Xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ Biệt động Sài Gòn
Báo Lao Động đưa tin, ngày 3/2, Bộ Tư lệnh TP. HCM tổ chức lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Thành phố (phường Long Bình, TP Thủ Đức).
Thiếu tướng Phạm Văn Rậm nhấn mạnh, việc xây dựng Bia tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. HCM không chỉ nhằm ghi lại những mốc son chói lọi của lực lượng vũ trang thành phố mà còn đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống. Công trình sẽ góp phần nâng cao nhận thức, bồi dưỡng niềm tin, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, giúp họ thấy được giá trị lịch sử hào hùng của lực lượng Biệt động.
"Đây cũng là động lực để các thế hệ chiến sĩ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng lực lượng vũ trang TP. HCM vững mạnh toàn diện, xứng đáng với danh hiệu đơn vị 3 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" - Thiếu tướng Phạm Văn Rậm khẳng định.
Cùng ngày, Bộ Tư lệnh TP. HCM phối hợp cùng Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang - Biệt động Sài Gòn - Gia Định tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Khởi công cầu Bà Cả: Kết nối quốc lộ 13, giảm ùn tắc khu Đông TP. HCM
Báo Phụ Nữ TP thông tin, dự án cầu Bà Cả - công trình giao thông trọng điểm kết nối quốc lộ 13, TP Thủ Đức - chính thức được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 232 tỉ đồng. Công trình nhằm giảm ùn tắc tại nút giao Gò Dưa, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị khu Đông TP. HCM.
Dự án có chiều dài hơn 1,1km, đi qua địa bàn phường Tam Bình và Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức. Cầu mới bắc qua nhánh rạch Gò Dưa dài 25m, rộng 13m, thay thế cầu cũ đã xuống cấp, nhỏ hẹp. Ngoài việc xây mới cầu, dự án còn bao gồm các hạng mục quan trọng như mở rộng 200m đường và cải tạo gần 900m đường cũ, nâng cấp hệ thống thoát nước, chiếu sáng, trồng cây xanh, tổ chức giao thông và một số công trình hạ tầng kỹ thuật khác hoàn chỉnh theo cấp công trình.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức, dự án cầu Bà Cả được phê duyệt từ năm 2016 nhưng chưa thể triển khai. Đến tháng 9/2024, dự án được điều chỉnh và chính thức khởi công, dự kiến hoàn thành sau 1 năm. Trong tổng mức đầu tư, chi phí xây dựng chiếm hơn 70 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật lên đến 141 tỉ đồng, phần còn lại dành cho dự phòng và quản lý dự án.
Cầu Bà Cả được kỳ vọng sẽ thay thế cầu cũ, giúp người dân di chuyển thuận lợi hơn quanh khu vực nút giao Gò Dưa.
Doanh nghiệp Việt chủ động tăng tốc xuất khẩu
Bên cạnh những hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, sự tiến bộ trong chuyển đổi công nghệ đang tạo ra nhiều cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trao đổi với báo SGGP, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, với doanh nghiệp xuất khẩu, cần nhận diện rõ thực tế là nhiều quốc gia đang gia tăng các chính sách bảo hộ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, như việc áp dụng các loại thuế quan, hạn ngạch nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại… Nhiều thị trường yêu cầu hàng hóa phải đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa cao hơn, cộng với chi phí logistics tăng mạnh sẽ gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản, thực phẩm, bà Nguyễn Thị Thu Tuyết, đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu, Thương mại và Dịch vụ Mova Plus Việt Nam, cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, chi phí logistics cho mỗi container 40 feet đi thị trường châu Âu, Hoa Kỳ đã tăng 200% so với năm 2023 và dự ước sẽ tiếp tục tăng, khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với khó khăn.
Bên cạnh những thách thức, doanh nghiệp Việt đang có lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đơn cử Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang tạo điều kiện tiếp cận thị trường châu Á - Thái Bình Dương với ưu đãi thuế quan. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường sang EU với 99% dòng thuế được xóa bỏ theo lộ trình...
“Trong năm 2024, ngành chế biến thực phẩm Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể khi duy trì mức tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của ngành thực phẩm và đồ uống trong năm 2024 cũng tăng 10,92% so với năm 2023. Những con số này cho thấy ngành chế biến thực phẩm Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, khẳng định.
Gần 2.400 ca cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy dịp Tết
Trên báo Tiền Phong, Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán tại đây đã tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân cấp cứu và thực hiện hàng loạt cuộc phẫu thuật cho người bệnh.
Số liệu thống kê của bệnh viện trong 9 ngày nghỉ Tết vừa qua cho thấy, trung bình mỗi ngày tại đây đã tiếp nhận 264 trường hợp nhập viện cấp cứu bao gồm bệnh nhân từ TPHCM và bệnh nhân được chuyển đến từ các tỉnh thành khác. Tổng số ca bệnh nhập viện cấp cứu dịp Tết là 2.378 trường hợp.
