Người dân nhộn nhịp quay lại TP. HCM
Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ ngày 2/2, lượng người trở lại TP. HCM và các tỉnh phía Nam tăng mạnh.
Ghi nhận của báo Người Lao Động tại sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy thời điểm có lượng khách nhiều nhất là từ 17 đến 18 giờ. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết trong ngày, có trên 970 chuyến bay đi và đến. Tổng số khách dự kiến vượt 150.500 lượt, cao nhất trong giai đoạn Tết Nguyên đán, trong đó số khách đến áp đảo với hơn 93.000 lượt (khách quốc nội xấp xỉ 66.000 lượt).
Trên đường bộ, từ sáng cùng ngày, nhiều nẻo đường vào TP. HCM đã đông đúc. Phía Tây, đường Lê Khả Phiêu, đường Lê Đức Anh (trước là Quốc lộ 1) ken đặc ô tô, xe máy từ các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh... tới. Tại đường dẫn cao tốc TP HCM - Trung Lương và Quốc lộ 50 (đoạn từ Đa Phước đến đường Nguyễn Văn Linh), phương tiện cũng rất đông. Hình ảnh tương tự diễn ra ở phía Đông như đường dẫn cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, hướng về nút giao An Phú...
Các bến xe Miền Đông, Miền Đông mới, Miền Tây tăng mạnh người đến. Mỗi khi xe tới bến, nhiều hành khách hối hả bước xuống cùng hành lý lớn nhỏ kèm những món quà quê.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, thông tin hiện mỗi ngày, ga Sài Gòn có 15 đoàn tàu đến với khoảng 7.500 khách; từ ngày 3/2 sẽ tăng lên 16 đoàn tàu với khoảng 8.000 khách từ các tỉnh, thành về TP. HCM.
Đường hoa Nguyễn Huệ đón gần 1,2 triệu lượt khách đến tham quan
Theo báo Phụ Nữ TP, thông tin được Saigontourist Group thông tin tại trong ngày bế mạc đường hoa Tết với chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa" sau 7 ngày mở cửa.
Từ 21g ngày 2/2, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025 sẽ chính thức bế mạc sau 7 ngày mở cửa phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân thành phố và du khách. Kể từ ngày mở cửa đón khách vào 27/1 (tức 28 Tết) đường hoa Nguyễn Huệ đã đón tiếp gần 1,2 triệu lượt khách đến tham quan, thưởng lãm.
Với quan điểm không lãng phí từ nhiều năm nay, quá trình thu dọn Đường hoa Nguyễn Huệ 2025 được lên kế hoạch chu đáo ngay từ đầu. Tất cả vật trang trí còn có thể tái sử dụng sẽ được tiến hành thanh lý cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu mua để trang trí, phần còn lại sẽ chuyển giao cho các đơn vị Làng Du lịch Bình Quới, Công viên Văn hóa Đầm Sen để tiếp tục phục vụ bà con tham quan tại các điểm tham quan, du lịch. Tất cả hoa, lá kiểng còn có thể tái dưỡng sẽ chuyển giao Công ty Công viên Cây xanh Thành phố để chăm sóc và trang trí cho các khu vực công cộng, công viên trung tâm của Thành phố.
Quá trình thu dọn sẽ diễn ra từ 22g ngày 2/2 và hoàn tất trả lại mặt bằng Phố đi bộ lúc 6g ngày 3/2. Riêng đại cảnh Kim – Ngân Tỵ và Nàng Tỵ sẽ tiếp tục được trưng bày trên Phố đi bộ Nguyễn Huệ đến hết tháng 2/2025 để tiếp tục phục vụ nhân dân thành phố và du khách.
Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng
Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyển thông TP.HCM, sau 7 ngày tổ chức Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ chủ đề “Non sông gấm hoa - Vui xuân thái hòa” ghi nhận mức doanh thu 10,4 tỷ đồng (trung bình doanh thu hàng ngày đạt 1,48 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2024). Tin trên ZNews.
Lễ hội thu hút ước tính 1 triệu lượt người tham quan (trung bình đạt 142.000 lượt người/ngày tăng 13,6 % so với năm 2024). Tại Lễ hội đã bán được 81.238 bản sách tương ứng với 5.686 tựa.
Song song, đường sách Nguyễn Văn Bình trong dịp Tết cũng đón khoảng 26.000 lượt khách đến tham quan và mua sách đầu năm; doanh thu ước đạt 600 triệu đồng.
Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ tổ chức trên tuyến đường Lê Lợi (quận 1) với tổng diện tích 11.200 m2, thu hút 22 đơn vị tham gia cùng kiến tạo nhiều không gian văn hóa, nghệ thuật đặc sắc thu hút bạn đọc. Những không gian, tiểu cảnh được thiết kế công phu như “Thành phố ước mơ”, “Hành trình 15 năm Lễ hội Đường sách Tết”, “Gia đình Rắn”, “Sách rơi”, hình ảnh linh vật Nàng Tỵ công nghệ cùng thiết kế lấy cảm hứng từ tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là điểm nhấn của không gian của Lễ hội năm nay.
Nhiều nhà hàng, quán ăn TP.HCM kín khách sau Tết
Tối 2/2 (mùng 5 Tết), ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, đường phố TP.HCM đã sôi động trở lại. Xe cộ đông đúc, nhà hàng, quán ăn chật kín khách. Các tuyến đường trung tâm như Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), 3 Tháng 2 (quận 10), Điện Biên Phủ (quận 1)... đã đông đúc, khác hẳn không khí vắng lặng của những ngày trước đó.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, chị Thùy Tiên (ngụ quận 10) cho biết tối nay chị cùng nhóm bạn hẹn nhau đến "quán ốc ruột" trên đường Trường Sơn (quận 10) họp mặt đầu năm, nhưng khi đến nơi thì quán đã hết bàn.
Tương tự, anh Phạm Tín (22 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cũng lâm vào cảnh "đi ăn mà như đi săn" khi hẹn bạn bè ăn tân niên tối mùng 5 Tết. Anh Tín kể cả nhóm đã lên kế hoạch ăn uống hẹn hò đầu năm rồi đi cà phê, cùng nhau chơi board game nhưng không ngờ quán nào cũng đông nghẹt.
Tại các điểm vui chơi như khu vực Đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1), hồ Con Rùa (quận 3), công viên Lê Thị Riêng (quận 10), rất đông người dân và du khách đã tranh thủ ngày nghỉ cuối cùng của dịp Tết năm nay để dạo chơi, chụp ảnh lưu niệm.
Dù không khí phố xá đã nhộn nhịp hơn, nhưng theo quan sát, vẫn còn khá nhiều nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê, các cửa hàng quần áo thời trang, làm đẹp vẫn chưa mở cửa trở lại. Nhiều hàng quán dự kiến hoạt động trở lại từ ngày 3-2 (mùng 6) khi công nhân viên chức, người lao động quay lại làm việc sau kỳ nghỉ.
Tai nạn và vi phạm giao thông giảm trong dịp Tết Ất Tỵ
Theo Chuyên đề Công an TP, Phòng Cảnh sát giao thông (PC08), Công an TP. HCM cho biết, tính từ ngày 28/1 đến ngày 1/2 (từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 4 Tết), lực lượng CSGT toàn thành phố đã kiểm tra hàng ngàn phương tiện lưu thông.
Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản hơn 1.800 trường hợp vi phạm (trong đó có hơn 1.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn); tạm giữ gần 1.050 phương tiện; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe gần 270 trường hợp; trừ điểm giấy phép lái xe hơn 240 trường hợp...
Theo đơn vị chức năng, trong 7 ngày Tết Ất Tỵ 2025 vừa qua, tình hình trật tự an toàn giao thông tại TP. HCM được bảo đảm tốt, cơ bản ổn định. Số vụ tai nạn giao thông và vi phạm giảm hơn mọi năm. Đặc biệt là so với cùng kỳ và liền kề giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và người bị thương.
Phòng PC08 cũng cho biết, sau kỳ nghỉ Tết, người dân sẽ quay trở lại TP. HCM làm việc, học tập… Do đó, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đường bộ có xu hướng tăng cao. Lực lượng CSGT vẫn đang trực chiến với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, nhằm đảo bảo TTATGT cho người dân.
TP. HCM sắp có nắng nóng diện rộng, có thể trên 35 độ
Thông tin trên báo Tiền Phong, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trong 10 ngày đầu tháng 2, khu vực TP. HCM chịu ảnh hưởng chủ yếu của rìa phía nam áp cao lạnh lục địa (không khí lạnh) với một đợt tăng cường vào khoảng ngày 2 - 3/2 và đợt tăng cường sau khoảng ngày 10/2, kéo dài cho đến đầu tuần giữa tháng.
Tuần giữa và tuần cuối tháng 2, không khí lạnh còn hoạt động khá mạnh nhưng những đợt tăng cường thưa dần và chủ yếu là tăng cường lệch đông. Do đó, nhiệt độ tăng đáng kể và một vài ngày có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C. Gió Đông Bắc trên các khu vực biển cũng có xu hướng giảm dần.
Trong tháng 2/2025, nhiệt độ có xu hướng tăng dần. Nửa đầu tháng, thời tiết vẫn còn khá mát, chỉ một vài ngày có nắng nóng cục bộ ở khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên chỉ sau 1-2 ngày có nhiệt độ 35 C và trên 35 độ C, sau đó nhiệt độ lại giảm ngay. Nửa cuối tháng, nắng nóng hầu hết vẫn chỉ xảy ra cục bộ nhưng thời gian kéo dài hơn. Một vài ngày cuối tháng có khả năng xuất hiện nắng nóng diện rộng ở khu vực trung tâm thành phố.
Nhiệt độ trung bình của tháng 2/2025 tại TP. HCM phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm nhưng không nhiều, kể cả nhiệt độ trung bình, nhiệt độ cao nhất và thấp nhất. Cụ thể, nhiệt độ trung bình phổ biến từ 26,8 - 28 độ C; cao nhất phổ biến từ 32 - 35 độ C, có nơi trên 35 độ C. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 22-25 độ C.
Kịch tết TP.HCM bội thu
Báo Thanh Niên cho hay, sân khấu kịch năm nay bán vé rất tốt. Dù cuộc sống người dân có phần khó khăn nhưng xem kịch vẫn là một thói quen ngày tết của người dân TP.HCM.
Hầu như sân khấu nào cũng diễn ngày 2 suất liên tiếp từ mùng 1 cho tới mùng 10, đặc biệt sân khấu 5B thì có ngày diễn luôn 3 suất. NSND Mỹ Uyên nói: "Vì có nhiều vở thiếu nhi nên ngắn gọn, xếp thêm buổi sáng và buổi chiều cho các em đi xem thuận tiện, còn suất tối thì diễn kịch người lớn". Năm nay, 5B vừa dựng vở thiếu nhi mới như Cây bút thần, vừa tái diễn vở cũ như Trạm cứu hộ động vật, Thế giới đồ chơi-câu chuyện cậu bé rồng.
Sân khấu IDECAF, Thế Giới Trẻ, Hồng Vân, Thiên Đăng thắng lớn nhất, vì có nhiều nghệ sĩ ngôi sao, lại chọn vở vui vẻ, hài hước, nhẹ nhàng, phù hợp không khí xuân. Riêng sân khấu Hồng Vân diễn cả vở kinh dị như Người vợ ma, Căn phòng câm lặng, cũng là một nét đặc biệt của kịch tết nơi này. NSND Hồng Vân nói: "Doanh thu kịch kinh dị không thua gì hài kịch đâu. Có cầu thì có cung, mình đáp ứng nhu cầu khán giả thôi".
Sân khấu Hoàng Thái Thanh thì chọn bi kịch như Tóc mai sợi vắn sợi dài mà khán giả vẫn mua vé gần kín rạp. Đạo diễn Ái Như khẳng định: "Cười nhiều quá thì phải có khóc để cân bằng lại, cũng là quy luật tự nhiên của tâm lý. Sân khấu nào cũng có khán giả riêng của mình mà".
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)