Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 4/12/2024

10:16 04/12/2024

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 4/12:

Hạn chế xe lưu thông một số đoạn đường trung tâm TP. HCM

Theo báo Tiền Phong, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. HCM vừa có thông báo về việc điều chỉnh tổ chức giao thông đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ, quận 1 nhằm phục vụ tổ chức Liên hoan âm nhạc Quốc tế TP. HCM lần 4 – “Hò dô” 2024. 

Đường Lê Lợi, quận 1, TPHCM.
Đường Lê Lợi, quận 1, TPHCM.

Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ tổ chức sự kiện nêu trên, Sở GTVT TP.HCM thông báo kể từ ngày 6/12 đến hết ngày 17/12, cấm các loại xe lưu thông vào phần đường dành cho xe ô tô trên đường Lê Lợi, quận 1 (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Pasteur). Người điều khiển phương tiện chuyển hướng lưu thông vào phần đường hỗn hợp trên đường Lê Lợi (theo hai hướng lưu thông).

Kể từ 17 giờ đến 23 giờ 30 từ ngày 13/12 đến ngày 15/12, cấm các loại xe lưu thông vào đường Lê Lợi (đoạn từ đường Pasteur đến đường Đồng Khởi) và đường Nguyễn Huệ (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng), quận 1.

Bên cạnh đó, nhằm phục vụ tổ chức sự kiện “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024”, Sở GTVT TP. HCM thông báo kể từ ngày 5/12 đến ngày 19/12, cấm các loại xe lưu thông vào phần đường dành cho xe ô tô trên đường Lê Lợi, quận 1 (đoạn từ đường Pasteur đến đường Phan Bội Châu). Người điều khiển phương tiện chuyển hướng lưu thông vào phần đường hỗn hợp trên đường Lê Lợi (theo hai hướng lưu thông).

Bình Tân triển khai 13 dự án cải tạo kênh rạch, giải quyết tình trạng ngập thường xuyên

Trao đổi với báo Pháp Luật TP, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, cho biết hiện trên địa bàn quận có 3 điểm, lưu vực ngập thường xuyên. Cụ thể là lưu vực kênh Liên Xã (gồm đường Chiến Lược và các tuyến đường, hẻm tiếp giáp), rạch Ông Búp (gồm đường Mã Lò và các tuyến đường, hẻm tiếp giáp) và đường Hồ Học Lãm.

Quận Bình Tân có nhiều điểm ngập do mưa.
Quận Bình Tân có nhiều điểm ngập do mưa.

Nhằm xử lý, kéo giảm tình trạng ngập nước tại các điểm ngập hiện hữu và không để phát sinh các điểm ngập mới, UBND quận triển khai thực hiện nhiều giải pháp chống ngập nước. Đơn cử như nạo vét hệ thống cống thoát nước, kênh rạch; thay thế lưới chắn rác hố ga; vận động người dân dọn dẹp vệ sinh miệng thu nước hố ga, kênh rạch...

Đồng thời triển khai đầu tư các dự án chống ngập theo quy hoạch để giải quyết tình trạng ngập nước trên địa bàn quận. Phối hợp, hỗ trợ Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP xử lý, kéo giảm tình trạng ngập nước tại các điểm ngập do sở, ngành quản lý (như đường Hồ Học Lãm, đường Phan Anh ...), lắp đặt trạm bơm cầu Nước Lên, Kênh Mười Xà, rạch Bà Tiếng.

Về lâu dài, quận xác định cần phải thực hiện hoàn chỉnh theo quy hoạch các tuyến kênh, rạch nên đã chủ động đề xuất và được TP chấp thuận chủ trương, ghi vốn đầu tư để quận triển khai thực hiện đầu tư 13 dự án chỉnh trang, cải tạo kênh rạch.

TP.HCM làm gì để chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030?

Báo Thanh Niên cho biết, UBND TP.HCM vừa có tờ trình dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc kháng vi rút HIV cho bệnh nhân (BN) nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT trên địa bàn TP.HCM. Nghị quyết dự kiến được HĐND TP.HCM thông qua trong kỳ họp vào tháng 12 này.

TP.HCM triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, đặc biệt là kiểm soát lây nhiễm HIV trong giới trẻ
TP.HCM triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, đặc biệt là kiểm soát lây nhiễm HIV trong giới trẻ

Để duy trì hiệu quả và đảm bảo tính bền vững cho việc phòng, chống HIV/AIDS, TP.HCM triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, điều chỉnh chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, cho người nhiễm HIV/AIDS có đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại TP.HCM từ 6 tháng trở lên đang tham gia điều trị HIV/AIDS tại các phòng khám ngoại trú công lập hoặc ngoài công lập thuộc mạng lưới phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn thì được mua. Thiết lập cơ chế hỗ trợ chi phí đồng chi trả thuốc ARV thuộc danh mục BHYT thanh toán. Ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ thuốc kháng vi rút HIV miễn phí và toàn bộ chi phí XN cận lâm sàng cho những BN chưa có thẻ BHYT.

Nghị quyết hướng đến mục tiêu 100% BN HIV/AIDS đang được quản lý và điều trị tại TP.HCM, bao gồm cả nhóm đặc thù (khoảng hơn 4.000 BN) chưa được hưởng chính sách, được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế, thuốc ARV, đồng chi trả.

Dịch sởi lan rộng

Dịch sởi "nóng" ở nhiều địa phương. Số ca nhiễm tăng, một số địa phương đã ghi nhận trẻ tử vong vì sởi. Bệnh viện bắt đầu quá tải. Có gia đình 7 đứa trẻ mắc sởi phải nhập viện trong đợt dịch này.

Một phòng điều trị sởi trong khu vực cách ly, ngày 3-12
Một phòng điều trị sởi trong khu vực cách ly, ngày 3-12

Thông tin trên được BS Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ với Báo SGGP trong bối cảnh dịch sởi diễn biến phức tạp.

Ghi nhận ngày 3/12, khoa Nhiễm - Thần kinh có 108 bệnh nhân sởi, hơn 85% là trẻ từ địa phương khác đến. Các bé đều chưa được tiêm vaccine phòng sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi. Đáng lo ngại, tỷ lệ nhập viện vì biến chứng chiếm gần 70%, chủ yếu là viêm phổi và viêm ruột. Thời gian điều trị trung bình từ 5-7 ngày.

Chia sẻ với bác sĩ, một số cha mẹ của bệnh nhi cho rằng vaccine gây ra tự kỷ nên không cho con tiêm phòng. BS Quy nhấn mạnh, đây là suy nghĩ sai lầm và rất nguy hiểm khiến trẻ không được bảo vệ trước dịch bệnh.

Cùng thời điểm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM có 68 trẻ mắc sởi với 2 ca thở oxy. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng đang căng mình điều trị nhiều ca sởi là người lớn. Trong đó, một số thai phụ mắc bệnh sởi bị sinh non, sảy thai...

Trường nghề mở ngành mới thu hút thí sinh

Báo Người Lao Động cho hay, các trường nghề tại TP. HCM đã mở thêm những ngành học "hot" để bắt kịp xu hướng với hy vọng thu hút thí sinh học nghề.

Sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM trong giờ học thực hành tại trường
Sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM trong giờ học thực hành tại trường

Năm học 2025 - 2026, Trường Cao đẳng (CĐ) Lý Tự Trọng TP. HCM (quận Tân Bình) dự kiến mở thêm 3 ngành học mới: ngôn ngữ Trung, mộc xây dựng - trang trí nội thất và thiết kế thời trang.

Theo TS Châu Văn Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, nhà trường đã có thời gian nghiên cứu và khảo sát thị trường lao động, nhận thấy việc mở thêm ngành mới là phù hợp với xu thế hiện nay. Đây là những ngành mà doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề, chuyên môn cao.

Trường CĐ Công nghệ Sài Gòn (quận Tân Phú) cũng đã triển khai kế hoạch mở thêm các ngành học mới của Khoa Truyền thông báo chí, gồm: báo chí, quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, marketing, thiết kế đồ họa, công tác xã hội.

Trong khi đó, ông Lâm Gia Huy, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn (quận Gò Vấp), thông tin trường đang lên kế hoạch mở thêm một số ngành mới thuộc khối sức khỏe, như: y sĩ, điều dưỡng, chăm sóc sắc đẹp. Năm học 2025 - 2026, trường vẫn giữ nguyên 30 ngành đào tạo với khoảng 1.500 chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, một số ngành thế mạnh của trường như kỹ thuật và ngôn ngữ dự đoán sẽ hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh sớm.

Học sinh xem hát bội, thi văn hay chữ tốt

Trên sân khấu, các nghệ sĩ diễn trích đoạn 'Anh hùng Trần Bình Trọng', ngồi dưới, học sinh vừa xem vừa ghi chú lại những ấn tượng về nghệ thuật hát bội. Theo báo Tuổi Trẻ, đó là khung cảnh cuộc thi Văn hay chữ tốt năm học 2024-2025 cấp quận, do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1, TP.HCM tổ chức ngày 3/12.

Học sinh thích thú khi cùng các nghệ sĩ thực hiện các động tác trong trích đoạn hát bội mà các nghệ sĩ vừa biểu diễn - Ảnh: MỸ DUNG
Học sinh thích thú khi cùng các nghệ sĩ thực hiện các động tác trong trích đoạn hát bội mà các nghệ sĩ vừa biểu diễn - Ảnh: MỸ DUNG

Với Võ Hoàng Gia Bảo - lớp 7/3, Trường THCS Minh Đức, đây là một loại hình thi độc đáo, ấn tượng. "Cảm nhận về buổi biểu diễn cho em cảm xúc tốt, trực quan sinh động để em làm bài. Và em có thêm nhiều chất liệu để có thể kể câu chuyện về nghệ thuật hát bội với bạn bè", Gia Bảo nói.

Còn với Như Ý, học sinh lớp 9, Trường THCS Minh Đức, buổi biểu diễn mang đến cho học sinh một không gian khác, không gian hoài cổ nhưng thấu hiểu thêm về các di sản văn hóa của dân tộc.

Bà Trần Đức Hạnh Quỳnh - phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1 - cho biết, việc quận 1 chọn nghệ thuật hát bội cho hội thi "Văn hay chữ tốt" nhằm mục đích giúp giới trẻ, nhất là học sinh hiểu thêm về di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục