Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 25/4/2025
Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 25/4:
Xúc động và tự hào Lễ chào cờ Tôi yêu Tổ quốc tôi kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
VTV đưa tin, Lễ chào cờ cấp Thành phố diễn ra tại Nhà Văn hoá Thanh niên Thành phố, với sự tham dự của các thành viên Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn, những người từng tham gia khởi nghĩa nổi dậy giành chính quyền trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

Nhà Văn hóa Thanh niên - địa chỉ số 4 Duy Tân (nay là số 4 đường Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, Quận 1) là trung tâm đấu tranh chính trị của thanh niên, sinh viên, học sinh do Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định trực tiếp lãnh đạo. Ngày 30/4/1975, cách đây tròn nửa thế kỷ, số 4 Duy Tân là điểm hội tụ của 5 cánh quân Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định tiến về giải phóng thành phố.
Tại chương trình, đại diện thanh niên Thành phố đã phát biểu cảm tưởng, tri ân những người đã làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. "50 năm - một chặng đường không quá dài, nhưng đủ để khẳng định sức sống mãnh liệt của một đất nước đã đi qua chiến tranh, vượt qua bao thử thách để vươn mình mạnh mẽ trong hòa bình. Quá khứ, nhờ cha anh, tương lai, để chúng cháu. Chúng ta sẽ cùng nhau "viết tiếp câu chuyện hòa bình" bằng chính sức mạnh, trí tuệ và tinh thần con người Việt Nam".
Dịp này, Hội LHTN Việt Nam đã gởi phần quà tri ân đến các thành viên của Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn TP. HCM. Đồng thời, trao tặng Huy hiệu kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cho 50 đoàn viên thanh niên tiêu biểu của Thành phố.
Trưng bày chuyên đề 'Từ Hiệp định Paris đến Đại thắng mùa Xuân 1975'
Báo Pháp Luật TP cho biết, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã khai mạc trưng bày chuyên đề "Từ Hiệp định Paris đến Đại thắng mùa Xuân 1975" nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Phát biểu khai mạc, ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Phó Giám đốc quản lý, phụ trách điều hành Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cho biết trưng bày sẽ mang đến cho công chúng một cái nhìn chân thực và sinh động về cuộc đấu tranh kiên cường của quân và dân Việt Nam trên cả mặt trận ngoại giao, chính trị và quân sự.
Chúng tôi hi vọng rằng, thông qua trưng bày này, công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, sẽ có thêm những hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, từ đó thêm tự hào và trân trọng giá trị của hòa bình" - ông Lâm Ngô Hoàng Anh cho hay.
Chuyên đề "Từ Hiệp định Paris đến Đại thắng mùa Xuân 1975" trưng bày 140 hiện vật, hình ảnh và tài liệu, tập trung vào 3 nội dung chính: Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Đại thắng mùa xuân năm 1975 và Hòa bình.
Cờ tổ quốc, Gấu bông chú bộ đội… hút hàng
Báo Phụ Nữ TP ghi nhận, càng gần đại lễ 30/4, các sản phẩm như cờ tổ quốc, áo thun in hình cờ đỏ sao vàng, gấu bông hình chú bộ đội… càng được người tiêu dùng tìm mua nhiều.

Gấu bông chú bộ đội là sản phẩm đang được giới trẻ tại TP.HCM săn tìm trong những ngày qua. Với các bạn trẻ, đó không chỉ là sản phẩm trang trí bàn học, góc làm việc, mà còn là một biểu tượng cho tinh thần Việt Nam. Đây là sản phẩm được công ty ZooZoo (chuyên kinh doanh thú bông các loại) ra mắt vào đầu tháng Tư năm nay. Không tiết lộ con số cụ thể, song chị Nguyễn Thị Phương Thúy - người sáng lập ZooZoo - cho biết, ngay khi ra mắt, sản phẩm này đã trở thành mặt hàng bán chạy nhất của công ty.
Cờ tổ quốc có giá từ 40.000 đồng/sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong những ngày gần đây. Tại nhiều sạp hàng dọc các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, Tân Bình), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức)…, lượng khách mua tăng đột biến so với tuần trước.
Anh H.T.Q. - chủ cửa hàng Tấn Quy, trên đường Hồ Bá Phấn (TP Thủ Đức) - cho biết: “Khách mua hàng đa phần chọn cờ có kích thước 60cm x 90cm. Tuy nhiên, do số lượng người mua tăng, nên hơn 300 cờ tổ quốc (gồm cán và lá cờ) được nhập về hồi đầu tháng đã bán hết. Hiện đã sát ngày lễ, không tìm được nguồn hàng mới nên tôi chỉ tập trung bán cờ cầm tay phục vụ các nhóm thanh niên, học sinh, sinh viên và đoàn thể”.
Ngoài 2 mặt hàng trên, áo thun in hình cờ tổ quốc, miếng dán mặt in hình cờ tổ quốc… cũng là sản phẩm bán chạy không kém.
Thêm nhiều nhà cung cấp rau, quả... tham gia chương trình kiểm soát chất lượng hàng hóa
Chiều 24/4, Sở Công Thương TP.HCM phối hợp hệ thống bán lẻ MM Mega Market tổ chức lễ ký kết với các nhà cung cấp tham gia chương trình "Tick xanh trách nhiệm". Tin trên báo Tuổi Trẻ.

Có 7 nhà cung cấp tham gia ký kết lần này, trong đó phần lớn là các đơn vị sản xuất thực phẩm, rau củ như Công ty TNHH Thaicorp International Việt Nam, Tổ hợp tác rau an toàn Nguyễn Thành Đạt, HTX nông nghiệp Kim Long - sản phẩm dưa lưới...
Ông Nguyễn Đức Toàn - giám đốc thương mại MM Mega Market Việt Nam - cho biết từ đầu năm 2025, MM Mega Market đã dành riêng một khu vực trưng bày cho các sản phẩm đạt chứng nhận Tick xanh trách nhiệm. Tính đến nay, doanh nghiệp đã ký kết hợp tác với khoảng 50 nhà cung cấp, triển khai hơn 200 mã hàng tham gia. Doanh thu nhóm hàng này tăng trưởng 20% sau khi tham gia.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, việc có thêm nhiều nhà cung cấp tham gia chương trình sẽ góp phần giúp TP xây dựng chuỗi cung ứng trách nhiệm từ sản xuất, chế biến đến phân phối và tiêu dùng. Qua đó đảm bảo yêu cầu cao nhất về an toàn thực phẩm đến tay người tiêu dùng.
Nhiều người rút hồ sơ vì tiền sử dụng đất quá cao
Trước khi bảng giá đất điều chỉnh tại TP.HCM có hiệu lực, những người có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) đã chạy đôn chạy đáo nộp hồ sơ để được tính tiền SDĐ theo bảng giá đất cũ, thấp hơn hàng chục lần. Tuy nhiên, do cách hiểu khác nhau về thời điểm tính tiền SDĐ dẫn đến số tiền SDĐ họ phải đóng lại quá cao, vượt quá khả năng tài chính.

Chia sẻ với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Sáng, một người dân tại H.Củ Chi, than thở hồi tháng 10/2024 khi nghe thông tin TP.HCM sẽ ban hành bảng giá đất điều chỉnh, tiền SDĐ cũng tăng tương ứng. Để được tính tiền chuyển quyền SDĐ theo bảng giá cũ, ông đã nhanh chóng đi làm hồ sơ xin chuyển 91 m2 đất nông nghiệp lên đất ở. Hồ sơ của ông nộp vào bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ của H.Củ Chi vào ngày 29/10/2024. Tuy nhiên tháng 12/2024 ông Sáng nhận được thông báo đóng tiền SDĐ hơn 1,1 tỉ đồng. Trong khi nếu tính theo bảng giá đất cũ, ông chỉ phải đóng 91 triệu đồng. Mức tăng gấp hơn 10 lần đã làm ông choáng váng.
Một trường hợp khác là ông Phạm Văn Hải, nhà ở Q.12, cũng đã rút lại hồ sơ chuyển mục đích SDĐ khi số tiền SDĐ được thông báo lên đến 1 tỉ đồng cho khu đất hơn 63,4 m2. Số tiền này vượt quá khả năng của gia đình, nhưng nếu ông không đóng sẽ bị phạt lãi suất chậm nộp. Cuối cùng ông đành rút hồ sơ về.
Dù chưa có con số thống kê chính thức, tuy nhiên theo một lãnh đạo UBND Q.12, hồ sơ người dân chuyển mục đích SDĐ xin rút lại cũng rất nhiều. Ghi nhận tại H.Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn... cũng xảy ra tình trạng tương tự. Khi tiền SDĐ tăng quá cao so với tính toán ban đầu, nhiều người buộc phải xin rút hồ sơ về, không thể tiếp tục chuyển mục đích SDĐ.
TP. HCM tổ chức lại trường học, trạm y tế sau khi bỏ cấp huyện
Báo Lao Động cho biết, UBND TP. HCM vừa đưa ra định hướng sắp xếp lại bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện hiện nay. Theo đó, Chủ tịch UBND TP. HCM chỉ đạo các sở, ngành và UBND các địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức lại bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng chuyển giao phù hợp cho chính quyền cấp xã mới.

