, đơn vị, và chính quyền địa phương các cấp.

Do đó, Sở GD-ĐT tiếp tục ký kết quy chế phối hợp với Sở LĐ-TB&XH. Gồm các nội dung cụ thể như: tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật; thực hiện thống kê, phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của cơ sở giáo dục; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của các cơ sở giáo dục, và phối hợp đề xuất xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định pháp luật.

Song song đó, 2 ngành phối hợp tổ chức các hoạt động để thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học vào học giáo dục nghề nghiệp; thực hiện định kỳ 6 tháng/lần trao đổi thông tin; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc tổ chức đào tạo kiến thức văn hóa THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

Phát động cuộc thi viết "Những kỷ niệm về thầy cô và mái trường"

Chiều qua, Báo Giáo dục Thời đại (đơn vị thường trực) phối hợp với Bộ GD-ĐT (đơn vị tổ chức) tổ chức lễ phát động cuộc thi viết "Những kỷ niệm về thầy cô và mái trường". Tin từ báo SGGP.

Ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục Thời đại thông tin cuộc thi tại lễ phát động. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục Thời đại thông tin cuộc thi tại lễ phát động. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo ban tổ chức, cuộc thi sẽ tập trung vào những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường: Những ấn tượng sâu sắc về thầy cô giáo mà tác giả yêu quý, ngưỡng mộ hoặc những tác động, ảnh hưởng đặc biệt của thầy cô giáo tới việc học tập, nhận thức, làm thay đổi cuộc sống của cá nhân tác giả.

Nội dung cuộc thi viết cũng tập trung vào những tình huống sư phạm tiêu biểu, điển hình và cách giải quyết các tình huống ấy của thầy cô giáo mà tác giả đã từng gặp hoặc trải qua, thể hiện năng lực nghề nghiệp, khả năng sáng tạo... những kỷ niệm, những ấn tượng, tình cảm gắn bó sâu sắc đối với ngôi trường mà tác giả hoặc bạn bè, người thân của tác giả đã và đang theo học...

Đối tượng tham gia cuộc thi viết: là công dân Việt Nam, có tác phẩm phù hợp với thể lệ của cuộc thi. Cuộc thi sẽ có 2 giải tập thể, 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba, 10 giải Khuyến khích, 2 Giải dành cho nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải, Giải thưởng phụ do Ban Tổ chức cuộc thi xem xét, quyết định, tùy tình hình thực tế của mỗi năm tổ chức.

Cảnh báo hàng chục điểm sạt lở tại TP. HCM trong mùa mưa lũ

Thông tin trên báo Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Vũ, Chi Cục trưởng Chi cục thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM) cho biết hiện TP có 32 vị trí sạt lở gồm: thành phố Thủ Đức (7); huyện Nhà Bè (7); huyện Bình Chánh (4); huyện Hóc Môn (1) huyện Củ Chi (1); huyện Cần Giờ (5); quận Bình Thạnh (5); quận 12 (2).

Thành phố đang nỗ lực gia cố các điểm sạt lở, bảo vệ an toàn cho các công trình và tài sản, tính mạng của người dân
Thành phố đang nỗ lực gia cố các điểm sạt lở, bảo vệ an toàn cho các công trình và tài sản, tính mạng của người dân

Đến nay đã có 24 vị trí sạt lở đang được TP. HCM có chủ trương đầu tư thi công, 8 vị trí sạt lở còn lại, thành phố đã giao cho UBND các quận, huyện lập kế hoạch để gia cố trong tình huống mưa bão và triều cường cao.

Theo ông Vũ, các điểm sạt lở nguy hiểm điển hình đe dọa đến sự an toàn của các công trình được đại diện Sở NN&PTNT nêu ra gồm: hệ thống công trình thủy lợi Kênh Đông Củ Chi-N31A hiện đang trong thời gian cắt, giảm nước chuyển vụ từ vụ Đông Xuân 2023-2024 sang vụ Hè Thu 2024, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi thành phố đã rà soát hiện trạng và thực hiện sửa chữa một số tuyến kênh như kênh Đông, kênh N38, kênh N43 để đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa lũ năm 2024.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục