Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 8/10/2024

10:28 08/10/2024

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 8/10/2024:

TP. HCM sáp nhập 80 phường trong 2 năm, giảm 39 phường

Theo báo Lao Động, UBND TP. HCM vừa trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 để xem xét và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt.

TPHCM rút ngắn thời gian sáp nhập 80 phường, hoàn tất năm 2025. Ảnh: Anh Tú
TPHCM rút ngắn thời gian sáp nhập 80 phường, hoàn tất năm 2025. Ảnh: Anh Tú

Hiện TP. HCM có 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 249 phường, 5 thị trấn và 58 xã. Sau khi rà soát, thành phố xác định có 120 đơn vị hành chính cần được sắp xếp, trong đó có 119 phường và 1 thị trấn. Tuy nhiên, do yếu tố đặc thù, 42 phường và 1 thị trấn sẽ không thực hiện sáp nhập và 3 phường liền kề sẽ chỉ điều chỉnh địa giới.

Như vậy, từ 2023 đến 2025, TP. HCM sẽ sáp nhập 80 phường thuộc 10 quận thành 38 phường mới, giảm 39 phường so với hiện tại. So với đề xuất ban đầu kéo dài đến năm 2030, thì hiện thời gian sắp xếp đã được rút ngắn. Sau khi sắp xếp, TP. HCM sẽ còn 22 đơn vị hành chính cấp huyện (16 quận, 1 thành phố và 5 huyện) và 273 đơn vị hành chính cấp xã (210 phường, 5 thị trấn và 58 xã).

UBND TP. HCM cũng đã xây dựng phương án về việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách tại các phường thuộc diện sắp xếp.

Tiếp tục chỉnh trang bến Bạch Đằng, hình thành nơi ngắm sông tuyệt đẹp mới

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về 2 phương án kiến trúc cầu bến B - Ba Son, bến Bạch Đằng. Theo các phương án được đưa ra, nơi đây sẽ có cảnh quan view sông Sài Gòn rất đẹp, có nhà vệ sinh, bãi giữ xe… Nội dung trên báo Pháp Luật TP.

Phương án kiến trúc thứ nhất của cầu bến B- Ba Son. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM
Phương án kiến trúc thứ nhất của cầu bến B- Ba Son. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM

Cầu bến B - Ba Son sẽ tạo các lối vào cho người dân, hành khách vào bến, lắp đặt lan can che chắn cầu bến, bố trí nhà chờ, nhà vệ sinh với kết cấu lắp ghép (bán kiên cố), bãi đỗ xe máy, hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời trên mặt bến.

Đồng thời, bổ sung cây xanh, chậu kiểng, cải tạo thêm các mảng xanh trên mặt bến, cải tạo mỹ quan mặt cầu bến để phục vụ người dân tiếp cận bờ sông thưởng ngoạn và hành khách đi lại bằng đường thủy, cải tạo bờ kè dọc theo cầu bến. Sở GTVT TP cũng đề xuất 2 phương án kiến trúc để lựa chọn. Theo đó, phương án 1 với nhà chờ là mái bằng và phương án 2 là nhà chờ có thể bằng mái che nghệ thuật.

Theo Sở GTVT TP, nhà đầu tư sẽ chịu hoàn toàn chi phí thực hiện chỉnh trang, cải tạo cầu bến B - Ba Son, dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 8 tỉ đồng. Nhà đầu tư sau khi hoàn thành chỉnh trang, cải tạo cầu bến B sẽ bàn giao cho UBND quận 1 tổ chức quản lý khai thác.

Nhu cầu tuyển dụng công nhân không có bằng cấp chiếm tỷ lệ cao

Báo Thanh Niên cho hay, ngày 8.10, theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) có 10.097 vị trí việc làm được đăng tuyển trên website của đơn vị trong 9 tháng đầu năm.

Người lao động đang xem thông tin tuyển dụng trong Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM)
Người lao động đang xem thông tin tuyển dụng trong Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM)

Trong đó, đứng đầu về nhu cầu tuyển dụng là lao động phổ thông với 5.686 vị trí (chiếm 56,31% tổng số). Ngành da giày - may mặc đứng thứ hai với 1.012 vị trí (chiếm 11,48%), tiếp theo là ngành thực phẩm - đồ uống với 1.124 vị trí tuyển dụng (chiếm 11,13%).

Ngoài ra, hầu hết các ngành đăng tuyển trên website của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM chỉ có nhu cầu tuyển dụng ở mức thấp, và có 2 ngành hiện không có nhu cầu tuyển dụng nào, đó là: giáo dục chính trị, triết học; nông - lâm nghiệp và thủy sản.

Trong khi đó, có 8.813 người lao động tìm việc, phân bổ đều ở nhiều ngành nghề. Một số ngành cũng có nhu cầu tìm việc cao như dịch vụ với 442 người (chiếm 5,02%), ngành kinh tế với 452 người (chiếm 5,13%), và ngành kỹ thuật - cơ khí với 612 người (chiếm 6,94%)

Từ ngày 22 và 24/1, sẽ có chuyến tàu và chuyến bay đưa công nhân về quê đón tết

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ký văn bản ban hành kế hoạch hỗ trợ phương tiện đưa đoàn viên, người lao động về quê đón tết và quay lại làm việc sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Năm nay, chương trình hỗ trợ của Công đoàn Việt Nam tiếp tục tập trung vào hai hình thức chính: “Chuyến bay công đoàn - Xuân 2025” và “Chuyến tàu công đoàn - Xuân 2025”. Tin trên báo SGGP.

Tổ chức công đoàn đưa tiễn người lao động từ miền Nam về miền Bắc đón Tết Giáp Thìn. Ảnh tư liệu của SGGPO
Tổ chức công đoàn đưa tiễn người lao động từ miền Nam về miền Bắc đón Tết Giáp Thìn. Ảnh tư liệu của SGGPO

Cụ thể, chương trình “Chuyến bay công đoàn” sẽ tổ chức hai chuyến bay tập trung, đưa khoảng 400 đoàn viên, người lao động từ TP. HCM về quê tại các tỉnh phía Bắc. Điểm đến là sân bay Vinh (Nghệ An) và sân bay Nội Bài (Hà Nội). Dự kiến, thời gian diễn ra từ ngày 24 đến 28/1/2025 (tức từ 25 đến 29/12 âm lịch). Các chuyến bay này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm chưa được về quê đón tết.

Chương trình “Chuyến tàu công đoàn” sẽ hỗ trợ khoảng 2.000 đoàn viên và người lao động di chuyển bằng tàu hỏa trên tuyến Bắc - Nam. Các chuyến tàu đưa người lao động về quê sẽ khởi hành từ ga Sài Gòn (TPHCM), Dĩ An (Bình Dương) và Biên Hòa (Đồng Nai), bắt đầu từ ngày 22/1 đến 28/1/2025.

Sau kỳ nghỉ tết, đoàn viên và người lao động sẽ được hỗ trợ quay lại làm việc từ ngày 3/2 đến 14/2/2025 (tức từ ngày 4 đến 14 tháng Giêng âm lịch).

Đưa chương trình “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” đến 600 trường THPT cả nước

Báo Người Lao Động cho biết, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” năm nay sẽ đồng hành cùng học sinh THPT ở TP. HCM và gần 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.

“Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 17 năm học 2024-2025 do Tạp chí Giáo dục TP HCM, Sở GD-ĐT TP HCM, ĐHQG TP HCM, Trung tâm Phát triển phía Nam (Bộ GD-ĐT) phối hợp tổ chức.
“Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 17 năm học 2024-2025 do Tạp chí Giáo dục TP HCM, Sở GD-ĐT TP HCM, ĐHQG TP HCM, Trung tâm Phát triển phía Nam (Bộ GD-ĐT) phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại lễ khai mạc chương trình hướng nghiệp sáng 7-10, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP. HCM, nhấn mạnh việc định hướng nghề nghiệp đúng đắn, kịp thời rất quan trọng với học sinh THPT.

"Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên các em học sinh tốt nghiệp chương trình GDPT 2018. Chương trình giáo dục này không chỉ trang bị kiến thức mà còn rèn luyện các kỹ năng cần thiết. Chính vì thế, việc hướng nghiệp sẽ có vai trò quan trọng, giúp các em kết nối giữa những kiến thức đã học với thực tế ngành nghề, để từ đó tự tin lựa chọn con đường phù hợp nhất cho mình" – ông Bảo chỉ rõ.

Chương trình nhằm tư vấn cho học sinh về hướng học, hướng nghề, hướng trường, chọn ngành nghề, bậc học phù hợp với năng lực bản thân, kinh tế gia đình và sở thích cá nhân; giới thiệu tóm tắt các ngành nghề trong xã hội; hệ thống các loại hình đào tạo; tìm hiểu hệ thống giáo dục nghề nghiệp; dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động trong tương lai.

Hơn 100 tiết mục tham gia Liên hoan Giai điệu quê hương lần 19-2024

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, tối qua, Liên hoan ca múa nhạc dân tộc Giai điệu quê hương TP.HCM lần thứ 19-2024 đã khai mạc tại rạp Hồng Liên (quận 6). Liên hoan được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Năm nay đã là lần tổ chức thứ 19.

Chương trình thi diễn mở màn Liên hoan ca múa nhạc dân tộc Giai điệu quê hương TP.HCM lần 19-2024 của Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 6 - Ảnh: LINH ĐOAN
Chương trình thi diễn mở màn Liên hoan ca múa nhạc dân tộc Giai điệu quê hương TP.HCM lần 19-2024 của Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 6 - Ảnh: LINH ĐOAN

Ban tổ chức cho biết có 22 đội văn nghệ từ phong trào cơ sở ở TP tham gia thi diễn với hơn 100 tiết mục gồm các hình thức: đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca, tốp ca, múa minh họa, múa độc lập, về thi diễn đàn truyền thống có độc tấu, song tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc...

Liên hoan sẽ kéo dài từ ngày 7 đến 10/10. Các đội thi chia thành hai cụm. Ngày 7 và 8/10 thi diễn tại rạp Hồng Liên (tức Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 6). Ngày 9 và 10/10 thi diễn tại Nhà hát Bến Thành. Lễ tổng kết và trao giải cũng diễn ra tại Nhà hát Bến Thành.

Sau đêm khai mạc tối 7/10, 5 đơn vị đã bước vào thi diễn, gồm: Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 6, Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 8, Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao quận Bình Tân, Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 5 và Trung tâm Văn hóa - Thể thao và truyền thông huyện Bình Chánh.

Việt Nam vào top 10 quốc gia thân thiện nhất thế giới 2024

Việt Nam đứng thứ 9/10 quốc gia thân thiện nhất thế giới theo bình chọn của trang CNTraveller trong hạng mục “Những quốc gia thân thiện nhất thế giới” của giải do độc giả bình chọn (2024 Readers’Choice Award). Tin từ báo Phụ Nữ TP.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 8/10/2024 - Ảnh 1

Theo CNTraveller, Việt Nam chào đón du khách bằng sự cởi mở và thân thiện. Từ những tòa nhà chọc trời ở TP.HCM đến những cánh đồng lúa vàng ở Sa Pa (Lào Cai) đã tạo nên vẻ đẹp rất độc đáo và ấn tượng. Đến những homestay ở vùng nông thôn, du khách được sống cùng, nấu ăn cùng và chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp. Thú vị hơn là món ăn truyền thống được chế biến rất ngon bán với giá phải chăng; những gánh hàng rong, cà phê lề đường, ghế cắt tóc trên vỉa hè hay nhiều nhóm tập thể dục buổi sáng đã làm cho du khách thấy thích thú và hòa vào cộng đồng người Việt Nam.

Đứng đầu bảng xếp hạng là Costa Rica. Người dân vùng Trung Mỹ này hay nói “Pura Vida” có nghĩa là “cuộc sống trong sáng”. Họ sử dụng như một lời chào và cũng như thể hiện một phong cách sống của mình. Xếp thứ hai là New Zealand, thứ ba là Thái Lan và các thứ hạng tiếp theo lần lượt là: Maldives, Canada, Nhật Bản, Sri Lanka, Mexico, Việt Nam và Seychelles (quốc gia có 107.000 dân được hình thành từ 115 hòn đảo ngoài khơi bờ biển Đông Phi).

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục