Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 4/10/2024

09:54 04/10/2024

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 4/10/2024

TP Hồ Chí Minh: Giải ngân gói tín dụng kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 83%

Ngành ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh triển khai giải ngân gói tín dụng trong khuôn khổ chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thêm trợ lực để phục hồi.

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Agribank. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Agribank. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trên VietNamPlus, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến cuối tháng 8, tổng số tiền giải ngân gói tín dụng ưu đãi thông qua chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt 425.659 tỷ đồng.

Như vậy, so với quy mô gói tín dụng được 17 thương hiệu ngân hàng đăng ký từ đầu năm khi tham gia chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp năm 2024, với số tiền là 509.864 tỷ đồng thì tỷ lệ giải ngân đạt 83,4%.

“Thông qua việc giải ngân gói tín dụng này, đã có 146.906 khách hàng được tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn, ổn định và tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Về mặt chính sách, chương trình này tiếp tục là hành động cụ thể để đưa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước đi vào thực tế cuộc sống có hiệu quả,” ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, trên địa bàn thành phố đã tổ chức được 29 hội nghị kết nối và đối thoại doanh nghiệp; trong đó, một số quận như Quận Bình Tân, Quận I, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp có tỷ lệ giải ngân cao và số lượng khách hàng được hỗ trợ nhiều.

Tổ liên gia PCCC ở TP.HCM ngăn chặn kịp thời tai nạn cháy, nổ

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, trên địa bàn TP hiện có mô hình các tổ liên gia an toàn PCCC hoạt động rất hiệu quả. Các tổ liên gia này sẽ giúp xử lý bước đầu các đám cháy trong các khu dân cư, hạn chế thiệt hại do các đám cháy gây ra.

Người dân trên địa bàn phường Thới An, quận 12 khi phát hiện cháy đã phá chuồng cọp, cứu người. Ảnh: HT
Người dân trên địa bàn phường Thới An, quận 12 khi phát hiện cháy đã phá chuồng cọp, cứu người. Ảnh: HT

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07), Công an TP.HCM, thông tin đến nay đã đưa vào hoạt động 2.587 tổ liên gia an toàn về PCCC và 2.763 điểm chữa cháy công cộng.

“Để phát huy hiệu quả của mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC. Song song đó, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ liên gia, đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các tổ liên gia với chính quyền địa phương và lực lượng PCCC chuyên nghiệp” - Đại tá Tâm đề xuất.

Đại diện PC07 cho biết các tổ liên gia an toàn PCCC đã trực tiếp phát hiện và tổ chức công tác chữa cháy ban đầu trên 10 vụ cháy trên địa bàn TP. Các tổ liên gia an toàn PCCC đã ngăn chặn kịp thời các nguy cơ gây cháy, nổ; tổ chức chữa cháy ban đầu có hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP.

TP. HCM thúc đẩy đưa người lao động ra nước ngoài làm việc

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP. HCM đã tổ chức tọa đàm "Tạo nguồn lao động, thúc đẩy hoạt động đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài". Nội dung trên báo Người Lao Động.

Các doanh nghiệp cần đào tạo người lao động kỹ lưỡng trước khi đưa họ ra nước ngoài làm việc.
Các doanh nghiệp cần đào tạo người lao động kỹ lưỡng trước khi đưa họ ra nước ngoài làm việc.

Trên địa bàn TP. HCM hiện có 56 doanh nghiệp (DN) và 16 chi nhánh công ty tham gia hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2013 đến tháng 9/2024, các DN có giấy phép hoạt động trên địa bàn đã đưa 81.804 người đi xuất khẩu lao động, nhiều nhất là sang Nhật Bản với 52.114 người, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) với 16.538 người, Hàn Quốc 3.757 người...

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP. HCM, nhấn mạnh việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc không chỉ giúp họ có mức thu nhập cao mà còn tích lũy được kinh nghiệm và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế. Điều này góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam trên thị trường lao động toàn cầu.

Để chương trình đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài ngày càng hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân, Sở LĐ-TB-XH TP HCM đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng nhiều chính sách nâng cao hiệu quả của chương trình này. Sở LĐ-TB-XH cũng nỗ lực giải quyết các vướng mắc liên quan thủ tục hành chính, giải quyết việc làm và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài để tạo môi trường thuận lợi hơn cho các DN và NLĐ.

Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân tuyên truyền biển, đảo cho sinh viên

Báo SGGP cho hay, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân đã phối hợp trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP. HCM (UMT) tổ chức chương trình giáo dục chính trị, phối hợp tuyên truyền biển đảo năm 2024.

Sinh viên Trường UMT tham quan nhà truyền thống Lữ đoàn 125. Ảnh: ĐỨC VIỆT
Sinh viên Trường UMT tham quan nhà truyền thống Lữ đoàn 125. Ảnh: ĐỨC VIỆT

Tham dự chương trình giáo dục chính trị, phối hợp tuyên truyền biển, đảo có đại diện Ban giám hiệu và gần 150 cán bộ, giảng viên, nhân viên cùng sinh viên ưu tú của trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP. HCM.

Trong hoạt động của chương trình, cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên đã tham gia dâng hương tại tượng đài Đoàn tàu không số và thắp hương tại đền thờ liệt sỹ, tham quan nhà truyền thống Lữ đoàn và các tàu trực thuộc đơn vị; nghe tuyên truyền về truyền thống Lữ đoàn 125 và thông tin về tình hình biển đảo.

Tại hội nghị, Trung tá Nguyễn Minh Dương, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân đã thông tin đến các đại biểu những nội dung về tình hình biển đảo thời gian gần đây; kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và xây dựng Quân chủng Hải quân, Vùng 2 Hải quân hiện đại và dự báo tình hình thời gian tới; quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cảnh báo bệnh tay chân miệng tại TP. HCM tăng

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC) thông tin, trong tuần 39 (23 – 29/9), TP. HCM ghi nhận 420 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 37,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tin trên báo Lao Động.

Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng được điều trị. Ảnh: Ngọc Lê
Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng được điều trị. Ảnh: Ngọc Lê

Tổng số ca bệnh tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 39 là 12.252 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Quận 8.

Theo Sở Y tế TP. HCM, hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng tại Việt Nam. Để phòng bệnh tay chân miệng, ngành y tế thành phố khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện theo phương châm 3 sạch: ăn (uống) sạch, ở sạch, bàn tay và chơi đồ chơi sạch.

Bên cạnh đó, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.

TPHCM: Xử phạt hơn 32.000 trường hợp điều khiển xe máy đi không đúng phần đường

Chiều ngày 3/10, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM - đã trả lời về việc xử lý trường hợp người điều khiển xe máy đi không đúng phần đường, làn đường, đi trên hè phố.

Nhiều xe máy đi trên vỉa hè ở TPHCM vào giờ cao điểm - Ảnh: Vũ Quyền
Nhiều xe máy đi trên vỉa hè ở TPHCM vào giờ cao điểm - Ảnh: Vũ Quyền

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TPHCM đã phát hiện, xử lý 32.349 trường hợp người điều khiển xe máy đi không đúng phần đường, làn đường, đi trên hè phố (chiếm 6% tổng số trường hợp phát hiện xử lý). 

Hành vi đi trên hè phố xuất hiện chủ yếu vào khung giờ cao điểm, trong khi ý thức người tham gia giao thông vào thời gian này luôn muốn di chuyển liên tục, về nhà nhanh nhất có thể, ý thức này phát sinh trong quá trình di chuyển, khi nhận thấy dòng xe kéo dài. Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan khác là quỹ đất hiện tại của TPHCM dành cho giao thông chỉ đạt tỉ lệ 12 - 13%, trong khi tiêu chuẩn cần ít nhất là 22 - 26%. Điều này cũng làm phát sinh nguyên nhân, điều kiện của hành vi vi phạm đi trên hè phố.

Quy định của pháp luật không cho phép phương tiện đi lên vỉa hè trong trường hợp xe đông, ùn tắc giao thông... Chính vì thế, người tham gia giao thông không được điều khiển phương tiện đi lên vỉa hè để tránh bị lực lượng chức năng xử phạt cũng như để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục