Việt Nam tham gia Hội nghị Thành phố học tập toàn cầu khu vực Đông Nam Á
Báo SGGP đưa tin, sáng 29/10, tại TP Bangkok (Thái Lan), đại diện các quốc gia Đông Nam Á (gồm Brunei Darusssalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Timor-Leste và Việt Nam) cùng 3 quốc gia là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tham dự Hội nghị Thành phố học tập toàn cầu khu vực Đông Nam Á. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Thụy Mỵ Châu dẫn đầu đoàn công tác của TP.HCM. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/10/2024.
Hoạt động nhằm tìm kiếm nỗ lực chung giữa các thành phố thuộc Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO trong việc thúc đẩy các chương trình nghị sự toàn cầu như: Phiên họp thứ 12 của Diễn đàn Đô thị Thế giới (WUF12) diễn ra tại TP Cairo (Ai Cập) từ ngày 4 đến 8/11/2024; Hội nghị quốc tế lần thứ 6 về các thành phố học tập (ICLC 6) diễn ra tại TP Jubail (Vương quốc Ả Rập Saudi) từ ngày 3 đến 5/12/2024 với chủ đề “Các thành phố học tập đi đầu trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu”...
Tại các phiên làm việc, các thành phố cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, góp phần cung cấp những hiểu biết sâu sắc, các sáng kiến đổi mới nhằm đẩy nhanh tiến độ thúc đẩy học tập suốt đời, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự giáo dục 2030.
1.500 đầu sách đến với học sinh 3 trường tiểu học của huyện Củ Chi
Báo Người Lao Động cho biết, đây là món quà của Ban Dân vận Thành ủy TP. HCM và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tại TP. HCM dành tặng cho các em học sinh huyện Củ Chi.
Theo đó, hướng đến kỷ niệm 94 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024), kỷ niệm 43 năm Ngày thành lập Ban Dân vận Thành ủy TP. HCM (27/11/1981 – 27/11/2024) và kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), Ban Dân vận Thành ủy TP. HCM và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tại TP. HCM phối hợp tổ chức thăm hỏi, trao tặng sách thiếu nhi cho các trường tiểu học trên địa bàn huyện Củ Chi.
Tại đây, Ban Dân vận Thành ủy TP. HCM và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tại TP. HCM đã trao tặng 1.500 đầu sách thiếu nhi cho học sinh của 3 trường học trên địa bàn huyện Củ Chi gồm: trường tiểu học Phan Văn Khải, truờng tiểu học Tân Phú và truờng tiểu học Thị trấn Củ Chi. Tổng giá trị của 1.500 đầu sách là 60 triệu đồng.
Ông Võ Văn Yên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tại TP. HCM mong muốn 1.500 đầu sách mà Ban Dân vận Thành ủy TP. HCM và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tại TP. HCM trao tặng trong đợt này sẽ góp phần nâng cao văn hóa đọc cho thiếu nhi huyện Củ Chi.
Giáo viên, nhân viên đi học sơ cấp cứu
Báo Thanh Niên cho hay, thời gian qua, các cơ sở giáo dục tại TP.HCM chú trọng công tác tập huấn kỹ năng thoát hiểm, ép tim thổi ngạt, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu. Mới đây, hệ thống mầm non Việt Đức tại TP.HCM đã mời chuyên gia Tony Coffey, đồng sáng lập Kỹ năng sinh tồn Survival Skills Vietnam - SSVN, về tập huấn cho đội ngũ.
Tại đây, chuyên gia Tony Coffey đã chia sẻ tới giáo viên (GV), nhân viên về các nguyên nhân gây tử vong cho trẻ liên quan đường thở, chảy máu, bỏng, gãy xương, đuối nước, động kinh… và các phương pháp sơ cấp cứu cụ thể với từng tình huống xảy ra.
Trong hè năm 2024, học sinh (HS) Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1 được học các lý thuyết về cấp cứu và sơ cấp cứu ban đầu, nhận diện sơ cấp cứu sai cách. Dưới sự hướng dẫn của những người có chuyên môn, HS và GV được thực hành các kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân hóc dị vật đường thở, xác định vị trí tim và bắt mạch, kỹ năng ép tim - thổi ngạt trong quy trình hồi sinh tim phổi CPR.
Tại Trường mầm non 19/5 Thành Phố, Q.1, bà Mai Yến Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết theo định kỳ, nhân viên cơ sở y tế địa phương đều tới trường, tập huấn cho GV, nhân viên về sơ cấp cứu trong trường học.
Còn ông Nguyễn Minh Tuấn, chủ Trường mầm non Ngôi Làng Vui Vẻ, Q.Bình Thạnh, cho hay các năm nhà trường đều có lịch định kỳ tập huấn cho đội ngũ GV, nhân viên trong trường về an toàn cho trẻ em. Để an toàn tuyệt đối cho trẻ, vấn đề này thời gian tới sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa.
