Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 30/9/2024

10:51 30/09/2024

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 30/9/2024:

Ổn định thị trường, duy trì giá tốt

Một số mặt hàng tại các địa phương chịu tác động trực tiếp bởi mưa lũ, bão đã tăng giá đáng kể. Trong khi đó, TP. HCM và một số tỉnh khu vực ĐBSCL giá cả được duy trì ổn định. Ngành công thương TP đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bán lẻ hiện đại, chợ đầu mối để duy trì nguồn hàng cũng như có mức giá bình ổn.

Người dân chọn mua thực phẩm tươi sống tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: THI HỒNG
Người dân chọn mua thực phẩm tươi sống tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: THI HỒNG

Theo báo SGGP, tại TP.HCM, nhóm hàng thịt heo, trứng, đồ khô vẫn duy trì mức giá ổn định. Riêng mặt hàng rau xanh tại chợ lẻ có nhích lên từ 2.000-5.000 đồng/kg, tùy loại. Ví dụ, cải ngọt có giá 30.000-35.000 đồng/kg, mồng tơi 30.000 đồng/kg, cải thìa 30.000-35.000 đồng/kg. Mức giá này tăng từ 2.000-5.000 đồng/kg tùy loại… Theo lý giải của tiểu thương, hiện tại đang trong mùa mưa, các loại rau ăn lá dễ bị giập nát, khó bảo quản, ảnh hưởng đến sản lượng và giá bán.

Đại diện các chợ đầu mối trên địa bàn TP cho biết, lượng hàng về chợ khá ổn định, mức giá bình ổn. Riêng mặt hàng rau xanh, sức mua thường tăng cao nếu rơi vào thời điểm mùng 1 và 14, 15 âm lịch mỗi tháng. Với những ngày thời tiết mưa gió kéo dài, rau xanh dễ bị giập nát, không đảm bảo chất lượng nên cũng tác động đến giá bán, nhưng không đáng kể. Người tiêu dùng có thể linh hoạt thay thế rau ăn lá bằng các loại rau xanh khác.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, ngành công thương TP luôn đảm bảo nguồn hàng, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại, chợ đầu mối, doanh nghiệp các địa phương… ổn định giá cả cũng như chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm nay, ngành đã có kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường xuyên suốt cả năm, cũng như phục vụ cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán 2025.

Thương nhân TP. HCM mang yêu thương đến với bao người khó

Báo Phụ Nữ TP cho biết, Hội LHPN TP. HCM vừa tổ chức Ngày hội Thương nhân TP. HCM làm công tác xã hội từ thiện lần 7 - năm 2024 với nhiều hoạt động an sinh hướng đến phụ nữ, trẻ em, người già neo đơn…

Các nữ thương nhân tặng quà cho các cụ già tại nhà dưỡng lão Thanh Tâm (thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) - ẢNH: TRANG NGUYỄN
Các nữ thương nhân tặng quà cho các cụ già tại nhà dưỡng lão Thanh Tâm (thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) - ẢNH: TRANG NGUYỄN

Theo đó, 117 trẻ em, phụ nữ yếu thế được Cụm thi đua 2 Hội LHPN TP. HCM (gồm các quận 4, 6, 8, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận) chăm lo trong Ngày hội Thương nhân TP. HCM làm công tác xã hội từ thiện.

Ngày hội tại huyện Cần Giờ được Cụm thi đua 1 (gồm TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình) tổ chức với chuỗi hoạt động: dâng hương tại đền thờ anh hùng liệt sĩ Rừng Sác, phát động và hưởng ứng Ngày hội Thương nhân thành phố làm công tác xã hội từ thiện, tặng quà cho 22 cụ già neo đơn tại nhà dưỡng lão Thanh Tâm, 56 trẻ em khuyết tật tại Trường chuyên biệt Cần Thạnh, tặng 10 phần quà, hỗ trợ tiền mặt mua phương tiện sinh kế cho 4 phụ nữ khó khăn…

Được biết, Ngày hội Thương nhân TP. HCM làm công tác xã hội từ thiện năm nay được tổ chức tại 4 điểm cụm thi đua gồm quận 8, Gò Vấp, Củ Chi và Cần Giờ. Các cấp hội cùng với thương nhân các chợ truyền thống đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại nhiều địa phương như về nguồn, chăm lo cho phụ nữ, trẻ em, người già khó khăn, neo đơn, người yếu thế, trao tặng công trình xanh, ra mắt nhóm kết nối giao thương…

Lắp hơn 200 camera giám sát chợ đầu mối

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Trang tin điện tử Truyền hình Quốc hội cho hay, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các khu vực xung quanh chợ đầu mối trên địa bàn TP. HCM, các cơ quan chức năng của thành phố đã tiến hành lắp đặt hơn 200 camera an ninh để giám sát.

Sở An toàn thực phẩm TP. HCM cũng đã phát các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông về an toàn thực phẩm cho các tiểu thương trong và ngoài chợ đầu mối; đồng thời chỉ đạo các đội quản lý an toàn thực phẩm đóng trên địa bàn phối hợp UBND TP Thủ Đức, quận 8, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thường xuyên phối hợp kiểm tra và xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo an toàn tại các khu vực xung quanh 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn.

