Người dân TPHCM mạnh tay sắm Tết hơn năm trước
VietNamNet cho hay, Cục thống kê TPHCM vừa công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2025. Đây cũng là giai đoạn cao điểm mua sắm, chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của người dân trên địa bàn thành phố.
Theo đó, tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại TPHCM đạt 107.996 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 53.717 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Gần 50% tổng doanh thu còn lại từ lưu trú và ăn uống ( doanh thu 12.832 tỷ đồng, tăng 21,6%), dịch vụ lữ hành (doanh thu 2.598 tỷ đồng, tăng 17%) và các dịch vụ khác (doanh thu 38.849 tỷ đồng, tăng 1,6%).
Về bán lẻ hàng hoá, các nhóm mặt hàng phục vụ nhu cầu chủ yếu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao so với tháng 12/2024 như: Lương thực thực phẩm (tăng 5,7%), đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (tăng 11,1%), vật phẩm văn hoá, giáo dục (tăng 14,1%).
Tuy vậy, một số nhóm mặt hàng có doanh thu giảm so với tháng cuối cùng của năm 2024 như: Gỗ và vật liệu xây dựng (giảm 13,4%), phương tiện đi lại (giảm 11,7%), đá quý, kim loại quý và sản phẩm (giảm 1%), sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác (giảm 8,9%).
Chương trình bình ổn thị trường của TPHCM tiếp tục phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp đảm bảo cung ứng hàng hoá xuyên suốt phục vụ người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Tuyến metro số 2 của TP.HCM dự kiến khởi công sớm nhất vào 2026
Theo ZNews, năm 2025, TP có nhiều dự án giao thông và chỉnh trang đô thị quy mô lớn. Trong đó, dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đã hoàn tất thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt 100%, với 99% mặt bằng sạch sẵn sàng thi công. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật tại 12 vị trí nhà ga đã đạt hơn 30% kế hoạch, dự kiến hoàn tất toàn bộ vào quý II/2025.
Tuy nhiên, dự án này hiện gặp vướng mắc về đơn giá các gói thầu và thời gian thực hiện các hạng mục chính, bao gồm xây dựng nhà ga ngầm, đường hầm và đoạn trên cao. Ngoài ra, nguồn vốn thực hiện cũng đã được điều chỉnh từ vốn ODA sang vốn ngân sách Nhà nước. Do vậy, dự kiến sớm nhất phải đến năm 2026, dự án mới có thể khởi công.
Toàn tuyến metro số 2 dài hơn 11 km, trong đó 9,2 km đi ngầm, còn lại chạy trên cao và đường dẫn vào depot Tham Lương (quận 12). Dự án có 9 ga ngầm, một ga trên cao. Công trình khi hoàn thành sẽ kết nối metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại ga Bến Thành (quận 1) và nhiều tuyến khác trong tương lai, thuận lợi cho người dân di chuyển theo trục Đông - Tây vào trung tâm TP.HCM.
Chạy đua tuyển dụng lao động sau tết
Ghi nhận của báo Thanh Niên, sáng 4/2 (mùng 7), tại Khu chế xuất (KCX) Linh Trung 1 (TP.Thủ Đức), nhiều công ty đã hoạt động trở lại, số còn lại sẽ đón công nhân từ ngày 5 – 7/2. Nhiều doanh nghiệp (DN) treo băng rôn tuyển hàng trăm công nhân may và lao động phổ thông. Tuy nhiên, nếu như vào tầm mùng 6, mùng 7 những năm trước, người lao động (NLĐ) tập trung đông trước cửa nhiều công ty để tìm việc thì năm nay tình hình ứng tuyển trầm lắng hơn.
Tại KCX Tân Thuận (Q.7), Trung tâm hỗ trợ và phát triển DN TP.HCM (nơi giới thiệu việc làm cho NLĐ trong khu này) cho biết đã đăng tuyển hàng trăm vị trí từ ngày 3/2 (mùng 6).
Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts VN (FAPV), chuyên sản xuất linh kiện điện tử, cũng đang tuyển hàng trăm công nhân từ 18 - 43 tuổi, không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần biết đọc viết. Công nhân làm việc tại đây có thu nhập từ 8,5 - 13 triệu đồng/tháng, hưởng phúc lợi, phụ cấp đi lại, nhà ở... Dù vậy, FAPV thừa nhận việc tuyển lao động phổ thông trước lẫn sau tết vẫn đang gặp khó khăn.
Một nhân viên phụ trách tuyển dụng tại Công ty TNHH Pouyuen VN (Q.Bình Tân) cho hay hiện bộ phận sản xuất đế giày đang cần tuyển 100 lao động. Để thu hút ứng viên, công ty áp dụng chính sách thưởng 1,5 triệu đồng cho người giới thiệu. Về tình hình trở lại làm việc sau tết, từ ngày 3/2 đến nay đã có khoảng 60 - 70% công nhân của bộ phận này vào làm.
200.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi trong năm 2025
Thông tin trên báo SGGP, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết, thống kê bước đầu, đến nay đã có 18 tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM đăng ký gói tín dụng tham gia Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2025 với tổng số tiền gần 200.000 tỷ đồng, cho vay với lãi suất ưu đãi.
Nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trong năm 2025 là tiếp tục giải ngân gói tín dụng của chương trình và đối thoại với doanh nghiệp nhằm giải quyết những vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn TPHCM tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi.
TP.HCM sẽ kiểm soát chặt việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có ý kiến chỉ đạo về tập trung chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản và thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư bất động sản. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP giao thủ trưởng các sở, ban, ngành TP, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 03/CĐ-TTg về tập trung chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản và thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư bất động sản.
Chủ tịch UBND TP giao thanh tra TP và Sở Xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch, môi giới bất động sản trên địa bàn TP. Đặc biệt là tại các khu vực, dự án có hiện tượng tăng giá bất thường để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền và quy định pháp luật. Trong đó, chú trọng tính pháp lý, điều kiện, công khai thông tin... của bất động sản đưa vào kinh doanh có hiện tượng tăng giá bất thường, không để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Thanh tra TP và Sở Xây dựng đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, hoạt động của sàn giao dịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản trên địa bàn TP. Bảo đảm minh bạch hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động này, phòng ngừa, hạn chế việc thiếu kiểm soát, có thể gây bất ổn thị trường.
TP.HCM đang thiếu tài xế lái xe buýt
Báo Tuổi Trẻ cho biết, Sở Giao thông vận tải TP. HCM vừa có báo cáo UBND TP. HCM về hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khi thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có khoảng 2.221 xe buýt hoạt động trên 138 tuyến. Trong đó, nhóm xe trung bình từ 41 - 60 chỗ có 853 xe (chiếm 39%).
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, năm 2024 có khoảng 601 lái xe có giấy phép lái xe hạng D (theo Luật Giao thông đường bộ 2008) được bố trí hoạt động trên các tuyến xe buýt có sức chứa từ 30 - 47 chỗ, bao gồm 20 - 26 chỗ ngồi và 14 - 21 chỗ đứng.
Sau thời gian triển khai một số giải pháp, số lượng lái xe đã đăng ký thi nâng hạng giấy phép lái xe là 81 lái xe, số lượng lái xe đã tuyển dụng mới là 39 lái xe. Như vậy, số lượng lái xe còn thiếu để lái xe buýt đáp ứng đủ điều kiện giấy phép lái xe theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là 481 lái xe (tỉ lệ 80%).
Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tổ chức họp với đơn vị vận tải và chỉ đạo các bộ phận liên quan tạo điều kiện cho các lái xe tham gia các khóa học nâng hạng giấy phép lái xe theo quy định trong thời gian sớm nhất.
Mở rộng khảo sát đánh giá năng lực học sinh ra 5 khối lớp
Chia sẻ với Tạp chí Giáo dục TP, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong HKII năm học 2024-2025, TP.HCM sẽ tiến hành khảo sát đánh giá năng lực học sinh 5 khối lớp, bao gồm: 3, 7, 8, 9 và 11 theo hình thức trực tuyến trên máy tính. Trong đó, khối 3, 7, 8 khảo sát năng lực vận dụng; khối 9, 11 khảo sát năng lực ngoại ngữ.
Như vậy, đây là năm đầu tiên TP.HCM mở rộng khảo sát năng lực học sinh với khối 8. Trước đó, việc khảo sát năng lực chỉ được ngành giáo dục triển khai với các khối 3, 7, 9 và 11.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, việc khảo sát nhằm mục đích đánh giá kết quả, chất lượng giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh thành phố cả trong và ngoài công lập trong năm học 2024-2025, trên cơ sở đó đề xuất biện pháp phát huy điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu trong công tác dạy và học.
Kết quả khảo sát sẽ làm cơ sở để các tổ chuyên môn đi sâu vào hoạt động chuyên môn có hiệu quả hơn, đảm bảo cho việc ra đề kiểm tra định kỳ cuối năm theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học…
Việc khảo sát hướng tới đánh giá kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống của học sinh. Kết quả đánh giá năng lực chỉ sử dụng để phân tích, phục vụ công tác nghiên cứu, tuyệt đối không sử dụng để so sánh, xếp loại, đánh giá học sinh, giáo viên.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)