Khai mạc triển lãm ảnh “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Dấu ấn một nhiệm kỳ”
Báo SGGP đưa tin, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM đã khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Dấu ấn một nhiệm kỳ”.
Triển lãm ảnh chia thành 3 cụm chủ đề. Cụm 1 với 70 hình ảnh về hoạt động của MTTQ Việt Nam TP. HCM. Cụm 2 với 56 hình ảnh giới thiệu về các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động.
Cụm 3 trưng bày 68 hình ảnh về những khoảnh khắc không thể nào quên của hệ thống MTTQ Việt Nam TP. HCM, các tổ chức thành viên trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 cam go, quyết liệt, có mất mát, đau thương, nhưng sáng ngời tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào.
Triển lãm diễn ra từ nay đến ngày 5/10, tại công viên Lam Sơn, đường Đồng Khởi, quận 1 (phía trước Sở VH-TT TP.HCM, đối diện công viên Chi Lăng). Ngày 2/10 và 3/10, triển lãm ảnh “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Dấu ấn một nhiệm kỳ” cũng sẽ được tổ chức tại Hội trường thành phố (số 111, Bà Huyện Thanh Quan, quận 3).
Tiếp nhận hơn 192 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão số 3
Thông tin trên VietNamPlus, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM cho biết tính đến 23 giờ 59 phút ngày 23/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố - Ban Vận động cứu trợ đã tiếp nhận sự ủng hộ từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi) với tổng số tiền hơn 192,3 tỷ đồng.
Trong số đó, tiền mặt đã tiếp nhận là gần 12 tỷ đồng; qua tài khoản ngân hàng là hơn 175 tỷ đồng và hơn 53.287USD; qua tài khoản kho bạc là hơn 5 tỷ đồng.
Riêng trong chiều 24/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố-Ban Vận động đã tiếp nhận gần 2,9 tỷ đồng từ 4 đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ, trong đó, Tập đoàn NovaGroup ủng hộ 2,45 tỷ đồng do cán bộ nhân viên tự nguyện trích ngày lương từ ngày 12/9 đến 23/9.
Vừa qua, TP. HCM đã quyết định phân phối 100 tỷ đồng đến 13 tỉnh, thành phố miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 và lũ lụt trong thời gian qua. Cụ thể, phân phối 30 tỷ đồng cho các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái (10 tỷ đồng/tỉnh); 70 tỷ đồng cho 10 tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu và Phú Thọ (7 tỷ đồng/tỉnh, thành phố).
TP.HCM hoàn tất chiến dịch tiêm vắc xin phòng dịch sởi trong tháng 9
Theo Sở Y tế TP.HCM, từ đầu năm 2024 đến nay, TP.HCM đã có 743 ca mắc bệnh sởi. Trong đó, trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 45%; trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi chiếm tỷ lệ 15%; trẻ dưới 9 tháng chiếm tỷ lệ 24%; nhóm từ 11 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ 15%. Có 3 ca bệnh sởi tử vong (2 ca của TP.HCM và 1 ca từ tỉnh khác). Nội dung trên báo Thanh Niên.
Cũng theo Sở Y tế, tính đến thời điểm này đã có 55 trường học tại 17 quận huyện phát hiện ca bệnh sởi, trong đó 27 trường học kết thúc theo dõi (dưới 21 ngày từ thời gian khởi phát ca cuối cùng), 28 trường còn đang trong thời gian theo dõi.
Liên quan chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, từ ngày 31/8 đến nay, TP.HCM đã triển khai 1.294 điểm tiêm với 130.487 mũi cho nhiều đối tượng. Trong đó đã tiêm được 35.145 trẻ ở nhóm từ 1 - 5 tuổi (chiếm 71,8% trong tổng số 48.891 trẻ dự kiến cần tiêm). Đối với nhóm trẻ từ 6 - 10 tuổi, đã tiêm được 84.752 trẻ (chiếm 52,44% trong số 161.064 trẻ dự kiến cần tiêm)…
Ngành y tế TP.HCM tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhằm cơ bản hoàn tất chiến dịch tiêm phòng dịch sởi trong tháng 9 nhằm chấm dứt dịch trong thời gian sớm nhất.
Trường tiểu học, THCS “nói không” với điện thoại di động
Báo Phụ Nữ TP ghi nhận, mỗi giờ ra chơi, sân Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) luôn nhộn nhịp với các tốp HS chơi thể thao, trò chuyện, đọc sách…
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường - việc để HS bậc THCS mang ĐTDĐ vào trường là chưa thật sự hiệu quả. Theo khảo sát sơ bộ của trường, có khoảng 90% HS có ĐTDĐ, phần lớn mang vào trường chỉ để chơi game, lướt mạng xã hội. “Việc quản lý và xử lý khi cho HS sử dụng ĐTDĐ là rất khó khăn. Giáo viên không thể kiểm soát được hết nên chúng tôi yêu cầu cấm tuyệt đối HS dùng ĐTDĐ khi vào trường nếu không có sự đồng ý của giáo viên. Chỉ khi hết giờ học, nếu muốn liên lạc với phụ huynh, HS mới được dùng ĐTDĐ” - ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Để HS liên lạc với người nhà khi có việc cần, nhà trường trang bị 4 điện thoại bàn, cho gọi miễn phí. HS Phan Nguyễn Bảo Ngọc (lớp 6/4) cho biết, khi kết thúc giờ học buổi chiều, em và nhiều bạn tới chỗ điện thoại công cộng của trường để gọi báo cha mẹ tới đón. HS Quang Anh (khối Tám) nói: “Việc không dùng ĐTDĐ giúp tụi em tập trung hơn trong giờ học, chơi đùa vui vẻ trong giờ ra chơi. Tiết học nào cần tới internet thì tụi em vô phòng máy tính”.
Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) cũng có khoảng 90-92% HS có ĐTDĐ. Ông Cao Đức Khoa - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Nếu mang theo ĐTDĐ, khi tới cổng trường, HS phải tắt máy và không được tự ý dùng cho tới khi hết thời gian học buổi chiều”. Theo ông, HS sử dụng ĐTDĐ sớm có thể bị những nội dung độc hại trên mạng ảnh hưởng xấu, bị mất tập trung, bị bắt nạt hoặc lừa đảo.
Còn ở bậc tiểu học, hầu hết các trường ở TPHCM không khuyến khích HS mang theo điện thoại và các thiết bị điện tử khác tới trường.
Giá rau xanh tại TP.HCM tăng
Chia sẻ với báo Pháp Luật TP, chị Nghiêm Huyền (Gò Vấp) đứng ở chợ Phạm Văn Bạch (Gò Vấp) cho biết một bông súp lơ hơn 1 kg mà hơn 80.000 đồng. Theo đó, giá súp lơ về chợ hiện được nhiều sạp rau cắm biển 7 ngàn/lạng, tức 70.000 đồng/kg.
“Trước đây súp lơ cao lắm mua tại vựa rau này cũng chỉ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Đúng là cầm 100.000 đồng đi chợ, tới sạp rau là hết tiền”- chị Huyền than thở.
Có mặt tại sạp rau của bà Hồng, nằm trong khu chợ Phạm Văn Bạch, khi hỏi mua 10.000 đồng tiền dưa muối sẵn, bà Hồng từ chối bán vì giá rau xanh tăng quá nhiều, phải mua từ 15.000 đồng.
Khảo sát tại một số địa điểm chợ dân sinh khác như chợ Xóm Mới, chợ Thạch Đà (Gò Vấp), chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình)… giá nhiều loại rau xanh đã âm thầm được đổi giá.
Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cũng thông tin, mưa liên tục đã khiến năng suất hầu hết các loại rau củ giảm, nhưng nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến giá và nguồn cung. Dù vậy, vẫn có một số mặt hàng đang có tăng giá nhanh như xà lách búp, ớt hiểm, bầu bí…
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM thông tin về quy hoạch ga Bình Triệu
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa có văn bản gửi Trung tâm Báo chí TP.HCM, về trả lời báo chí các câu hỏi liên quan đến việc ga Bình Triệu (TP Thủ Đức) quy hoạch 'treo' đã hơn 20 năm. Tin trên báo Tuổi Trẻ.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, hiện nay UBND TP đang tổ chức lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Trong đó để khai thác hiệu quả khu vực ga Bình Triệu, đã bổ sung chức năng ga Bình Triệu là ga hành khách các tuyến đường sắt đô thị phục vụ các tuyến metro quy hoạch mới số 3, 6, 8 và tổ chức quy hoạch mô hình TOD khu vực xung quanh ga Bình Triệu.
Sau khi Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được Thủ tướng phê duyệt, UBND TP sẽ tiếp tục tổ chức lập đồ án chuyên ngành giao thông, trong đó sẽ nghiên cứu kế hoạch tổ chức đầu tư các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị.
Không gian Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn – TP. HCM đầy quyến rũ tại Trung Quốc
Báo Người Lao Động cho hay, Không gian triển lãm "TP. HCM - Thành phố với những sắc màu quyến rũ" (Ho Chi Minh City - City of Colourful Charms) đã chính thức được khai mạc trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Asean - Trung Quốc 2024 và Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư Trung Quốc - ASEAN tại Quảng Tây, Trung Quốc.
Không gian triển lãm được triển khai dưới sự chỉ đạo của UBND TP. HCM, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. HCM (ITPC) và Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương phối hợp tổ chức thực hiện từ ngày 24 đến ngày 28/9/2024.
Tại không gian triển lãm, người dân Trung Quốc và bạn bè ASEAN sẽ tận mắt chiêm ngưỡng những hình ảnh và thông điệp của một dòng chảy giao hòa của mảnh đất, con người TP. HCM qua hơn 300 năm hình thành và phát triển. Đây cũng lời giới thiệu đầy tự hào về Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng xinh đẹp, an toàn, giàu bản sắc, trân trọng thiên nhiên.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, cho biết với 8 khu chức năng chính, Không gian triển lãm TP. HCM giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển trong hơn 320 năm của địa danh "Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn – TP. HCM"; các thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Thành phố; tiềm năng, thế mạnh, môi trường kinh doanh và các cơ chế chính sách, đặc thù thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thành phố. Các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu, đặc sắc của TP HCM cũng được giới thiệu tại đây.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)