Chăm lo thiết thực cho đoàn viên - lao động
Báo Người Lao Động đưa tin, cuối tuần qua, LĐLĐ quận 7, TP. HCM đã phối hợp với Ủy ban MTTQ và Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận tổ chức chương trình chạy bộ gây quỹ chăm lo cho người nghèo, đoàn viên - lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình thu hút hơn 3.000 CNVC-LĐ, chủ doanh nghiệp tham gia với lộ trình 3 km. Kết thúc chương trình, ban tổ chức đã nhận được hơn 5,4 tỉ đồng ủng hộ từ các cá nhân, tập thể tham gia. Dịp này, ban tổ chức đã trao 85 phần quà (1 triệu đồng/phần) cho trẻ mồ côi vì dịch COVID-19 và người lao động khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo.
LĐLĐ quận Bình Tân, TP. HCM cũng vừa tổng kết Tháng Công nhân (CN) lần thứ 16. Bám sát chủ đề "Đoàn kết CN - Triển khai nghị quyết", LĐLĐ quận đã triển khai nhiều chương trình chăm lo thiết thực cho đoàn viên - lao động. LĐLĐ quận đã tổ chức 15 chương trình "Cảm ơn người lao động" tại các doanh nghiệp để tri ân đoàn viên - lao động tiêu biểu trong lao động sản xuất, qua đó tặng 17.127 phần quà với tổng số tiền hơn 5,1 tỉ đồng; phối hợp tổ chức các mô hình chăm lo cho đoàn viên mắc bệnh hiểm nghèo; thành lập 4 "Điểm phúc lợi đoàn viên" cung cấp sản phẩm thiết yếu giá ưu đãi từ 5% đến 30% cho người lao động tại các doanh nghiệp, khu nhà trọ đông CN.
Sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh TP. HCM tham gia công trình dẫn nước tự chảy 1 tỉ đồng
Báo Tuổi Trẻ cho hay, mới đây, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang cùng Thường trực Tỉnh Đoàn Phú Yên, Thành Đoàn TP. HCM đã đến thăm, động viên đội hình sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên đang đóng quân tại xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên).
Theo báo cáo của đội hình sinh viên tình nguyện Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. HCM, chiến dịch Mùa hè xanh của trường diễn ra từ 1/7 đến 24/7 với 50 chiến sĩ. Đội hình sẽ thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa trên địa bàn đóng quân như thi công công trình thắp sáng đường quê, đường cờ Tổ quốc, tổ chức bữa ăn sáng cho trẻ em vùng cao...
Trong đó, tiêu biểu nhất là đội hình phối hợp với UBND xã Xuân Quang 1 và 70 chiến sĩ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, lực lượng đoàn viên, thanh niên của xã thực hiện công trình lắp đặt hệ thống nước tự chảy từ Vực Tròn đến các thôn của xã này để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân địa phương. Công trình được xây dựng với chiều dài trên 8km, có tổng mức đầu tư khoảng 1 tỉ đồng.
Sẽ công bố danh sách cơ sở không đảm bảo an toàn tiêm chủng
Sở Y tế TP. HCM vừa có công văn gửi các phòng y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức, yêu cầu báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá hoạt động tiêm chủng 6 tháng đầu năm 2024. Tin trên báo Thanh Niên.
Tính đến ngày 3/7, tại TP. HCM có tổng cộng 683 cơ sở công bố đủ điều kiện tiêm chủng. Trong 4 tháng đầu năm 2024, ngành y tế thành phố đã rút tên 5 cơ sở do không đủ các điều kiện đảm bảo an toàn. Sở Y tế cho biết sẽ công bố danh sách các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn tiêm chủng.
Trong một diễn biến khác, nguồn tin riêng của PV Thanh Niên cho biết Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC) vừa có công văn gửi Bệnh viện Q.11, Bệnh viện Xuyên Á (H.Củ Chi), đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến các trường hợp gặp sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
HCDC cũng có công văn gửi Công ty cổ phần dược phẩm FPT Long Châu và cử chuyên gia đến làm việc, đề nghị công ty cung cấp quá trình tổ chức tiêm chủng; thực hành tiêm chủng, bảo quản vắc xin; quá trình phát hiện và xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng để cung cấp cho hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin xảy ra đối với 2 trường hợp trên.
Du lịch hè: Nhộn nhịp lên rừng, xuống biển, “xuất ngoại”
Ghi nhận trên báo SGGP, trong ngày 7/7, một số hãng lữ hành tại TP. HCM cho biết, các nhóm gia đình bắt đầu đi chơi nhiều hơn, nhưng mức chi tiêu có xu hướng tiết kiệm hơn những năm trước. Du khách quan tâm nhiều tới những điểm đến gần khu vực lưu trú, có thể di chuyển thuận lợi bằng đường bộ. Ví dụ, du khách TP. HCM sẽ ưu tiên lựa chọn các điểm đến như Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên, Đà Lạt hay khu vực ĐBSCL.
Các tour du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển đảo vẫn giữ vị trí chủ đạo trong các lựa chọn du lịch của khách hàng nội địa. Ngoài ra, các tour lẻ, tour thiết kế theo yêu cầu và đặt các dịch vụ từng phần (khách sạn, vé máy bay, thuê ô tô…) cũng có sự phân hóa rõ rệt theo hướng tiết kiệm hơn.
Bà Hoàng Tú Quyên, ngụ tại đường Trường Chinh (quận Tân Bình), chia sẻ, trong những tour du lịch của gia đình trong thời gian qua gặp khá đông khách người Việt du lịch đến Singapore hay Hàn Quốc, Nhật Bản. Một hướng dẫn viên chuyên tour đưa khách ra nước ngoài tại quận 1, TP. HCM tâm sự, “đây là mùa ăn nên làm ra” của nhiều hướng dẫn viên, vì rất nhiều khách Việt đi châu Á, châu Âu…
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nhận định, mùa hè này lượng khách Việt “xuất ngoại” tiếp tục tăng mạnh, điểm đến giàu sức hút là thị trường châu Á, Mỹ, châu Âu...
Khuyến mãi lớn, sức mua vẫn thấp
Sự kiện Shopping Season (mùa mua sắm) ở TP. HCM bắt đầu từ giữa tháng Sáu. Dù có nhiều nhóm hàng được các doanh nghiệp giảm giá đến một nửa nhưng người mua vẫn không nhiều.
Chia sẻ với báo Phụ Nữ TP, bà Phạm Thu Hằng (quận Phú Nhuận) cho biết, trước đây, mỗi khi chuẩn bị đi siêu thị, bà thường tìm hiểu xem những sản phẩm nào đang được giảm giá. Gần đây, thu nhập gia đình sụt giảm, bà chỉ chọn mua các sản phẩm cần thiết, không để ý tới các mặt hàng khác dù đang được khuyến mãi.
Tham gia đợt khuyến mãi tập trung, ông Lê Minh Sang - Giám đốc Hợp tác xã Cây hoa Tân Mỹ - thừa nhận, đơn vị giảm giá sản phẩm ở các siêu thị lớn nhưng không được người tiêu dùng quan tâm lắm: “Giảm giá từ đầu tháng Sáu nhưng tới nay, doanh số của chúng tôi chỉ tăng vài phần trăm. Ví dụ, bình quân mỗi tháng chúng tôi bán ra khoảng 10 tấn bưởi da xanh trên toàn hệ thống siêu thị Co.opmart thì nay, khi đã giảm giá, mức bán ra vẫn y nguyên”.
Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội DN TP. HCM (HUBA), có tới 64% DN ở TP. HCM cho biết gặp khó khăn do nhu cầu tiêu dùng suy giảm, 50% DN gặp khó khăn do thiếu các đơn hàng mới và 29% DN gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 16% DN gặp khó khăn do thiếu vốn kinh doanh. Do đó, DN phải tính toán lại các chi phí, bao gồm cả lương cho người lao động. Thu nhập của người tiêu dùng giảm khiến họ chi tiêu dè sẻn hơn và chỉ ưu tiên chọn mua những mặt hàng thực sự cần.
Tọa đàm “Giao thoa văn hóa âm nhạc truyền thống Nam Bộ”
Tối ngày 7/7, tại Đường Sách TP. HCM, CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Giá trị giao thoa văn hóa âm nhạc truyền thống Nam Bộ” cùng với nhiều tiết mục biểu diễn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nội dung trên báo Phụ Nữ TP.
Tại tọa đàm, các khách mời đã có những chia sẻ và bày tỏ quan điểm cũng như những kỷ niệm đặc biệt của mình trong quá trình tìm kiếm sự giao thoa văn hóa Đông-Tây, bàn luận về chủ đề “Nước trong văn hóa và âm nhạc”, vai trò của việc giao thoa âm nhạc trong việc tăng sức mạnh biểu cảm bài bản và sân khấu cải lương Nam Bộ, tiểu mục phân tích về đàn ghi-ta phím lõm và bài tân cổ giao duyên, phân tích vai trò của nhạc nền trong sân khấu cải lương và thị phạm hát chặp cải lương.
Thông qua buổi gặp gỡ và giao lưu chia sẻ, CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ mong muốn giới thiệu và vinh danh những giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống quý báu của vùng Nam bộ, đặc biệt là nghệ thuật đờn ca tài tử, tôn vinh những công lao của các nhà nghiên cứu, giảng dạy, biểu diễn âm nhạc truyền thống. Đồng thời, từ những hoạt động, CLB hi vọng góp phần trong công cuộc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống và nâng cao ý thức trong cộng đồng.
Hiện trạng cầu bộ hành tại các ga metro số 1 gần trung tâm TP.HCM
Theo ZNews, tuyến metro số 1 TP. HCM có chiều dài 19,7 km với 14 nhà ga gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Trong đó, có 9 ga trên cao được xây cầu bộ hành để phục người dân đi lại thuận tiện trong việc di chuyển bằng tàu metro. Cầu bộ hành của ga An Phú đã lộ hình dáng và có thiết kế khá đặc biệt. Cây cầu sẽ có 3 cầu thang lên xuống ở đường Võ Nguyên Giáp và đường song hành, dẫn thẳng vào nhà ga An Phú.
Cầu bộ hành của ga An Phú đã lộ hình dáng và có thiết kế khá đặc biệt.
Các cầu bộ hành được thiết kế hài hòa với cảnh quan xung quanh và kiến trúc của nhà ga metro trên cao. Kiến trúc mái vòm thép của cầu bộ hành tạo điểm nhấn cho cả tuyến metro trên cao.
Ghi nhận những ngày đầu tháng 7/2024, công nhân đang gấp rút thi công phần mái che của cầu bộ hành nhà ga An Phú.
Ga Thảo Điền cũng đang dần hình thành cầu bộ hành.
Tại nhà ga Thảo Điền, công nhân đang thi công phầm trụ cầu và cầu thang lên xuống, phần thân cầu mới lắp đặt được một nửa bắc ngang qua đường Võ Nguyên Giáp.
Cầu đi bộ tại ga Tân Cảng đã hoàn thiện và chờ đưa vào sử dụng. Một phía cầu bộ hành dẫn xuống cạnh cầu Sài Gòn, phía còn lại dẫn xuống vỉa hè đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh).
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)