Ba tỉnh Nam Bộ cam kết hỗ trợ 10 triệu m3 cát cho đường Vành đai 3 TPHCM
Để đảm bảo nguồn cung cấp vật liệu xây dựng cho dự án Vành đai 3, các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre đã cam kết hỗ trợ tổng cộng 10 triệu m3 cát theo chỉ đạo của Thủ tướng. Nội dung trên TTXVN.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ 1,4 triệu m3 cát, tỉnh Tiền Giang hỗ trợ 6,6 triệu m3 cát và tỉnh Bến Tre hỗ trợ 2 triệu m3 cát.
Hiện nay, công tác cấp phép khai thác cát đã hoàn thành đối với 13 mỏ. Sáu mỏ đã chính thức cung cấp cát cho dự án và dự kiến đến cuối quí 4, sẽ có thêm 4 mỏ hoàn tất thủ tục, nâng tổng số mỏ cung cấp cát lên 10/13.
Để đáp ứng nhu cầu vật liệu, các nhà thầu còn chủ động tìm kiếm cát từ các doanh nghiệp trong nước, nhập khẩu từ Campuchia và nhận hỗ trợ từ các địa phương, nhằm đảm bảo tiến độ xử lý nền đất yếu và các công việc phụ trợ của dự án.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án sẽ cùng với các nhà thầu và địa phương tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các mỏ cát mới, điều phối việc cung cấp vật liệu từ các mỏ đã được cấp phép.
Chiều 7-11, tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, dự án đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, đạt tỷ lệ 99,8% và dự kiến hoàn thành trong tháng 11 năm nay.
Thông xe thêm một đoạn nối Trần Quốc Hoàn, giảm áp lực cho vòng xoay Lăng Cha Cả
Chiều 7/11, trao đổi với báo Tuổi Trẻ, đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết vừa thông xe, tổ chức giao thông đi lại ở đoạn nối đường Thăng Long - 18E - Cộng Hòa. Đây là đoạn thuộc gói thầu số 10 của dự án đường nối Trần Quốc Hoàn, có trị giá hơn 120 tỉ đồng.
Tuy toàn dự án còn nhiều hạng mục còn phải hoàn thiện và dự kiến xong cuối năm nay, Ban Giao thông đã thi công cơ bản hoàn thành và đề xuất, phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải TP.HCM, UBND quận Tân Bình và Sư đoàn 370 thống nhất phương án khai thác tạm gói thầu này để phục vụ làm các bước tiếp theo của dự án. Việc hoàn thành đoạn này sẽ giảm bớt kẹt xe khu vực đường Thăng Long, vòng xoay Lăng Cha Cả. Mọi người sẽ đi thẳng từ hầm chui rồi rẽ ra Cộng Hòa.
Để đảm bảo an toàn giao thông sau khi đưa vào khai thác tạm, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết kể từ ngày 7/11, đường nối Phan Thúc Duyện (đoạn từ đường Thăng Long đến đường 18E), đường 18E (đoạn từ đường nối Phan Thúc Duyện đến đường Cộng Hòa) sẽ được tổ chức đi hai chiều.
Xe từ đường Phan Thúc Duyện, đường Thăng Long đến đường Cộng Hòa và ngược lại có thể theo lộ trình: đường Phan Thúc Duyện (đường Thăng Long) - đường nối Phan Thúc Duyện - đường 18E - đường Cộng Hòa và ngược lại.
Mọi thông tin phản ánh vi phạm trật tự xây dựng đều phải được kiểm tra
Báo Pháp Luật TP cho biết, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa có văn bản chấp thuận đề nghị của Sở Xây dựng TP.HCM về việc xây dựng Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
Theo quy chế phối hợp, Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện, UBND cấp xã, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của UBND TP.HCM.
Việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công, khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng. Tất cả các vi phạm hành chính về xây dựng phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục toàn bộ, triệt để theo đúng quy định của pháp luật.
Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng đều có quyền phản ánh thông tin đến các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền để xác minh, xử lý theo quy định.Mọi thông tin phản ánh về công trình vi phạm trật tự xây dựng đều phải được kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật, đảm bảo bí mật về thông tin cá nhân và các thông tin có liên quan đến người cung cấp thông tin.
Nhiều mô hình hiệu quả từ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Theo Trang tin điện tử Đảng bộ TP, Công an TP. HCM vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BCA-V28 ngày 15/8/2014 của Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới” giai đoạn 2014 - 2024.
Theo Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP. HCM, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động, cùng khoảng 1.000 cơ quan và 3.287 cơ sở giáo dục, số lượng đơn vị sử dụng dịch vụ bảo vệ ước tính là 303.827 đơn vị. Nhìn chung, công tác đảm bảo ANTT trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường - cơ sở giáo dục luôn được giữ vững ổn định, góp phần vào phát triển kinh tế của thành phố.
Trong công tác xây dựng, củng cố các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trên địa bàn thành phố đang duy trì hoạt động của 41 mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về ANTT. Các mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng đa dạng, phong phú như mô hình “Tổ công nhân đường phố phòng, chống tội phạm”, “Ban tự quản sinh viên ký túc xá”, “Nhà trọ sinh viên tự quản về ANTT”… đã giúp phát huy vai trò của nhân dân trong việc phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm, tệ nạn xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho lực lượng Công an và các ban ngành phối hợp một cách hiệu quả hơn trong công tác bảo vệ ANTT.
Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì về chất lượng bữa ăn bán trú?
Báo Thanh Niên cho hay, Sở GD-ĐT TP.HCM đã cung cấp những thông tin liên quan đến chất lượng bữa ăn bán trú theo phản ánh của báo chí và phụ huynh.
Sở GD-ĐT cho biết đã có văn bản chỉ đạo đến các phòng GD-ĐT, các hiệu trưởng quản lý tốt bếp ăn, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học. Yêu cầu các cơ sở giáo dục nghiêm túc triển khai thực hiện tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát tổ chức bữa ăn học đường, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý và vệ sinh môi trường; phân chia thời gian mỗi ca ăn của học sinh hợp lý; khu vực nhà ăn phải thông thoáng, sạch sẽ; giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành của từng bữa ăn của học sinh hàng ngày; thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp; thực hiện nghiêm việc tự kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn, căn tin trong trường học...
Sở GD cho rằng cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. Ban đại diện CMHS trong lớp, trong trường phát huy vai trò của mình trong việc phối hợp cùng nhà trường chăm lo sức khỏe học sinh; có những tham vấn, góp ý với nhà trường trong tổ chức bữa ăn bán trú; cùng nhà trường giám sát về công tác tổ chức bữa ăn bán trú, chất lượng bữa ăn bán trú trong suốt năm học.
Sở GD-ĐT cho hay sẵn sàng tiếp nhận những thông tin phản ánh của phụ huynh, học sinh về chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường học. Và xem đây là kênh hữu ích để ngành giáo dục nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra giám sát, nâng cao hơn nữa chất lượng tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, chăm sóc sức khỏe học sinh.
Hàng nghìn học sinh TP. HCM hưởng lợi từ dự án trồng cây trường học
Dự án trồng cây trường học 2022 tại TP. HCM vừa được Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia nghiệm thu thành công, với tỷ lệ sống 83,1%. Trong đó, nhiều cây đã cao trên 6m, tỏa tán xanh mát. Các giống cây cho hoa như Bằng lăng, Móng bò, Kèn hồng,... đã ra mùa hoa đầu tiên sau 1 năm trồng. Nhiều cây trở thành nơi cư trú của các loài động vật như chim, sóc. Nội dung trên báo Giáo dục và Đời sống.
Dự án trồng cây trường học 2022 tại TP.HCM đã được các thầy cô và học sinh hết sức ủng hộ. Cụ thể, Gaia đã tổ chức chương trình Trồng cây trường học TPHCM từ 2020 với tổng số 174 cây tại 15 trường học trên địa bàn, tỷ lệ sống trên 80%.
"Chúng tôi thường ưu tiên chọn các giống cây gỗ lớn như Xà Cừ, Bằng lăng, Lim xẹt,... có bộ rễ chắc chắn, tạo bóng mát, có hoa tạo cảnh quan nhưng hoa trái không có độc, cũng không ăn được, cành nhánh cao để các em học sinh không trèo lên. Cây thường có độ cao từ 3-4m để có thể bám chắc rễ và tiếp tục phát triển, nhưng cũng có thể nhanh chóng tạo tán, ra hoa mà các em học sinh không phải đợi quá lâu" - bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Nhà sáng lập & Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết.
"Trong vòng 2 năm sau khi trồng, chúng tôi phối hợp cùng nhà trường tổ chức các hoạt động chăm sóc, giám sát và lập báo cáo định kỳ 6 tháng 1 lần. Sau 2 năm, chúng tôi sẽ bàn giao lại cây cho nhà trường tiếp tục chăm sóc và quản lý. Nếu nhà trường cần bất kỳ hỗ trợ kỹ thuật nào, Gaia sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ" - bà Huyền khẳng định.
Ballet "Kiều" đoạt giải nhất giải thưởng Văn học nghệ thuật TP. HCM lần thứ 3
Tối 7/11, tại nhà hát TP. HCM, UBND TP. HCM tổ chức trao giải thưởng Văn học nghệ thuật TP. HCM lần thứ 3 (giai đoạn 2018 - 2022). Chỉ duy nhất lĩnh vực múa được xét giải có giải nhất, dành cho vở ballet "Kiều" (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP. HCM). Tin trên báo Phụ Nữ TP.
Đại diện hội đồng nghệ thuật báo cáo về quá trình xét giải, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP. HCM Nguyễn Trường Lưu cho biết, giải thưởng đợt này xét giải ở 9 lĩnh vực: văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc, múa và văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số.
Ban tổ chức đã nhận được 292 tác phẩm gửi về dự giải. Từ đây, hội đồng chuyên ngành các hội văn học nghệ thuật TP. HCM đã chọn 55 tác phẩm, giới thiệu cho hội đồng chung khảo xét chọn, xếp loại. Qua trao đổi, xem xét nhiều góc độ và bỏ phiếu kín, hội đồng chung khảo đã đề xuất UBND TP. HCM trao giải thưởng Văn học nghệ thuật TP. HCM lần 3 (2018 - 2022) cho 55 tác phẩm, gồm: 1 giải nhất, 12 giải nhì, 23 giải ba, và 19 giải khuyến khích.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)