Phiên chợ tràn ngập niềm vui
Đầu tháng 10/2024, Hội LHPN phường Phước Long B, TP Thủ Đức (TPHCM) đã mở “Buổi chợ nụ cười” lần thứ tư. Đây là phiên chợ không chỉ bán hàng miễn phí mà còn có thông tin tuyên truyền pháp luật, được hội mở từ tháng 6/2024 đến nay, duy trì 1 lần mỗi tháng. Nội dung trên Báo Phụ nữ TP.
16g ngày Chủ nhật, người từ các khu trọ tập trung đến khu trọ của bà Lương Thị Kim Hương - ở hẻm 83, khu phố 14, phường Phước Long B. Trong khoảng sân rộng, một bên bố trí các gian hàng, bên còn lại chủ trọ bày bàn ghế, trái cây, nước mát để mời mọi người ngồi nghe tuyên truyền pháp luật.
Thông tin về các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, bà Võ Thị Kéo - Chủ tịch Hội Luật gia TP Thủ Đức - nói chuyện thật dí dỏm, súc tích, trong đó nhấn mạnh “thiệt đơn, thiệt kép” nếu rút bảo hiểm xã hội 1 lần, những lỗi vi phạm sẽ bị trừ điểm trên giấy phép lái xe, những trường hợp được “tống 3” khi chạy xe máy…
Chị Nguyễn Thị Ngọc Bảo - công nhân Công ty Dệt may Phong Phú - bày tỏ: “Thường thì giờ này tôi chở con đi chợ về nấu bữa tối. Nay cũng đi chợ mà lạ lắm, không tốn tiền, còn được bổ sung nhiều kiến thức. Báo cáo viên trò chuyện như những người bạn ngồi nói chuyện với nhau, nên cảm giác rất dễ chịu, dễ hiểu, dễ nhớ nữa”.
Cải tạo kênh dài nhất TP. HCM gặp trở ngại, nguy cơ trễ hẹn
Báo Lao Động thông tin, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, tuyến kênh dài nhất TP. HCM, sau gần hai năm triển khai mới chỉ hoàn thành 37,9% khối lượng.
Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. HCM (chủ đầu tư), khó khăn đáng kể nhất mà dự án gặp phải là thiếu bãi đổ đất và bùn từ quá trình nạo vét lòng kênh. Ban đầu, các điểm dự kiến để chứa đất bùn tại quận Bình Tân, Gò Vấp và khu xử lý rác Đa Phước ở huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, các địa điểm này gặp phản đối từ người dân và cơ quan quản lý, buộc các đơn vị thi công phải tạm lưu trữ bùn, đất ngay tại công trường. Điều này không chỉ gây trở ngại cho việc nghiệm thu và giải ngân vốn mà còn làm chậm tiến độ thực hiện.
Công tác giải phóng mặt bằng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Một số khu vực đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tuy nhiên vẫn còn 21 trường hợp tái lấn chiếm tại các quận Bình Thạnh, Bình Tân, Quận 12, Gò Vấp và huyện Bình Chánh.
Nguồn cung vật liệu xây dựng như cát, đá cũng gặp tình trạng khan hiếm và giá cả leo thang, gây áp lực tài chính lớn cho các nhà thầu. Thêm vào đó, mùa mưa với triều cường tại TP. HCM khiến nhiều hạng mục phải tạm ngừng thi công, làm tiến độ tiếp tục bị đình trệ.
Diện mạo công viên dọc bờ sông Sài Gòn
ZNews đưa tin, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP.Thủ Đức vừa có Tờ trình đề xuất UBND TP.Thủ Đức phương án chỉnh trang, vận hành công viên bờ sông Sài Gòn.
Theo Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP.Thủ Đức, sau khi được chỉnh trang, vận hành, công viên này sẽ thành nơi vui chơi, giải trí, sáng tạo và luyện tập thể dục thể thao của người dân và du khách khi đến tham quan TP.HCM. Bên cạnh đó, việc xây dựng công viên khu vực này trở thành công viên có chủ đề nhằm tạo điểm nhấn và định hình nên nét văn hóa đặc trưng riêng cho khu vực và TP.Thủ Đức với tên gọi công viên Sáng Tạo (Creative/Innovation Park).
Để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp tham gia, giảm chi phí đầu tư vận hành, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP.Thủ Đức đề xuất UBND TP.Thủ Đức thực hiện chỉnh trang, vận hành công viên này theo hình thức xã hội hóa.
Sau khi cải tạo, khu vực công viên sẽ được bố trí khu tổ chức các sự kiện (bố trí thảm cỏ); sân công viên trung tâm (bố trí thảm cỏ xanh, đường đi dạo/ chạy bộ, sân đa năng; bờ sông gia cố cừ tràm, bao cát chống sạt lở); đường chạy bộ/ xe đạp ven sông (kết nối toàn khu ven sông, cải tạo đường nối tại chân cầu); Nhà điều hành và tiện ích (gồm: nhà vệ sinh, giải khát, cửa hàng tiện lợi); bãi đậu xe.
Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP.Thủ Đức đặt mục tiêu hoàn thành công viên trước Tết nguyên đán Ất tỵ 2025.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)