Nhiều chính sách giảm giá vé tàu Tết 2025 hấp dẫn

Thông tin trên báo Người Lao Động, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết sẽ áp dụng nhiều chính sách giảm giá ưu đãi đối với vé tàu khách tuyến Bắc - Nam dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Nhiều chính sách giảm giá vé tàu khách tuyến Bắc - Nam dịp tết Ất Tỵ 2025
Nhiều chính sách giảm giá vé tàu khách tuyến Bắc - Nam dịp tết Ất Tỵ 2025

Cụ thể, trong giai đoạn vận tải Tết từ ngày 15/1 đến hết ngày 16/2/2025 (tức từ ngày 16 tháng Chạp đến ngày 19 tháng Giêng), đường sắt tổ chức chạy 9 đôi tàu khách Thống Nhất Hà Nội - Sài Gòn và 13 đôi tàu khách khu đoạn gồm Sài Gòn - Vinh, Sài Gòn - Đà Nẵng, Sài Gòn - Quảng Ngãi, Sài Gòn - Quy Nhơn, Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phan Thiết; Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Vinh, Huế - Đà Nẵng…

Trong thời gian chạy tàu Tết, đường sắt vẫn áp dụng nhiều chính sách giảm giá. Theo đó, chiều từ TP. HCM đi Hà Nội trước Tết, chiều từ Hà Nội đi TP. HCM sau Tết, giảm 3% giá vé trên các đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 27/1/2025 (tức ngày 28/12 Âm lịch) và đi từ 1.000 km trở lên.

Giảm từ 2% đến 8% giá vé cho tập thể từ 11 người trở lên đi tàu trong khoảng thời gian từ 15/1 đến ngày 20/1/2025 (đối với đoàn tàu số chẵn hướng TP. HCM - Hà Nội) và từ ngày 10/2 đến ngày 16/2/2025 (đối với đoàn tàu số lẻ hướng Hà Nội – TP HCM). Hướng dẫn viên du lịch cũng được giảm 50% giá vé.

Ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết khiếu nại, tố cáo

Báo Đại Đoàn Kết ghi nhận một số ý kiến cho rằng, trong công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, cần ứng dụng khoa học công nghệ vào trong xử lý, giải quyết.

Đẩy mạnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiếp công dân.
Đẩy mạnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiếp công dân.

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề: Khiếu nại đúng chiếm 18%, tố cáo đúng chiếm 37,4%. Điều này cho thấy công tác xử lý hành chính của các cơ quan bị người dân khiếu nại có phần chưa tốt. Do đó cần nâng cao chất lượng hoạt động các cơ quan. Theo bà Nga, khi có vụ việc khiếu nại thường người dân photocopy rất nhiều đơn gửi các cơ quan. Do đó, nên giải quyết đơn thư khiếu nại bằng phần mềm thống nhất trong cả nước để lọc đơn trùng, để biết đơn nào đã giải quyết, đơn nào đang giải quyết và đang ở giai đoạn nào?

Hiện nay một số địa phương đã áp dụng phần mềm trong xử lý KNTC. Đơn cử, UBND TP. HCM vừa ra mắt và áp dụng phần mềm Hệ thống quản lý KNTC nhằm nâng cao hiệu quả xử lý, giải quyết đơn thư KNTC tại TP. HCM. Tỉnh Bình Thuận cũng đã áp dụng phần mềm Quản lý đơn thư KNTC để phục vụ công tác quản lý đơn thư KNTC...

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, xây dựng phần mềm quản lý đơn thư KNTC kết nối với các địa phương khiến “nhiều đời” Tổng Thanh tra Chính phủ trăn trở. Bởi khi có phần mềm này sẽ giảm thiểu KNTC, vì biết được đơn nào đã giải quyết, không giải quyết, hoặc ngừng giải quyết... Nếu không khi người dân không đồng tình và tiếp tục gửi đơn thì khi tiếp nhận, chúng ta lại xử lý giải quyết như quy trình từ đầu.

Lê Hoàng Nghi đăng quang Chuông vàng vọng cổ 2024

Lãnh đạo TP.HCM và Đài truyền hình TP.HCM trao giải cho thí sinh Lê Hoàng Nghi. Ảnh: THÚY BÌNH
Lãnh đạo TP.HCM và Đài truyền hình TP.HCM trao giải cho thí sinh Lê Hoàng Nghi. Ảnh: THÚY BÌNH

Báo Văn hóa đưa tin, Ðêm Chung kết xếp hạng cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ 19 - năm 2024 đã diễn ra tối 29.9. Với phần thi diễn xuất sắc, Lê Hoàng Nghi đã đoạt Chuông vàng. Hai thí sinh Dương Thị Mỹ Nhung, Nguyễn Hùng Vương lần lượt được trao Chuông bạc và Chuông đồng.

Ở vòng chung kết xếp hạng, các thí sinh trải qua phần thi trích đoạn cải lương và thể hiện 1 bài ca cổ được bốc thăm. 

“Chuông vàng vọng cổ” do Đài Truyền hình TP. HCM tổ chức. Cuộc thi không chỉ tìm kiếm, bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực sân khấu cải lương, mà còn trở thành sân chơi quen thuộc với khán giả yêu thích làn điệu vọng cổ. Cuộc thi cũng góp phần khích lệ và mở rộng phong trào ca vọng cổ, Đờn ca tài tử, qua đó bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc của văn hóa Nam Bộ.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục