Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 25/10/2024

10:19 25/10/2024

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 25/10:

Quy định về việc chuyển quyền sử dụng đất đã có hạ tầng

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 83/2024 về quy định việc xác định các khu vực chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS), dự án đầu tư xây dựng nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho tổ chức, cá nhân tự xây dựng nhà ở trên địa bàn TP. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 21/10/2024. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.

UBND TP.HCM vừa đưa ra quy định việc xác định các khu vực chủ đầu tư dự án BĐS, dự án đầu tư xây dựng nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: NC
UBND TP.HCM vừa đưa ra quy định việc xác định các khu vực chủ đầu tư dự án BĐS, dự án đầu tư xây dựng nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: NC

Đối tượng áp dụng của quyết định này là chủ đầu tư các dự án BĐS, dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn TP và các tổ chức, cá nhân tham gia chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có trong dự án BĐS, dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn.

Theo đó, nguyên tắc được đưa ra là các chủ đầu tư không được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS, dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho tổ chức, cá nhân tự xây dựng nhà ở.

Ngoại trừ trường hợp chủ đầu tư có mục tiêu tái định cư bằng nền đất tại khu vực xã, thị trấn, huyện của TP, đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 31 Luật Kinh doanh BĐS 2023 và Khoản 1, 2 Điều 45 Luật Đất đai 2024. Khi thực hiện, các chủ đầu tư có mục tiêu tái định cư bằng nền đất tại khu vực xã, thị trấn, huyện của TP phải gửi thông báo bằng văn bản đến Sở Xây dựng, UBND cấp huyện nơi có dự án.

Hơn 1.100 nhà ven kênh rạch TP.HCM đã nhận bồi thường, di dời

ZNews cho hay, tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều 24/10, ông Lý Thanh Long, Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM trước đó đã ban hành Quyết định số 3837 về Kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

TP.HCM dự kiến đến hết 2025 sẽ bồi thường, di dời được 5.102/6.500 căn nhà ven kênh, đạt tỷ lệ 78% chỉ tiêu đề ra. Ảnh: Duy Hiệu.
TP.HCM dự kiến đến hết 2025 sẽ bồi thường, di dời được 5.102/6.500 căn nhà ven kênh, đạt tỷ lệ 78% chỉ tiêu đề ra. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo đó, TP đặt mục tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà nằm trên và ven kênh rạch, dự kiến hoàn tất việc di dời trước ngày 30/4/2025. "Đến nay, TP đã bồi thường, di dời được 1.149/6.500 căn. Trong đó, 2 dự án đã hoàn thành và 7 dự án đang triển khai", ông Long nhấn mạnh.

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết những dự án này là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, trong đó dự án rạch Xuyên Tâm là dự án trọng tâm, với quy mô di dời 2.215 căn nhà.

Theo phương án bố trí vốn hiện nay, đến hết năm 2025, cơ quan này dự kiến chỉ thực hiện bồi thường, di dời được 5.102/6.500 căn, đạt tỷ lệ 78,5% chỉ tiêu đề ra.

TP. HCM đề xuất giữ ổn định kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Theo VietNamPlus, năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện tuyển sinh lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội về Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh Trung học Cơ sở và tuyển sinh Trung học Phổ thông.

Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Thủ Đức) xem thông tin phòng thi vào lớp 10 năm học 2024-2025. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Thủ Đức) xem thông tin phòng thi vào lớp 10 năm học 2024-2025. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Quy chế lần này là môn thi thứ ba trong phương thức thi tuyển phải được thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Chia sẻ về vấn đề này, ngày 24/10, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM cho biết quan điểm của Thành phố là giữ ổn định việc tổ chức tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 như các năm học trước, trên cơ sở có rà soát và đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định trong quy chế thi tuyển sinh của Bộ.

Sở cũng đề xuất nên để các địa phương chủ động trong việc chọn môn thi thứ ba trong thi tuyển sinh lớp 10, trên tinh thần đảm bảo đánh giá toàn diện năng lực, phẩm chất của người học theo đúng chương trình mới; đồng thời phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực của mỗi địa phương.

Nâng cao phúc lợi cho đoàn viên - lao động

Báo Người Lao Động cho biết, vừa qua, LĐLĐ quận 8, TP. HCM đã phối hợp với Công ty CP Thương mại Dịch vụ Thiện Pháp tổ chức lễ ký kết hợp tác và ra mắt "Điểm phúc lợi Công đoàn" tại địa chỉ 769A-B Phạm Thế Hiển, phường 4. Sau khi khai trương, điểm phúc lợi này sẽ mở cửa xuyên suốt để phục vụ nhu cầu mua sắm của đoàn viên.

