Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. HCM ngày 9/7/2025
Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. HCM trên các báo ra ngày 9/7:
Người dân TP.HCM có thể đăng ký xe ô tô, xe máy tại 168 trụ sở công an
Trên báo Thanh Niên, Đại tá Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết, Công an TP đã chính thức triển khai việc phân cấp đăng ký xe ô tô, xe mô tô và xe máy chuyên dùng tại tất cả công an các phường, xã, đặc khu sau khi hoàn tất việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính.

Theo đó, từ ngày 1/7, cá nhân, tổ chức đang cư trú, có trụ sở tại TP.HCM có nhu cầu đăng ký xe ô tô, mô tô, xe máy chuyên dùng có thể được lựa chọn đăng ký xe tại Phòng CSGT và tất cả công an các phường, xã và đặc khu Côn Đảo.
Đối với xe trúng đấu giá biển số, cá nhân, tổ chức đang cư trú, có trụ sở tại TP.HCM ngoài việc được đăng ký tại TP, còn được đăng ký tại Phòng CSGT quản lý biển số xe trúng đấu giá đó.
Việc phân cấp này nhằm tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức trên địa bàn TP.HCM, giảm tải áp lực cho một số địa điểm tổ chức đăng ký xe của TP và tăng hiệu quả quản lý nhà nước về phương tiện giao thông.
Hiện nay, Công an TP.HCM đã hoàn tất công tác chuẩn bị, bao gồm: nhân lực, hệ thống máy móc, phần mềm kết nối dữ liệu… đảm bảo công khai, minh bạch và nhanh chóng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân.
Sau sáp nhập, TP.HCM tiếp nhận hơn 11 ngàn hồ sơ trong lĩnh vực đất đai
Báo Pháp Luật TP cho hay, Sở NN&MT TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình tiếp nhận hồ sơ các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền hai cấp.

Theo báo cáo, từ ngày 1 đến 5/7, các đơn vị phường, xã đã thực hiện tiếp nhận 278 hồ sơ trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận của Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ), từ ngày 1 đến 4/7, hệ thống VPĐKĐĐ TP vẫn tiếp nhận hồ sơ tại các điểm tiếp nhận và trả kết quả trước đây. Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận là 11.304 hồ sơ, trong đó có 675 hồ sơ trực tuyến và bốn hồ sơ phi địa giới hành chính.
Theo đánh giá của Sở NN&MT, về cơ bản, các cán bộ của 168 phường xã thuộc TP.HCM đã bước đầu thực hiện vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu địa chính phục vụ cho công tác quản lý đất đai của địa phương từ khâu tiếp nhận hồ sơ trên Dịch vụ công đồng bộ hồ sơ về hệ thống quản lý đất đai, liên thông thuế điện tử. Tuy nhiên, do một số cán bộ tại các xã, phường chưa nắm rõ các thao tác thực hiện trong phần mềm VBDLIS, các nội dung liên thông thuế điện tử theo chính quyền hai cấp nên còn lúng túng.
Sáp nhập Ban quản lý chợ Bến Thành, chợ Dân Sinh và chợ Thái Bình
Báo Tuổi Trẻ ghi nhận, sáng 8/7, phát biểu tại hội nghị giao ban các cơ sở Đảng, bà Hoàng Thị Tố Nga - Bí thư Đảng ủy phường Bến Thành - cho biết, phường Bến Thành được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường Bến Thành, phường Phạm Ngũ Lão, cùng một phần diện tích phường Cầu Ông Lãnh và phường Nguyễn Thái Bình của quận 1 cũ. Phường Bến Thành mới hiện có diện tích 1,7km2.

Địa giới phường Bến Thành mới gồm: phía đông bắc giáp phường Sài Gòn (ranh giới là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa); phía tây bắc giáp phường Bàn Cờ, phường Xuân Hòa (ranh giới là đường Nguyễn Thị Minh Khai); phía tây nam giáp phường Cầu Ông Lãnh (ranh giới là các đường Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Thái Học); phía đông nam giáp kênh Bến Nghé.
Nhiều địa danh nổi tiếng của quận 1 cũ hiện nằm trên địa bàn phường Bến Thành như chợ Bến Thành, phố Bùi Viện, Dinh Độc Lập, tòa nhà Hỏa Xa, cột cờ Thủ Ngữ…
Bà Nga cho biết nếu một số phường mới từ quận 1 cũ không có chợ thì phường Bến Thành có đến 3 chợ gồm: chợ Bến Thành, chợ Dân Sinh và chợ Thái Bình. Sắp tới phường sẽ sáp nhập 3 ban quản lý chợ này thành một, và đặt tên là Ban Quản lý chợ phường Bến Thành. Đồng thời nhanh chóng ổn định hoạt động của các chợ.
Rộng cửa vào lớp 10 công lập
Theo báo Tiền Phong, mùa tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 tại TP. HCM ghi nhận nhiều chuyển biến bất ngờ. Trái với cảnh “cháy chỗ” ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) hay trường tư thục trong những năm trước, năm nay, số lượng học sinh đăng ký học ở các đơn vị này sụt giảm mạnh. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh vào học lớp 10 tại các trường THPT công lập lại tăng cao.

Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa), ông Lưu Thanh Tòng - Giám đốc trung tâm - cho biết đơn vị chỉ tuyển 8 lớp 10 với 360 học sinh, giảm gần một nửa so với con số 640 chỉ tiêu của năm ngoái. Những năm trước, trung tâm “cháy chỗ” chỉ sau vài ngày tuyển sinh, nhưng năm nay phải kéo dài đến đầu tháng 7 mới đủ chỉ tiêu.
Theo ông Tòng, quy mô tuyển sinh năm nay giảm vì phải phù hợp với cơ cấu giáo viên từng bộ môn; cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học và phòng học hiện có của trung tâm. Một tín hiệu tích cực là nhiều phụ huynh đã chủ động đăng ký cho con theo học nghề sau THCS, phần nào nhờ chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định 81. Tuy nhiên, nhìn chung, sự sụt giảm lượng hồ sơ tại các trung tâm GDTX cho thấy một thực tế học sinh và phụ huynh vẫn ưu tiên các trường công lập nếu còn cơ hội.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều trường tư thục trên địa bàn TP. TS Phạm Hồng Danh - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Viễn thông tin: Số học sinh dự tuyển năm nay giảm đáng kể, một phần vì các em vào học lớp 10 năm nay thuộc tuổi Dần, số lượng ít hơn những năm trước, dẫn tới quy mô học sinh lớp 9 thấp hơn chu kỳ thông thường.
Người dân mong mỏi được tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm y tế
Trên 1.700 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện và hơn 52.000 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu trước đây được hỗ trợ mức đóng vừa hết hiệu lực sau khi sáp nhập với TPHCM. BHXH khu vực XXVII khuyến nghị trong thời gian chờ đợi chủ trương mới của HĐND TPHCM, người dân cần chủ động tự đóng, tiếp tục tham gia để đảm bảo quyền lợi của mình được liên tục. Nội dung trên báo SGGP.

Đến phường Tam Long để mua thẻ BHYT, ông Lê Văn Ba (ngụ phường Tam Long, TPHCM) cho biết bản thân bị bệnh nền nhưng khi thẻ BHYT dừng hỗ trợ từ 1-7, trước mắt ông Ba chủ động mua 3 tháng BHYT để giảm gánh nặng khám chữa bệnh trong khi chờ chính sách mới.
Còn với bà Dương Thị Tèo, chuyên bán bánh mì tại xã Long Điền thì khoản chi phí mua thẻ BHYT khá lớn so với thu nhập ít ỏi của bà. Bà Dương Thị Tèo bày tỏ: “Từ 8-2024, tôi được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao thẻ BHYT miễn phí giúp tôi thuận tiện khi đi khám chữa bệnh. Tôi mong khi trở thành công dân TPHCM sẽ tiếp tục được hỗ trợ”.
Theo BHXH khu vực XXVII, để đảm bảo quyền lợi cho người dân trên địa bàn khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, BHXH khu vực XXVII đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây chỉ đạo các sở, ban ngành và các cơ quan đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn tất việc chuyển kinh phí hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện và cấp các nhóm đối tượng tham gia BHYT nêu trên gồm 1.722 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng; 52.205 người tham gia BHYT với số tiền hơn 32 tỷ đồng.
Mặt khác, đại diện BHXH Khu vực XXVII cho biết đã đề nghị UBND TPHCM trình HĐND TPHCM tiếp tục có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT có lợi nhất cho người dân trên địa bàn 3 tỉnh thành (cũ).
Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng nhiều hơn đại học
Theo báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm của Trung tâm dịch vụ việc làm TP. HCM (Sở Nội vụ TP. HCM), nhu cầu tuyển dụng lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật phân hóa khá cao. Tin trên báo Phụ Nữ TP.

Trong đó, nhu cầu tuyển dụng công nhân kỹ thuật không bằng cấp chiếm tỉ lệ cao nhất với 33,64%; chứng chỉ nghề ngắn hạn dưới 3 tháng đứng thứ hai với 20,81%. Nhu cầu tuyển dụng với lao động có trình độ cao đẳng đứng thứ ba với 15,97%, cao hơn nhiều so với nhu cầu tuyển dụng trình độ bậc đại học là 12,34%; trung cấp là 9,69%, sơ cấp nghề 3-12 tháng là 7,54%.
Trong tháng 6/2025, thống kê nhu cầu người tìm việc - việc tìm người trên cổng thông tin việc làm thành phố theo tiêu chí 27 ngành nghề, thì nhu cầu người tìm việc ở nhóm lao động phổ thông cao nhất với 35,32%; da giầy, may mặc đứng thứ hai với 11,26%; tiếp đó là kỹ thuật, cơ khí với 7,27%; khách sạn, dịch vụ, du lịch là 5,7%. Còn nhu cầu việc tìm người ở nhóm lao động phổ thông chiếm tới 59,85%; nhóm thực phẩm, đồ uống là 11,45%; da giầy, may mặc là 8,08%...
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm dịch vụ việc làm TP. HCM đã thực hiện tiếp nhận 2.690 lượt doanh nghiệp thông báo tuyển dụng lao động Việt Nam (lao động chất lượng cao) vào các vị trí dự kiến tuyển dụng lao động người nước ngoài theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP ngày 18/09/2023 của Chính phủ với 11.971 vị trí tuyển dụng.
Ra mắt sách chuyên khảo về sân khấu cải lương TP HCM 50 năm qua
Báo Người Lao Động đưa tin, sáng 8/7, Hội Sân khấu TP HCM đã ra mắt tập sách chuyên khảo "Sân khấu cải lương TP. HCM giai đoạn 1975 - 2025" nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Trong buổi ra mắt sách, khán giả và bạn đọc đã được tiếp cận tập sách gồm 81 bài viết của hơn 50 tác giả là các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, đạo diễn, nhà phê bình - những người đã sống và sáng tạo cùng cải lương qua nhiều giai đoạn. Sách do Hội Sân khấu TP. HCM chủ trì thực hiện, NSND Trần Minh Ngọc và NSND Trần Ngọc Giàu đồng chủ biên.
Phát biểu tại sự kiện, NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ: "Đây là một công trình tập thể, là tâm huyết của cả một đời nghệ sĩ, của những người làm nghề và yêu nghề. Chúng tôi mong muốn ghi lại một cách kịp thời những dấu mốc, những đóng góp thầm lặng lẫn vang dội của nghệ sĩ cải lương TP. HCM, để thế hệ mai sau có thể kế thừa và phát triển".
Tập sách được chia thành 4 phần, gồm: Sân khấu cải lương TP. HCM nhìn lại một chặng đường; Nghệ thuật dàn dựng và biểu diễn; Thành phần sáng tạo trong sân khấu cải lương; Nghệ sĩ và bài học quý trong diễn xuất.