Bệnh nhân nhập viện cấp cứu chủ yếu là do các nguyên nhân tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, đả thương, ngộ độc. Sau khi phân loại bệnh nhân, các bác sĩ đã thực hiện 362 cuộc phẫu thuật cấp cứu trong những ngày Tết. Nhận định trước tình hình nhu cầu sử dụng máu cho cấp cứu điều trị ngày Tết sẽ tăng cao, bệnh viện đã chủ động phương án dự trữ đủ đáp ứng. Dịp Tết vừa qua, tại Chợ Rẫy đã sử dụng 831 đơn vị máu cứu chữa cho người bệnh.
So sánh với kỳ nghỉ Tết của năm trước, số lượng bệnh nhân nhập cấp cứu tại Chợ Rẫy gần tương đương nhau (năm 2024 là 2.404 bệnh nhân). Tình hình bệnh nhân bị tai nạn giao thông có xu hướng giảm cả về số người nhập viện và số người bị tai nạn liên quan đến rượu bia. Cụ thể, trong dịp Tết năm 2025 ghi nhận 399 bệnh nhân bị tai nạn giao thông, trong đó có 51 người có nồng độ cồn trong máu.
Nhiều trường đại học cho sinh viên học online tuần đầu tiên sau Tết
Tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, nhiều trường đại học cho sinh viên học online nhằm giảm áp lực tàu xe, đi lại. Điển hình tại Trường đại học Hoa Sen, lịch nghỉ Tết Nguyên đán của sinh viên là từ ngày 23/1 (24 tháng chạp) đến hết 5/2 (mùng 8). Sinh viên sẽ trở lại học từ 6/2 (mùng 9) bằng hình thức online đến 8/2 (11 tháng giêng). Sinh viên sẽ học trực tiếp từ 10/2.
Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, ThS Nguyễn Thái Châu - phó trưởng phòng công tác sinh viên, Trường đại học Tài chính - Marketing - cho biết lịch nghỉ Tết Nguyên đán của sinh viên nhà trường là từ ngày 25/1 (26 tháng chạp) đến hết 9/2 (12 tháng giêng), dài 2 tuần 2 ngày. Tuần liền sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của nhà trường, sinh viên được học online, tức từ ngày 10/2 đến 16/2. Sinh viên trở lại trường học trực tiếp vào thứ hai 17/2.
Trước đó, tuần liền trước thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của nhà trường (20/1 đến 24/1), sinh viên cũng được học online. Theo ông Châu, việc sắp xếp này nhằm giảm bớt áp lực tàu xe, đi lại cho sinh viên dịp Tết.
Tương tự, TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - cho biết sinh viên được nghỉ Tết chính thức từ ngày 20/1 (21 tháng chạp) đến ngày 9/2 (12 tháng giêng). Đồng thời các em được học online một tuần trước kỳ nghỉ Tết (từ 13/1 đến 19/1) và một tuần sau kỳ nghỉ (từ 10/2 đến 16/2). Nhờ đó, sinh viên có thể thuận tiện sắp xếp lịch trình di chuyển trở về TP.HCM học tập.
Xu hướng người Việt du lịch nước ngoài dịp Tết tăng
Theo báo cáo tình hình du lịch 9 ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của Sở Du lịch TP.HCM, lượng khách đặt tour quốc tế trong dịp Tết tăng đáng kể so với năm trước. Các điểm đến được ưa chuộng nhất của người Việt khi du lịch nước ngoài dịp Tết bao gồm Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.
Bên cạnh đó, xu hướng du lịch nước ngoài dịp Tết theo nhóm nhỏ, nhóm gia đình hoặc nhóm bạn bè quen biết ngày càng phổ biến. Những nhóm khách này thường ưu tiên các tour nghỉ dưỡng cao cấp hoặc các gói "free & easy" để chủ động trong lịch trình.
Dịp Tết năm nay, các tour đến khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục nằm trong danh sách lựa chọn hàng đầu khách Việt. Bên cạnh đó, các điểm đến Đông Nam Á như Thái Lan và Singapore vẫn giữ được sức hút nhờ chi phí hợp lý, đường bay thuận tiện và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Ông Hoàng Minh, đại diện một công ty lữ hành tại TP.HCM, nhận định: "Trong vài năm gần đây, khách Việt có xu hướng chi tiêu mạnh tay hơn cho các chuyến du lịch nước ngoài, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán. Các điểm đến như Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu không chỉ thu hút du khách bởi cảnh đẹp, khí hậu mùa đông đặc trưng mà còn bởi các chương trình ưu đãi từ các hãng hàng không và công ty du lịch".
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)