Đoàn viên và người dân quận 8, TP HCM mua sắm tại điểm phúc lợi .Ảnh: THANH NGA
Đoàn viên và người dân quận 8, TP HCM mua sắm tại điểm phúc lợi .Ảnh: THANH NGA

Các mặt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng tại đây đều được bán với giá ưu đãi (giảm 5% - 30%), giúp người lao động tiết kiệm chi phí mua sắm. Dịp này, Công ty CP Thương mại Dịch vụ Thiện Pháp đã trao tặng hơn 100 phiếu mua hàng miễn phí cho đoàn viên và các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương với tổng kinh phí hơn 30 triệu đồng.

Cùng ngày, hơn 150 công nhân tổ tự quản ở địa chỉ 63A Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP. HCM đã tham dự buổi tuyên truyền về chính sách phát triển giáo dục mầm non và cuộc vận động "Người dân TP. HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước".

Tại chương trình, LĐLĐ quận Tân Phú cũng đã phối hợp Công ty TNHH Thiện Pháp bán sản phẩm bình ổn giá cho người lao động; trao 24 phần quà cho nữ công nhân khó khăn (300.000 đồng/phần).

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề có việc làm cao nhất cả nước

Thông tin trên báo Phụ Nữ TP, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. HCM cho hay, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng (năm 2023) có việc làm sau khi ra trường đạt 90,16%; trung cấp là 84,26%. Tỉ lệ này cao hơn mức trung bình của cả nước (sinh viên tốt nghiệp cao đẳng ra trường có việc làm đạt 79%, trung cấp đạt 82%). 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một số trường tỉ lệ này đạt 100% như: Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP. HCM…

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của TP. HCM đang đào tạo khoảng 400.000 người. Trong đó, 40,65% sinh viên, học sinh tốt nghiệp ở các ngành công nghiệp trọng yếu; 50,06% tốt nghiệp ở các ngành dịch vụ; 2,13% tốt nghiệp ở các ngành thuộc 8 ngành tự do dịch chuyển trong khối ASEAN và 7,16% tốt nghiệp các ngành đào tạo khác.

Trong đó, nhiều trường đào tạo các ngành đặc thù như: điều dưỡng, dược sĩ, y sĩ trình độ trung cấp được các cơ sở y tế công lập tuyển dụng. Chất lượng của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng được đánh giá cao, hiện có 56 chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở TP. HCM đã được kiểm định, trong đó có 2 chương trình đào tạo được cơ quan kiểm định ABET (Mỹ) đánh giá và công nhận đạt chuẩn.

Sở Y tế TP.HCM sẽ công bố hết dịch sởi

Báo Thanh Niên đưa tin, chiều 24/10, Đảng ủy Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng 9 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng chống dịch sởi trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua.

PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 9 tháng đầu năm 2024
PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 9 tháng đầu năm 2024

Ông Dũng cho biết, tháng 8 vừa qua, dịch sởi bùng phát tại TP.HCM với 1.083 ca được ghi nhận, trong đó có 480 ca dương tính. Ngành y tế đã triển khai các biện pháp phòng ngừa như tăng cường tiêm chủng vắc xin cho trẻ em, nhân viên y tế và các đối tượng có nguy cơ. Tính đến tháng 10.2024, có 218.298 mũi vắc xin sởi được tiêm, đạt tỷ lệ 98,07% cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, ngành y tế TP.HCM luôn chủ động, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh, đặc biệt là dịch sởi. Từ đó, TP.HCM sẽ tiến đến công bố hết dịch sởi trên địa bàn.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm, Sở Y tế TP.HCM đã củng cố và nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, phát triển y tế cộng đồng. TP.HCM đã triển khai mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Tính đến ngày 11.10, số lượng cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là 13.203 người, đạt tỷ lệ 82,41% chỉ tiêu đề ra.

Giá thuê nhà cho công nhân trong khu công nghiệp ở TP.HCM từ 87.000 đồng/m2

Báo Tuổi Trẻ cho hay, UBND TP.HCM vừa có quyết định ban hành khung giá cho thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp tại TP.HCM.

Cổng chào Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG NHI
Cổng chào Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Theo quyết định, khung giá cho thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp được xác định theo công thức: giá thuê 1 (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) + giá thuê 2 (chỉ tính chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư - nếu có).

Giá thuê không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thấp nhất là 87.000 đồng/m2/tháng, cao nhất 143.000 đồng/m2/tháng. Như vậy, giá thuê một phòng trọ 20m2 trong khu công nghiệp sẽ từ 1.740.000 đồng/tháng.

Khung giá cho thuê này không bao gồm chi phí quản lý vận hành, mua bảo hiểm cháy nổ, trông giữ xe, sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc và chi phí dịch vụ khác.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục