Thông xe đường Tên Lửa kéo dài ở quận Bình Tân, nối với tỉnh lộ 10
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, sáng 4-9, dự án nâng cấp, mở rộng đoạn cuối đường Tên Lửa, quận Bình Tân (từ đường số 29 đến tỉnh lộ 10) chính thức thông xe.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), đây là con đường có kết nối giao thông chính ở Bình Tân. Đồng thời, xung quanh đường còn có nhiều trường học, trong đó có Trường THCS Bình Trị Đông B vừa được xây xong.
Do đó chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã phấn đấu đẩy nhanh tiến độ dự án sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch ban đầu (tháng 11), thông xe đường trước ngày khai giảng năm học mới để người dân, đặc biệt là thầy cô và học sinh, đi lại thuận tiện.
Dự án hoàn thành đã kéo dài đường Tên Lửa hiện hữu thêm 300m, kết nối trực tiếp ra đường tỉnh lộ 10, thay vì phải rẽ qua các hẻm nhánh hoặc đi đường vòng. Qua đó, dự án góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực vào cao điểm.
TPHCM tăng cường tiêm ngừa, ngăn dịch sởi lây lan
Báo Phụ Nữ TP cho biết, tính đến ngày 3/9, sau 4 ngày TP. HCM triển khai chiến dịch tiêm ngừa sởi, có hơn 19.000 trường hợp đã được tiêm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết đã dự trữ đủ vắc xin, đảm bảo tất cả trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn đều được tiêm đầy đủ.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM - thành phố đã chủ động đặt mua 300.000 liều vắc xin ngừa sởi, sẵn sàng phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức, đảm bảo tất cả trẻ từ 1-5 tuổi (kể cả trẻ tạm trú) tại TP. HCM được tiêm đầy đủ. Tính đến ngày 2/9, toàn thành phố đã tiêm vắc xin cho 12.625 trường hợp. Trong đó có 77 trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm tại bệnh viện, 19 trường hợp là nhân viên y tế. Ngày 3/9, có thêm khoảng hơn 7.000 trẻ được tiêm ngừa. Đến nay, không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.
“Gia tăng miễn dịch trong cộng đồng đảm bảo đạt trên 95% bằng cách tiêm vắc xin ngừa sởi, đặc biệt bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ bao gồm trẻ mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch... là 2 nhiệm vụ quan trọng trong chiến dịch ứng phó với sởi của thành phố” - Phó giám đốc Sở Y tế TP. HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói. Giai đoạn 1 của chiến dịch tiêm ngừa sởi sẽ kéo dài 1 tháng. Sau đó, TP. HCM sẽ triển khai giai đoạn 2, cho trẻ từ 6-10 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin; đồng thời tiếp tục rà soát, tiêm ngừa cho các bé còn sót lại ở giai đoạn 1.
Sức mua đang tăng mạnh
Phản ứng tích cực của người tiêu dùng trong kỳ nghỉ lễ 2-9 cùng với những chính sách, chương trình kích cầu cuối năm là cơ sở và động lực để kỳ vọng kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn. Nội dung trên báo NLĐ.
Thống kê nhanh của các siêu thị, cửa hàng, quán ăn… trên địa bàn TP. HCM trong 4 ngày nghỉ lễ, mặc dù mưa lớn nhưng doanh thu của nhiều nơi vẫn tăng trung bình 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy người tiêu dùng đã mạnh tay chi nhiều hơn cho mua sắm.
Với các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra, Aeon, LOTTE Mart, Emart, MM Mega Market, Winmart… doanh số tăng khoảng 10% trong kỳ nghỉ lễ 2-9. Cá biệt, một số siêu thị ghi nhận doanh số tăng 15%-20% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi lượng khách đến mua sắm chỉ tăng 5%-7%.
"Ngày nào cũng có mưa lớn kéo dài đã trực tiếp ảnh hưởng đến số lượt mua sắm. Bù lại, hầu hết hóa đơn mua sắm đều tăng cao so với ngày thường lẫn cùng kỳ năm ngoái nên tổng hợp lại, siêu thị vẫn đạt kế hoạch đề ra" - đại diện một hệ thống siêu thị lớn phân tích.
Không chỉ dịp lễ, trước đó sức mua của người tiêu dùng tại hệ thống đã phục hồi đáng kể, người tiêu dùng không còn thắt chặt chi tiêu như trước. Đây là cơ sở để Organic Food tin tưởng mùa Tết năm nay sẽ khởi sắc cho một chu kỳ kinh tế tốt hơn.
"Đợt này, chúng tôi đẩy mạnh các sản phẩm trái cây đặc trưng vùng miền như: măng cụt, chôm chôm, nhãn lồng… và bán rất chạy. Người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền cao hơn để mua trái cây nội địa ngon, an toàn chứ không chỉ ưu tiên cho cherry hay kiwi" - ông Hòa nói.
An toàn mùa Trung thu
Báo SGGP cho hay, còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Trung thu 2024, đây cũng là thời điểm thị trường hàng hóa thực phẩm, bánh kẹo phục vụ cho Tết Trung thu rất sôi động và phong phú. Cục ATTP (Bộ Y tế) mới đây đã có công văn đề nghị văn phòng UBND 63 tỉnh, thành phố, sở y tế các tỉnh, thành phố, Sở ATTP TP. HCM... chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP Tết Trung thu 2024.
Trong đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo ATTP; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên báo chí.
Để có một mùa Trung thu an toàn, ý nghĩa, mỗi người dân và gia đình cũng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn sử dụng các mặt hàng bánh Trung thu. Tuyệt đối không mua các sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm bị biến dạng, màu sắc khác thường và bao bì thiếu các thông tin cần thiết.
Phụ huynh chi tiền triệu sắm dụng cụ học tập cho con
Vừa trở lại TP. HCM sau những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nhiều phụ huynh đã vội vã đưa con đến nhà sách, siêu thị, cửa hàng văn phòng phẩm mua dụng cụ học tập trước khi vào năm học mới.
Báo Tiền Phong ghi nhận, tối 3/9, tại nhiều nhà sách ở TP. HCM, khá đông phụ huynh đưa con đến chọn mua sách vở, đồ dùng học tập để chuẩn bị bước vào năm học 2024 - 2025.
Mua 20 cuốn vở, một bộ sách giáo khoa lớp 7, hai hộp bút tổng cộng gần 2 triệu đồng, chị Phương Uyên (ngụ quận 6, TPHCM) cho biết, tận dụng lại ba lô, đồng phục từ năm ngoái nên mua sắm cho năm học mới có phần nhẹ hơn đôi chút. Chứ sắm sửa mới toàn bộ như năm đầu cấp thì phải tròm trèm 5 triệu đồng mới đủ.
Ghi nhận các sản phẩm dụng cụ học tập đa phần đều là hàng trong nước. Hàng hóa đa dạng, có nhiều mức giá để khách hàng lựa chọn.
Trước thềm khai giảng năm học mới 2024-2025, TPHCM đã xếp đồ dùng học sinh như tập vở, cặp, ba lô, túi xách, đồng phục học sinh, giày dép học sinh… nằm trong 12 nhóm hàng thuộc Chương trình bình ổn thị trường của thành phố. Vì vậy, các mặt hàng này luôn được bình ổn, giá bán thấp hơn so với thị trường từ 5 – 10%.
TP. HCM chạy nước rút tuyến metro đầu tiên
Theo Báo Thanh Niên, hiện nay, tuyến metro số 1 TP.HCM (metro Bến Thành - Suối Tiên) đang chạy nước rút với mục tiêu đưa vào khai thác thương mại cuối năm nay. Ngay trước thềm lễ Quốc khánh (2.9), lần đầu tiên các học viên lái tàu VN (thuộc Công ty Đường sắt đô thị số 1 - đơn vị vận hành metro) đã được trực tiếp điều khiển vận hành thử nghiệm 6 đoàn tàu thuộc tuyến metro số 1. Tàu chạy thử trên toàn tuyến từ ga Bến Thành (Q.1) tới ga Suối Tiên (TP.Thủ Đức) tổng chiều dài gần 20 km.
Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) - chủ đầu tư, cho biết MAUR vẫn đang giữ nguyên tiến độ đã báo cáo UBND TP.HCM theo cam kết của các nhà thầu Nhật Bản, tức hoàn thành tuyến metro số 1 vào tháng cuối cùng của năm 2024 và đưa vào vận hành.
Ngay sau khi tuyến metro đầu tiên đi vào hoạt động, MAUR cũng sẽ khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Dự án hiện cũng đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành Quyết định bồi thường 584/586 trường hợp, đạt 99,6%. Các nhà thầu đang thi công những hạng mục đầu tiên về di dời - tái lập hệ thống cấp thoát nước, biển báo, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông. Qua các bước chuẩn bị, mục tiêu đề ra là thi công các hạng mục nhà ga, tuyến chính vào năm 2025, đảm bảo đưa tuyến metro số 2 vào khai thác năm 2030 như chỉ đạo của Thủ tướng.