Sở GD-ĐT TP. HCM được giao chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và UBND cấp huyện tham mưu UBND Thành phố phương án chuyển giao các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập về cho đơn vị hành chính cấp xã mới quản lý. Điều này nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý giáo dục ở cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống Trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp và các Trường trung cấp nghề đang thuộc cấp huyện quản lý sẽ được rà soát, đề xuất chuyển về Sở GD-ĐT để tổ chức lại, cung cấp dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.
Sở Y tế TP. HCM chủ trì xây dựng phương án tổ chức lại các Trạm Y tế xã, phường nhằm bảo đảm chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đồng thời đề xuất mô hình đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc UBND cấp xã trong điều kiện dân số, diện tích phù hợp. Ngoài ra, các Trung tâm y tế và Bệnh viện đa khoa cấp huyện sẽ được chuyển giao về Sở Y tế quản lý, tái tổ chức theo hướng cung ứng dịch vụ theo cụm địa bàn liên xã, phường.
TP. HCM phê duyệt 65 tuyến sông, kênh, rạch kiểm soát chặt nguồn ô nhiễm
Ngày 24/4, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường ký ban hành Quyết định số 1584/QĐ-UB phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải và sức chịu tải của 65 tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố. Đây là một bước đi quan trọng nhằm tăng cường quản lý chất lượng môi trường nước mặt, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong bối cảnh đô thị hóa nhanh. Nội dung trên báo SGGP.

Theo quyết định, Sở TN-MT TP. HCM có vai trò chủ trì, phối hợp các sở, ngành và địa phương triển khai các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát nguồn thải vào hệ thống sông, kênh, rạch. Đồng thời, sở này sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt và cập nhật điều chỉnh danh mục tiếp nhận nước thải khi cần thiết.
Các sở, ngành khác như Sở Xây dựng, Sở Giao thông Công chánh, Sở Công thương và Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố cũng được phân công nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt, các khu dân cư mới và khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, phù hợp với sức chịu tải của các dòng sông. Hoạt động vận tải thủy, bến bãi, bến cảng... cũng phải kiểm soát chặt nguồn xả thải.
Chính quyền các cấp quận, huyện và phường, xã, thị trấn có trách nhiệm phối hợp bảo vệ tài nguyên nước, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời sự cố ô nhiễm, đồng thời hỗ trợ công tác quan trắc và giám sát tài nguyên nước trên địa bàn.
Sẽ có một khối đặc biệt được ngồi khi diễu hành trong Đại lễ 30-4
Báo NLĐ ghi nhận tại buổi họp báo chiều 24/4, ông Hà Quốc Cường, Giám đốc Nhà hát Kịch thành phố - Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, trên địa bàn thành phố không khí rất sôi nổi, lan rộng ra cả nước. Hình ảnh bộ đội Cụ Hồ, chiến sĩ công an ngày càng đẹp hơn, gần hơn với nhân dân, tạo dấu ấn mạnh mẽ với bạn bè quốc tế.

Tổng khối diễu binh, diễu hành trong lễ kỉ niệm là 56 khối, trong đó TP HCM được giao 12 khối diễu hành quần chúng, 3 khối xe nghi trượng, 1 khối đứng nền.
12 khối diễu hành do TP HCM phụ trách gồm: khối tôn vinh các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, nhân chứng lịch sử tiêu biểu (diễu hành trên xe); khối MTTQ Việt Nam; khối Cựu chiến binh; khối Cựu Thanh niên xung phong giải phóng; khối Công nhân; khối Nông dân; khối Trí thức; khối Doanh nhân; khối Đồng bào Việt Nam ở nước ngoài; khối Phụ nữ; khối Thiếu nhi và Thanh niên; khối Văn hóa - Thể thao - Truyền thông.
Trong 12 khối diễu hành, có một khối rất đặc biệt là khối tôn vinh các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, nhân chứng lịch sử tiêu biểu.
Đây là khối duy nhất được ngồi khi tham gia diễu hành. 350 đại biểu sẽ ngồi trên 7 xe buýt 2 tầng được thiết kế 2 bên hông xe là lá cờ Giải phóng và lần lượt các xe có tên địa danh tỉnh thành phố của cả nước.